CƠN GIẬN KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Giận; Chân Đạt dịch; NXB. Hồng Đức; Công ty Sách Phương Nam

 

 

Cơn giận không phải chỉ là hiện tượng tâm lý

Theo lời Bụt dạy, thân và tâm không thể tách rời. Thân chính là tâm và đồng thời tâm cũng chính là thân. Vì thân và tâm liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần túy tâm lý. Trong Đạo Bụt có danh từ namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học Tây phương. Danh từ Namarupa hay psycho-soma có thể dịch là tâm-sinh-lý, là thân và tâm như một hợp thể. Cùng là một hiện tượng mà có khi phát hiện ra như thuộc về tâm, có khi phát hiện ra như thuộc về thân.

Quan sát tính chất của các hạt cơ bản (elementary particle) các nhà khoa học vật lý khám phá ra rằng các hạt cơ bản có khi biểu hiện ra dưới một dạng sóng (wave), có khi biểu hiện ra như một hạt vật chất. Sóng rất khác với vật chất. Sóng chỉ có thể là sóng, nó không thể là vật chất. Nhưng đối với một hạt cơ bản thì sóng và vật chất cùng là một. Vì vậy thay vì gọi các hạt cơ bản là sóng hay vật chất, các nhà khoa học đã phối hợp hai danh từ wave và particle lại với nhau và gọi hạt cơ bản là ‘wavicle’.

Thân và tâm cũng vậy. Do nhận thức nhị nguyên (dualistic view) mà ta nghĩ rằng tâm không thể là thân và thân không thể là tâm. Nhưng nếu quán chiếu cho sâu ta sẽ thấy rằng thân tức là tâm và tâm tức là thân. Nếu vượt thoát được lối nhìn nhị nguyên cho rằng thân và tâm là hai thực thể riêng biệt thì có thể đạt đến rất gần chân lý thực tại. Nhiều người đã bắt đầu ý thức rằng tất cả những gì xảy đến cho thân thì cũng xảy đến cho tâm và ngược lại. Y khoa hiện đại đã nhận ra rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần gây nên và tâm thần bị bệnh có thể do thể xác gây nên. Thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt mà chỉ là một.

Muốn chăm sóc cơn giận chúng ta trước phải chăm sóc thân thể. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ vì vậy rất quan trọng.

Những gì chúng ta ăn quyết định con người chúng ta

Sân hận, bực bội, tuyệt vọng tất cả đều có gốc rễ từ thể chất của ta và các thức ăn ta tiêu thụ. Ta phải có một kế hoạch ăn uống, tiêu thụ như thế nào để cho khỏi phải bị sân hận, bạo động xâm chiếm. Ăn uống là một khía cạnh của văn minh xã hội. Cách ta chế tác thức ăn, các loại thực phẩm ta tiêu thụ, cách ta ăn uống tất cả đều có quan hệ tới nền văn minh bởi vì sự lựa chọn của ta trong việc ăn uống có thể đem lại hòa bình và làm vơi bớt khổ đau.

Thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát khởi sân hận. Thức ăn có thể chứa đầy sân hận. Khi ăn miếng thịt của một con bò bị bệnh ‘bò điên’ (mad cow disease) thì cái ‘chất điên’ của con bò có sẵn trong miếng thịt. Không những thế, khi ăn một cái trứng hay một miếng thịt gà ta cũng phải biết rằng cái trứng hay miếng thịt gà đó cũng có thể chứa đầy ‘chất sân hận’. Chúng ta ăn chất sân hận và sẽ phát khởi sân hận.

 

 

Ăn cho đúng và ăn ít lại

Có nhiều người ăn thật nhiều để quên đi buồn phiền, trầm cảm. Nhưng ăn nhiều quá sẽ gây hại cho bộ phận tiêu hóa và sân hận dễ phát khởi. Ăn nhiều quá sẽ tạo ra quá nhiều năng lượng. Nếu không biết xử lý thì năng lượng ấy có thể biến thành năng lượng của sân hận, tình dục và bạo động.

Khi ăn đúng thì có thể ăn ít lại. Chúng ta chỉ cần phân nửa số lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Muốn ăn cho đúng thì nên nhai ít nhất là năm mươi lần trước khi nuốt. Khi ăn thật chậm, nhai thật kỹ thì thức ăn trong miệng sẽ nhừ nát và dễ tiêu, các chất bổ dưỡng sẽ dễ thấm vào cơ thể. Như thế tuy ăn ít mà lợi cho cơ thể còn hơn là ăn nhiều mà không tiêu hóa.

Ăn là một thực tập sâu sắc. Khi tôi ăn, tôi tận hưởng từng miếng ăn. Tôi ý thức rõ rệt từng miếng ăn trong miệng tôi, tôi ý thức là tôi đang ăn. Chúng ta thực tập chánh niệm về ăn uống bằng cách ý thức rõ là ta đang nhai thức ăn. Nhai thật cẩn thận, nhai với niềm vui trong lòng, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn những người thân, bạn bè, tăng thân đang cùng ngồi ăn. Được ngồi thảnh thơi ăn chung với nhau là một niềm vui lớn. Khi ăn trong chánh niệm chúng ta sẽ không ăn trong buồn, giận, lo lắng, không ăn những dự án tương lai. Ăn những thức ăn do những người khác nấu trong thương yêu là một niềm vui lớn.

Khi miếng ăn được nhai càng nhuyễn thì hương vị của miếng ăn càng đậm đà và sẽ ngon gấp bội. Bạn thử tập ăn như vậy một lần đi. Hãy ý thức mỗi cái nhai. Ngay cả khi chỉ nhai một miếng bánh mì cũng vậy.

Không cần phải có bơ hay mức ngọt (jelly) kèm theo mà cũng đã rất ngon. Bạn có thể dùng thêm một ít sữa. Tôi không bao giờ uống sữa. Tôi nhai sữa. Sau khi bỏ miếng bánh vào miệng và nhai trong chánh niệm vài lần tôi múc một muỗng sữa cho vào miệng và tiếp tục nhai cẩn thận. Nên biết rằng chỉ nhai bánh mì với một chút sữa như vậy mà ngon không biết chừng nào!

Bánh mì và sữa khi đã được nghiền nát trong miệng đến loãng ra thì đã được tiêu hóa được phân nửa rồi. Khi vào đến bao tử hay ruột thì sẽ tiêu hóa một cách dễ dàng. Bạn sẽ có được rất nhiều niềm vui và tự do khi nhai thức ăn như thế. Ăn như thế thì tự nhiên không cần ăn nhiều.

Khi lấy thức ăn, nên coi chừng con mắt. Đừng quá tin vào con mắt. Chính con mắt xúi giục ta lấy thật nhiều thức ăn. Chúng ta đâu có cần quá nhiều thức ăn. Nếu biết ăn trong chánh niệm và niềm vui thì chỉ cần phân nửa thức ăn mà mắt chúng ta xúi ta lấy. Xin mời bạn thử đi một lần. Nhai một miếng khoai tây, cà-rốt, hay nhai một miếng bánh mì với sữa đơn sơ như vậy có thể là một bữa ăn ngon nhất, trong đời. Mầu nhiệm vô cùng.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN
  2. ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
  3. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Bài viết mới

  1. MUHAMMAD ALI
  2. Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN
  3. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN