CỐ GẮNG KHÔNG BÓP MÉO

JIGME RINPOCHE

Trích: Sống Hoài Hòa Với Cảm Xúc; Hoàng Lan dịch, Thanh Phạm, Bình Hồ, Hồng Lê hiệu đính; NXB Thế Giới, phuongnambook.

Những nguyên nhân của cảm xúc bắt nguồn từ tâm nên chỉ có chính ta mới hiểu được chúng. Sự hiểu biết này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và bình an. Nếu bình an, chúng ta sẽ nhìn thấy vô vàn trạng thái cảm xúc mà chúng ta đã trải qua. Để bắt đầu, những cảm xúc ghét bỏ và tham muốn là dễ nhận biết nhất. Nếu chú ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy những khuôn mẫu của nguyên nhân của cảm xúc khác bắt nguồn từ chúng. Hãy cố gắng nhìn xem những nguyên nhân này tác động lên chúng ta như thế nào. Chúng ta có thể nhận thấy, ví dụ như, chúng ta có mong muốn rằng chính mình phải là người đúng. Và kết quả là chúng ta nhận ra mình có khuynh hướng tự bóp méo. Chúng ta bóp méo điểm của mình hoặc những sự thật có liên quan để chúng phù hợp với cảm xúc, để từ đó, chúng ta cảm thấy mình đúng. Phần nhiều thì chúng ta không nhận biết được việc đang làm. Ví dụ như, ngay khi cảm thấy rằng mình có thể sai, đồng thời, chúng ta bóp méo tất cả những gì có thể giúp chúng ta thể hiện là mình đúng và người khác sai. Những đánh giá bên trong rất tinh vi. Chúng ta hãy cố gắng nhìn xem mình làm điều này như thế nào. Những sự bóp méo tinh vi này phá rối chúng ta, khiến chúng ta không hạnh phúc. Sự vật, hiện tượng trở nên phức tạp hơn thực tế. Và nó cũng khiến chúng ta nhìn người khác bằng con mắt tiêu cực hơn.

Thực tế là, sống hài hòa với tâm nghĩa là chấp nhận buông bỏ và không bóp méo sự thật. Nó cũng có nghĩa là không bóp méo quan điểm của mình. Chúng ta có thể quan sát điều này khi tranh luận với một ai đó. Thậm chí khi không chắc chắn, chúng ta vẫn cố gắng lập luận để mình trông như đúng. Đương nhiên, khi làm việc với mọi người hoặc khi giải quyết các vấn đề quan trọng, chúng ta cần phải trao đổi, giải thích rõ ràng với nhau. Nhưng tại đây, tôi đang nói đến các cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt hàng ngày.

Nếu chú tâm hơn, chúng ta sẽ thấy phản ứng của mình khi đối diện với những mâu thuẫn nhỏ. Khi nhìn thấy những phán xét trong nội tâm, chúng ta sẽ biết phải làm gì. Chúng ta không thể ngưng chúng lại ngay lập tức. Càng quen thuộc với những khuôn mẫu của mình thì chúng ta càng ít bị chúng tác động. Chúng ta sẽ hiểu rằng việc bóp méo là có hại. Đầu tiên, khi không thể ngăn mình lại, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng nhìn rõ hơn. Sự sáng suốt sẽ đến với chúng ta, từng chút một.

Một lần nữa, chúng ta cần phải có tình yêu thương và tâm từ bi. Chúng ta phải hiểu biết đúng đắn về nhân quả và khổ đau. Điều này là nền tảng căn bản. Nếu không, chúng ta sẽ không chấp nhận thay đổi. Lấy ví dụ như việc giết hại côn trùng: muỗi, kiến, ruồi và nhện. Khi chúng được xem là những con vật thì việc giết hại chúng có vẻ chính đáng. Nhưng nếu chúng ta nhận ra chúng là những sinh vật sống giống như chúng ta, thì sự ác cảm của chúng ta dành cho chúng sẽ giảm đi. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thích chúng. Chúng ta hiểu rằng chúng phải chịu những điều kiện sống của côn trùng cũng như chúng ta phải chịu những điều kiện sống của con người. Sinh vật nào cũng tham sống cả. Khi những hiểu biết như thế này hiện lên, mong muốn làm hại chúng sẽ biến mất một cách tự nhiên. Một thay đổi đã xảy ra trong chúng ta. Tương tự áp dụng cho những bóp méo bên trong chúng ta. Những thay đổi trong quan điểm của chúng ta diễn ra từ từ. Chúng ta không ngay lập tức áp dụng một cái nhìn khác hoàn toàn, ngay cả khi chúng ta muốn thế. Chẳng có phép màu nào ở đây cả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN CẢNH CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ NHAU
  2. HỌC HỎI VÀ KHÁM PHÁ CÁ NHÂN
  3. ĐỂ CÓ THỂ THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC HƠN

Bài viết mới

  1. LÒNG TỪ ÁI
  2. NĂM NGUỒN LỰC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
  3. NHÓM VÀ CÁCH LÀM VIỆC THEO NHÓM