DIỄN VĂN LÃNH GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG, NĂM 1968

KAWABATA YASUNARI

Nguồn: http://klein.zen.ru

Sinh Ra Từ Vẻ Đẹp Nhật Bản

Mùa xuân anh đào nở
Mùa hạ chim cu gù
Mùa thu trời trăng trong
Mùa đông tuyết sáng lạnh.

Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) đã viết bài thơ này và đặt tên cho nó là “Bản lai diện mục”.

Ôi vầng trăng mùa đông,
Từ sau mây hiện đến
Đi cùng ta.
Tuyết trắng có làm ngươi lạnh?
Gió hàn có thổi ngươi run?

Đó là bài thơ của nhà sư Minh Huệ (Myoe) khả kính. Mỗi khi có ai nhờ tôi thư họa để làm kỉ niệm, tôi lại chép những câu thơ này. Ở trước bài thơ có một đoạn mô tả khá dài, tỉ mỉ, có thể nói là một uta-monogatari, giải thích về ý nghĩa những câu thơ:
“Đêm mười hai tháng Chạp năm 1224. Bầu trời đầy mây. Không nhìn thấy trăng. Tôi vào điện Hoa Cung ngồi thiền. Đến nửa đêm, khi tôi từ thượng điện bước ra để đi xuống hạ điện dưới chân núi, thì mặt trăng ló ra khỏi mây và chiếu lấp lánh trên tuyết. Với một bạn đường như vậy thì tôi không sợ cả chó sói đang gào rú ngoài thung. Ở hạ điện một lúc, tôi lại đi ra. Không nhìn thấy trăng đâu. Trong khi trăng đang ẩn náu, thì vang lên hồi chuông điểm canh ba, và tôi lại đi lên thượng điện. Vừa lúc, trăng từ sau đám mây hiện ra và lại đi cùng tôi. Lên đến nơi, tôi bước vào điện. Còn trăng, đuổi theo một đám mây, làm ra vẻ sắp trốn vào sau đỉnh núi gần đó. Hình như trăng muốn giấu kín cuộc dạo chơi cùng tôi”.

Tiếp theo là những câu thơ vừa dẫn ở trên, rồi ông viết:

“Thấy trăng đã gác đỉnh núi, tôi bước vào điện:
Và ta sẽ sang bên kia núi.
Này trăng ơi, hãy đến mau,
Đêm nay
Và nhiều đêm nữa
ta sẽ bên nhau”.

Sau một đêm ngồi thiền trong điện hay trở về điện lúc trời gần sáng, Minh Huệ (Myoe) đã viết: “Sau đêm nhập định, tôi mở mắt và trông thấy qua ô cửa sổ vầng trăng trước bình minh. Tôi đã ngồi suốt đêm trong bóng tối nên ngay tức khắc không thể hiểu ngay được ánh hào quang từ đâu tới: đó là do tâm hồn tôi tỏa sáng hay là từ trăng.

Tâm hồn ta
Rạng ngời tỏa sáng;
Còn trăng, chắc hẳn
Lại nghĩ rằng
Đó là ánh trăng”.

Nếu như người ta gọi Tây Hành (Saigyo) là nhà thơ của hoa anh đào (sakura), thì Minh Huệ (Myoe) được mệnh danh là thi sĩ của ánh trăng:

Ôi, sáng quá, sáng quá
Ôi, sáng quá, sáng quá, sáng quá;
Ôi, sáng quá, sáng quá
Ôi, sáng quá, sáng quá, sáng quá
Là ánh trăng! ánh trăng! ánh trăng!

Lời thơ được thốt lên trong một hơi hứng khởi.

Từ nửa đêm cho tới sáng Minh Huệ (Myoe) đã viết ba bài thơ Về trăng mùa đông. Như Saigyo nói: “Khi làm thơ, đừng nghĩ rằng ta đang làm thơ”. Bằng ba mươi mốt âm tiết, Minh Huệ (Myoe) tâm sự một cách thân tình, tin cậy với trăng không chỉ như với một người bạn, mà là một người thân gần gũi. “Ta nhìn trăng, ta hóa thành trăng. Trăng ta nhìn lại hóa thành ta. Ta đắm mình, hòa nhập với thiên nhiên”.

Ánh hào quang tỏa ra từ “trái tim ngộ đạo” của vị thiền sư ngồi suốt đêm trong điện tối cho tới hừng đông đã khiến vầng trăng trước bình minh ngỡ đó là ánh sáng của chính mình.

Như đã thấy trong lời dẫn giải tỉ mỉ trước bài thơ “Vầng trăng mùa đông đi cùng ta”, Minh Huệ (Myoe) đi lên thượng điện trên đỉnh núi để tọa thiền, đắm nhập hồn vào những suy ngẫm triết lí, tôn giáo và trong bài thơ của mình đã ghi lại những cảm xúc của lần gặp gỡ, của cuộc giao tiếp vô hình với trăng. Tôi chọn bài thơ này khi có người xin chữ đề là vì tính xúc cảm thanh thoát của nó.

“Ôi vầng trăng mùa đông, khi ẩn trong mây, khi ló dạng, ngươi soi sáng bước chân ta khi ta vào điện thiền hoặc trở ra từ đó. Với ngươi, ta không sợ cả chó sói đang gào rú ngoài thung. Tuyết trắng có làm ngươi lạnh? Gió hàn có thổi ngươi run?”
Tôi thường chép tặng mọi người những câu thơ này vì chúng chan chứa lòng nhân hậu, tình cảm ấm áp, đằm thắm đối với thiên nhiên và con người – thể hiện sự dịu dàng sâu lắng của tâm hồn Nhật Bản.

Giáo sư Iasiro Iukio, nhà nghiên cứu Bottichelli nổi tiếng thế giới, một người rất am hiểu nghệ thuật của quá khứ và hiện tại, của Phương Đông và Phương Tây, có lần nói: “Có thể gói gọn đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản trong một câu thơ: “Không lúc nào nghĩ đến bạn bè thân thiết như khi ngắm tuyết, trăng, hoa”. Mỗi khi ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tuyết hay vẻ đẹp của trăng, khi ta mê đắm vẻ đẹp của bốn mùa, khi nhận thức được khơi dậy và ta cảm thấy hạnh phúc được tiếp xúc với cái đẹp, lúc đó ta đặc biệt nhớ đến bạn bè, khao khát được chia sẻ niềm vui với bạn. Tóm lại, sự chiêm ngưỡng cái đẹp đánh thức trong ta cảm xúc mãnh liệt về sự cảm thông và tình yêu, và lúc đó hai tiếng “con người” vang lên như “bạn bè”.

Những từ “tuyết, trăng, hoa” – nói về vẻ đẹp bốn mùa thiên nhiên thay nhau nối tiếp – theo truyền thống Nhật Bản là tượng trưng cho vẻ đẹp nói chung: của núi, sông, cỏ cây, của vô vàn những hiện tượng tự nhiên và vẻ đẹp của cảm xúc con người.

“Không khi nào nghĩ đến bạn bè thân thiết như khi ngắm tuyết, trăng, hoa” – cảm xúc đó chính là cốt lõi của nghi lễ trà đạo.
Cuộc gặp bên chén trà cũng là “cuộc gặp của những tình cảm”. Cuộc gặp gỡ chân tình của những người bạn thân thiết vào thời điểm thích hợp trong năm. Nhân tiện nói thêm, nếu các vị nghĩ rằng trong thiên truyện Ngàn cánh hạc tôi muốn mô tả vẻ đẹp của tâm hồn và những hình thức của nghi lễ trà đạo, điều đó là không đúng. Thật ra là ngược lại, tôi chối bỏ nó, tôi cảnh báo chống lại sự phàm tục thô thiển mà những nghi thức trà đạo hiện nay đang sa vào.

Mùa xuân anh đào nở
Mùa hạ chim cu gù
Mùa thu trời trăng trong
Mùa đông tuyết sáng lạnh.

Và nếu quý vị nghĩ rằng trong bài thơ của Đạo Nguyên (Dogen) về vẻ đẹp của bốn mùa – xuân, hạ, thu, đông – chỉ là những hình ảnh thiên nhiên khuôn sáo, cũ mòn, đã từ lâu quen thuộc với người Nhật Bản, được xếp cạnh nhau một cách vô vị – thì quý vị cứ nghĩ! Nếu quý vị nói rằng nhìn chung đó không phải là thơ – quý vị cứ nói! Nhưng những câu thơ này mới giống những câu thơ của nhà Sư Lương Khoan (Ryoukan) viết trước khi mất làm sao:

Cái gì sẽ còn
Sau khi ta mất?
Hoa đào mùa xuân,
Cu gù trong núi,
Lá rụng mùa thu.

Trong bài thơ này, cũng như trong thơ của Đạo Nguyên (Dogen), chỉ có những hình ảnh giản dị, những từ ngữ bình thường được xếp cạnh nhau không cầu kì, thậm chí thô mộc một cách cố ý, nhưng nương nối nhau, chúng đã chuyển tải được bản chất sâu lắng của tâm hồn Nhật Bản. Đây là những câu thơ cuối cùng của thi nhân:

Ngày xuân,
Một ngày dài
Mờ sương,
Ta chơi cầu
Với con trẻ.
Đêm thanh.
Trăng sáng.
Nào ta hát những bài ca cũ!
Ta nhảy múa suốt đêm
Tận sáng!
Nói gì đây –
Ta chẳng lánh
Mọi người,
Nhưng một mình
Vẫn thú hơn!

Tâm hồn của Lương Khoan (Ryoukan) cũng tựa như những câu thơ này. Ông vui với túp lều cỏ, với bộ quần áo vải, lang thang nơi thanh vắng, vui đùa với đám trẻ thơ, chuyện gẫu với mấy lão nông, không bàn đến những đề tài sâu xa về ý nghĩa của văn chương và tôn giáo. Ông đi theo một con đường không bị vẩn bụi trần: “Nụ cười trên mặt, tình yêu trong lời”. Nhưng chính Lương Khoan (Ryoukan) vào cuối thời kì Edo (cuối thế kỷ XVIII đầu thế XIX) bằng những câu thơ và nghệ thuật thư pháp của mình đã chống lại thị hiếu thô thiển của nhiều người đương thời, gìn giữ lòng trung thành với phong cách thanh tao của cổ nhân. Lương Khoan (Ryoukan), người có những câu thơ và những bức thư pháp cho đến ngày nay vẫn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, trong những câu thơ cuối đời của mình viết rằng sẽ không để lại gì sau khi ông mất đi. Tôi nghĩ, bằng điều đó ông muốn nói rằng sau khi ông chết thiên nhiên vẫn sẽ đẹp như xưa, và đó là cái duy nhất mà ông có thể để lại trong thế giới này. Ở đây ta nghe vang vọng cả tình cảm của người xưa, cả tâm hồn mộ đạo của chính Lương Khoan (Ryoukan). Lương Khoan (Ryoukan) còn viết thơ tình yêu. Đây là một bài tôi yêu thích:

Ôi biết bao lâu
Ta đã mỏi mòn
Trong ngóng đợi!
Chúng ta bên nhau…
Còn gì để ước mơ hơn?
Chúng ta bên nhau…
Còn gì để ước mơ hơn?
Ông kết thúc bài thơ thật chất phác.

Lương Khoan (Ryoukan) sinh ra ở Echigo (nay là tỉnh Niigata), chính cái tỉnh mà tôi đã miêu tả trong tiểu thuyết Xứ tuyết. Đó là một vùng biên cương phía Bắc của Nhật Bản, nơi hứng đón những đợt gió lạnh từ Siberia thổi tới qua biển Nhật Bản. Suốt đời mình ông sống ở nơi đây. Lương Khoan (Ryoukan) mất năm bảy mươi tư tuổi. Khi đã rất già, cảm thấy cái chết đang tới gần, ông trải qua trạng thái Satori (Ngộ). Và tôi có cảm tưởng rằng ở nơi cận kề cái chết, trong “Cái Nhìn Cuối Cùng” của nhà thơ – thiền sư, thiên nhiên phương Bắc đã được cảm nhận trong một vẻ đẹp khác thường. Tôi có bài tùy bút Cái nhìn cuối cùng, trong đó có trích dẫn những lời – đã làm tôi rúng động – từ bức thư tuyệt mệnh viết trước khi tự sát của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927): “Có lẽ tôi đã mất dần cái gọi là bản năng sống, cái sinh lực của một con vật, – Akutagawa viết. – Tôi, một kẻ trong suốt như băng, sống trong thế giới của những sợi dây thần kinh bị đốt nóng. Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ về tự sát. Song chưa bao giờ trước đây tôi cảm thấy thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến như vậy! Có thể các bạn cảm thấy buồn cười: một người say mê vẻ đẹp của thiên nhiên lại nghĩ về việc tự sát. Nhưng thiên nhiên đẹp chính là vì nó được phản ánh trong cái nhìn cuối cùng của tôi”. Năm 1927, ba mươi lăm tuổi, Akutagawa đã tự tử. Lúc đó tôi viết trong Cái nhìn cuối cùng: “Dù thế giới này có xa lạ bao nhiêu, thì tự sát cũng không dẫn đến giải thoát. Người tự sát dù có cao thượng bao nhiêu, anh ta vẫn còn lâu mới là người thông tuệ. Không phải Akutagawa, không cả Dazai Osamu (1909-1948), người tự sát sau chiến tranh, không một người tự sát bất kì nào khác có thể gợi lên trong tôi cả sự thấu hiểu lẫn thông cảm. Tôi có một người bạn là họa sĩ thuộc phái tiền phong. Anh ấy đã chết khi còn trẻ và cũng thường hay nghĩ về việc tự sát. Trong Cái nhìn cuối cùng cũng có những lời của anh ấy. Anh ấy thích nhắc đi nhắc lại “Không có nghệ thuật nào cao cả hơn cái chết”, hoặc “Chết cũng có nghĩa là sống”. Con người này, sinh ra trong một ngôi chùa thờ Phật, tốt nghiệp trường Phật giáo, đã nhìn nhận cái chết khác những người Phương Tây. “Giữa những người biết suy nghĩ, có ai không nghĩ về sự tự sát?” Có lẽ đúng là như vậy. Ta cứ lấy ngay thiền sư Nhất Hưu (Ikkyu) làm thí dụ. Nghe nói ông đã hai lần định tự sát. Tôi nói “lấy ngay” là vì đến cả trẻ con cũng biết Nhất Hưu (Ikkyu) – một con người kì quặc của các câu chuyện cổ tích, về ông truyền tụng vô số giai thoại. Người ta kể rằng “trẻ con thường leo lên ngồi trên đầu gối ông để vuốt râu của ông. Chim rừng ăn mồi ngay trên tay ông”. Có lẽ Nhất Hưu (Ikkyu) là người hết sức chân thành, tốt bụng – một chân nhân. Nghe đồn ông là con trai của hoàng đế. Sáu tuổi ông được đưa vào chùa và ngay từ lúc đó ông đã bộc lộ tài năng thơ ca. Nhất Hưu (Ikkyu) trăn trở suy nghĩ về cuộc sống và tôn giáo. “Nếu như có Phật, thì ngài sẽ cứu ta! Nếu không có, thì cứ để cho cá dưới đáy hồ rỉa thịt ta”. Và ông đã nhảy xuống hồ thật. Nhưng được mọi người vớt lên. Rồi xảy ra chuyện: một nhà sư ở chùa Daitokuji – nơi Nhất Hưu (Ikkyu) đến tu – đã tự tử, sau sự việc đó có vài tăng sư bị bắt giam vì liên lụy. Cảm thấy mình có lỗi – “một gánh nặng trên vai” – ông bỏ vào núi sâu, nhịn ăn cho đến chết.

