DĨ VÕ NGỘ ĐẠO

TS TRỊNH THẮNG

Trích: Tâm Trọn Lành; NXB Hồng Đức

Luyện võ cho văn bớt nhược

Rèn văn cho võ bớt phu

Như thế văn võ có vẻ là ngang nhau về vai trò, nhưng có câu “ dĩ võ ngộ đạo” mà không có câu “dĩ văn ngộ đạo”. Tại sao lại vậy?

Người luyện võ lấy nhanh, mạnh, khéo, bền, chính xác làm các nấc thang trên hành trình. Và khi họ đi qua cả năm cung bậc ấy thì ngộ đạo. Vậy đạo ấy là gì?

Người luyện võ mới đầu vụng về, nhanh nhảu đoảng. Khi có chút võ vẽ thì thích đụng độ và trải nghiệm các cung bậc thắng thua, khi làm đau người, lúc lại chuốc đau vào mình, tinh thần thù thắng vùn vụt, lấy sức mạnh làm vũ khí để lấn át đối phương. Đến khi nhuần nhuyễn động tác, thì thấy việc bám vào động tác là cứng nhắc, là chậm chạp, là cố chấp thì buông động tác để tâm tự do. Thân buông thư, tấm hóa lỏng thì động tác lại càng khéo léo và biến hóa, sức mạnh trỗi dậy như xuất thần vì thế mà dễ dàng chuyển hóa đối phương. Đi qua cả chuỗi cung bậc và rồi buông cả để sống mà không còn phân biệt thù thắng, ấy là đạo của người luyện võ.

Người luyện võ chân chính là đem võ vào đời sống, từng động tác, từng hơi thở đều có võ. Họ sống trong tỉnh thức hằng hữu và an nhiên giữa đời. Lâu dần, võ trở thành nhịp sống, nó ở khắp nơi và bất cứ lúc nào. Ấy là đạo võ giữa đời. Một người luyện võ tới độ thì mắt quán và tâm ở muôn nơi, hư hư thực thực, như thể không nhìn mà nhìn nhanh như chụp, như thờ ơ mà lại trọn vẹn. Họ đến đâu và ở đâu cũng lấy việc quan sát và tỉnh thức làm trọng để nếu có biến, thị tự tâm tùy đó mà ứng. Thấy họ an nhiên mà hành động thật mau lẹ, gọn gàng. Làm việc mà như không làm, chơi mà như không chơi. Đó không phải là đạo hay sao?

Người luyện võ chân chính lấy tâm an hòa và yêu thương làm nền tảng cho mọi hành động vì thế mà khiêm nhường, xem nghịch cảnh là tùy duyên. Duyên tới thì duyên đi. Các xung đột trong đời sống cũng đến và đi như sóng vậy. Với tâm thái ấy, chả nhẽ họ lại không hạnh phúc? Đạo và dòng chảy hạnh phúc giữa đời hỏi cách bao xa? Người luyện võ lấy việc hiểu mình làm trọng để từ đó hiểu người. Khi hiểu mình và hiểu người rồi thì không làm đau người mà cũng chẳng chuốc họa vào thân. Yêu mình, yêu người rồi yêu tất thảy. Tới đó, còn gì để bàn nữa. Võ như thế đã chìm và hòa trong đạo bao trùm. 

Bình luận


Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH