ĐIỂM MẠNH CỦA TÔI LÀ GÌ? HBR – HARVARD BUSINESS REVIEW

PETER DRUCKER

Trích: Quản Trị Bản Thân (Managing Oneself); NXB: Harvard Business Review

Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ biết được thế mạnh của mình. Thường thì họ đã sai. Thay vào đó, phần đông mọi người thường biết được những điều mà không phải là thế mạnh của họ. Nhưng con người chỉ có thể hoạt động dựa trên điểm mạnh của mình. Người ta không thể làm tốt công việc dựa trên các điểm yếu của mình được chứ chưa nói đến chuyện để cho ai đó làm những việc mà họ không thể làm.

Ngày xưa, con người ít có nhu cầu biết được các điểm mạnh của mình. Kể từ khi được sinh ra, mỗi người được đặt vào một vị trí nhất định và làm một công việc nhất định: con trai của một người nông dân thì cũng trở thành một người nông dân, con gái một người thợ thủ công rồi cũng trở thành một phụ nữ làm nghề thủ công,… Nhưng ngày nay con người đã có nhiều lựa chọn. Chúng ta cần phải biết được những điểm mạnh của mình để biết được nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình.

Để khám phá các điểm mạnh của mình, bạn chỉ có cách áp dụng kĩ thuật phân tích phản hồi (feedback analysis). Những lúc bạn đưa ra những quyết định quan trọng hay làm những việc quan trọng, hãy ghi ra những điều mà bạn kì vọng sẽ xảy ra. Sau 9 hoặc 12 tháng, bạn so sánh các kết quả thực sự đạt được với những điều mà bạn kì vọng. Tôi đã thực hành phương pháp này được khoảng 15 đến 20 năm, và mỗi lần thực hành tôi đều nhận được các kết quả rất bất ngờ. Có lần tôi đã rất bất ngờ khi áp dụng phương pháp này và phát hiện ra mình có trực giác đối với những người làm công việc kĩ thuật, cho dù họ là các kĩ sư hay nhân viên kế toán hay người nghiên cứu thị trường. Nó cũng chỉ cho tôi biết rằng tôi không thực sự cộng hưởng được với những người có kiến thức tổng quát.

Kĩ thuật phân tích phản hồi cũng không phải là điều gì mới mẻ. Nó được phát minh vào khoảng thế kỉ 14 bởi một nhà thần học người Đức không biết tên. 150 năm sau đó nó được phát triển một cách độc lập bởi hai mục sư, nhà thần học John Calvin và Inhaxiô nhà Loyola. Cả hai người đều áp dụng phương pháp này cho những người đi theo họ. Thực tế, chính nhờ sự tập trung cao độ vào hoạt động và kết quả theo phương pháp này đã giải thích được lí do tại sao hai tổ chức mà hai người này thành lập, nhà thờ Calvinist và dòng tu Jesuit, đã nổi trội hơn khắp Âu trong vòng 30 năm.

Nếu thực hành kiên trì, phương pháp đơn giản này sẽ cho bạn thấy các điểm mạnh của bạn trong một thời gian tương đối ngắn, thông thường khoảng từ 2 đến 3 năm. Và điểm mạnh chính là điều quan trọng nhất mà bạn phải nắm từ phương pháp này. Từ những gì bạn làm được hoặc không làm được, phương pháp này sẽ cho bạn thấy tất cả các lợi ích từ điểm mạnh của bạn. Nó cũng sẽ chỉ cho bạn biết những công việc cụ thể mà bạn không có năng lực. Và sau cùng, nó sẽ chỉ cho bạn biết những công việc mà bạn không có điểm mạnh nào cả và bạn không thể hoàn thành được.

Sau khi thực hành kĩ thuật phân tích phản hồi, bạn sẽ có được một số gợi ý để hành động. Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, bạn cần phải tập trung vào điểm mạnh của mình. Hãy đặt mình vào những chỗ mà bạn có thể phát huy điểm mạnh để tạo ra kết quả tốt. Thứ hai, bạn cần phải làm việc để phát triển điểm mạnh của mình. Phân tích sẽ nhanh chóng cho bạn biết những chỗ bạn cần phát triển thêm các kĩ năng hoặc học hỏi thêm những kĩ năng mới. Nó cũng sẽ chỉ ra lỗ hổng trong kiến thức của bạn, và những lỗ hổng này thông thường có thể lấp đầy lại được. Các nhà toán học thì cần phải có năng khiếu bẩm sinh, nhưng ai cũng có thể học được môn lượng giác.

Thứ ba, bạn cần khám phá những chỗ mà sự tự hào về kiến thức đang che lấp sự thiếu hiểu biết của bạn, và tìm cách vượt qua điều này. Có rất nhiều người, đặc biệt đối với những người có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó, thường xem thường kiến thức trong các lĩnh vực khác, hoặc họ tin rằng sự thông minh nhanh trí có thể thay thế được cho kiến thức. Ví dụ, các kĩ sư hạng nhất thường có xu hướng tự hào về việc chẳng biết điều gì về người khác. Họ tin rằng con người nói chung quá lộn xộn để có thể có được tư duy tốt của một người kĩ sư. Trái lại, các chuyên gia về nhân sự thường tự hào về việc chẳng biết gì đối với các kiến thức sơ đẳng về kế toán hay các phương pháp định lượng khác.  Nhưng tự hào về những sự thiếu hiểu biết như vậy chỉ là cách tự phòng vệ.  Để đạt được các kĩ năng và kiến thức cần thiết cho công việc, bạn cần phải nhận thức đầy đủ về các điểm mạnh của mình.

Điều chỉnh các thói quen xấu cũng là điều quan trọng không kém. Các thói quen xấu là những điều bạn làm hoặc không làm kiềm hãm tính hiệu quả và hoạt động của bạn. Những thói quen như thế sẽ nhanh chóng được lộ ra trong phần phản hồi. Ví dụ, một kế hoạch hoàn hảo có thể thất bại bởi vì người lập kế hoạch không bám sát theo kế hoạch. Cũng giống như những người thông minh khác, người này tin rằng các ý tưởng có thể dịch chuyển được các ngọn núi. Nhưng những chiếc xe ủi mới có thể di chuyển các ngọn núi, các ý tưởng chỉ chỉ ra được nơi các xe ủi nên hoạt động. Người lập kế hoạch này cần phải biết rằng công việc sẽ chưa kết thúc một khi kế hoạch chưa được thực hiện xong. Anh ta phải tìm kiếm người thực hiện kế hoạch và giải thích kế hoạch cho họ. Anh ta phải điều chỉnh và thay đổi kế hoạch khi đưa nó vào thực tiễn. Và sau cùng, anh ta phải quyết định thời điểm không thúc đẩy kế hoạch nữa.

Phản hồi cũng cho thấy vấn điều thiếu hành vi ứng xử hợp lý. Hành vi ứng xử là chất bôi trơn cho một tổ chức. Có một quy luật tự nhiên là hai vật thể chuyển động khi va chạm vào nhau thì sẽ sinh ra ma sát. Cũng giống như các vật vô tri vô giác, điều này cũng đúng với con người. Hành vi ứng xử, đơn giản như nói những từ “xin vui lòng”, “cảm ơn”, nhớ tên người khác hoặc hỏi han về gia đình người khác, giúp cho hai con người làm việc được với nhau cho dù họ có thích nhau hay không. Những người thông minh nhanh trí, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thường không hiểu được điều này. Nếu phân tích chỉ ra rằng công việc chính của một người thất bại hết lần này đến lần khác mỗi khi họ được yêu cầu hợp tác với người khác thì có lẽ nó ám chỉ một thiếu sót trong quy tắc xã giao hay chính là cách cư xử của người này.
So sánh kì vọng của bạn với kết quả thực sự cũng hàm chỉ những điều không nên làm. Có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta chẳng có tí tài năng hoặc kĩ năng nào, và do đó có rất ít cơ hội để tiến bộ, dù chỉ tới mức tầm thường. Trong các lĩnh vực đó, một người, đặc biệt là một người lao động trí thức, không nên làm việc và nhận nhiệm vụ. Người ta càng cố gắng giảm thiểu các nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực mình kém năng lực càng tốt. Phát triển từ chỗ không có năng lực trở thành bình thường thì tốn công sức hơn nhiều so với việc phát triển từ mức hoạt động tốt lên xuất sắc. Thế vậy mà vẫn có rất nhiều người, đặc biệt là hầu hết các giáo viên và các tổ chức, tập trung vào việc biến những người không có năng lực thành những người bình thường. Thay vào đó, công sức, nguồn lực và thời gian nên được dành cho việc biến những con người có năng lực thành những con người xuất sắc.

Bản dịch do Phạm Phước dịch, CSAV có biên tập chỉnh sửa
Bản gốc: https://drive.google.com/file/d/1qDvHXKTQlgzRzBDXlIMPmtIZHTu80IiC/view

Bình luận


Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