Nhất Hưu (Ikkyu) đặt tên cho một tập thơ của mình là Kioun (Cuồng vân – Mây điên), và tên đó trở thành bút danh của ông. Trong tập thơ này, và cả trong những tập sau đó của ông, có những câu thơ không có trong thơ Nhật Bản thời trung đại, nhất lại là trong thơ Thiền, bởi vì chúng quá mới lạ và có những chi tiết riêng tư, tình ái đến mức làm người đọc phải bối rối. Nhất Hưu (Ikkyu) không quan tâm đến giới luật và những điều cấm đoán của Thiền đạo: ăn cá, uống rượu, gặp gỡ với phụ nữ. Vì tự do, ông đi ngược lại những luật lệ của nhà chùa. Có thể, vào cái thời tao loạn đó, khi cái đạo người bị hư nát, nhà thơ muốn khôi phục lại sự tồn tại đích thực của con người, cái cuộc sống thực sự tự nhiên, củng cố tinh thần của mọi người.

Ngôi chùa Daitokuji ở Murasakino, ở Kyoto, cho đến bây giờ vẫn là nơi ưa thích để tiến hành những nghi lễ trà đạo. Các bức kakemono treo trên vách trong phòng trà là những mẫu mực thư pháp của Nhất Hưu (Ikkyu), chúng cuốn hút đến đấy rất nhiều khách du lịch. Tôi cũng có hai bức. Trên một bức viết: Phật giới nhập dị, ma giới nhập nan (Vào cõi Phật dễ, vào cõi ma khó). Những lời đó cứ ám ảnh tôi suốt, và tôi cũng hay chép lại chúng. Có thể hiểu những lời này theo những cách khác nhau. ý nghĩa của chúng vô cùng uyên áo. Nhưng mỗi khi sau câu “Vào cõi Phật dễ” tôi đọc tiếp: “Vào cõi ma khó” – thì Nhất Hưu (Ikkyu) đã nhập vào hồn tôi bằng toàn bộ bản chất Thiền. Nói cho cùng, đối với những con người của nghệ thuật, những kẻ đi tìm Chân, Thiện và Mỹ, thì bao giờ cũng tồn tại cái khát vọng ẩn giấu trong câu “Vào cõi ma khó”, nó hiện diện như số phận, dù là trong nỗi sợ hãi, trong lời cầu nguyện, kín đáo hay lộ liễu. Không có “cõi ma” thì cũng sẽ không có “cõi Phật”. Vào “cõi ma” khó hơn. Những kẻ yếu đuối tinh thần thì sẽ không đủ sức làm điều đó.

