NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Trích: Con Người Toàn Diện Và Tự Do; NXB Thiện Tri Thức, 2017
Tăng già đã đồng hành với lịch sử nhân loại hơn 2.500 năm, với riêng lịch sử Việt Nam cũng đã 2.000 năm. Ngẫm nghĩ lại, đó là con số làm cho chúng ta giật mình. Hai đời Lý–Trần tự hào và đáng chiêm ngưỡng kéo dài được gần 400 năm. Đời Lê, một thời đại phát triển cực thịnh, cũng chỉ kéo dài khoảng 100 năm. Sau đó là nhà Mạc, rồi Trịnh–Nguyễn phân tranh. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, mới được hơn 50 năm thì người Pháp đến. Lần đầu tiên nước ta tiếp xúc và tiếp nhận Tây phương, văn minh nông nghiệp tiếp xúc với văn minh công nghiệp. Và bây giờ là làn sóng văn minh thứ ba, văn minh công nghiệp.
Những thời đại qua đi, tăng già còn lại
Nhưng thời đại có biến đổi, tiến hóa rồi trôi qua, thời đại mới sẽ tới, tấm y vàng của Tăng già vẫn không đổi, dù chất liệu vải đã khác xưa. Trong thời đại khi nghĩ về sự hiện hữu của Tăng già, chúng ta có thể có vài cảm nghĩ sơ bộ:
1. Sự hiện diện của Tăng già dù chỉ ở mức độ hình tướng bên ngoài, vẫn là biểu tượng cho sự thanh tịnh, không bị trói buộc lệ thuộc, luôn luôn ở ngoài mọi dòng chảy của lịch sử, mọi xu hướng nhất thời của cuộc sống, biểu tượng cho ý chí tự lập, tự tại, sự đoàn kết, dân chủ, vô ngã – vị tha, trí tuệ – từ bi, hi sinh, nhẫn nhục… . Đó là những giá trị mang tính toàn nhân loại, không riêng gì Phật giáo.
Cho nên, dù chỉ ở mặt hình thức, chưa kể đến nội dung, Tăng già tượng trưng cho một xã hội lý tưởng hòa hợp thánh thiện, một thành quốc không ô nhiễm giữa lòng một xã hội đa nguyên, đa hướng và có phần tạp loạn của thời hiện đại. Chính tính cách vừa ở trong đời vừa hoàn toàn ở ngoài đời này, một tính chất của Trung đạo, đã làm cho đạo Phật hoàn thành được sứ mạng của mình mà không mất đi bản chất.
2. Bổn phận Tăng già là bảo tồn và phát huy những gì là cốt lõi đạo Phật, chúng là lý do hiện hữu của Phật giáo ở đời. Sự bảo tồn và phát huy này không phải là cho Tăng già mà cho toàn thể mọi người cần biết đến và cần trải nghiệm để hoàn thiện chính mình, để đi trên con đường chân thiện mỹ. Đây là điều chúng ta vẫn thường nói là khế lý và khế cơ. Khế lý là Tăng già khế hợp, thể nghiệm được chân lý và khế cơ là ứng hợp với căn cơ của con người thời đại.
Ít nhất, người tu sĩ hiểu biết kinh điển về mặt lý thuyết, có thể giảng nói, giải đáp cho người khác những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, những thực hành sơ bộ đơn giản để người khác tìm hiểu bước đi trên con đường Phật giáo, cử hành những buổi lễ cầu cho người khác khi sống cũng như khi chết. Người tu sĩ phải là người bạn đồng hành với người đời, trải qua cái sống và cái chết, hay nói như kinh điển “người theo Bồ tát hạnh là người bạn không mời mà đến”. Ở mức độ cao hơn, người tu sĩ có những thể nghiệm về những pháp môn thực hành và có thể chỉ dạy lại cho người khác để họ có thể thể nghiệm những giá trị cốt lõi của Phật giáo. Như vậy, Tăng già giữ gìn và phát huy con đường Phật giáo ở nơi con người. Con đường đó, Bốn chân lý cao cả (Tứ đế) chẳng hạn, không đưa đến sự cao cả, sự toàn thiện, ánh sáng vinh quang cho Phật giáo, mà cho chính con người, cho chính người nào thực hành nó một cách đầy đủ. Tăng già càng ngày càng thiện xảo (khéo léo) với những phương tiện để làm lợi cho người đồng thời cho chính mình.
Đạo Phật không phải là một con đường tĩnh tại, nhất thành bất biến, mà là bất biến tùy duyên. Chính nhờ năng lực giữ gìn và phát huy của Tăng già, đó là một con đường luôn luôn vận động cùng lịch sử và xuyên qua lịch sử, nghĩa là hướng dẫn được lịch sử. Chính trong sự nghiệp này của Tăng già mà đạo Phật luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp cho dân tộc những giá trị sống quý báu chung nhất cho toàn thể nhân loại.
3. Giáo hội Tăng già không phải là một hệ thống hành chánh khô cứng của đời thường. Đó là một sự sống tỏa khắp các phương hướng được cấu thành bằng những cá nhân Tăng đơn lẻ. Đó là một xã hội thu nhỏ liên hệ với nhau – những liên hệ ít nhiều vô hình – bằng giới luật, nghĩa là bằng sự tôn trọng con người trong đó có cá nhân mình, cả quá khứ và tương lai của họ, tôn trọng mọi sự sống của thiên nhiên, tôn trọng quốc gia mình và mọi quốc gia. Ngay thời Đức Phật đã như vậy, và ở nước ta, khi Giáo hội là một tổ chức rõ ràng như ở đời Trần, hay tan hòa trong quần chúng ở những đời sau, thì đoàn thể Tăng già vẫn sống dù khi hiển khi ẩn.
Sức mạnh, sinh lực của Tăng già có nguồn nơi Bi – Trí – Dũng, nghĩa là ở nơi sự thực hành nghiêm mật con đường Phật giáo. Năng lực thực hành Phật giáo của Tăng già là một động lực thanh tịnh (không phải là một động lực mù quáng của tham, sân, si, đố kị, kiêu mạn…) đóng góp rất lớn vào sự phát triển lành mạnh của dân tộc. Năng lực đó phát xuất từ những giá trị đã được trở thành hiện thực: trí tuệ, từ bi, giải thoát, hạnh nguyện, phước đức… Thế nên, khi những vị Tăng đạo cao đức trọng lìa đời thì đây là một mất mát lớn cho quốc gia. Và nếu nghĩ đến một ngày nào không còn Tăng già, với cảm nghĩ của người viết, điều đó còn đáng sợ và khủng khiếp hơn cả sự tận thế.
4. Mỗi khi nhớ tới Tăng già, lòng chúng ta dâng trào một niềm hân hoan hy vọng. Bởi vì Tăng già không chỉ là Tăng già quá khứ, không chỉ là Tăng già hiện tại mà còn là Tăng già tương lai.
Tăng già là cây cầu nối, là con đường nối kết với tương lai, đưa đến Đức Phật tương lai, Đức Phật Di Lặc. Dù cây cầu nối đó, con đường đó có những đoạn hư hỏng gập ghềnh như lịch sử đã từng cho thấy thì cây cầu ấy, con đường ấy vẫn nối với tương lai, với thời đại huy hoàng của Phật Di Lặc. Tăng già là sự trung gian giữa Đức Phật Thích Ca quá khứ và Đức Di Lặc tương lai. Dù theo các nhà luận giải, thì bây giờ là thời mạt pháp, ánh đèn Phật pháp sáng ngời thời Chánh pháp của Đức Thích Ca đã ở sau lưng, nhưng chính vì thế mà dù cho Tăng già có chỉ là những ngọn đèn nhỏ leo lét đi nữa, thì sự có mặt ấy cũng quý giá biết chừng nào. Sau thời Đức Thích Ca, không hiếm những giai đoạn ngắn mà Phật pháp chỉ là những ngọn đèn leo lét như vậy. Nhưng vào lúc này, tôi thực sự không tin mình đang sống trong một giai đoạn như vậy khi nhìn vào sự phát triển của Phật giáo hiện nay trên thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, những nước đang đi tiên phong của nền văn minh đương đại. Tôi tin rằng, Bốn chúng chúng ta đang ở giai đoạn trung gian của Đức Thích Ca và Đức Di Lặc, nghĩa là chúng ta có ánh sáng của Đức Thích Ca phía sau, những ngọn đèn của Tăng già hiện tại, và chúng ta cũng có được ánh sáng của Đức Di Lặc phía trước, dù rất xa, có xa bao nhiêu đi nữa.
Trong cái nhìn này, Tăng già là tất cả niềm hi vọng, vì dẫn chúng ta đến tương lai, đến ánh sáng của một thời chánh pháp mới.
Với những cảm nghĩ trên, cả đời tôi là một sự kính lễ Tăng già.