CHỮA LÀNH TRÁI TIM

JACK KORNFIELD

Trích: Tâm Đạo-Hành Trình Tâm Linh-Những Nguy Cơ Và Triển Vọng; Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy; NXB. Thời Đại

Như chúng ta mở rộng và chữa lành thân thể bằng cảm nhận nhịp độ của nó và chạm vào nó với một sự chú ý sâu xa êm ái, thì chúng ta cũng có thể mở rộng và chữa lành các chiều kích khác của con người chúng ta như vậy. Trái tim và tình cảm cũng có cùng một tiến trình chữa lành qua việc dành sự chú ý của chúng ta cho các nhịp độ, bản chất và nhu cầu của chúng. Rất thường xuyên việc mở rộng trái tim bắt đầu bằng việc mở ra cho những mối phiền muộn tích tụ trong cả cuộc đời, bao gồm những nỗi phiền muộn của cá nhân lẫn của thế giới vì chiến tranh, đói ăn, tuổi già, bệnh tật và cái chết. Đôi khi chúng ta có thể cảm nghiệm sự đau buồn này về thể lý, như các cơn co thắt và nghẽn xung quanh tim chúng ta, nhưng thường xuyên hơn chúng ta cảm thấy chiều sâu của các vết thương của mình, tình trạng bị bỏ rơi, nỗi đau đớn, như là những giọt nước mắt không chảy được. Phật giáo mô tả tình trạng này như là một đại dương nước mắt rộng lớn hơn cả bốn đại dương.

Khi chúng ta ngồi yên một chỗ và phát triển sự chú ý thiền niệm, trái tim chúng ta xuất hiện một cách tự nhiên để được chữa lành. Nỗi buồn phiền mà chúng ta mang trong lòng từ quá lâu bây giờ lộ ra. Chúng ta đau buồn vì các chấn thương trong quá khứ và các nỗi sợ trong hiện tại, vì tất cả các tình cảm mà chúng ta không bao giờ dám cảm nghiệm một cách có ý thức. Mọi nỗi xấu hổ hay nhục nhã mà chúng ta mang trong mình cũng bắt đầu nổi lên phần lớn tuổi thơ và sự đau đớn trong gia đình, chúng ta giữ lại những vết thương của cha và mẹ, sự cô lập, cảnh bị lạm dụng thể chất và tình dục trong quá khứ, tất cả được tích tụ trong tim. Jack Engler, một thiền sư Phật giáo và nhà tâm lý học tại Đại học Harvard, đã mô tả việc hành thiền chủ yếu như là việc thực hành sự đau buồn và để cho nó diễn ra. Tại đa số các cuộc tịnh thiền mà tôi tham dự, gần một nửa số thiền sinh đều đang xử lý một mức độ phiền não nào đó: bị chối từ, tức giận, mất mát, hay đau buồn. Từ công việc xử lý phiền não này phát sinh một sự đổi mới sâu xa.

Nhiều người chúng ta được dạy rằng chúng ta không nên để mình bị tác động bởi sự phiền não và mất mát, nhưng không ai thoát được chúng. Một trong những giám đốc nhà tế bần giàu kinh nghiệm đã ngạc nhiên khi ông đến với một cuộc tịnh thiền và phiền não vì mẹ ông đã mất năm trước. Ông nói, “Nỗi phiền muộn này khác với mọi nỗi phiền muộn mà tôi phải trải qua. Vì đây là mẹ của tôi”.

Oscar Wilde viết, “Trái tim là để bị vỡ ra”. Khi chúng ta chữa lành nhờ thiền niệm, tim chúng ta vỡ ra để cảm nhận hoàn toàn. Các tình cảm mãnh liệt, các điều thầm kín sâu xa của chúng ta hiện ra, và nhiệm vụ trước tiên của chúng ta trong thiền niệm là để cho chúng lưu chuyển khắp người, sau đó nhận ra chúng và để chúng hát bài ca của chúng. Một bài thơ của Wendell Berry minh họa rất hay điều này.

Tôi đi giữa các lùm cây và ngồi xuống bất động.

Mọi thôi thúc trong tôi trở nên tĩnh lặng xung quanh giống như những gợn sóng vòng tròn trên mặt nước.

Nhiệm vụ của tôi là ở những nơi này

Chỗ tôi đã rời bỏ chúng, mơ màng ngủ giống như bầy gia súc.

Rồi điều tôi sợ đã đến.

Tôi sống một lúc với hình ảnh nó trước mắt.

Điều tôi sợ trong nó đã rời bỏ nó, Và nỗi sợ về nó đã rời khỏi tôi.

Nó hát lên, và tôi nghe được bài ca của nó.

Điều chúng ta khám phá ra khi lắng nghe các bài ca của cơn tức giận hay sợ hãi, của cảnh cô đơn hay khát vọng, đó là chúng không ở lại mãi. Tức giận biến thành buồn phiền; buồn phiền biến thành nước mắt; nước mắt có thể chảy một lúc lâu, nhưng rồi mặt trời đến làm chúng khô đi. Ký ức về một sự mất mát hát lên trong chúng ta; thân thể chúng ta rung lên và sống lại giờ phút mất mát ấy; rồi cái vỏ bọc cứng rắn xung quanh nỗi mất mát ấy dần dần mềm đi; và giữa bài ca phiền não ghê sợ ấy, nỗi đau của sự mất mát được giải toả.

Khi thực sự lắng nghe những bài ca đau buồn nhất của mình, chúng ta có thể học biết nghệ thuật tha thứ của Thượng đế. Tuy cũng có cả một hệ thống phương pháp thực hành sự tha thứ mà chúng ta có thể luyện tập (xem Chương 18), nhưng cả sự tha thứ lẫn lòng từ tâm đều phát sinh một cách tự nhiên với sự mở rộng trái tim. Một cách nào đó, khi cảm nhận nỗi đau của chính mình, biển nước mắt của chính mình, chúng ta bắt đầu biết được rằng nỗi đau của mình được chia sẻ và không thể tách rời mầu nhiệm với vẻ đẹp của nỗi đau trong cuộc đời. Nỗi đau này cũng là một phần trong mối liên kết của chúng ta, và đứng trước nó chúng ta không thể nào ngăn chặn được lòng yêu thương của mình nữa.

Rất thường xuyên công việc chữa lành này quá khó khiến chúng ta cần có một người khác để làm đồng minh, làm người hướng dẫn để nắm tay và khơi dậy lòng can đảm nơi chúng ta khi chúng ta làm công việc này. Đó chính là lúc phép lạ xảy ra.

Naomi Remen, một nữ bác sĩ sử dụng nghệ thuật, thiền niệm và các việc thực hành tâm linh khác để chữa lành các bệnh nhân ung thư, đã kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động cho thấy rõ tiến trình chữa lành tâm hồn, kèm theo sự chữa lành thân xác. Bà kể về một thanh niên hai mươi bốn tuổi đến gặp bà sau khi anh đã phải cắt bỏ một chán cho tới háng để khỏi chết vì bệnh ung thư xương. Khi bà bắt đầu chữa trị cho anh, anh có một ý thức rất mạnh về sự bất công và anh căm ghét mọi người “mạnh khoẻ”. Anh cảm thấy chua chát trước sự bất công anh phải chịu vì sự mất mát kinh khủng này khi còn quá trẻ. Nỗi buồn phiền và giận dữ quá lớn khiến anh phải mất mấy năm làm việc liên tục mới có thể bắt đầu ra khỏi chính mình và được chữa lành. Không những anh phải chữa lành thân thể, anh cũng phải chữa lành quả tim tan vỡ và tinh thần tổn thương.

Anh chăm chỉ và nghiêm túc làm công việc chữa lành này, kể lại câu chuyện của mình, vẽ nó ra, suy niệm và đưa toàn bộ cuộc đời anh vào ý thức. Trong khi được chữa lành từ từ, anh đã phát triển một lòng từ tâm đối với những người gặp những cảnh ngộ giống như anh. Anh bắt đầu đi thăm những người trong bệnh viện cũng chịu những mất mát thân thể kinh khủng như anh. Có một lần, anh kể với bác sĩ, anh đến thăm một nữ ca sĩ trẻ đang quá đau buồn vì mất cả hai bên vú khiến cô không dám nhìn anh. Các y tá mở nhạc, hy vọng có thể làm cô vui lên. Hôm ấy là một ngày nóng bức, và anh thanh niên đã mặc quần cụt thể thao đến bệnh viện. Cuối cùng, thất vọng vì không thể làm cô để ý tới, anh cởi dây chân nhân tạo ra và bắt đầu nhảy múa quanh phòng trên chiếc chân lành, vừa nhảy vừa vỗ tay theo điệu nhạc. Cô ca sĩ kinh ngạc nhìn anh, rồi phá lên cười và nói, “Anh bạn, anh có thể nhảy được, thì tôi cũng có thể hát được”.

Câu chuyện của anh thanh niên này diễn tả một cách sâu sắc cách thức mà một nỗi buồn hay một vết thương có thể được chữa lành, cho phép chúng ta phát triển tới mức trọn vẹn bản chất từ tâm của chúng ta, sự bao la của con tim chúng ta. Khi chúng ta thực sự hòa hợp được với nỗi buồn, thì trong lòng chúng ta phát sinh một niềm vui to lớn và không thể dập tắt.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  2. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  3. BẢN DIỆU CA

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