Có một câu thiền ngôn nổi tiếng: “Phùng Phật sát Phật, phùng tổ sát tổ” (Gặp Phật giết Phật, gặp tổ sư giết tổ sư). Các tông phái Phật giáo chia làm hai nhóm, một nhóm tin vào sự cứu độ từ bên ngoài (tariki) và một nhóm tin vào sự giải thoát thông qua những nỗ lực tu hành của chính mình (jiriki). Thiền tông hiển nhiên là thuộc về nhóm thứ hai. Từ đó mà có những câu nói nghiệt ngã trên.

Thân Loan (Shinran), người sáng lập phái Chân tông (Shin) – các môn đồ của phái này tin vào sự cứu độ từ bên ngoài – có lần nói: “Nếu những người tốt được tái sinh ở tịnh độ, thì nói làm gì đến những người xấu?” Giữa những lời của Thân Loan (Shinran) và những lời của Nhất Hưu (Ikkyu) về “cõi Phật” và “cõi ma” có điểm chung: tâm hồn (kokoro); và có cả sự khác biệt. Thân Loan (Shinran) còn nói: “Không có một đệ tử nào hết”, – phải chăng đó chính là số phận khắc nghiệt của nghệ thuật?

Phái Thiền tông không thờ tượng. Thực ra, trong các ngôi chùa Thiền tông cũng có tượng Phật, nhưng trong các chỗ tu hành, trong các điện tọa thiền nhập định không có cả tượng Phật, tranh Phật lẫn kinh Phật. Ở đó, trong suốt quãng thời gian dài người ngồi thiền im lặng bất động nhắm mắt cho đến lúc đạt đến trạng thái “vô niệm vô tưởng”. Khi ấy cái “ngã” (tôi) biến mất và bắt đầu cái “vô”. Nhưng đây hoàn toàn không phải cái “Hư vô” như người Phương Tây thường hiểu. Đúng hơn là ngược lại. Đó là Tánh Không, nơi vạn vật tồn tại ngoài mọi rào cản, mọi giới hạn, trở nên tự thân, chính mình. Đó là vũ trụ vô tận của tâm hồn.

Tất nhiên trong Thiền cũng có thầy – các Thiền sư; họ dạy học trò bằng phương pháp mondo – vấn đáp, hướng dẫn người theo học đọc các văn bản Thiền đạo cổ, nhưng học trò vẫn là người chủ duy nhất của các ý nghĩ của mình và đạt tới trạng thái Satori (ngộ) hoàn toàn bằng chính sự cố gắng của bản thân. Ở đây trực giác quan trọng hơn logic, thao tác tự chứng ngộ từ bên trong – Satori – quan trọng hơn những kiến thức nhận được từ người khác. Chân lí là “Bất lập văn tự” (không thành lập vào văn tự). Chân lí là “vô ngôn”. Theo tôi, điều đó được thể hiện tột cùng trong sự im lặng sấm sét của kinh Vimalakarti (Duy Ma Cật).

Tương truyền rằng thủy tổ Thiền tông ở Trung Quốc, Đại sư Đạt Ma “chín năm liền quay mặt vào tường”; quả thật ngài đã chín năm ngồi quay mặt vào vách hang đá và đạt tới chứng ngộ trong trạng thái suy niệm không lời cao độ. Chính từ sư tổ Đạt Ma đã khởi đầu nghi lễ ngồi nhập định trong Thiền tông.

Hỏi – ngài nói
Không hỏi – không nói.
Cái gì ẩn chứa
Trong tâm hồn ngài,
Hỡi Đạt Ma cao quý?

Và thêm một bài thơ nữa cũng của Nhất Hưu (Ikkyu):

Nói thế nào đây
về bản chất
trái tim?
Là tiếng thông reo
trên bức tranh thủy mặc?

Đó chính là tinh thần của hội họa Phương Đông. Ý nghĩa của tranh thủy mặc Phương Đông là ở trong Khoảng Trống Không, ở giữa vùng không gian để ngỏ không chứa đựng gì của bức tranh, trong những nét chấm phá khó nhận thấy.

Kim Nông nói: “Nếu giỏi vẽ một cành tùng thì nghe như có tiếng gió thổi”. Hay thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) nói: “Phải chăng con đường giác ngộ ở trong tiếng trúc reo, sự tỏa sáng tâm hồn ở trong hoa anh đào nở?” Nghệ nhân nổi tiếng trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (Ikebana) Ikenobo Senno (1532-1554) có nói trong Mật truyền: “Một bát nước hay một cành cây cũng gợi nên cảnh núi hùng sông vĩ. Trong chớp mắt có thể trải qua sự huyền diệu của vô số biến hóa. Giống như những phép lạ của chư thiên”.

Những vườn cảnh Nhật Bản tượng trưng cho sự hùng vĩ của thiên nhiên. Nếu những khu vườn Châu Âu phần nhiều được bố trí theo nguyên tắc cân xứng, thì vườn cảnh Nhật Bản lại theo nguyên tắc bất cân xứng. Có lẽ sự bất cân xứng, hơn là cân xứng, thể hiện đúng tính đa dạng và vô biên của thiên nhiên. Quả thực, tính không cân xứng đã được điều chỉnh hài hòa bởi mĩ cảm tinh tế và sự khéo léo vốn có của người Nhật Bản. Có lẽ không có cái gì phức tạp, đa dạng và được tính toán tỉ mỉ như những nguyên tắc nghệ thuật Nhật Bản. Trong nghệ thuật Sơn thủy bộ, những tảng đá lớn bé được sắp xếp sao cho chúng gợi nên những cảnh núi rừng, sông suối, những đợt sóng đại dương đập vào vách đá. Nghệ thuật bonsai (cây cảnh) và bonseki (đá cảnh) của Nhật Bản đạt đến giới hạn của sự tối giản. Từ sơn thủy – sansui – gồm hai từ sơn (núi) và thủy (nước) vừa có thể chỉ phong cảnh núi non hay vườn, vừa có thể chỉ sự “cô liêu”, “hoang vắng”, một cái gì đó “u tịch, vắng vẻ”.

Nếu như Wabi-sabi được đánh giá rất cao trong nghi lễ trà đạo, đòi hỏi hòa – kính – thanh – tĩnh (hài hòa, thành kính, thanh sạch và yên tĩnh), thể hiện sự phong phú của tâm hồn, thì trà thất bé nhỏ, hết sức đơn sơ lại biểu thị tính vô biên của không gian, sự không giới hạn của cái đẹp.

Một bông hoa có thể cho ta cảm nhận về vẻ thắm của hoa hơn là cả trăm bông. Ngay Rikyu cũng đã dạy: không được cắm hoa bằng những bông đã nở hết. Ở Nhật Bản hiện nay, trong khi thực hiện nghi lễ trà đạo, trong trà thất chỉ cắm một nụ hoa còn chưa nở. Hoa được chọn theo mùa: mùa đông thì dùng hoa mùa đông như bạch ngọc, hải đường Wabisuke – giống này khác các loại hải đường khác ở chỗ bông hoa nhỏ nhắn. Chọn một nụ trắng muốt. Màu trắng là màu thanh sạch nhất mà cũng hàm súc nhất. Trên nụ hoa nhất thiết phải có giọt sương, có thể đó là một giọt nước vẩy lên hoa. Vào tháng năm, để tiến hành nghi lễ trà đạo thì dùng hoa mẫu đơn trắng cắm vào bình sứ xanh là tuyệt nhất. Và trên bình cũng phải có giọt sương. Thực ra, không chỉ trên nụ hoa – có thể khéo léo vẩy nước lên cả bình sứ trước khi cắm hoa vào đó. Ở Nhật Bản, trong số các bình sứ dùng để cắm hoa, bình cổ iga (thế kỷ XV-XVI) được coi là quý nhất. Và cũng đắt nhất. Nếu vẩy nước lên, các bình iga luôn như trở nên tươi hơn, sống động hẳn lên. Bình được nung trong lò lửa nóng. Tro và khói của rơm đốt bình loang trên bề mặt bình, và khi nguội đi, bình như được phủ một lớp men xanh. Đó không phải là nghệ thuật của bàn tay con người, không phải do người thợ làm ra, mà do chính lò nung tạo nên: những hoa văn kì diệu trên mặt bình được tạo bởi những kết hợp ngẫu nhiên trong lò, bởi chất đất nặn ra bình. Những đường vân đậm nhạt, phóng khoáng, dưới tác động của nước ẩm ánh lên đầy ấn tượng và thở cùng một nhịp với giọt sương trên nụ hoa.
Theo phong tục của nghi lễ trà đạo, trước khi dùng trà người ta đem cốc chén tráng nước để tạo cho chúng ánh vẻ tự nhiên. Như Ikenobo Seno nói trong Mật truyền: “Những cánh đồng, ngọn núi, bờ sông hiện ra trong vẻ tự nhiên của mình”. Với trường phái ikebana riêng, Ikenobo Seno đã đưa thêm một điều mới mẻ vào cách hiểu tâm hồn của hoa: cả trong chiếc bình bị vỡ, cả trên cành cây đã héo vẫn có hồn hoa và cũng có thể gợi nên sự bừng tỉnh. “Đối với người xưa, cắm hoa là một con đường dẫn đến giác ngộ”. Dưới tác động của Thiền, tâm hồn ông đã bừng tỉnh trước vẻ đẹp Nhật Bản. Và có lẽ cũng còn vì ông phải sống trong một thời đại loạn lạc của những cuộc chém giết triền miên.

