CẢM XÚC CÓ TÍNH LAN TRUYỀN

KHƯƠNG NGUY

Trích: Tâm Lý Học Hành Vi; Phi Tường dịch; NXB Hà Nội, Mintbooks.

Khắc phục nỗi sợ bằng sức mạnh đến từ hoàn cảnh

Người ta nói rằng ngáp cũng có thể lây. Xem ra môi trường tập thể đúng là có một sức mạnh đặc biệt, phải chăng chúng ta cũng có thể mượn sự lan truyền phản ứng này để khắc phục những tác động xấu mà nỗi sợ ảnh hưởng lên cuộc sống?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua tình huống sau đây: trong bầu không khí tang thương những người xung quanh đều cúi đầu rơi nước mắt, lúc này bản thân cũng bất chợt dâng trào cảm xúc buồn đau; hoặc khi quây quần cùng gia đình, ai ai cũng cười nói vui vẻ, thì dù có là vẻ mặt bực dọc cau có đến mấy cũng dần dần giãn ra, để lộ nét cười thoải mái. Vậy mới nói, vì ta là một phần của xã hội, nên cảm xúc của ta cũng có tính lan truyền.

Khả năng của người trưởng thành trong việc loại bỏ cảm xúc sợ hãi ở trẻ nhỏ là có hạn, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể dựa vào sức mạnh đến từ ngoại cảnh để giúp những đứa trẻ xóa đi bóng đen sợ hãi. Suy cho cùng, phần lớn cơ hội để những đứa trẻ kết giao bạn bè vẫn đến từ môi trường ngoài gia đình như trường lớp hoặc các câu lạc bộ. Nếu trong một tập thể, cảm xúc sợ hãi của một đứa trẻ có thể lan truyền cho những đứa trẻ khác, vậy tại sao không tìm cách để lòng dũng cảm và tự tin cũng lan truyền theo cách tương tự, giúp những đứa trẻ trong tập thể đó xua tan nỗi sợ cho nhau? Tất nhiên, để áp dụng cách làm này, ta cũng cần chú ý về phương pháp cụ thể.

Sau đây, chúng ta cùng theo dõi trải nghiệm của những đứa trẻ trong cuộc thực nghiệm của Watson.

Cuộc thực nghiệm đầu tiên:

Cậu bé Arthur bốn tuổi đang chơi đùa bên hàng rào thì nhìn thấy vài chú ếch xanh nhảy qua nhảy lại trong ao cá, cậu lập tức òa khóc, vừa chạy vừa mếu máo, “Ếch kêu, ếch kêu!” Tiếp đó, người ta đưa cậu vào một căn phòng, trong đó có bốn cậu bé và một con ếch xanh. Arthur vừa nhìn thấy con ếch liền sợ đến mức đứng không vững, vội vã chạy về phía bốn cậu bé kia. Đối với cậu lúc này, bốn đứa trẻ ấy không khác nào tấm lá chắn bảo vệ. Bất ngờ, một trong số bốn cậu bé với tay chụp lấy con ếch và quay lại đưa nó về phía Arthur. Arthur sợ hãi bỏ chạy, bốn đứa trẻ liền bắt đầu cười nhạo, vừa cầm con ếch vừa đuổi theo Arthur. Cách này hoàn toàn không khiến cho nỗi sợ trong Arthur thuyên giảm chút nào.

Dễ thấy, áp dụng phương pháp trên để loại bỏ cảm xúc sợ hãi là cách làm không phù hợp, không những không thể khiến Arthur bớt sợ ếch hơn, ngược lại còn khơi dậy phản ứng tiêu cực của cậu bé đối với xã hội – là chạy trốn.

Cuộc thực nghiệm thứ hai:

Ba đứa trẻ Bobby, Mary, Laurier đang vui vẻ chơi đùa trong hàng rào, người làm thí nghiệm liền mang tới một chiếc lồng, bên trong là một con thỏ. Bobby vừa thấy con thỏ liền bắt đầu khóc, miệng không ngừng lặp lại “Không, con không thích!”, cậu bé muốn người lớn mang con thỏ đi. Trái ngược với cậu bé này, Mary và Laurier nhìn thấy con thỏ thì tỏ ra vô cùng hứng thú, hai cô bé phấn khởi chạy đến vây quanh chiếc lồng và nói chuyện với nó. Nhìn thấy bạn mình vui vẻ như thế, cậu bé Bobby đang hoảng sợ cũng bắt đầu thấy tò mò. Cậu từ từ tiến lại gần, vừa nghe hai cô bé ríu rít trò chuyện vừa hỏi, “Các cậu đang nói gì đấy, cho tớ xem với nào!” Lúc này, sự tò mò và lòng tự tin đã phát huy tác dụng. Bằng một cách thần kỳ, chúng đã khắc chế phần nào phản ứng sợ hãi nơi cậu bé Bobby.

Bobby tiếp nhận ảnh hưởng từ hoàn cảnh bên ngoài nên có thể khắc phục được nỗi sợ. Tuy nhiên, trong thực nghiệm thứ ba dưới đây, phản ứng của cậu bé Vincent lại hoàn toàn trái ngược. 

Ban đầu, Vincent vốn không hề sợ thỏ, dù có đưa bàn chân thỏ tới sát mặt, cậu cũng không tỏ ra dù chỉ một chút kinh hãi, thậm chí vừa cười khúc khích vừa muốn được “bắt tay” với con thỏ. Ngày hôm đó, cậu cùng Lucy chơi đùa trong hàng rào, khi người ta đưa thỏ đến, Lucy sợ hãi khóc thét lên đòi mọi người mang thỏ đi. Kết quả, trong bầu không khí này, cậu bé Vincent dường như cũng dần bị ảnh hưởng: chắc hẳn con thỏ này cũng có chỗ đáng sợ, nếu không Lucy tại sao lại bị dọa đến mức như thế chứ?

Dù Vincent không thể hiện ra rõ ràng, nhưng việc Lucy vừa nhìn thấy thỏ liền khóc thét đã gây ra một kiểu tác dụng giống như “cảnh báo” cho cậu bé. Cứ như vậy sau hai tuần, người ta đưa cậu tới một khu vui chơi khác, nơi Herbert và Elie đang vui vẻ đùa giỡn cùng một con thỏ. Lúc này, cậu bé Vincent không còn chủ động tiến lại gần con thỏ như ban đầu nữa mà chỉ bất động đứng nhìn từ xa, ánh mắt lộ rõ vẻ cảnh giác. Elie thấy vậy bèn kéo tay Vincent tới gần con thỏ hơn, còn cầm tay cậu bé để cậu chạm vào bộ lông mềm mượt của nó, bấy giờ trên gương mặt Vincent mới để lộ nét cười.

Từ biểu hiện của những đứa trẻ trong các cuộc thực nghiệm trên, ta có thể thấy: nếu đặt trong môi trường tập thể, chắc chắn sẽ xuất hiện sự lan truyền cảm xúc giữa những đứa trẻ từng có phản ứng sợ hãi và những đứa trẻ không có phản ứng sợ hãi. Do đó, tận dụng hiện tượng này để loại bỏ nỗi sợ cũng có thể xem như một ý tưởng hữu ích.

 Quan sát và suy đoán

“Để tôi nói cho cậu nghe một bí mật” rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Có lẽ bạn từng gặp những người như thế này, bất luận là kể chuyện gì với bạn, họ cũng đều tỏ vẻ thần bí, “Để tôi nói cho cậu nghe một bí mật…” rồi mới bắt đầu đi vào nội dung chính. Cách mở đầu này khiến bạn cảm thấy câu chuyện đó hẳn là rất nghiêm trọng.

Sau khi đối phương nói câu này, sự tò mò trong bạn được kích thích, từ đó sẽ cảm thấy mong chờ câu chuyện mình sắp được nghe. Tất nhiên, ma lực của câu nói này nằm ở chỗ nó cũng bao hàm cả ý nghĩa “Bởi vì bạn đặc biệt quan trọng nên tôi mới nói cho bạn biết”. Trong khi đó, con người dường như không thể kháng cự lại sức hút của những từ ngữ như “đặc biệt”, “duy nhất” … bởi chúng khiến lòng tự tôn trong ta được thỏa mãn, khiến ta cảm giác như được đối xử theo cách khác biệt và tôn trọng.

Ngoài ra, câu nói này còn mang một tầng ý nghĩa nữa: “Bây giờ đến lượt bạn rồi đó.” Hay nói cách khác là “Tôi đã nói cho bạn nghe thông tin quan trọng nhất rồi, giờ đến lượt bạn nói cho tôi nghe.

Bình luận


Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH