MARK MANSON
Được chuyển ngữ từ bài viết “The Only Way to Be Confident” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson, nguồn: Vietcetera
Làm thế nào để tự tin, khi mà bạn chẳng có gì để mà tự tin cả?
Khi bắt đầu công việc mới, làm sao để tự tin nếu bạn chưa làm nó bao giờ? Trong các tình huống xã giao, tự tin kiểu gì khi trước giờ chưa ai từng thích bạn? Trong tình cảm, làm sao để tự tin vào mối quan hệ của mình nếu bạn chưa từng hẹn hò thành công?
Nhìn bề ngoài thì sự tự tin hơi giống câu nói “người giàu sẽ càng giàu, còn người nghèo thì cứ mãi dậm chân tại chỗ”. Suy cho cùng, nếu bạn ít khi được xã hội công nhận và bạn thiếu tự tin với những người mới gặp, thì người ta sẽ nghĩ bạn kỳ cục và không muốn chấp nhận bạn.
Điều này cũng áp dụng trong các mối quan hệ. Không tự tin vào sự thân mật sẽ dẫn đến những cuộc chia tay tồi tệ hoặc những cuộc gọi khó xử. Cả trong công việc cũng thế – làm sao mà bạn tự tin nổi khi người ta yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm liên quan để được xét tuyển?
Câu hỏi hóc búa về sự tự tin
Nếu luôn thua cuộc trong đời sống, thì làm sao bạn mong đợi mình trở thành người chiến thắng? Và nếu nghĩ mình không bao giờ thắng, thì bạn lại hành xử như một kẻ thua cuộc. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế tiếp diễn.
Đây là một câu hỏi hóc búa về sự tự tin. Theo đó, để hạnh phúc và thành công, thì đầu tiên bạn phải tự tin… Nhưng mà để tự tin, thì bạn phải hạnh phúc, thành công hay được yêu thương trước đã.
Có vẻ bạn đang ở một trong hai vòng lặp này: vòng lặp hạnh phúc của người tự tin, hoặc vòng lặp buồn bã của kẻ thua cuộc. Nếu không may nằm ở vòng thứ 2, bạn dường như luôn có cảm giác không thể thoát ra được.
Bạn có thể dành rất nhiều thời gian nhìn nhận chính mình, để cố gắng sắp xếp mọi thứ trong đầu. Nhưng vì thiếu tự tin, bạn quay về đúng vạch xuất phát. Quá trình này không khác gì con cún đang đuổi theo cái đuôi của chính mình.
Nhưng nếu chú ý quan sát người khác, bạn có thể thấy mệnh đề trên không đúng. Không phải lúc nào sự tự tin cũng ở trong một cái vòng luẩn quẩn.
Không phải cứ ai xinh đẹp, có nhiều tiền hay nhiều bạn đều cảm thấy tự tin vì những điều đó. Có những tỷ phú hoàn toàn thiếu tự tin vào tài sản của mình, những người mẫu thiếu tự tin về ngoại hình và những ngôi sao không tự tin chút nào về độ nổi tiếng của chính họ.
Thế nên tôi nghĩ bài học đầu tiên chúng ta rút ra được, là tự tin không nhất thiết liên quan đến những đặc điểm bên ngoài. Trên thực tế, nó bắt nguồn từ cách bạn nhìn nhận bản thân, bất kể các yếu tố ngoại cảnh có ra sao.
Sự tự tin không thể đo lường bằng thước đo hữu hình nào bên ngoài. Vì vậy có thể kết luận rằng, việc cải thiện những khía cạnh bên ngoài chưa chắc đã giúp bạn tự tin hơn. Nếu đã sống qua vài thập kỷ trên đời, chắc bạn cũng đã nhận ra điều này.
Được thăng chức trong công việc chưa chắc đã giúp bạn tự tin về kỹ năng của mình hơn. Trái lại, không ít người còn thiếu tự tin sau khi được thăng chức nữa. Hẹn hò hay ngủ cùng “người ấy” cũng chưa chắc làm bạn tự tin về độ hấp dẫn của mình. Tương tự, việc dọn vào sống thử hay cưới nhau cũng chưa chắc gia tăng độ tự tin của bạn trong mối quan hệ.
Sự tự tin là một cảm xúc, và cũng là một trạng thái tâm trí. Nó xảy ra khi bạn nhận định mình không thiếu cái gì, mình có mọi thứ mình cần cho hiện tại và cả tương lai.
Ví dụ một người tự tin trong đời sống xã giao sẽ cảm thấy mãn nguyện về nó. Còn ai thiếu tự tin trong vấn đề này thường ám thị rằng họ không đủ cool ngầu hay quyến rũ để được mời đi tiệc. Chính cảm giác “thiếu thốn” này đã thúc đẩy hành vi đeo bám, nhõng nhẽo hoặc ăn vạ của họ.
Làm sao để trở nên tự tin hơn?
Câu trả lời rõ ràng, đơn giản và phổ biến nhất là tin rằng bạn không thiếu thứ gì. Rằng bạn đã có, hoặc ít nhất xứng đáng với bất cứ thứ gì bạn cần để cảm thấy tự tin.
Nhưng kiểu suy nghĩ này cũng có mặt trái của nó. Giả sử bạn tin rằng bạn xinh đẹp dù thực tế bạn đang nhếch nhác. Kiểu tư duy này lâu dần sẽ khiến bạn tự kiêu đến mức tin rằng béo phì cũng nên được coi là đẹp, dù nó còn có hại hơn cả hút thuốc.
Khi nhận ra kiểu suy nghĩ này không hiệu quả, nhiều người đã thử cách khác: cải thiện những yếu tố bề ngoài. Họ tìm đọc danh sách 50 điều người tự tin thực hiện, và bắt chước theo. Họ bắt đầu tập thể dục, ăn mặc đẹp hơn, bắt tay chắc hơn và nhìn vào mắt đối phương nhiều hơn khi giao tiếp.
Cách này thì có tác dụng hơn cách đầu tiên một chút. Nó khiến bạn không còn “ảo tưởng sức mạnh” rằng mình đã đủ tự tin, rằng mình không ở trong nhóm người thua cuộc. Ít nhất là bạn đã làm gì đó để cải thiện mức độ tự tin của mình. Và hành động đó đúng là có tác dụng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thôi.
Nguyên nhân vì cách làm này tập trung vào yếu tố ngoại cảnh để thúc đẩy sự tự tin của bạn. Cần nhớ rằng, việc tìm kiếm sự tự tin từ thế giới bên ngoài là điều không tưởng. Nếu bạn có tìm được đi chăng nữa, thì bạn cũng chẳng thể tự tin được lâu dài.
Vì vậy, đây cũng không phải giải pháp bền vững giúp bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự ti. Chính việc tự lừa dối bản thân rằng bạn không thiếu thứ gì sẽ khiến bạn thấy tồi tệ hơn nhiều.
Cách duy nhất để thực sự tự tin là trở nên thoải mái với những gì bạn thiếu.
Xin hãy đọc câu trên thêm lần nữa. Sự tự tin vốn không liên quan gì đến việc thoải mái với thành tựu bạn có. Trái lại, bản chất của tự tin là thoải mái với những gì bạn không đạt được.
Có những doanh nhân tự tin vì họ không sợ thất bại. Họ nhận ra thất bại là một phần tất yếu trong cách thị trường hoạt động. Nó phản ánh sự thiếu sót trong kiến thức mà họ cần học hỏi thêm, chứ không phải con người họ.
Có người tự tin trong đời sống xã giao vì họ thoải mái với việc bị từ chối. Họ hiểu rằng họ không thể làm vừa lòng mọi người xung quanh. Thế nên họ thoải mái với việc có người không ưa mình, miễn họ thể hiện bản thân một cách trung thực.
Có người tự tin trong mối quan hệ vì họ thoải mái với việc bị tổn thương. Họ không ngại mở lòng với đối phương về cảm xúc thật của mình và đặt ra ranh giới lành mạnh cho chúng, dù điều đó khiến họ thấy khó chịu (hoặc thậm chí rời bỏ mối quan hệ).
Cách xây dựng sự tự tin từ thất bại
Thực tế là con đường dẫn đến điều tích cực chạy qua vô số điều tiêu cực. Do đó, những ai thoải mái nhất với trải nghiệm tiêu cực sẽ gặt hái được nhiều lợi ích nhất. Nghe thì rất… phản trực giác, nhưng điều này lại đúng.
Một nỗi lo nhiều người gặp phải, là nếu chúng ta thoải mái với thất bại và chấp nhận nó như một phần cuộc sống, thì chính ta sẽ trở thành kẻ thất bại. Nhưng thực tế cuộc đời không vận hành như thế. Cảm giác thoải mái khi thất bại giúp bạn hành động mà không sợ hãi, dấn thân mà không phán xét, yêu thương mà không cần điều kiện.