CHIẾN ĐẤU VỚI BẢN NGÃ

INAMORI KAZUO

INAMORI KAZUO

—*—

Sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, những người thành lập công ty liên doanh đã có sự tiến công dữ dội vào thị trường Nhật Bản. Tôi thành lập công ty vào năm Chiêu Hòa thứ 34 (năm 1959) nên có thể nói, tôi là thế hệ thứ 15 của các công ty liên doanh sau chiến tranh. Bản thân tôi luôn tò mò không biết rốt cuộc những doanh nhân tài ba đang làm những việc gì. Từ khi còn trẻ, tôi đã luôn kính trọng và hâm mộ ngài Matsushita Konosuke, người đã thành lập công ty Công nghiệp Điện khí Matsushita (nay là Panasonic) nên tôi đã tìm đọc những cuốn sách của ngài với hy vọng có thể bắt chước cách kinh doanh. Tôi vẫn luôn học những doanh nhân tài ba góp phần vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh và tích lũy vốn kiến thức cho mình đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, khi nhìn lại tàn tích của những công ty tuyệt vời ấy, dù việc kinh doanh có phát triển đến đâu đi nữa, dường như có rất ít những doanh nhân có thể duy trì công ty vận hành tốt cho đến những năm cuối đời và có quãng thời gian nghỉ hưu hạnh phúc. Nhiều công ty đã bị phá sản, có công ty vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bản thân người sáng lập gây ra quá nhiều vấn đề nên bị đuổi hay phải tự động thôi việc.

Chắc chắn để có thể thành công trong việc gây dựng và phát triển công ty liên doanh, doanh nhân tự thành lập công ty phải có tài năng phi thường. Thế nhưng, dường như có rất ít doanh nhân có thể trải qua một cuộc đời thực sự tuyệt vời. Tôi thấy thực sự đáng tiếc bởi đáng lẽ họ đã có thể đón những năm cuối đời một cách vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Tôi nghĩ không có ai tự tin vào kinh doanh kể từ sau khi tự thành lập công ty. Ban đầu họ chỉ biết cố gắng và nỗ lực hết mình. Trường hợp tiếp quản công ty do cha hoặc ông thành lập cũng vậy. Tôi nghĩ những người như vậy đều khiêm tốn và hết mình vì công việc. Họ mang trên vai sứ mệnh to lớn bảo vệ việc làm cho nhân viên, hy sinh thời gian dành cho bản thân vì sự phát triển của công ty. Kết quả mang lại là công ty ngày càng lớn mạnh, lợi nhuận thu về ngày càng tăng.

Còn tôi, nhờ những người thân quen góp số tiền 30 triệu yên mà tôi mới thành lập được công ty khi không có gì ngoài sự nhiệt huyết dành cho ngành kỹ thuật và công việc. Với suy nghĩ không được phép gây rắc rối cho những vị cổ đông như vậy, kể từ khoảnh khắc công ty được thành lập, tôi đã làm việc với quyết tâm lớn nhất. Công ty có tất cả 28 người, trong đó 8 nhân viên kỹ thuật là những người đã làm việc cùng tôi ở công ty trước, 20 nhân viên đã tốt nghiệp cấp hai. Tôi vẫn luôn tự tin về khía cạnh phát triển và chế tạo vật liệu sứ nhưng lại hoàn toàn không biết gì về kinh doanh. Tuy nhiên, vì phải lo lắng về mảng mua bán và kế toán sổ sách nên tôi đã nỗ lực hết khả năng có thể và đến năm thứ 10 kể từ khi thành lập, tôi thật sự rất biết ơn khi lợi nhuận của công ty đã có thể đạt tới con số vài tỷ yên.

Khi đó, tiền lương một năm của tôi là 3 triệu yên. Tôi từng nghĩ: “Tất cả đều nhờ kỹ thuật của mình mang lại. Mình còn tiết kiệm cả giấc ngủ để cố gắng, mang lại cho công ty lợi nhuận hàng tỷ yên. Dù một tháng mình có nhận 10 triệu yên thì một năm cũng chỉ là 120 triệu yên mà thôi. Lợi nhuận hàng tỷ yên là do mình làm ra nên nếu mình nhận được từng đó thì cũng xứng đáng!” Những suy nghĩ kiêu căng, ngạo mạn đó cứ lẩn quẩn trong đầu tôi. Mặc dù tôi làm việc hết mình vì nhân viên, vì các vị cổ đông, nhưng khi có lợi nhuận, con người tôi lại thay đổi. Nó là bởi bản ngã tồn tại trong con người đã trở nên ích kỷ.

Và sau đó, Kyocera ngày càng trở nên lớn mạnh hơn, tôi đã có cuộc thảo luận về việc có nên đưa Kyocera lên sàn giao dịch chứng khoán Osaka hay không. Nhiều công ty chứng khoán đã đề nghị được là đơn vị quản lý tài chính cho Kyocera và hứa hẹn chắc chắn sẽ tạo ra lợi thế lớn. Họ đã cùng nhau thuyết phục tôi: “Có phương pháp để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán thành công, đồng thời có thể phát hành cổ phiếu mới và tung lên thị trường chứng khoán. Điểm quan trọng là thực hiện hai phương pháp đó cùng một lúc. Kể từ khi thành lập công ty, ngài Inamori đã nỗ lực hết khả năng có thể để gây dựng nên một công ty thành công như Kyocera. Việc lên sàn chính là cơ hội rất tốt để ngài có thể thu được lợi nhuận lớn với tư cách là người sáng lập. Ngài nên tung ra thị trường một phần số cổ phiếu mà ngài có kết hợp với phát hành cổ phiếu mới.”

Tất cả các công ty chứng khoán đến thảo luận với tôi đều nói rằng tôi có thể thu về cho mình tới vài trăm triệu yên. Nếu thực sự thành công, tôi sẽ có được số tiền khổng lồ mà bản thân chưa từng dám nghĩ đến. Đã là con người, chắc chắn không có ai không bị thu hút với lời mời hấp dẫn đó cả. Tuy vậy, nếu thử suy nghĩ kỹ hơn, việc đó vô cùng kỳ lạ và tôi nghĩ đó là lời thì thầm của quỷ dữ. Rốt cuộc, tôi đã đặt ngược lại một câu hỏi: “Tôi chưa từng nghĩ sẽ đưa cổ phiếu tôi có lên sàn chứng khoán để thu lợi nhuận về cho mình. Tôi muốn phát hành cổ phiếu mới và mang lại lợi nhuận vào nguồn vốn của công ty. Thứ duy nhất tôi muốn là lên sàn chứng khoán, phát hành cổ phiếu mới để tăng nguồn vốn của công ty, như vậy có được không?”

Ngay lập tức, phần lớn các công ty chứng khoán đều phản đối: “Không được, hầu như chẳng có ai làm theo cách đó cả. Bởi ngài vừa là người sáng lập vừa là cổ đông lớn nhất vậy nên thông thường, ngài sẽ tung ra thị trường số cổ phiếu mà ngài nắm giữ.” Tuy vậy, giám đốc của một công ty chứng khoán nọ đã trả lời: “Thật là một mong muốn tuyệt vời! Tôi nghĩ như vậy mới là đúng đắn.” Vậy là tôi đã để công ty chứng khoán này trở thành người quản lý chính và đưa Kyocera lên sàn chứng khoán. Tôi không đưa cổ phiếu của mình lên sàn, dù chỉ một số cổ phiếu mà thôi. Quyết định vào thời điểm đó khiến tôi cảm giác như mình vừa có bước đi đúng đắn trong đời. Tôi cũng không tự nhận mình là thánh nhân vì giống như tôi nói ở trước, so với lợi nhuận của công ty thì lương của tôi rất thấp, tôi cũng có suy nghĩ như một con người bình thường rằng nếu có thể nhận được nhiều hơn thì tốt hơn.