Trong Ise-monogatari, hợp tuyển cổ xưa nhất của những uta-monogatari Nhật Bản, có không ít những thiên truyện ngắn, và một trong những thiên truyện đó kể về việc Ariwara Yukihira đã cắm loại hoa nào khi đón khách. “Là một người tinh tế, ông cắm vào bình một bông hoa đậu khác thường: cuống hoa mềm dài hơn một thước tây”. Tất nhiên, khó tin hoa đậu có một cuống dài như thế, nhưng tôi thấy trong bông hoa này biểu tượng của văn hóa Heian (Kyoto ngày nay). Hoa đậu là loài hoa trang nhã, duyên dáng – đúng phong cách Nhật Bản. Khi nở, bông hoa rủ xuống, khẽ khàng đung đưa trước gió, không phô trương sặc sỡ, khi hiện ra, lúc náu kín trong đám lá xanh rờn đầu hạ, thể hiện một nét duyên đằm của vạn vật. Bông hoa đậu với một cuống dài như thế chắc phải đẹp lắm.

Gần một ngàn năm trước đây, Nhật Bản đã tiếp nhận văn hóa nhà Đường của Trung Hoa và theo cách của mình tạo nên nền văn hóa Heian tuyệt vời. Quá trình nảy sinh ở người Nhật Bản cảm xúc cái đẹp cũng tuyệt diệu như “nhành hoa đậu khác thường” kia. Trong thi ca, hợp tuyển thơ cung đình đầu tiên Cổ kim tập (Kokinshu) xuất hiện vào năm 905. Trong văn xuôi, những kiệt tác của văn học cổ điển Nhật Bản ra đời vào thế kỷ X-XI: Ise monogatari (thế kỷ X), Genji-monogatari của Murasaki Shikibu (970-1014), Chẩm thảo (Makura no soshi – Bản thảo dưới gối) của Sei Shonagon (966-1017, theo tài liệu mới nhất). Thời kì Heian đã đặt nền móng cho truyền thống vẻ đẹp Nhật Bản, và trong suốt tám thế kỷ đã ảnh hưởng đến nền văn học Nhật Bản, xác định tính chất của nó. Genji monogatari là đỉnh cao văn xuôi Nhật Bản tất cả mọi thời đại. Cho đến nay vẫn chưa có gì sánh ngang nó. Bây giờ cả ở nước ngoài nhiều người đã công nhận việc vào thế kỷ thứ X xuất hiện một tác phẩm tuyệt vời và mang tinh thần hiện đại như vậy là một điều kì diệu của cả thế giới. Thuở nhỏ tôi không giỏi tiếng Nhật cổ lắm, nhưng dù sao tôi cũng đã đọc văn học Heian, và tôi rất thích tác phẩm này. Kể từ khi xuất hiện Genji-monogatari, văn học Nhật Bản bao giờ cũng hướng đến với nó. Đã có bao nhiêu những tác phẩm bắt chước! Tất cả các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật ứng dụng đến nghệ thuật bài trí vườn cảnh, đấy là không nói đến thơ ca, đều tìm thấy trong Genji cội nguồn của cảm hứng cái đẹp.

Murasaki Shikibu, Sei Shonagon, Izumi Shikibu (979-?), Akazome Emon (957-1041) và nhiều nhà thơ nữ nổi tiếng khác đều ở cung đình. Văn hóa Heian là văn hóa cung đình – do đó nó mang đậm nữ tính. Thời Genji-monogatari và Chẩm thảo là giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa đó. Rồi từ đỉnh cao nó bắt đầu đi xuống, đã bắt đầu thoáng hiện những nốt buồn báo hiệu hồi kết của vinh quang. Đó là thời kì nở rộ của văn hóa cung đình Nhật Bản.

Chẳng bao lâu sau, triều đình hoàng gia suy yếu đến mức chính quyền từ tay giới quý tộc (kuge) dần dần chuyển vào tay các chiến binh – võ sĩ (samurai). Bắt đầu thời kì Kamakura (1192-1333). Quá trình giới võ sĩ cai trị quốc gia kéo dài bảy thế kỷ cho tới đầu thời Minh Trị (1868).

Thế nhưng cả hệ thống hoàng gia, cả nền văn hóa cung đình đều không bị biến mất. Vào đầu thời Kamakura xuất hiện thêm một hợp tuyển Waka (hòa ca) – Tân cổ kim tập (Shin Kokinshu – 1205), về mặt nghệ thuật còn vượt cả Kokinshu thời Heian. Tất nhiên, ở đây có khuynh hướng thiên về chơi chữ, nhưng cái chính vẫn là tinh thần duyên dáng (ioen), vẻ đẹp u huyền (iugen), dư tình (yojo) – cả một giàn cảm xúc ảo mộng, và điều đó làm nó gần gũi với thơ ca tượng trưng hiện đại. Nhà thơ – thiền sư Saigyo (1118-1190) đã kết hợp trong sáng tác của mình cả hai thời kì – Heian và Kamakura.

Trong nỗi nhớ chàng
Em chìm dần vào giấc ngủ.
Trong mơ chàng đến.
Ôi giá như em biết,
Em đã không tỉnh giấc,
Để bằng những nẻo chiêm bao
Em theo chàng
Mãi mãi.
Nhưng trong đời thực
Em chưa một lần được gặp chàng.

Đó là một bài thơ trong Cổ kim tập của nữ thi sĩ Ono-no Komachi. Và mặc dù những câu thơ nói về một giấc mộng, nhưng nó vẫn toát lên hiện thực. Còn thơ xuất hiện sau Tân cổ kim tập nói chung chỉ là những nét phác thảo của hiện thực mà thôi.

Rừng trúc
Rộn ràng
Tiếng sẻ.
Nắng chiều
Vàng sắc thu.
Vườn thanh vắng
Gió thu giỡn lá.
Mặt trời
Dần khuất
Sau tường.

Đó là thơ của hoàng hậu Eifuku (1271-1342) sống vào cuối thời Muromachi. Vẫn thể hiện nỗi buồn tinh tế của người Nhật Bản, theo tôi, những câu thơ này đã rất hiện đại.

Những câu thơ Mùa đông tuyết sáng lạnh của thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) và Vầng trăng mùa đông đi cùng ta của nhà hiền triết Minh Huệ (Myoe) đều thuộc về thời kì Tân cổ kim tập.

Minh Huệ (Myoe) và Saigyo thường trao đổi thơ và những ý nghĩ về thơ ca với nhau. “Cứ mỗi lần thiền sư Saigyo đến là bắt đầu câu chuyện về thơ. Ông nói: “Tôi có cái nhìn riêng của tôi về thơ. Và tôi ca ngợi hoa, chim cu, tuyết, mặt trăng – nói chung, các hình ảnh khác nhau. Nhưng thực chất tất cả những cái đó chỉ là vẻ ngoài đập vào mắt và dội vào tai. Nhưng dù sao thì những câu thơ chúng ta viết ra chẳng lẽ không phải là những ẩn dụ ngụ ý? Khi ta nói về hoa, thì ta đâu nghĩ đó là những bông hoa hiện thực. Khi ta ngợi ca trăng, ta đâu nghĩ đó là mảnh trăng thường tình. Hãy hình dung khi chúng ta có cảm hứng và những câu thơ tuôn ra. Cầu vồng rực rỡ đậu xuống, và hình như bầu trời trống rỗng bỗng đổi màu. Mặt trời rực rỡ chiếu sáng, và bầu trời trống rỗng được chiếu sáng. Nhưng bản thân bầu trời không tự nhuộm màu và cũng không tự chiếu sáng. Và chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, giống như bầu trời kia, chúng ta tô điểm mọi vật trong các màu sắc khác nhau, không để lại dấu vết. Chỉ có thơ ca như vậy mới thể hiện được Chân Phật” (trích từ Tiểu sử Minh Huệ (Myoe) của Kikai, học trò của ông).

Trong những lời này có thể nhận thấy tư tưởng của Nhật Bản, hay đúng hơn, của Phương Đông, về “Tánh Không”. Và trong những tác phẩm của tôi các nhà phê bình cũng tìm thấy cái Tánh Không đó. Nhưng cái Tánh Không này hoàn toàn không phải cái mà người ta thường hiểu ở chữ chủ nghĩa Hư vô (nihilism) của Phương Tây. Tôi nghĩ, đó là do những cội rễ tinh thần của chúng ta khác nhau.

Những câu thơ Bản lai diện mục ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa của Đạo Nguyên (Dogen) chính là Thiền.

Đoàn Tử Huyến dịch từ bản tiếng Nga

“КРАСОТОЙ ЯПОНИИ РОЖДЕННЫЙ”
của T. P. Grigorievich (Nguồn: http://klein.zen.ru)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MẸ TERESA VÀ GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 1979

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG