CÂN BẰNG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

Trích: Trí Thông Minh Tích Cực; Việt dịch: Hà Minh; NXB Công thương; Công ty CP sách Alpha, 2024

11/05/2025
18 lượt xem

Cân bằng giữa công việc-cuộc sống thường được hiểu là khoảng thời gian ta dành cho công việc so với dành cho gia đình hay thời gian theo đuổi các mục tiêu cá nhân khác. Việc phân chia thời gian cân bằng là điều cần thiết và bạn có thể cải thiện trạng thái cân bằng giữa thời gian dành cho công việc-cuộc sống bằng cách sử dụng Tư duy PQ khi thực hiện các hoạt động. Tư duy PQ tiếp cận vấn đề này không chỉ từ hướng số lượng (thời gian dành cho mỗi khía cạnh là bao lâu) mà còn tập trung vào chất lượng của thời gian đó. Khi trò chuyện với con cái và chồng/vợ của các cặp vợ chồng mà tôi hướng dẫn, họ thường xuyên phàn nàn rằng chính điện thoại thông minh là thứ cản trở mối quan hệ của họ và nó còn được quan tâm hơn chính họ. Mặc dù họ dành nhiều thời gian cho nhau, ảnh hưởng của khoảng thời gian đó lên mối quan hệ cũng không thực sự tích cực. Chỉ cần bạn toàn tâm toàn ý dành một tiếng đồng hồ với vợ/chồng hoặc con cái bằng Tư duy PQ sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn so với cả khoảng thời gian cuối tuần ở bên gia đình nhưng vẫn bị phân tán tư tưởng bởi những kẻ Phá hoại. Hãy nhớ rằng các tín hiệu trên kênh PQ quan trọng hơn các tín hiệu trên kênh Dữ liệu. Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen nói câu “Anh yêu em” (hoặc “Em yêu anh”) với người mình yêu dựa trên kênh Dữ liệu nhưng thực ra, những sự giao tiếp trên kênh PQ lại tạo tình cảm hơn và có sức ảnh hưởng lớn hơn. 

Luyện tập sử dụng Tư duy PQ với người bạn quan tâm chỉ trong năm phút và bạn sẽ thấy nó có sức ảnh hưởng lớn như thế nào đến mối quan hệ. Nếu bạn ôm họ, hãy cảm nhận hơi thở và thậm chí là nhịp tim của họ (một lần tập luyện Tư duy PQ kéo dài ba hơi thở). Nếu bạn nhìn họ, hãy thật sự nhìn họ. Nếu nói “Anh yêu em” (hoặc “Em yêu anh”), bạn có thật sự cảm thấy sự ấm áp của tình yêu đó trong tim như khi bạn nói những từ này? 

PQ có thể góp phần vào quá trình cân bằng công việc-cuộc sống theo những cách khác. Khi sử dụng Trí tuệ, bạn không cần hai tuần nghỉ ngơi để lấy lại sức. Trí tuệ không biết gì về sự kiệt quệ tinh thần. Bạn có thể giảm bớt mệt mỏi tinh thần sau khi chuyển sang trạng thái Tư duy PQ. Có thể bạn đã nghe đến trường hợp này: một cuộc gọi từ người yêu ở phương xa có thể giúp bạn xóa tan bao mệt mỏi. 

Để tăng chất lượng thời gian dành cho cuộc sống ngoài công việc, hãy tăng PQ để giảm bớt thời gian làm việc, và rồi bạn có thể có nhiều năng lượng hơn cho các hoạt động khác. Làm nhiều việc cùng lúc một cách điên cuồng hay chứng nghiện việc trong thế kỷ XXI thực sự không hiệu quả bằng thực hiện từng công việc khi có sự cân bằng và tập trung từ Tư duy PQ. 

Một nhóm nhà khoa học ở Stanford gần đây đã chỉ ra rằng những người làm nhiều việc cùng lúc với nhiều thiết bị điện tử thường không tập trung, không quản lý tốt được tiền bạc, hay không chuyển hướng từ việc này sang việc khác tốt như người thích hoàn thành từng việc một lúc.” Giáo sư Eyal Ophire, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi liên tục tìm hiểu xem họ giỏi những gì, nhưng chúng tôi không tìm ra được.” Giáo sư Cliford Nass, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết thêm: “Họ luôn thích những điều không hợp lý. Gần như tất cả những ai ôm đồm nhiều việc cùng lúc đều nghĩ mình rất giỏi thực hiện việc đó. Tuy nhiên, chính họ lại chẳng giỏi việc gì cả. Họ liên tục bị phân tâm. Trí nhớ của họ thì lộn xộn… Chúng tôi lo rằng điều đó có thể làm họ không thể suy nghĩ sáng suốt được. ” 

Khả năng làm nhiều việc cùng lúc có vẻ được khen ngợi nhưng đó chính là kẻ Phá hoại trá hình khiến chúng ta lãng phí thời gian khi làm việc. Ví dụ, nếu kẻ Phán xét luôn giữ niềm tin rằng không khổ cực thì không thành công, thì bạn có thể dễ dàng bỏ qua các giải pháp dễ dàng hơn mà không tin rằng chúng sẽ mang đến thành công. Hay kẻ Hiếu thắng có thể đưa ta lý lẽ thuyết phục rằng làm nhiều hơn luôn cho kết quả tốt hơn. Trên thực tế lại không phải như vậy; sau khi vượt qua một giới hạn tải lượng công việc và căng thẳng nhất định, năng suất thường sụt giảm, nghĩa là làm nhiều hơn thật ra sẽ dẫn đến thành quả ít hơn.

Điều này một phần do căng thẳng trở thành chất xúc tác cho bọn Phá hoại và cung cấp năng lượng cho hệ thống Tư duy tồn tại. Và như ta đã biết, Tư duy tồn tại được tối ưu hóa cho những nguy hiểm sắp xảy ra, chứ không phải cho năng suất lâu dài.