Một lần, tôi đọc được một bài viết trong mục “Nhật ký đọc sách” của nữ diễn viên Kyoko Kishida về cuốn sách của nhà tâm lý học Hayao Kawai. Ông đọc sách của nhà triết học, tư tưởng học Toshihiko Izutsu, bậc thầy nghiên cứu văn hóa các nước Hồi giáo rồi kể lại việc đó trong cuốn sách của mình. Ngài Izutsu nói rằng khi ngồi thiền và để tâm tư trở nên tĩnh lặng, tuy bạn ý thức được mình là một cá thể đang tồn tại trên Trái đất nhưng ý thức về vạn vật xung quanh bạn sẽ biến mất hoàn toàn; trong tâm tưởng, bạn chỉ có thể nói rằng: “Mình chỉ là một cá thể đang tồn tại mà thôi”. Đồng thời, bạn sẽ rơi vào trạng thái cảm nhận được rằng vạn vật tạo hóa xung quanh cũng giống như mình, “đều là những vật chỉ đơn giản là đang tồn tại”. Mọi người thường nói: “Hoa đang tồn tại ở đây”, còn ai đó nói: “Thứ đang tồn tại chính là hoa” hẳn sẽ trở thành, kỳ lạ trong mắt người khác. Nhà triết học, tư tưởng học Izutsu đã viết nên cuốn sách của mình khi suy tư về những điều trên.

Sau khi đọc sách của Izutsu, nhà tâm lý học Kawai đã viết trong sách của mình: “Này, mày là một bông hoa đúng không? Còn ta, ta là Kawai”. Tất cả chúng ta chỉ là đang thay đổi hình dáng những vật mà có sự “tồn tại” hoàn toàn giống nhau. Bạn tồn tại với vai trò đóng vai một bông hoa, còn tôi đóng vai con người. Vạn vật trên tinh cầu này, cả đồ vật vô tri vô giác đi nữa, tất cả đều đóng vai tồn tại. Vậy thì tại sao dù là tồn tại giống nhau, tài năng khác biệt, gương mặt khác biệt, tất cả mọi thứ lại khác biệt? Đó là do tạo hóa của thiên nhiên, đấng sáng tạo nên thiên nhiên vạn vật đã nghĩ rằng vạn vật tồn tại trên tinh cầu này buộc phải có sự đa dạng. Nếu như không như vậy, xã hội mà chúng ta đang sống sẽ không thể hình thành.

Là người thành lập và phát triển công ty, tôi đã khiến cho lợi nhuận của công ty lên tới vài tỷ yên nhờ tài năng, kỹ thuật và cố gắng “quên ăn, quên ngủ” của mình. Lương của tôi chỉ là 3 triệu yên thì thực sự có công bằng không? Nếu bán đi cổ phần của mình với tư cách là người sáng lập, đương nhiên tôi có thể thu về số tiền vài trăm triệu yên. Tôi đã nghĩ theo kiểu “nhờ có mình, chính vì nhờ có mình.” Tóm lại, tôi đã nghĩ “tôi” là một con người đặc biệt được sinh ra trên cuộc đời này mang tên “Inamori Kazuo” với năng lực vượt trội.

Trước đây, chế tạo vật liệu bán dẫn silicon bắt đầu nở rộ tại Mỹ, sau đó chuyển thành IC (vi mạch tích hợp) sử dụng silicon và đến bây giờ phát triển thành Ultra – LSI (vi mạch tích hợp siêu lớn), thế giới bước vào kỷ nguyên phát triển công nghiệp chất bán dẫn. Những nhà nghiên cứu của cơ sở sản xuất chất bán dẫn nổi tiếng tại Silicon Valley đặc biệt nổi tiếng về chế tạo bộ vi xử lý thường đến Kyoto và đưa ra yêu cầu hợp tác với Kyocera, đơn vị có cung cấp vật liệu sứ đóng gói dùng cho vi mạch LSI. Tôi cho rằng mình đã có những đóng góp rất lớn cho thời kỳ hưng thịnh của chất bán dẫn. Tôi đã nghĩ yếu tố khiến cho Kyocera có thể tăng doanh thu lên nhanh như vậy, không gì khác ngoài tài năng mà tôi có.

Tuy nhiên, kể từ khoảnh khắc đọc được bài cảm tưởng của cô Kishida, tôi đã thay đổi. Để ngành công nghiệp chất bán dẫn trở thành xu thế, chắc chắn phải cần đến một người nào đó. “Inamori Kazuo” có thể đảm nhiệm vai trò này, miễn đó là một cá thể đang “tồn tại.” Dù là “người A,” “người B,” hay “người C,” chỉ cần là cá thể tồn tại khác có được tài năng giống “Inamori Kazuo” thì người đó có thể thay thế “Inamori Kazuo” và làm tốt những điều mà “Inamori Kazuo” có thể làm. Như vậy, nếu quay ngược thời gian, dù tôi chỉ đơn giản là một nhân viên bình thường đi chăng nữa, cuộc cách mạng công nghiệp bán dẫn vẫn xảy ra.

Tôi nghĩ xã hội loài người mà chúng ta đang sống và tồn tại là một bộ phim hoành tráng và đầy màu sắc. Tại phim trường đó, tôi có vai trò người thành lập và giám đốc của công ty mang tên Kyocera. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là “Inamori Kazuo,” chỉ cần có người có thể đảm nhận vai trò đó là được. Tình cờ, tôi chính là người đó. Dù là tôi hay “người A,” “người B,” “người C,” mọi người đều bình đẳng với nhau, đều là sự “tồn tại” giống nhau, chúng ta đều được sinh ra trên cuộc đời này với những tài năng khác nhau bởi xã hội cần sự đa dạng, đa sắc màu. Và thật tình cờ, tôi đã được ban cho tài năng đó và tôi đóng vai trò của tôi hiện giờ.

Trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, có thể hôm nay tôi là người đóng vai trò chủ chốt nhưng đến cảnh quay ngày mai, có thể một người khác sẽ đảm nhận vai diễn đó. Khi tôi tự nói với bản thân rằng “chính nhờ có mình” là lúc tôi để bản ngã của mình lấn át.

Tài năng, năng lực của tôi không phải là vì bản thân mà phải được sử dụng vì con người, vì xã hội, vì thế giới. Đấng Sáng tạo đã giao cho tôi nhiệm vụ đó khi bạn cho tôi sự tồn tại trên tinh cầu này. Những cá thể “tồn tại” mà sử dụng tài năng được Đấng Sáng tạo ban cho vì lợi ích của bản thân sẽ bị trừng phạt. Mặc dù được ban cho tài năng, được ban cho cơ hội thành lập công ty mang tên Kyocera, nếu tôi để lòng tham chiếm lĩnh bản ngã, bản thân tôi sẽ bị diệt vong. Với suy nghĩ như vậy, tôi vẫn luôn bước đi trên con đường đời đấu tranh với lòng tham của chính mình.

Nhà thơ, nhà tư tưởng học Ấn Độ Tagore đã bộc bạch trong thơ của mình rằng:

Con đã một mình đến nơi Ngài ngự

Vậy cớ sao nơi ấy có một người giống con

Người trong bóng đêm rùng rợn ấy rốt cuộc là ai

Con muốn tránh đi nơi đó

Con trốn vào một lối rẽ, nhưng người đó vẫn đuổi theo con

Anh ta bước đi hiên ngang trên con đường rộng thênh thang, cuốn lấy bụi cát rơi đầy trên mặt đất, anh ta gào lên khi bước trên lá cây xào xạc.

Anh ta là quỷ dữ tồn tại trong con, là lòng tham vụn vặt

Anh ta không lấy gì làm hổ thẹn

Nhưng bản thân con thì có

Lòng tham ích kỷ ấy đã cùng con đến đây.”

(Trích tập thơ Dâng của Tagore)

Tagore đã khắc họa một cái tôi chỉ quan tâm đến những điều vụn vặt, một cái tôi ti tiện đáng hổ thẹn với một cái tôi trong sáng, thuần khiết.

Hiện tại, tôi chỉ nhận được 3 triệu yên, nhưng có lẽ nếu tiền lương 1 năm tôi nhận được là 100 triệu yên thì cũng là hiển nhiên. Trước đó, khi tự nhủ với bản thân mình đều này, bản ngã tham lam trong tôi đã gào thét trong đầu tôi: “Đó là điều đương nhiên. Hãy nhận lương 100 triệu yên, không 200 triệu yên.” Một cái tôi khác không biết xấu hổ, tham lam, ti tiện luôn tồn tại trong trái tim bất cứ ai trong chúng ta.

