CHÚNG TA CÓ THỂ GIÚP THẾ GIỚI HẠNH PHÚC HƠN KHÔNG ?

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Hạnh Phúc Tại Tâm - bí quyết sống hạnh phúc; biên dịch: Drukpa Việt Nam; NXB Tôn Giáo

Nếu không đánh giá từ góc độ toàn cầu chất lượng cuộc sống con người, chúng ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
GRONIC MARKS

Ngày nay, nhờ công nghệ và du lịch, chỉ cần động ngón tay là chúng ta có được cả thế giới. Nhưng thế giới chúng ta đang sống gồm nhiều thái cực. Có một số ít người giàu có tột đỉnh, trong khi đại đa số người khác vô cùng nghèo khó. Chúng ta sống trong “tiến bộ”, thế nhưng các nước giàu chứng kiến bệnh tật như tiểu đường và trầm cảm gia tăng, những nước nghèo oằn mình vì nạn đói và thiên tại thảm họa. Sự cách biệt ngày một gia tăng vì ý thức phân biệt cũng tăng lên. Chúng ta cần phục hồi sự kết nối. Việc đeo đuổi hạnh phúc cá nhân đã dẫn loài người đến hiện trạng ngày nay, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đi theo một hướng khác: tìm cầu hạnh phúc chung, hạnh phúc cho cả vũ trụ. Chúng ta cần thức tỉnh trước sự thật là hạnh phúc của một nhóm thiểu số đang đem đến bất hạnh cho đa số mọi người. Làm sao có thể gọi đó là “hạnh phúc đích thực” khi hạnh phúc này đang tổn hại đến người khác; khi người giàu trở nên giàu hơn, người nghèo thêm nghèo đi, khi cả hành tinh bị thảm cảnh đe dọa, với tác động tiêu cực lâu dài đến những thế hệ tương lai.

Nếu không bắt đầu giúp đỡ thế giới bằng mọi cách, thế giới sẽ sụp đổ, khi đó làm gì còn chỗ cho hạnh phúc !

Đức Phật đã khai thị rằng, để chấm dứt khổ đau, chúng ta cần hiểu về khổ đau từ sâu thẳm trái tim mình. Chỉ bằng cách hòa mình vào đời sống và đối diện khổ đau, chúng ta mới thấu hiểu được nó. Nếu sau đó, chúng ta có thể biến hiểu biết thành hành động, thì đó mới thực sự là phát triển chất lượng cuộc sống. Hạnh phúc thực sự bắt đầu gia tăng khi chúng ta biết hòa hợp nhu cầu cá nhân với nhu cầu xã hội: nếu không quan tâm tới hạnh phúc của những người xung quanh thì chính chúng ta cũng sẽ phải khổ đau. Mọi thứ đều có nhân duyên, chỉ những gì hoàn toàn không vị kỷ mới có giá trị đích thực. Vì thế, việc tìm cầu hạnh phúc phải là mục đích chung, thay vì chỉ để thỏa mãn niềm vui cá nhân. Điều kỳ diệu là khi hiểu và thực hành theo chân lý này, trải nghiệm hạnh phúc nơi mỗi chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn. Ngay khi khởi tâm cầu hạnh phúc cho người khác, bạn sẽ khám phá hạnh phúc của chính mình.

HẠNH PHÚC BỀN LÂU

Chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể thực sự bền lâu khi người khác còn đau khổ, và hạnh phúc chân chính bền vững chỉ đến từ thiện hạnh phụng sự mọi người, sống hòa hợp với thiên nhiên, chứng ngộ trí tuệ sẵn có và tự tính quang minh của tâm chúng ta.

HIẾN PHÁP MỚI CỦA VƯƠNG QUỐC BHUTAN
(JIGME THINLEY, Thủ tướng đầu tiên của Bhutan)

Hạnh phúc nở hoa khi chúng ta sống đời bền vững – khi cho đi mà không cần đáp trả. Càng cho đi bao nhiêu, chúng ta càng thêm giàu có bấy nhiêu, bất kể đó có là thời gian, tình yêu thương, sự thứ tha hay hạnh phúc. Khi khám phá ra điều khiến con tim rung động, chúng ta muốn chia sẻ rộng khắp. Khi bắt đầu việc làm dù nhỏ nhất để lợi ích thế giới, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho mọi người.

Liệu chúng ta có thể bắt đầu lựa chọn lối sống không vì hạnh phúc vị kỷ mà còn bảo tồn môi trường cho các thế hệ tương lai? Liệu hạnh phúc có thể bền lâu, mà không cần tước đi niềm an vui của những người khác hay? Theo tôi, nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống và suy ngẫm để có thể sống thân thiện hơn với thiên nhiên, mọi người và với chính mình, thì không những chúng ta có một cuộc sống đầy ý nghĩa, mà còn thực sự hạnh phúc.

Đối với tôi, ví dụ về môi trường minh họa rõ quan điểm trên. Chúng ta nói thân thiện với môi trường, song chưa từng nỗ lực kết nối với thiên nhiên. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu “thiên nhiên” có một trang giao lưu với người hâm mộ trên Facebook, trang web đó sẽ có bao nhiêu người hâm mộ và bao nhiêu người trong số đó sẽ thực sự ra ngoài giao tiếp với thiên nhiên?

Yêu thiên nhiên là bước ra ngoài, tìm hiểu thiên nhiên, để trận trọng và giáo dục bản thân về môi trường. Nếu không kết nối bằng cả trái tim, mọi thứ chỉ là sự phô trương hời hợt. Tôi đã gặp rất nhiều người họ hào “thân thiện với môi trường” hay “thân thiện với hệ sinh thái”, nhưng thậm chí họ còn chẳng bước ra ngoài để tìm hiểu về thiên nhiên, làm sao bạn có thể kết bạn nếu không gặp gỡ và kết nối với họ? Điều này là hoàn toàn không thể!

Tôi luôn chú trọng động viên mọi người sống gần gũi hòa hợp với thiên nhiên vì điều này chỉ có lợi cho chính họ. Thiên nhiên giúp ta chăm sóc tâm mình, cho ta không khí để thở, cung cấp thức ăn và chỗ ở, vì thế chúng ta nên trân trọng và nỗ lực bảo tồn nguồn tài nguyên này. Chúng ta kết nối với thiên nhiên qua trải nghiệm tâm thông qua các giác quan, nhờ đó chúng ta hiểu ra vạn pháp vốn trùng trùng duyên khởi. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống hòa hợp với nhau và biết sống thân thiện, trân trọng môi trường xung quanh mình.

Nếu mỗi người trong chúng ta không góp sức bé nhỏ, không quan tâm tới mọi người và tới thiên nhiên thì làm sao chúng ta có thể thực sự hạnh phúc? Nỗ lực của mỗi cá nhân cộng thành sức mạnh tập thể. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng mỗi chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt. Song song với việc trưởng dưỡng tâm để lợi ích bản thân, chúng ta cần tầm nhìn tổng thể để nghĩ về lợi ích cộng đồng và rộng hơn là hạnh phúc cho tất cả hữu tình. Đây là sự cân bằng hòa hợp thiết yếu giữa mỗi cá nhân với toàn thể pháp giới vũ trụ!

HẠNH PHÚC TRONG TAY

Đạo Phật thường nhấn mạnh “biến bi tâm thành hành động”. Vì thế suy nghĩ và hành động tích cực của chúng ta cần đi đôi với nhau, như đôi cánh chim – nếu chỉ có một bên cánh thì chúng ta sẽ không bao giờ bay được. Không chỉ có khát khao phát triển thành hành động, mà chỉnh hành động cũng nuôi dưỡng khát khao, hai yếu tố này luôn tương trợ lẫn nhau. Khi bạn nhận ra những yếu tố này luôn thống nhất, tôi nghĩ điều này cũng sẽ là nhân duyên để tạo nên hạnh phúc lớn lao.

Tôi biết một số người sẽ cảm thấy bị mắc kẹt trong suy nghĩ và vất vả khi hành động. Nhưng càng trưởng dưỡng sự tỉnh thức của mình, chúng ta càng nhận ra rằng mình đã nghĩ quá nhiều, giờ cần hít một hơi thật sâu và hòa mình vào công việc. Khi đó chúng ta cần tự nhủ, mình sẽ làm việc đó và tiến hành bước đầu tiên.

Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy bế tắc vì lo âu, chẳng hạn như bạn có quá nhiều việc phải làm đến mức không biết phải bắt đầu từ đâu, tôi khuyên bạn nên thực hành trưởng dưỡng sự tỉnh thức trong hiện tại. Nếu cảm thấy quá tải, bạn sẽ rất khó vui vẻ với công việc trong ngày, vì thế tự dành cho mình vài phút tĩnh tâm sẽ là điều cần thiết với bạn. Bạn có thể tập trung quán niệm hơi thở, (xem trang 71) hoặc đi dạo ngoài trời để cảm nhận sự tĩnh tại thanh bình của thiên nhiên.

Chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian, mặc dù luôn nghĩ mình không có nhiều thời gian. Gần đây, tôi phát hiện ra rằng ở rất nhiều nước, khi một người qua đời, điều duy nhất được ghi trên bia mộ của họ là tên, ngày sinh và ngày mất. Giữa hai ngày này là gì? Chỉ một dấu gạch ngang toàn bộ cuộc đời họ được tóm gọn bằng một dấu gạch ngang: ‘’. Điều đó nhắc tôi nhớ cuộc sống ngắn ngủi đến nhường nào, rằng sống tỉnh thức mỗi ngày quan trọng đến mức nào, và đừng nên lo lắng người khác không nhớ đến mình – bởi xét cho cùng, tất cả chúng ta đều chỉ là một dấu gạch ngang ngắn ngủi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÍ TUỆ RỪNG
  2. XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC KHÔNG CÓ “XE RÁC”

Bài viết khác của tác giả

  1. TRƯỞNG DƯỠNG TÂM TỪ BI
  2. HÃY TỪ BỎ NHỮNG LỜI PHÀN NÀN
  3. TÂM RỘNG MỞ MANG ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP