CON ĐƯỜNG CỦA BỒ TÁT – THỰC HÀNH THỨ NHẤT

HH. DALAI LAMA XIV

Việc có được căn bản làm người này, con thuyền quý báu khó được, để giải thoát những người khác và chúng ta khỏi biển sanh tử, cho phép chúng ta nghe, suy nghĩ và thiền định ngày đêm không sao nhãng. Đây là một thực hành của Bồ tát.

Hạnh phúc chân thật chỉ đến qua thiện nghiệp, sự tích tập thiện hạnh tạo ra những “hạt giống” trong tâm thức để lớn lên thành những khả năng tốt đẹp. Cách để loại trừ những sai lầm là làm cho tâm Phật – Bồ đề tâm – sinh ra trong chúng ta.

Để đạt Phật quả, chúng ta phải học thực hành Pháp, học biết cái gì phải đoạn trừ và cái gì phải thực hành, và một thân người quý báu là cần thiết để làm được điều đó. Khi tôi nói cho giáo lý này, có nhiều thú vật quanh chúng ta; về lý thuyết chúng có thể nghe thấy giáo lý, nhưng tình trạng thú vật ngăn cản việc đó và chúng không thể hiểu gì. Chúng ta may mắn đã có nền tảng cần thiết là một đời làm người. Chúng ta có được đời làm người trong một xứ sở nơi Pháp đang thịnh hành; chúng ta có khả năng đọc, nghe, suy nghĩ, phân biệt.

Chúng ta có tất cả những khả năng cần thiết cho sự thực hành Pháp. Dù trong các bạn có một người rất già không biết đọc, biết viết, người ấy vẫn có thể nghe và hiểu một số lời này về Pháp. Một thân thể già và mòn mỏi vẫn là một thân người quý báu, quý hơn nhiều so với thân thể đẹp đẽ của một con thú trẻ trung và mạnh mẽ.

Đời người rất giá trị vì có hàng tỷ cuộc đời trên trái đất này, nên cơ hội có thân người là hiếm hoi. Chúng ta có một thân người trong thời này và có thể biết Pháp trọn vẹn, Đại thừa. Chớ để cơ hội này qua đi; làm như thế cũng vô lý như một người đói với một số tiền đi vào chợ mà trở về tay không. Dù chúng ta trẻ hay già, mỗi người chúng ta phải có cố gắng cần thiết và không bỏ phí đời người quý báu này.

Đời người quý báu này rất khó được và rất dễ mất, đòi hỏi một số điều kiện. Một số điều kiện do từ những thiện hạnh đã làm trong đời trước, không phải là những hành vi tốt riêng lẻ và bề ngoài, mà là những thiện hạnh thường xuyên lặp lại. Ngay bây giờ chúng ta phải bắt đầu – không phải ngày mai – hay sau này – tạo lập công đức.

Công đức của chúng ta nhanh chóng bị hủy hoại bởi lỗi lầm nhỏ nhất của kiêu mạn, thù ghét, ích kỷ – những xúc tình chúng ta đều có và nhanh chóng tràn ngập chúng ta vào bất cứ lúc nào. Bởi thế rất đáng nghi rằng công đức quá khứ nhờ nó mà chúng ta có được cuộc đời này vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta hãy làm mới lại và tăng trưởng công đức của chúng ta mà không nghĩ đến “số vốn” chúng ta tin mình đã thu hoạch được.

Mỗi chúng ta đều có thể thực hành Pháp, vì không bắt buộc phải bỏ cái gì và phải đi thiền định trong một hang động. Chúng ta có thể thực hành Pháp trong đời sống hàng ngày bằng cách biến một số hoạt động trong đời thường thành ra hoạt động tâm linh. Chúng ta phải có một tâm thức cao cả, nhân đức, rộng mở, không loạn động hay tranh đấu, nó sẽ cho chúng ta tiến nhanh hơn trên con đường khi những hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi.

Hãy bắt đầu ngay bây giờ, chớ đợi đến sau này. Hãy thức tỉnh với những lỗi lầm nhỏ có vẻ vô hại lúc ban đầu; chẳng hạn thức tỉnh với những lời nói dối nhỏ nhặt nhất – người ta nói dối ở mọi tình huống, không nghĩ đến cái hại và thậm chí không tự biết mình đang nói dối. Đấy là những khuynh hướng nghiệp; chúng ta phải thôi làm chúng dần dần và không ngã lòng.

Chớ nói “Pháp thì quá lớn lao đối với tôi, tôi là một kẻ tội lỗi”. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi khốn cùng và tuy nhiên chính trong ngay tại đây và bây giờ, chúng ta thay đổi dần dần. Từ giờ, tôi cũng nhìn vào những lỗi lầm còn đọng trong tôi. Hãy cũng làm như vậy và chớ để mọi sự tiếp tục như cũ với sự biện bạch rằng các bạn không thể.

Thực hành Pháp là loại bỏ dần dần những lỗi lầm và tăng trưởng những phẩm tính chân thật để cuối cùng có được những phẩm tính tối thượng. Vào lúc ấy, khả năng giúp đỡ mọi chúng sanh của chúng ta sẽ đầy đủ. Phật quả đến từ những thực hành Pháp, và trạng thái đó là cái độc nhất cho phép chúng ta thành tựu hạnh phúc tối hậu và chân thật.

Chúng ta có những gương mẫu những Bồ tát và chư Phật giúp chúng ta hiểu kết quả toàn hảo này của sự thực hành Pháp. Nhưng chúng ta theo con đường này không chỉ để có kiến thức đẹp đẽ về Pháp; những phẩm tính cần thiết chỉ phát triển qua thực hành, thế nên rất quan trọng phải biết cái gì cần đưa vào thực hành.

Đạt đến một thực hành toàn hảo cho phép chúng ta giúp đỡ những chúng sanh tùy theo những khả năng của họ. Quán Thế Âm có sự toàn thiện này, đó là tại sao bản văn nói, “Con quy y ngài, không chỉ hôm nay, mà luôn luôn, và không chỉ bằng lời nói mà bằng cả ba cửa thân, ngữ, tâm của con… Con tôn kính và đảnh lễ ngài…”

Mọi hạnh phúc và bình an đều đến từ nghiệp “trắng”, một nghiệp cao cả được tạo thành bởi sự tích tập những hành động chân chính. Thế nên, một lần nữa, con đường duy nhất để theo, phương pháp duy nhất, cốt ở loại bỏ những hành động, lời nói và tư tưởng sai lầm. Tsong Khapa nói “Dù thân tôi có chết, cuộc đời tôi có chấm dứt, và dù tôi có mất chúng vì thực hành Pháp, nguyện rằng tôi thực hành Pháp bất chấp mọi sự”.

——- ??? ——-

Nguồn: Những Giáo Lý Thiết Yếu Của Đại Thừa

Tác giả: Đức Dalai Lama 14

NXB Thiện Tri Thức

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP