JIGME RINPOCHE
Trích: Sống Hài Hòa Với Cảm Xúc (Working With The Emotions) ; Người Dịch: Hoàng Lan; NXB Thế Giới
Ba Điểm Quan Trọng
Với câu hỏi: Cái gì là điều quan trọng mà tôi phải học và thành tựu?, đây là câu trả lời của người Tạng:
- “Điều quan trọng nhất là không làm hại chúng sinh đang sống;
- Cố gắng giúp đỡ người khác và trở nên hữu dụng;
- Và học cách sống hài hoà với tâm của mình.”
Tôi không thể truyền tải ý nghĩa của những từ này trọn vẹn như trong tiếng Tạng nhưng tôi sẽ cố gắng giải thích ý nghĩa của chúng. Chúng có nghĩa là chúng ta không nên làm điều gì có hại cho chúng sinh khác, nếu không, chúng ta sẽ phải chịu đau khổ bởi những hậu quả tiêu cực. Thay vào đó, chúng ta nên tích luỹ và phát triển những điều kiện tích cực bằng cách giúp đỡ người khác. Chúng ta cũng phải học cách sống hài hoà với tâm mình. Hiện tại, chúng ta không biết làm sao để làm những điều tốt. Chúng ta đã quá quen với những chuyện tiêu cực do không biết phải làm gì. Nếu biết, chúng ta sẽ chọn cách hành xử tích cực.
Rèn luyện tâm thức là một quá trình thay đổi từ từ. Đầu tiên, chúng ta phải biết những điều gì khiến mình bị phân tâm và làm phiền. Chúng chủ yếu là những cảm xúc của chúng ta những nguyên nhân của cảm xúc nếu muốn nói một cách cụ thể hơn. Không đánh giá bản thân, nhưng hãy tìm xem chúng ta cảm nhận và suy nghĩ như thế nào. Thậm chí ngay cả khi chúng ta không cảm thấy ổn, đừng xua đuổi cảm xúc này ngay lập tức. Chúng ta phải xem xét nó một cách kỹ lưỡng để có thể sống hài hòa với nó. Nếu chúng ta không nhìn thấy những tiêu cực, chúng ta không thể làm được gì cả và như thế những hậu quả xấu sẽ chắc chắn đến với chúng ta.
Vấn đề chính là sự chấp ngã, nguồn gốc căn bản nhất của tất cả mọi nguyên nhân của cảm xúc. Chúng ta không thể cho rằng nó là xấu vì đây chính là hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Sự bám víu vào một bản ngã này không tốt cũng không xấu. Nó chỉ là cách chúng ta trải nghiệm về mình như là một thực thể sống tách biệt với tất cả những điều kiện đi kèm với nó. Sự chấp ngã này đến do tâm bối rối và vô minh. Nó là sự bám víu căn bản tạo lên sinh tử luân hồi. Giống như là chúng ta vừa mới đi ra từ bãi bùn, bàn chân lấm lem của chúng ta để lại dấu tích bất cứ chỗ nào chúng ta đi lên. Tương tự như vậy, chúng ta không muốn đau khổ nhưng chúng ta lại cứ tự mình kéo dài mãi những nguyên nhân của khổ đau. Phật Pháp chỉ cho chúng ta giải pháp để thay đổi toàn bộ. Nhưng cho tới khi chúng ta giác ngộ, chấp ngã luôn đồng hành với chúng ta trên suốt cả con đường.
Chấp ngã tạo lên những nguyên nhân của khổ đau như là tham muốn, bám víu, tự cao, ghen tị và ghét bỏ. Theo một góc độ nào đó, chúng giống như là một phần của tiềm năng căn bản của chúng ta. Chúng ta không thật sự nhận biết được những tác động của chúng lên chúng ta. Ai cũng cho rằng cảm thấy tự hào hoặc ghen tị là điều bình thường. Đương nhiên, những cảm xúc này là một phần của bản chất con người. Vấn đề là nó cũng thường khiến chúng ta hành xử một cách tiêu cực, và từ đó, tạo lên nhiều đau khổ cho tất cả. Chúng ta không thể chạy trốn khỏi những hậu quả của những hành động của chính mình. Tất cả đều phải theo luật Nhân Quả. Thay đổi đến theo hành động và kết quả. Thay đổi là không thể ép buộc. Chúng ta tiếp tục thực hành từng chút, từng chút một. Không có con đường nào khác.
CỐ GẮNG ĐỪNG BÓP MÉO
Những nguyên nhân của cảm xúc là tâm của chúng ta do đó chỉ có chúng ta mới hiểu được chúng. Sự hiểu biết này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và bình an. Nếu chúng ta bình an, chúng ta sẽ nhìn thấy những trạng thái không ngừng đánh giá và giàu cảm xúc mà chúng ta trải qua. Để bắt đầu, những cảm xúc ghét bỏ và tham muốn là dễ nhận biết nhất. Nếu chú ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy những kiểu nguyên nhân của cảm xúc khác bắt nguồn từ chúng. Hãy cố gắng nhìn xem những nguyên nhân này tác động lên chúng ta như thế nào. Chúng ta có thể nhận thấy, ví dụ như, chúng ta có mong muốn là chúng ta phải là người đúng. Và kết quả là chúng ta có khuynh hướng luôn luôn bóp méo. Chúng ta bóp méo quan điểm của chính mình hoặc những sự thật có liên quan để chúng thành phù hợp với cảm xúc của chúng ta, để từ đó, chúng ta cảm thấy mình đúng. Phần nhiều thì chúng ta không nhận biết được việc đang làm. Ví dụ như, ngay lập tức khi chúng ta cảm thấy rằng mình có thể sai, đồng thời, chúng ta bóp méo tất cả những gì có thể giúp chúng ta biểu hiện là mình đúng và người khác sai. Những đánh giá bên trong chúng ta là rất là vi tế. Chúng ta cố gắng nhìn xem mình làm điều này như thế nào. Những sự bóp méo vi tế này phá rối chúng ta, làm chúng ta không hạnh phúc. Sự vật hiện tượng trở nên phức tạp hơn thực tế. Và nó cũng khiến chúng ta nhìn người khác bằng con mắt tiêu cực hơn.
Thực tế là, để sống hài hoà với tâm nghĩa là buông bỏ và không bóp méo. Nó có nghĩa là không bóp méo quan điểm của mình. Chúng ta có thể quan sát khi chúng ta có những tranh luận bình thường với một ai đó. Thậm chí khi chúng ta không chắc chắn, chúng ta cố gắng kéo những luận điểm vào để chúng ta có vẻ như là đúng. Đương nhiên, khi chúng ta làm việc với mọi người hoặc khi cố gắng giải quyết các vấn đề, chúng ta cần phải trao đổi, giải thích rõ ràng trong truyền thông. Nhưng tại đây, tôi đang nói đến những cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt hàng ngày.
Nếu chú tâm hơn, chúng ta sẽ thấy những phản ứng của mình khi đối diện với những mâu thuẫn nhỏ. Khi nhìn thấy những đánh giá nội tâm của mình, chúng ta sẽ biết phải làm gì. Chúng ta không thể dừng chúng lại ngay lập tức. Càng quen thuộc với những kiểu của mình thì chúng ta càng ít bị chúng ảnh hưởng. Chúng ta sẽ hiểu rằng bóp méo là có hại. Một cách tự nhiên, khi không thể ngăn mình lại lúc ban đầu, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu có như vậy, hãy cố gắng nhìn rõ hơn. Tính sáng tỏ sẽ đến với chúng ta, từng bước một.
Một lần nữa, chúng ta cần phải có tình yêu thương và tâm từ bi. Chúng ta phải có hiểu biết đúng đắn về nhân quả và khổ đau. Điều này là nền tảng căn bản. Nếu không, chúng ta sẽ không chấp nhận mong muốn thay đổi hiện tại của mình. Ví dụ như lấy việc không làm hại côn trùng như là muỗi, kiến, ruồi và nhện. Khi chúng được xem như là thú vật thì việc giết hại chúng có vẻ như là chính đáng. Nhưng nếu chúng ta nhận ra chúng cũng là những sinh vật sống, giống như chúng ta, thì những ác cảm của chúng ta dành cho chúng ít đi. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thích chúng. Chúng ta hiểu rằng chúng phải chịu những điều kiện sống của côn trùng cũng như chúng ta phải chịu những điều kiện sống của con người. Sinh vật nào cũng tham sống cả. Khi những hiểu biết như thế này hiện lên, một cách tự nhiên là mong muốn làm hại chúng biến mất. Một thay đổi đã xảy ra trong chúng ta. Tương tự áp dụng cho những bóp méo bên trong chúng ta. Những thay đổi trong quan điểm của chúng ta diễn ra từ từ. Chúng ta không ngay lập tức áp dụng một cái nhìn khác hoàn toàn, ngay cả khi chúng ta muốn thế. Chẳng có phép màu nào ở đây cả.