Nhà triết học người Anh James Allen cũng từng nói: “ Trái tim của con người giống như một khu vườn. Khu vườn ấy có thể được gieo lên những hạt mầm tri thức, nhưng cũng có thể là khu vườn hoang. Nhưng bằng cách nào đi chăng nữa, từ khu vườn ấy, chắc chắn sẽ có thứ gì đó sinh sôi, nảy nở. Nếu bạn không gieo xuống khu vườn hạt mầm của những loài hoa đẹp thì cuối cùng, khu vườn của bạn chỉ mọc đầy cỏ dại mà thôi!” (Trích cuốn Quy Tắc Nhân Quả của James Allen). Allen muốn nhắn nhủ rằng tâm hồn chính là nơi dễ bị chi phối bởi bản ngã. Nếu không nhổ đi cỏ dại, bản ngã tham lam, vun trồng hạt mầm của những loài hoa đẹp, hạt mầm lương tâm, bản ngã chân chính, và nuôi lớn nó, tâm hồn của bạn sẽ chỉ toàn cỏ dại.

Là người con của phiên Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy về ngài Takamori, người chỉ huy trưởng của hai phiên mạnh nhất trong cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Với suy nghĩ nếu không để người có năng lực thực sự dẫn dắt chính phủ mới thì tương lai Nhật Bản sẽ chìm trong bóng đêm đen tối, ngài Nanshu (Takamori Saigo) đã nói: “Việc chính sự của một quốc gia phải thuận theo thiên địa tự nhiên, không được xen vào cảm xúc cá nhân,” “ Yêu bản thân hay nói cách khác, chỉ muốn bản thân hưởng điều tốt đẹp mà không quan tâm người khác ra sao, là điều tối kị nhất của một con người.”

“Cá nhân” mà ngài Saigo nói đến chính là cái tôi mang bản ngã xấu xa, tham lam và ích kỷ. Những người đứng ở vị thế cao hơn người khác, cho dù bản thân có phải hi sinh nhiều đến đâu, cũng phải cố gắng cống hiến vì tập thể, việc tối kỵ nhất với họ chính là đặt cái tôi của họ lên vị trí cao nhất. Ngài Nanshu đã truyền bá tinh thần hi sinh quên mình mà người đứng đầu cần phải có; nếu không thể vứt bỏ cái tôi, người đứng đầu không thể dẫn dắt tập thể đi tới hạnh phúc.

Những người có đóng góp lớn lao của cách mạng Minh Trị Duy Tân nắm quyền điều khiển chính phủ mới nhưng Nanshu lại mang trong mình nỗi lo hơn bao giờ hết. Các chí sĩ hi sinh thân mình, phá tan Mạc Phủ không phải là để những người có đóng góp lớn lao trang hoàng nhà cửa, mặc những trang phục đắt tiền, sống cuộc sống xa hoa. Trở về phiên Satsuma khi mang trong mình nỗi trăn trở đó, Ngài Nanshu đã qua đời với vai trò người lãnh đạo cuộc chiến Tây Nam.

Ngài Fukuzawa Yukichi, người đã khởi xướng nền công nghiệp cận đại, sau khi đến châu Âu và châu Mỹ thời Minh Trị rồi trở về Nhật Bản, đã nói rằng những người được coi là xuất sắc, tài giỏi trong kinh doanh, trước tiên phải lĩnh hội được kiến thức triết học uyên thâm giống như một nhà triết học và phải luôn có tinh thần học hỏi những tri thức đó. Mỗi doanh nhân cần mang khí chất tao nhã, cao quý như những võ sĩ thời Genroku, nhạy bén như những viên chức Shouzokuri bởi những mối nguy cơ luôn rình rập xung quanh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhật Bản cần những con người tài trí, thông minh, những con ong chăm chỉ với năng khiếu kinh doanh giống như Shouzokuri.

Khi còn trẻ, tình cờ đọc được những dòng này, tôi tự nhủ: “Đã là một doanh nhân, không được chỉ theo đuổi lợi nhuận mà phải trau dồi kiến thức triết học không thua kém bất cứ học giả nào.” Con người, nếu không nuôi dưỡng tâm hồn, bản chất tốt đẹp, sẽ không thể mang lại hạnh phúc cho tập thể mà mình dẫn dắt.

Phật giáo cũng nhắc đến điều này. Đức Thích Ca Mâu Ni lĩnh hội được rằng: Con người vốn là một loài động vật ngoan cố, chỉ cần lơ đãng một chút thôi thì trái tim có thể ngập tràn tham vọng. Ngài nói: “Hãy biết chừng nào là đủ,” tuyệt đối không được để cho tham vọng lấn át trái tim, tham lam không biết đến điểm dừng “của tôi, của tôi,” “tôi muốn thêm nữa, nhiều hơn nữa.”

Cuối cùng thì dù là nhà triết học vĩ đại hay Đức Phật vĩ đại đều nói nguyên nhân khiến cho con người lạc lối, rơi vào cạm bẫy khổ đau chính là bản ngã tham lam trong tâm hồn mỗi người. Mỗi chúng ta vừa phải nỗ lực nhìn nhận lại bản thân qua từng ngày, vừa phải nhưng không cho bản ngã ngạo mạn chi phối trái tim tâm hồn của mình.

Doanh nhân sáng lập công ty vốn có tinh thần mạnh mẽ, không chịu khuất phục và hiếu chiến. Đồng thời, tham vọng của họ cũng cao gấp đôi người khác. Nếu những người như vậy phó mặt tâm hồn cho cái tôi tham lam, xấu xa, ích kỷ thì họ sẽ bị xúi giục và điều khiển trở thành những con người tham lam không có điểm dừng. Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ chắc chắn điều đó là tối kỵ khi bạn muốn xây dựng nên một công ty tuyệt vời có chỗ đứng trên thương trường.

Mỗi chúng ta cần nhận thức được rằng tâm hồn mình có một bản thân lương thiện và một bản thân ích kỷ, tham lam cùng trú ngụ. Nói cách khác, nơi mà các tôi chân chính, thuần khiết và cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen cùng tồn tại chính là trái tim của con người. Thiện lương và ích kỷ, chân chính và nhỏ nhen đấu tranh trong trái tim của chúng ta mỗi ngày. Trong trận chiến ấy, người để cái tôi ích kỷ tham lam chi phối trái tim , dù trước đó có được tôn vinh đến đâu đi nữa, thì đến cuối đời, kết cục họ nhận được vẫn chỉ là một cuộc đời thất bại, tự tay đập tan công ty do mình gây dựng, phạm phải điều cấm kỵ nhất trong cuộc đời. Để trở thành một doanh nhân tuyệt vời, mục tiêu là vô cùng quan trọng, dù đó là vì nhân viên, vì gia đình của nhân viên, vì các vị cổ đông, vì khách hàng, vì nhà cung ứng hay vì xã hội, vì đất nước. Chính vì vậy, nếu một doanh nhân để cái tôi ích kỷ tham lam chi phối, thua cuộc trong trận chiến tâm lý của chính mình, họ sẽ thất bại.

Ngay cả tôi, người nhận thức được điều này, cũng luôn phải đấu tranh tâm lý giữa cái tôi tham lam và cái tôi lương thiện, chỉ cần lơ đãng một chút thôi , cái tôi tham lam sẽ chiến thắng, chiếm giữ toàn bộ trái tim và tâm hồn. Cái tôi ích kỷ khi đạt tới mức độ cao nhất chính là tham lam, ham hư danh, tham sắc dục. Vì vậy, doanh nhân cần biết kiềm chế và nhẫn nại, đặt cái tôi tham lam trong tâm hồn sang một bên, bảo vệ công ty của mình với cái tôi thiện lương và biết suy nghĩ cho người khác.

—*—

Trích “Triết Lý Kinh Doanh Của Inamori Kazuo”
Dịch giả: Hương Linh
NXB: Lao Động, Năm 2017

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI