JETSUNMA TENZIN PALMO
Trích: “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”.
Tựa như bầu trời có cả những đám mây đen và mây trắng che phủ, Căn Bản Trí của chúng ta bị các ý niệm vọng tưởng và những xúc tình phiền não che ám. Song, những vọng tưởng và xúc tình phiền não đó là một phần của tâm tỉnh thức và thuộc về bản chất của nhận thức – tựa như những con sóng là bản chất của đại dương. Nếu không có sự tỉnh thức, chúng ta sẽ không thể nhận thức được. Do đó chúng ta không thể nhận ra được bản chất thực sự của mình và không phân biệt được các hình thức tư tưởng và cảm thọ.
Theo quan kiến của đạo Phật, tất cả chúng ta đều điên đảo, vọng tưởng. Tâm chúng ta bị ba yếu tố tiêu cực tam độc: tham, sân, si chi phối. Do tâm chưa được thuần dưỡng, chúng ta bị dằn vặt với những tình cảm, suy nghĩ, ký ức, ý thích kỳ quặc và những định kiến tựa như một chiếc chai bị sóng biển đánh tung lên rồi lại dìm xuống. Chẳng những không kiểm soát và làm chủ được tâm và số phận, chúng ta luôn là những nô lệ của những xúc tình tiêu cực như những điều chúng ta yêu thích và ghét bỏ, những sự ép buộc và những khuynh hướng tiềm ẩn bên trong. Chúng ta chịu sự chi phối của những động lực và đam mê nằm trong tiềm thức và những động lực và đam mê này thường độc đoán, hung bạo. Lẽ dĩ nhiên là chúng ta có những phẩm chất tâm tích cực thường được gọi là vô si (hiểu biết), vô tham (bố thí và biết đủ), và vô sân (tình yêu thương và lòng bi mẫn) mà chúng ta cần phải thực hành để chứng ngộ, trân trọng và trưởng dưỡng.
Khi chúng ta càng nô lệ cho tham và sân bao nhiêu thì chúng càng lớn mạnh và gốc rễ càng ăn sâu bấy nhiêu
Một lần khi tôi đang nhập thất trong hang đá, tôi quyết định mở lối đi ở khu đất dốc bậc thang phía bên ngoài làm bằng đất nện. Ở một vài nơi có những bụi hoa nhỏ xíu xinh xắn bắt đầu nở rộ. Tôi đã nhận ra rằng để đặt những tảng đá lát đường cần phải nhổ toàn bộ rễ của những khóm hoa đó, nếu không chúng sẽ mọc trở lại và dịch chuyển vị trí của những tảng đá lát đường. Do vậy, tôi bắt đầu đào xuống để tìm tận cùng gốc rễ của những khóm hoa. Hóa ra những gốc rễ này rất to và nằm lan tỏa ra mọi hướng dưới đất và dài từ mười đến mười lăm mét cho đến tận sát rìa của khu đất dốc bậc thang. Dưới đất có một mạng lưới rộng lớn các gốc rễ bám chặt, vẻ bề ngoài của những gốc rễ này trông rất đẹp và vô hại.
Cũng tương tự như vậy, những điều chúng ta yêu thích và không yêu thích thường tỏ ra vô hại, thậm chí còn rất quyến rũ, song thực ra những điều đó xuất phát từ gốc rễ sâu xa là lòng tham ái và sân giận của chúng ta; và nếu chưa được kiểm chứng, chúng vẫn sẽ tiếp tục lan rộng ra và sâu hơn. Nằm phía bên dưới mạng lưới tiềm thức này là vô minh căn bản của chúng ta, sự thiếu hiểu biết chân chính về sự hiện tồn chắc thật của vạn pháp, niềm tin kiên cố của chúng ta vào một bản ngã có thật và độc lập.
Không có trí tuệ tỉnh thức, chúng ta sẽ không nhận biết được bản chất chân thật của tâm và pháp
Điều tốt lành là bản tính căn bản của chúng ta là trí tuệ, tình yêu thương và sự thanh tịnh! Tựa như bầu trời có cả những đám mây đen và mây trắng che phủ, Căn Bản Trí của chúng ta bị các ý niệm vọng tưởng và những xúc tình phiền não che ám. Song, những vọng tưởng và xúc tình phiền não đó là một phần của tâm tỉnh thức và thuộc về bản chất của nhận thức – tựa như những con sóng là bản chất của đại dương. Nếu không có sự tỉnh thức, chúng ta sẽ không thể nhận thức được, và do đó chúng ta không thể nhận ra được bản chất thực sự của mình và không phân biệt được các hình thức tư tưởng và cảm thọ.
Do vậy, các phương pháp tu tập thiền định của Phật giáo đều hướng đến mục đích trưởng dưỡng phẩm chất này của chính niệm hay tỉnh thức, nhờ đó chúng ta có thể quan sát được dòng tâm mà không định danh gán ghép cho các suy nghĩ là “tôi” hay “của tôi”. Bằng cách này, các tư tưởng của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng và có một khoảng không trong tâm. Chúng ta không còn chìm đắm trong các ý tưởng, vọng niệm và các xúc tình phiền não mà có thể đứng lui lại và bình thản quan sát chúng. Khi sự tỉnh thức trở nên mạnh mẽ, chúng ta cũng có thể quan sát được khoảng cách nằm giữa những dòng suy nghĩ – tựa như việc nhìn thấy được bầu trời nằm giữa những đám mây.
Khă năng đồng nhất với Căn Bản Trí của chúng ta là con đường dẫn đến Căn Bản Trí
Khả năng không còn đồng nhất với các tư tưởng và xúc tình phiền não của bản thân, mà thay vào đó là sự nhận diện Căn Bản Trí nằm ở phía sau là con đường dẫn đến Căn Bản Trí. Phật giáo không tìm cách làm giảm bớt bản ngã mà tìm cách có được một chính kiến về bản ngã và thấy rõ bản chất nó là gì. Tuy nhiên, để giải trừ bản ngã, trước tiên cần có sự cân bằng và “mạnh mẽ”. Việc cố gắng diệt trừ một ý thức bản ngã vốn đã mong manh và dễ bị kích động là việc làm nguy hiểm. Do đó, việc thực hành tu tập Phật giáo bao gồm ba lĩnh vực tu tập: trì giới, thiền định và trí tuệ.
Theo truyền thống, giai đoạn đầu tiên trong thiền định được gọi là “tịnh chỉ” hoặc “tĩnh trụ” và giai đoạn này hướng đến mục đích an tịnh tâm, đạt được khả năng cơ bản trong việc tập trung (định) vào bất kỳ đối tượng cụ thể nào như hơi thở và tạo ra một khoảng không bên trong an toàn để quan sát tâm với thái độ buông xả rõ ràng. Đến lúc đó, hiểu biết về bản chất thật sự của tâm xuất hiện, và cùng với trí tuệ này là sự giải thoát – đó chính là trí tuệ đích thực (Căn Bản Trí).