CHỈ CÓ TÂM ĐẠI BI CHÂN CHÍNH MỚI ĐEM LẠI HẠNH PHÚC

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Phật Pháp Trong Đời Sống; người dịch: Diệu Như Nguyễn Thúy Linh; NXB Thiện Tri Thức

Dalai Lama nói rằng: chỉ nghĩ rằng tâm đại bi là quan trọng thì chưa đủ. Chúng ta phải chuyển hóa các suy nghĩ và hành vi của mình hàng ngày để nuôi dưỡng tâm đại bi mà không dính mắc.

Trước khi chúng ta có thể tạo ra tâm đại bi và tình yêu thương (tâm từ), điều quan trọng là phải rõ ràng là ta hiểu tâm đại bi và tình yêu thương là gì. Nói một cách dễ hiểu, tâm đại bi và tình yêu thương có thể được định nghĩa là những suy nghĩ và cảm xúc tích cực làm nảy sinh những điều thiết yếu trong đời sống như hy vọng, lòng dũng cảm, sự quyết tâm và sức mạnh nội tâm. Trong truyền thống Phật giáo, đại bi và tình yêu thương được xem như là hai phương diện của cùng một sự việc: đại bi là mong muốn cho chúng sinh thoát khỏi đau khổ; yêu thương là mong muốn cho họ có được hạnh phúc.

“…sẽ là thiếu sót nếu chúng ta đơn giản tin rằng tâm đại bi là quan trọng và chỉ nghĩ: Ôi! Điều ấy thật tốt đẹp! Chúng ta cần nỗ lực phối hợp để phát triển nó…”

Tính vị kỷ ngăn cản tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác, và tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi nó ở mức độ này hay mức độ khác. Để có được hạnh phúc đích thực, chúng ta cần có một tâm hồn tĩnh lặng, và sự bình yên ấy chỉ được tạo ra bởi một thái độ bi mẫn. Làm thế nào chúng ta có thể phát triển thái độ này? Rõ ràng, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta đơn giản tin rằng tâm đại bi là quan trọng và chỉ nghĩ: Ôi! Điều ấy thật tốt đẹp! Chúng ta cần nỗ lực phối hợp để phát triển nó; chúng ta phải sử dụng tất cả các sự kiện trong đời sống hàng ngày để chuyển đổi suy nghĩ và hành vi của mình.

Nhiều hình thức của cảm giác bi mẫn được trộn lẫn với ham muốn và chấp trước. Ví dụ, tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái của họ thường gắn liền với nhu cầu tình cảm của họ, vì vậy nó không hoàn toàn mang tính bi mẫn. Thông thường, khi quan tâm đến một người bạn thân, chúng ta gọi đây là tâm đại bi (bi mẫn), nhưng nó cũng thường là sự gắn bó dính mắc. Ngay cả trong hôn nhân, tình yêu giữa vợ và chồng – đặc biệt là ở giai đoạn đầu, khi mỗi người có thể vẫn chưa hiểu rõ về tính cách sâu xa của người kia – nó phụ thuộc nhiều vào sự gắn bó hơn là tình yêu chân thành. Những cuộc hôn nhân chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn là do họ thiếu lòng bi mẫn; chúng được tạo ra bởi sự gắn bó tình cảm dựa trên các phóng chiếu và kỳ vọng, và ngay sau khi những dự đoán thay đổi, sự gắn bó sẽ biến mất. Mong muốn của chúng ta có thể mạnh mẽ đến mức người mà chúng ta gắn bó có vẻ hoàn mỹ, trong khi thực tế người đó có nhiều khuyết điểm. Ngoài ra, sự gắn bó khiến chúng ta phóng đại những phẩm chất tích cực nhỏ bé. Khi điều này xảy ra, nó cho thấy rằng tình yêu của chúng ta được thúc đẩy bởi nhu cầu cá nhân hơn là sự quan tâm thực sự dành cho người khác.

Tâm đại bi mà không có dính mắc là có thể. Vì vậy, chúng ta cần làm rõ sự phân biệt giữa đại bi và chấp trước. Đại bi thực sự không chỉ là một phản ứng tình cảm mà còn là một cam kết vững chắc dựa trên lý trí. Do nền tảng vững chắc này, một thái độ thực sự bi mẫn đối với người khác không thay đổi ngay cả khi họ cư xử tiêu cực. Tâm đại bi chân chính không dựa trên những dự đoán và kỳ vọng của chính chúng ta, mà dựa trên nhu cầu của người kia: không phân biệt người kia là bạn thân hay kẻ thù, miễn là người đó mong cầu bình an, hạnh phúc và mong muốn vượt qua đau khổ, tiếp theo trên cơ sở đó chúng ta phát triển mối quan tâm thực sự đối với các vấn đề của họ. Đây là tâm đại bi chân chính. Đối với một người thực hành theo Phật giáo, mục đích là phát triển tâm đại bi chân chính này, mong muốn thực sự này cho hạnh phúc của người khác, trên thực tế là cho mọi sinh vật trên khắp vũ trụ.

Phỏng theo tác phẩm “Đời sống Bi mẫn” của Đức Dalai Lama. © 2001 Tenzin Gyatso, Đức Dalai Lama thứ XIV.
Wisdom Publications phát hành. Nguồn: www.lioneroar.com

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. SỰ THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM ĐẠI BI
  2. BỒ ĐỀ TÂM – NGƯỜI BẠN VĨ ĐẠI VÀ ĐÁNG TIN CẬY
  3. THẦN CHÚ CỦA TÂM ĐẠI BI

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN