CÂU ĐỐ VỀ BẢN NGÃ

Sam Harris

Trích: Thức Tỉnh Điều Vô Hình Tác giả: Sam Harris Thi Lăng dịch Nhà xuất bản: NXB Dân Trí Ảnh: nguồn internet

Tôi từng trải qua một buổi chiều ở bờ tây bắc biển Galilee, bên trên đỉnh núi nơi Chúa Jesus được tin là đã giảng bài kinh nổi tiếng nhất của Ngài. Đó là một ngày nóng như thiêu đốt, và chốn linh thiêng mà tôi ngồi lại đầy các tín đồ Cơ Đốc giáo hành hương đến từ nhiều quốc gia. Một số trong số họ lặng lẽ tụ tập dưới bóng râm, còn số khác lại rảo bước dưới ánh mặt trời, chụp ảnh.

Khi nhìn chăm chú vào những ngọn đồi bao quanh, một cảm giác yên bình xâm chiếm tôi. Chẳng mấy chóc nó trở thành một sự tĩnh lặng sung sướng dẹp yên các ý nghĩ của tôi. Trong chốc lát, cảm giác là một “tôi” nào đó tiêu tan. Mọi thứ đều như nó vốn có – bầu trời không bóng mây, những ngọn đồi thoai thoải dốc xuống biển, những người hành hương tay cầm chai nước – nhưng tôi không còn cảm thấy tách rời khỏi khung cảnh, dõi ra thế giới từ sau đôi mắt. Chỉ còn lại duy nhất thế gian.

Trải nghiệm này kéo dài chỉ chừng vài giây, nhưng lại tái diễn nhiều lần khi tôi nhìn về vùng đất nơi Chúa Jesus được tin là đã từng bước đi, triệu tập các tông đồ, và thực hiện nhiều phép lạ. Giả sử tôi là một tín đồ Cơ Đốc giáo, tôi chắc chắn sẽ diễn giải trải nghiệm này theo các từ ngữ của đạo. Tôi có thể tin rằng mình đã nhìn thấy tam vị nhất thể của Thượng Đế, hay đã được Đức Thánh Linh chạm đến. Nếu tôi là một tín đồ Hindu, tôi có thể nghĩ theo các khái niệm vẻ Brahman, mà từ đó mọi thứ về thế giới lẫn tâm trí cá nhân đều chỉ là một biến thể đơn thuần. Nếu tôi là tín đồ nhà Phật, tôi sẽ nói về “pháp thân của tính Không”, ở đó mọi thứ biểu kiến đều hiển hiện như trong một giấc mộng.

Nhưng tôi chỉ đơn thuần là một kẻ đang cố hết sức để trở thành một con người lý trí. Kết quả là, tôi thật chậm rãi đưa ra các kết luận siêu hình từ trải nghiệm theo kiểu này. Chưa hết, tôi nhìn thấy được cái mà tôi sẽ gọi là sự vô ngã tự thân của ý thức hàng ngày, dù ở một địa điểm thiêng liêng truyền thống, hay ở bàn làm việc của mình, hay khi đang cạo vôi răng. Điều này không hề tình cờ gì cả. Tôi đã dành rất nhiều năm thiền tập, mục đích cốt là để cắt xuyên qua ảo tưởng về cái tôi, vẻ bản ngã.

Mục tiêu của tôi trong chương này và chương kế tiếp là thuyết phục độc giả rằng khái niệm cái tôi thường dùng chỉ là một ảo tưởng – và rằng trải nghiệm tâm linh chủ yếu nằm ở chỗ nhận ra điều đó trong từng khoảnh khắc. Có những lý do hợp lý và khoa học để chấp nhận nhận định này, nhưng nhận ra rằng nó đúng chẳng phải do chúng ta hiểu được các nguyên nhân này. Như nhiều ảo tưởng khác, cảm giác về cái tôi biến mất khi thẩm tra thật kỹ, và điều này có được thông qua thiền tập. Một lần nữa, tôi đang gợi ý một thí nghiệm mà ta phải tự tiến hành, trong phòng thí nghiệm là tâm trí ta, bằng cách tập trung vào trải nghiệm của bản thân theo một cách khác.

Tôi muốn kể ra đây ngụ ngôn nổi tiếng của Đức Phật có ý chê trách sự duy lý trí đơn thuần: Có một người bị một mũi tên độc cắm vào ngực. Vị lang y vội đến bên ông ta để bắt đầu cứu chữa, nhưng ông vẫn kháng cự sự giúp đỡ này. Đầu tiên, ông ta muốn biết tên của người đã làm ra thân tên, loại gỗ làm nó, cách thức bắn của kẻ bắn tên, tên con ngựa mà người đó cưỡi, và hàng ngàn điều khác chẳng chút liên quan gì đến sự đau đớn hiện tại hay sự sống còn của chính mình. Người ấy cần phải giải quyết trước các ưu tiên của mình. Sự cương quyết trước suy nghĩ về thế giới đến từ một sự hiểu sai cơ bản về trạng huống của bản thân.

Dù rằng chúng ta chỉ lờ mờ nhận thấy, nhưng chính chúng ta cũng có vấn đẻ không thể giải quyết bằng cách thụ đắc tri thức có nhận thức cao hơn.

Từ thời Đức Phật đến nay hầu như chẳng có mấy đổi thay. Nhiều người tự nhận họ chẳng có chút hứng thú gì với đời sống tinh thần. Thật sự là hầu hết các nhà khoa học và triết gia căm ghét chủ đề này, vì nó thể hiện một sự khước từ các tiêu chuẩn về trí tuệ: Phép màu, như đã được ghi chép, không có lợi cho một sự quan sát khách quan. Dù vậy, tất cả chúng ta lại cứ tìm kiếm hạnh phúc trong khi sống nhờ vào lòng thương xót của những trải nghiệm luôn đổi thay. Bất cứ điều gì chúng ta có được trong cuộc sống đều sẽ bị ly tán. Cơ thể chúng ta già đi. Các mối quan hệ tan vỡ. Ngay cả những khoái lạc mãnh liệt nhất cũng chỉ kéo dài trong vài giây phút. Và mỗi sáng chúng ta bị các ý nghĩ xua ra khỏi giường.

Trong chương này, tôi sẽ viện đến một loạt khái niệm dường như vẫn chẳng có mấy tác dụng trong nghiên cứu về thế giới tự nhiên của chúng ta, hoặc thậm chí về não bộ, nhưng lại rất hữu ích trong cuộc sống của chúng ta: các khái niệm như bản ngã, cái tôi và mình. Phải thừa nhận là những từ ngữ này thoạt nghe chẳng khoa học chút nào, nhưng chúng ta lại không có những từ khác để gọi, rồi để nghiên cứu về chúng, một trong những khía cạnh ấn tượng nhất trong sự tồn tại của chúng ta: Hầu hết chúng ta đều cảm thấy kinh nghiệm của chúng ta về thế giới này đều quay về một bản ngã – không phải chính cơ thể chúng ta mà ở một trung khu ý thức tồn tại đầu đó bên trong cơ thể, đằng sau đôi mắt, bên trong đầu. Cảm giác mà ta gọi là “mình” dường như định nghĩa cho quan điểm của chúng ta vào mọi thời điểm, và nó cũng là mỏ neo cho các niềm tin phổ biến về linh hồn và tự do ý chí. Ấy vậy mà cảm giác ấy, dù hiện tại có tĩnh tại thế nào đi nữa, vẫn có thể bị thay đổi, ngắt ngang, hoặc bị phá bỏ hoàn toàn. Các chuyển biến như vậy diễn ra trên mọi khả năng từ chứng loạn thần bình thường cho đến sự hiển lộ tâm linh.

Cái gì giữ cho tôi vẫn là con người giống như tôi cách đây năm phút, hôm qua, hay vào ngày sinh nhật thứ mười tám? Có phải tôi vẫn còn nhớ mình đang là những bản ngã trước đây và các ký ức của tôi vẫn (phần nào) chính xác? Thực tế là tôi đã quên hầu hết những gì xảy ra trong suốt cuộc đời, cơ thể của tôi cũng luôn luôn dần thay đổi. Có hợp lý không khi nói rằng tôi đang tiếp nối về các bản ngã trước đây mặt thể lý, vì hầu hết tế bào trong cơ thể tôi vẫn y như cũ, hay tôi hiện diện từ các tế bào đã làm nên cơ thể của những người trẻ trung hơn?

——–

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ LỜI NGUYỀN CẢM XÚC TIÊU CỰC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