ĐỂ ĐẠT TỚI HỶ LẠC

SƯU TẦM

Trích pháp thoại của Sư Ông ngày 05.02.2010; Phiên tả: Kim Ngân; Nguồn: https://www.daitangkinhvietnam.org

Ly sinh hỷ lạc:

Bụt đề nghị chúng ta nhiều phương cách để đạt tới hỷ lạc. Trước hết trở về với bước chân và hơi thở thì thế nào cũng có hạnh phúc. Thở cho an rồi bắt đầu tập buông bỏ. Buông cái gì? Buông xuống những toan tính, bực bội. Bỏ cái gì? Bỏ chính những cái đó đi đừng ôm giữ làm gì cho mệt. Ban đầu mình liệt kê ra những thứ cần phải buông bỏ, mình phải nhận diện những tâm hành, những tư tưởng khiến cho mình lao đao. Ví dụ quan niệm về hạnh phúc, mình nghĩ rằng phải có những điều kiện như vậy thì mới hạnh phúc, chưa đủ những điều kiện đó thì mình cứ đau khổ hoài. Những điều kiện mà mình đặt ra chính là chướng ngại che lấp hạnh phúc của mình. Ví dụ mình nghĩ rằng phải vào được cái trường đại học đó, phải làm việc ở vị trí đó, người kia phải như vậy, v.v… thì mình mới hạnh phúc. Đây là cái mà mình phải nhận diện và thả đi để có được tự do.

Có những người cứ bị chôn vùi trong quá khứ của họ. Hồi xưa anh yêu tôi lắm, anh lo cho tôi, bây giờ anh bỏ tôi, đi theo cô khác. Đó, chỉ nhớ bấy nhiêu thôi là sống hết nổi rồi. Phải tập buông, sống giây phút hiện tại cho đàng hoàng để nếm từng cái đẹp mầu nhiệm xung quanh thì niềm vui, hạnh phúc sẽ tới.

Sống ở một thành phố ồn ào, chật chội. Ngày cuối tuần mình muốn tới một miền quê để tận hưởng không khí trong lành, không gian thênh thang. Vượt qua bao nhiêu dãy đèn xanh đèn đỏ, chờ đợi bao nhiêu lần kẹt xe, hít khói bụi và chịu đựng sự nóng bức, cuối cùng thì mình cũng thoát khỏi thành phố đông đúc huyên náo để tới được chốn bình an nơi đồng nội. Khi vừa thoát ra khỏi thành phố là mình thấy trong lòng thư thái, khỏe nhẹ, bao nhiêu muộn phiền, căng thẳng tan biến hết, phong cảnh thôn quê rất đẹp, thoáng mát, sáng sủa và rất trong lành. Một cảm giác vui sướng ngập tràn là do mình có thể buông thư, rời bỏ thành phố sau lưng. Đó là một ví dụ. Phải buông thì mới hạnh phúc. Nhận diện những “anh chàng” nào đó đã ngăn cản niềm hạnh phúc của mình là rất quan trọng. Cái gì khiến bạn bị kẹt cứng vào đó? Cái gì mà bạn buông không nổi thì chính là nó. Nếu không buông được thì mình sẽ không có hạnh phúc, do đó mình phải tập buông. “Ly sinh hỷ lạc” tức là niềm hạnh phúc đạt được do biết buông bỏ. Nếu không buông được thì phải cầu cứu với những người tu giỏi hơn, giúp đỡ mình. Với sự ủng hộ của người đó, mình tu tập lâu sau thì sẽ buông được.

Niệm sinh hỷ lạc:

Phương pháp thứ hai là “Niệm sinh hỷ lạc”, niệm là chánh niệm, niệm chính là một nguồn gốc của hạnh phúc, của hỷ và của lạc. Sự sống có rất nhiều điều mầu nhiệm mà một trong những điều mầu nhiệm đó là những người thương của mình đang còn sống, mắt mình vẫn sáng, tai mình vẫn nghe rõ… Thành ra niệm tức là ý thức lại rất kỹ, rất rõ ràng, sâu sắc cái gì xảy ra trong thân, trong tâm mình và những gì mầu nhiệm xảy ra xung quanh mình.

Mình đang được ngồi đọc sách cũng là một điều hết sức mầu nhiệm. Có những lúc mình lâm vào hoàn cảnh rối ren, đầy lo lắng, sợ hãi, vậy mà lúc này mình đang ung dung ngồi đọc sách rất bình yên, không phải đối phó, không phải khóc lóc, không bị đau đớn như lúc đang nằm trên giường bệnh, thì đây chính là một niềm hạnh phúc lớn lao, mình phải biết trân quý. Giả sử đang giận dữ, đang tuyệt vọng sức mấy mà mình có thể thảnh thơi mà đọc sách như thế này? Có những người tuy có thời gian đọc sách nhưng họ lại đọc phải những cuốn sách có nội dung thiếu lành mạnh, chứa đầy những hận thù, tuyệt vọng và thèm khát trong đó. Cho nên được ngồi yên nâng một cuốn sách có giá trị nuôi dưỡng thân tâm là một phước đức rất lớn, đây là một giây phút rất thiêng liêng mình phải biết trân quý.

Hơi thở cũng là một mầu nhiệm. Lẽ dĩ nhiên là mình thở cả ngày, cả đời, nó có thể tự đi vào đi ra mà mình không để ý tới nó, nhưng nếu nó ngừng một cái là mình chết. Việc thở vô ý thức và việc thở có ý thức khác nhau nhiều lắm. Khi thở một cách có ý thức thì tâm mình bắt đầu có bình an vì lúc này mình đang có chánh niệm. Chánh niệm thì luôn là chánh niệm về cái gì? Phải có một đối tượng để chú tâm chứ không thể chánh niệm một cách lơ tơ mơ được. Ví dụ chánh niệm về hơi thở, chánh niệm về hoàn cảnh của mình, chánh niệm về sự có mặt của mẹ, chánh niệm về bông hoa, v.v… Khi theo dõi hơi thở thì đối tượng của chánh niệm là hơi thở, chủ thể và đối tượng đến với nhau. Chánh niệm biểu hiện như một đồng tiền có hai mặt, mặt trái và mặt phải hai mặt này xuất hiện đồng thời với nhau, có mặt trái thì mới có mặt phải, ngược lại có mặt phải thì mới có mặt trái. Chánh niệm thì phải có đối tượng để mà chánh niệm. Ví dụ nói rằng “tôi thương”, nhưng phải là thương ai, hay thương cái gì chứ không thể nào thương mà không có đối tượng được. Thành ra thực tập chánh niệm thì mình chánh niệm về thân mình, về tâm mình: “Thở vào tôi biết là đôi mắt của tôi còn sáng. Hai con mắt là một thực tại rất mầu nhiệm trong cuộc đời của tôi. Tôi tiếp xúc được với những cái đẹp của cuộc sống nhờ hai mắt, nhưng mà nhờ chánh niệm tôi biết là con có 2 mắt tốt để có thể tiếp xúc được với những màu sắc, những hình dáng của sự sống”.

Bụt là một con người lúc nào chánh niệm cũng tràn đầy. Đức Bụt cũng là một con người thôi. Đừng có tưởng đức Bụt là cái tượng ngồi ở trên bàn thờ sơn son thiếp vàng. Bụt không phải là một vị thần linh. Tôi có viết cuốn “Đường xưa mây trắng”, cuốn sách đó để giúp mọi người khám phá trở lại Bụt là một con người rất đầy đủ, rất trọn vẹn, rất thâm sâu, rất xứng đáng. Nếu muốn tìm Bụt phải tìm trong những con người, đừng có tìm Bụt ở trên mây. Muốn tìm Quan Thế Âm Bồ tát cũng vậy. Bồ tát Quan Thế Âm không phải là bức tượng cô gái đẹp đẹp đứng trên tòa sen. Bồ tát Quan Thế Âm là lòng từ bi lớn, là tình thương lớn, là sự lắng nghe sâu, những điều này đều có trong tất cả mọi người, nếu khéo tu thì những phẩm chất ấy biểu hiện rõ rệt hơn, nếu không khéo tu thì nó sẽ ẩn tàng đi dưới dạng hạt giống. Bụt cũng như vậy, Bụt là một con người rất là đẹp. Và nếu mình có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong mình và xung quanh mình thì lúc đó mình là một đức Bụt. Dễ không? Có nhiều người, phần đông chúng ta đều là Phật, thỉnh thoảng là Phật vài phút, làm Phật vài giờ. Nếu mà mình tu tập đàng hoàng thì mình trở thành đức Phật toàn thời gian. Còn không thì là Phật vài phút, vài giờ. Mỗi một hơi thở vào, mỗi một hơi thở ra, làm trong chánh niệm, làm trong ý thức. Mỗi một bước chân mình đi trong chánh niệm, những lời nói trong chánh niệm, nghĩa là mình đang từ từ luyện mình thành một Đức Phật. Không có khó khăn gì để trở thành một Đức Phật đâu. Nếu mà mình biết chế tác năng lượng chánh niệm, biết tỉnh dậy, biết là mình đang thở vào, biết mình đang thở ra, biết mình đang sắp nói một lời gì đó. Vì biết, nên mình có lòng thương, mình sợ người kia buồn nên không đành lòng nói câu đó nữa, mình sẽ tìm cách nhắc nhở giúp đỡ khéo léo hơn để khỏi làm cho người kia bị tổn thương.

Khi uống một ly trà với chánh niệm tròn đầu, ngụm từng ngụm nhỏ, tận hưởng hương vị của trà và nhìn kỹ để thấy nước đến từ đâu, trà đến từ đâu. Nếu uống trà trong giây phút hiện tại rất thâm sâu như vậy thì chính là mình đang uống trà như một vị Phật rồi. Điều đó ai cũng làm được.

Niệm sinh Định, Tuệ:

Chánh niệm là một nguồn vui và hạnh phúc. Nếu tu tập chánh niệm chúng ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Nó nuôi dưỡng mình, trị liệu mình, cho mình niềm hỷ lạc. Chánh niệm còn đem đến một nguồn năng lượng rất quý giá đó là định. Định là Samadhi, tiếng Bắc Phạn hay tiếng Nam Phạn cũng là Samadhi. Khi người mẹ ngắm nhìn đứa con bé bỏng của mình thì người mẹ đặt hết sự chú ý tới đứa con, vì vậy một vết sước nhỏ xíu trên thân thể em bé người mẹ cũng phát hiện ra rồi tìm cách chăm sóc. Thành ra để tâm tới cái gì tức là mình đang có niệm về cái đó, duy trì niệm trong một thời gian lâu thì nó trở thành định, có định thì cái thấy của mình rất sâu sắc, chính cái thấy sâu sắc ấy gọi là tuệ. Có niệm, có định, có tuệ thì quá trình chuyển hóa và trị liệu sẽ diễn ra. Mình nhìn mẹ rất sâu thì mình sẽ biết cách giúp mẹ vượt những khó khăn. Nhìn ba rất sâu, thì sẽ biết cách giúp ba chuyển đổi những năng lượng xấu, tăng trưởng những năng lượng tốt, ví dụ như vậy.

Khi sống từng giây phút trong chánh niệm thì chúng ta có định, giây phút nào được sống trong niệm, trong định thì hạnh phúc lắm. Lúc ấy cái thấy của mình rất sáng, mình nhìn nhận mọi sự, mọi vật tường tận, sâu xa nên hạn chế được rất nhiều những lỗi lầm, những vụng về của mà mình có thể gây ra. Nếu may mắn được sống trong tăng thân, được tăng thân soi sáng thì chúng ta có cơ hội thấy được những yếu kém của mình để mà chuyển hóa, nhờ đó mà niệm lực, định lực của chúng ta ngày càng hùng hậu. Có niệm, có định thì những lời nói, hành động của chúng ta sẽ khéo léo và ngọt ngào hơn, chúng ta sẽ trở nên tươi mát, đẹp đẽ hơn trong mắt những người xung quanh, niềm vui, hạnh phúc cũng từ đó mà tăng tiến.

Người ta thường hay đi tìm hạnh phúc về hướng giàu sang, danh vọng. Nhưng nhiều người rất giàu, rất nổi tiếng vậy mà họ vẫn đau khổ, vẫn tự tử như thường.  Bụt dạy, phải tìm hạnh phúc về hướng niệm, định, tuệ để thấy rõ ràng những điều kiện may mắn mà mình đang có. Phẩm chất sự sống của mình tuỳ thuộc vào phẩm chất chánh niệm của mình. Thành ra nuôi dưỡng niệm, định thì phẩm chất đời sống của chúng ta được nâng cao, hạnh phúc lớn lắm. Lúc ấy chúng ta có thể chia sẻ hạnh phúc cho những người mà mình thương. Điều này chúng ta có thể làm được. Mình có thể chế tác niềm vui đó trong mỗi hơi thở vào – ra, mỗi bước chân, mỗi cái nhìn.

Bụt cũng dạy, khi có năng lượng của niệm của định thì mình có thể chọc thủng được bức màn vô minh, thấy rõ được những khờ dại, vụng về mà mình đã gây ra trong quá khứ. Thấy được rồi thì chúng ta có thể nhẹ nhàng bước qua được những chướng ngại rất lớn. Cái đó đích thực là tuệ, tuệ đó gọi là Bát Nhã. Với cái tuệ đó mình được giải thoát, giác ngộ. Giải thoát giác ngộ này không phải nhờ một ân sủng của một đấng tối cao nào mà chính là do niệm, định đưa tới. Một khi đã có Niệm, có Định thì sự hiểu biết của ta rất thâm sâu, lúc đó chúng ta không còn sợ hãi, không còn trầm cảm, hay giận hờn nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỐN HỶ LẠC – NI SƯ AYYA KHEMA – VÔ NGÃ VÔ ƯU
  2. TÂM HỶ: NIỀM VUI VỊ THA
  3. TRỞ VỀ VỚI NIỀM HÂN HOAN

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP