LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP

DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Trích: Đạo Sư Uống Rượu; Dịch: Pema Trần; NXB Hà Nội

 Không phải là một nghề

Trong thế giới nghề nghiệp, bác sĩ, giáo sư và các nhà trị liệu đều có những bộ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt. Họ có những giới hạn. Họ thường cam kết với một lời thề. Những quy định và luật lệ đều có hiệu lực. Nếu quy định bị phá vỡ, những giấy phép bị thu hồi. Ví dụ, một bác sĩ trị liệu quan hệ tình dục với bệnh nhân sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp bởi vì sự mất cân bằng về quyền lực giữa hai bên.

Làm một bậc thầy không phải là một nghề nghiệp, đặc biệt trong Kim Cương thừa. Không có sự đào tạo bậc thầy theo tiêu chuẩn nào mà kết thúc bằng một tấm bằng. Không có một văn phòng cụ thể nào để bạn có thể đến đó và nộp đơn xin trở thành một bậc thầy kim cương, không có mẫu đơn nào để bạn điền vào. Không có sách hướng dẫn, quy định.

Nhiều người Thiên Chúa giáo và những tổ chức tôn giáo khác đã tạo ra những quy định nội bộ và quy tắc ứng xử để chống lại những hành vi quấy rối tình dục hoặc các hành vi lạm dụng khác. Bây giờ các nhà hoạt động Phật giáo cũng đang vận động để đưa ra một bộ quy tắc ứng xử dành cho các vị lạt-ma, ngăn cấm các mối quan hệ không mong muốn của họ. Và điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Đã có quá nhiều sự lạm dụng quyền lực và ảnh hưởng giữa các mối quan hệ bậc thầy và đệ tử. Một bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ tạo ra sự thận trọng và tỉnh giác lớn hơn. Nhưng nó sẽ không giúp ngăn chặn việc nảy sinh các vấn đề. Không chỉ vì con người luôn luôn có thể tìm được cách kiểm soát các bộ quy tắc ứng xử, bản thân mỗi quy tắc đã là do con người đặt ra và điều khiển nó, và con người luôn luôn có những thiên vị. Họ luôn thiên vị. Đánh giá của họ có thể dao động.

Ngay cả khi mọi người dường như nghĩ rằng quyền lực nằm ở những người cấp cao – bác sĩ hoặc giáo viên – câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Con người luôn luôn chơi rất nhiều trò chơi kỳ lạ. Đôi khi bệnh nhân lại biến bác sĩ thành nạn nhân. Bất cứ ở đâu còn có sự vị kỷ thì trò chơi luôn luôn đang diễn ra. Những trò chơi này không chỉ giới hạn ở chỗ váy ngắn hay bụng sáu múi. Nước mắt, những quy tắc ứng xử lịch thiệp, và tất cả mọi thứ đều có thể được sử dụng để điều khiển tình huống. Vì thế, quy tắc ứng xử đạo đức dành cho các nhà vật lý trị liệu chẳng hạn, được tạo ra để phục vụ, bảo vệ cho cả bệnh nhân và bác sĩ.

Nhưng một mối quan hệ bậc thầy-đệ tử thì phức tạp hơn nhiều quan hệ giữa bác sĩ trị liệu và bệnh nhân, và quy tắc phải được soạn riêng cho từng đệ tử. Có một điều khác biệt quan trọng là, trở thành nhà vật lý trị liệu là một nghề nghiệp, nhưng trở thành bậc thầy thì không phải và không bao giờ nên là một nghề nghiệp. Đó không phải là cách để kiếm sống”, nói ngắn gọn lại như vậy. Mỗi người nên sống vì giáo pháp, không nên sử dụng giáo pháp để kiếm sống. Đây là một trong những điều nguy hiểm nhất và tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Những nhà vật lý trị liệu không phải lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân tới đời sau của họ. Họ không phải nghĩ về nghiệp quả và tái sinh, chưa nói đến việc giúp bệnh nhân thức tỉnh khỏi giấc ngủ luân hồi. Các bậc thầy thì phải như vậy. Trên thực tế, đó là mục đích chính của họ. Vì thế, quan điểm rất khác nhau, Cũng như vậy, mục đích khác nhau. Khái niệm về “khoẻ mạnh” và “bình thường” mà một nhà vật lý trị liệu cố gắng xây dựng có thể chính xác là những điều bậc thầy đang cố gắng xóa bỏ.

Tôi thậm chí không phải là một người chống lại những nhà vật lý trị liệu, hay chống lại những người thực hành reiki, hay chống lại phương pháp chữa lành bằng tinh thể. Những kiểu chữa lành này có thể có tác dụng. Nếu một học trò bị đau đầu, anh ấy hoặc cô ấy nên uống thuốc – nhưng với một hiểu biết rằng thuốc đó chỉ tạo ra một sự giảm đau tạm thời. Tương tự như vậy, ngày nay, trong thời đại này, các liệu pháp trị liệu có thể rất lợi lạc. Một trong những nỗi khổ của xã hội hiện đại là lòng tự trọng thấp cực đoan, và trong một số trường hợp, điều đó có thể trở thành một trở ngại chính. Những người có lòng tự trọng thấp một cách cực đoan có thể không hiểu được và không trân trọng pháp tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa bởi vì họ cho rằng họ vô phương cứu chữa.

Học trò của tôi là Daenerys có một thứ cảm xúc rất lẫn lộn với tôi bởi vì cô ấy bị cha ruột lạm dụng khi còn là một đứa trẻ. Cô ấy có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với ông ta. Cô ấy đã thèm muốn tình yêu thương của ông ta nhưng tất nhiên căm ghét những điều ông ta đã làm với cô ấy, và khinh bỉ bản thân mình vì cảm thấy thích bất kỳ sự quan tâm nào mà ông ta dành cho cô. Vì thế cô ấy nhìn nhận tôi như một bậc thầy và một hình ảnh của người cha, rồi cảm xúc vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Cô ấy tin | tưởng tôi và mong muốn nhận được sự quan tâm của tôi, nhưng cô ấy có một thói quen sử dụng năng lượng tính dục kết hợp để nhận được sự chú ý của tôi. Kiểu rối loạn thần kinh và phức tạp này là điều mà không một bậc thầy nào ở thế kỷ XVIII gặp phải. Thật may mắn, Daenerys đi gặp một bác sĩ trị liệu và người đó đã thực sự giúp cô ấy đặt cảm xúc sang một bên để chúng tôi có thể có được một mối quan hệ bậc thầy-đệ tử trực tiếp mà không bị dính vào những cạm bẫy như vậy.

Người Tây Tạng đã phải nhận ra rằng xã hội đang thay đổi. Có những cách giao tiếp, truyền thông mới mẻ hơn. Một phần nhờ vào kỷ nguyên công nghệ thông tin, ngày nay có sự soi xét kỹ hơn từ mọi phía, đặc biệt là ở phương Tây. Mỗi người đều là một người lính canh gác, do đó chúng ta nghe thấy nhiều câu chuyện về các vị cha xứ lạm dụng tình dục với trẻ em tại nhà thờ, và phụ nữ đấu tranh tại Ấn Độ. Ấn Độ đã trải qua một thời kỳ là môi trường xảy ra những vụ hãm hiếp kinh khủng bởi vì nhiều phụ nữ không có tiếng nói, nhưng giờ đây, những câu chuyện của họ đang được mang dần ra ánh sáng. Nếu sự soi xét kỹ càng như vậy được đưa vào áp dụng trong hệ thống những tu viện ở Tây Tạng, thì sẽ không ngạc nhiên nếu tỉ lệ những vụ lạm dụng, bê bối cũng tương đương, nếu không muốn nói là nhiều hơn.

Nhưng những che giấu bí mật như thế này đang thay đổi, và nó có thể là một điều tốt. Sự thay đổi không thể diễn ra theo cách mà chỉ qua một đêm tất cả mọi người đều trở thành những người cư xử tốt. Một người có quyết tâm sẽ luôn tìm cách thông minh để đạt được điều mà anh ta muốn. Có thể còn nhiều những câu chuyện chưa được biết đến về các lạt-ma Tây Tạng đối xử tệ hoặc lạm dụng tình dục các bé trai và bé gái.

 Sự minh bạch

Bản chất của con người là bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn bằng cách ban cho những món cúng dường vật chất, thời gian và năng lượng. Trong khi sự hào phóng, xả bỏ bám luyến và quy ngưỡng là những thực hành rất quan trọng đối với đệ tử, bất kỳ bậc thầy nào thọ nhận cúng dường đều phải vô cùng cẩn thận.

Một trong những nền tảng của Phật giáo là Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh mạng được giải thích là sống một đời sống chân chính không làm hại ai cả – không lừa gạt, dối trá, dù trực tiếp hay gián tiếp. Trong Luật tạng, Đức Phật đã giải thích rất tỉ mỉ chi tiết những gì bị coi là lừa dối. Ví dụ, một vị tăng đang đứng xếp hàng chờ lấy thức ăn không nên giấu phần rau xuống dưới phần cơm để khiến người phục vụ tưởng là vị ấy chưa nhận được món rau.

Nhiều hành giả vĩ đại trong quá khứ đã cầu nguyện rằng họ không bao giờ trở thành những người ngồi ở các vị trí ảnh hưởng, đầy quyền uy và nổi tiếng bởi vì những hiểm nguy tiềm tàng không tránh khỏi sẽ đi kèm với vị trí như vậy. Điều nguy hiểm nhất trong những điều này là họ sẽ nhận được quá nhiều đặc quyền, đặc lợi và những món quà – những chỗ ngồi tốt nhất, lựa chọn số một tại những bữa tiệc buffet. Đối với người đang trên con đường trở thành bậc thầy, việc tính toán hoặc lợi dụng vị trí của mình để đạt được những điều này thì còn tệ hơn nhiều so với việc giết hại, trộm cắp hoặc tà dâm. Như tôi đã nói đến ở trên, có một từ tiếng Tạng cho việc này – kor – mà Patrul Rinpoche đã nói đến trong cuốn “Lời vàng của thầy tôi”, là một trong những thứ sẽ hủy hoại các lạt-ma và các rinpoche. Giết hại và trộm cắp chỉ là những hành động bất thiện công khai, trong khi đó kor là sự lừa dối vi tế và trơn trượt, đặc biệt bởi vì cúng dường lại được xem là một phần tích cực của con đường. Từ bỏ giết hại hay hút thuốc lá còn dễ hơn bởi vì chúng ta không cần phải giết hại hoặc hút thuốc chỉ để sinh tồn, nhưng với một số người, việc kiêng nhịn thật là một thử thách bởi vì tất cả chúng ta đều có nhu cầu ăn uống, ít nhất là một chút. Tương tự như vậy, để một lạt-ma kiêng nhịn tất cả những thứ đặc quyền đặc lợi là vô cùng khó khăn. Và như vậy, khả năng một lạt-ma cấp cao nhận được những đãi ngộ đặc biệt hằng ngày là rất lớn.

Những bậc thầy tương lai không thể nào có đủ sự cẩn trọng. Sử dụng sai đặc quyền, đặc lợi là rất khó tránh khỏi khi bậc thầy cảm thấy cần có một số thứ cho tu viện hoặc cho giáo pháp. Những nhu cầu dường như là dành cho giáo pháp này có thể ngụy trang cho lòng tham và sự lạm dụng của họ. Trong những tình huống xấu nhất, cúng dường được thực hiện với lòng sùng mộ chân thành dự định xây dựng một nơi chốn học tập và thực hành lại được chuyển thành việc xây dựng nhà hàng cho cháu gái của lạt-ma ở Majnu-ka-Tilla hoặc mua một bất động sản đầu tư Kathmandu để cháu gái của lạt-ma có thể đi học trường tư ở Chandigarh. Và người cháu gái này lớn lên không có chút hứng thú nào với giáo pháp mà dành thời gian tìm kiếm một người chồng giàu có và bắt đầu một công việc kinh doanh.

Một kiểu hệ thống minh bạch có thể có tác dụng, hoặc có thể không. Văn hóa hiện đại khích lệ sự minh bạch trong kinh doanh, và ý niệm về tội lỗi của phương Tây cũng khích lệ một kiểu trung thực cởi mở, nhưng đó không phải là thứ mà các lãnh đạo châu Á quen thuộc, và chắc chắn các tu viện lại càng không. Cách của người châu Á là che giấu, làm khuất tất và giữ thể diện. Người châu Á sẽ che giấu và nói dối ngay cả những thứ vặt vãnh nhất, giống y như cách họ nghiện xem bóng đá.

Tuy nhiên, nói dối có những lợi ích riêng của nó. Nói dối không phải luôn luôn là hoàn toàn lừa dối. Và trong khi sự minh bạch nghe ổn, đó không phải là một giải pháp được đảm bảo. Cuối cùng thì, sự minh bạch là một khái niệm của thế giới thế tục, và không có bất cứ thứ gì trong thế giới thế tục là hoàn hảo. Nó có thể mang đến sự bất ổn trong chính nó. Đôi khi quá nhiệt tình về một vấn đề rất nhỏ có thể gây ra sự mất mát ở những thứ khác.

Ở mức độ rốt ráo, sự minh bạch không áp dụng với các bậc thầy Kim Cương thừa. Nếu một số lạt-ma đề cao tính trách nhiệm, họ chỉ đang nói như vậy để xoa dịu đám đông. Trong Mật thừa, bậc thầy không chịu trách nhiệm với đệ tử. Bậc thầy chỉ chịu trách nhiệm với nghiệp của chính mình. Tính minh bạch không phải là một trách nhiệm thuộc về Mật thừa.

Chấp nhận cúng dường

Chúng ta phải xem việc cúng dường một ru-pi là một ví dụ của sự hào phóng vô cùng. Hãy nghĩ: “Điều này thật là tuyệt vời, và khích lệ, khen ngợi, hồi hướng công đức của việc đó. Và nếu ngày tiếp theo bạn có can đảm chấp nhận một triệu đô-la, hãy nghĩ: “Ồ, chỗ này thực sự không đủ” Điều này sẽ giúp học trò nhìn nhận được giáo pháp, sự thật, thay vì nhìn vào những con số.

Thật là hổ thẹn khi những người hướng dẫn, đặc biệt những người đến từ phương Tây, lại chần chừ mở ví trả tiền sau bữa ăn tối tại một nhà hàng với những học trò của họ, như thể là họ được đặc cách mời bởi học trò của họ. Ngay cả khi mọi người đồng ý chia sẻ chi phí, họ đợi đến cuối và trả ít nhất. Điều này thể hiện một sự thiếu phẩm cách ở một người được cho là cần phải khơi nguồn cảm hứng cho người khác. Điều ấy có thể không quá quan trọng nếu bạn chỉ là một thầy giáo dạy môn kinh doanh hay môn Toán, nhưng nếu bạn đang giảng dạy về tâm linh thì việc trả tiền một bữa ăn liên quan đến tình yêu thương, lòng bi mẫn, sự hào phóng và công đức, vì thế bạn nên vô cùng cẩn trọng về cách ứng xử của bạn.

 BIỂU HIỆN CỦA TÀ MẠNG

Nếu bạn thể hiện bất cứ hình thức nào của tà mạng (kiếm sống sai trái) như được liệt kê bởi ngài Jigme Lingpa dưới đây, có thể bạn sẽ không làm được bậc thầy:

  • Mặc dù bạn không đòi hỏi vật chất một cách trực tiếp, bạn đưa ra những ẩn ý về nhu cầu của bạn trước mặt một người có khả năng cung cấp cho bạn, cùng lúc đó bạn che giấu tiền bạc và của cải để ngụy trang sự giàu có của bạn.
  • Bạn ca ngợi sự hào phóng của một người bảo trợ trước đây ngay giữa đám đông để nhận được một sự bảo trợ trong tương lai, thậm chí nhiều hơn.
  • Bạn cúng dường một khoản nhỏ cho người khác trong khi lại tính toán xem người đó sẽ cho lại bạn món gì tương ứng phù hợp.
  • Bạn nói chuyện cởi mở giữa đám đông về những thực hành lắng nghe, suy ngẫm, thiền định và sám hối mà bạn đã thực hành, cùng với những chi tiết về những gì bạn đã xả bỏ, số lượng chúng sinh bạn đã cứu được, số lượng những thiện hạnh bạn đã làm được, số lượng các bữa tiệc bạn đã cúng dường, số lượng những bức tượng, những tu viện bạn đã tài trợ, tất cả đều là phương tiện để bạn nhận được nhiều khoản cúng dường hơn nữa.
  • Bạn ban tặng một đống những lời khen ngợi dành cho một nhà tài trợ tiềm năng với mục đích tích lũy thêm những khoản cúng dường.
  • Bạn nỗ lực tỏ ra bình an hoàn hảo, nhân từ, đầy đức hạnh và trầm tĩnh trước đám đông, mặc dù thực tế bạn còn rất xa mới ở mức độ gần hoàn hảo.
  • Bạn giả vờ tỏ ra trung thực như một cách để tích lũy các khoản cúng dường và danh tiếng.
  • Bạn tỏ ra đã điều phục được tám pháp thế gian, và bạn lại khoác lên một vẻ ngoài thái quá, như thể là bạn đã thoát được thói đạo đức giả, phát ngôn bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm bạn, tất cả đều là một cách để tích lũy của cải.
  • Bạn nói với một nhà tài trợ về số tiền mà một nhà tài trợ khác đã cúng dường để khiến họ cảm thấy buộc phải làm điều tương tự, hoặc hơn thế.
  • Bạn thể hiện một sự khiêm nhường, nói rằng bạn không xứng đáng với sự hào phóng, như một cách để tích lũy của cải.

Đây là những thuốc độc, ô uế và nguyên nhân của việc trôi lăn trong luân hồi. Những ai mong muốn đạt được tự do phải tránh vi phạm vào những việc làm trái với chánh mạng bằng mọi giá.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. NĂM GIA ĐÌNH PHẬT
  3. CHỨNG CHỈ CHO ĐIỀU KHÔNG THỂ DIỄN TẢ

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG