VIKTOR E. FRANKL
Trích: Đi Tìm Lẽ Sống; Người dịch: Thanh Thảo ; NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2019
——
Kêu gọi tinh thần trách nhiệm là nhiệm vụ khẩn thiết hàng đầu của liệu pháp ý nghĩa, tức là: “Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và đang sắp phạm phải sai lầm như đã từng phạm phải lần đầu tiên”. Đối với tôi, dường như không gì có khả năng khơi dậy tinh thần trách nhiệm của một người hơn là câu châm ngôn này, vế thứ nhất gợi mở rằng hiện tại là sự lặp lại của quá khứ, và vế thứ hai mang hàm ý quá khứ có thể thay đổi và sửa chữa. Câu châm ngôn ấy đặt con người vào tình thế đối mặt với tính hữu hạn của cuộc sống cũng như hành động cuối cùng mà người đó đã tạo ra cho mình và cho đời.
Liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân nhận ra trách nhiệm của bản thân để người đó hiểu được trách nhiệm của mình là để thực thi nhiệm vụ nào, hướng tới mục tiêu gì, hoặc dành cho ai. Đó là lý do tại sao các chuyên gia liệu pháp ý nghĩa ít áp đặt các xét đoán của mình lên bệnh nhân, bởi vì họ không bao giờ cho phép bệnh nhân đẩy trách nhiệm về phía bác sĩ.
Do đó, chính bệnh nhân sẽ quyết định rằng nên xác định ý nghĩa cuộc sống của mình theo hướng thực hiện trách nhiệm với xã hội hay với chính lương tâm của mình. Tuy nhiên có những người không muốn ý nghĩa cuộc đời họ chỉ đơn thuần là để hoàn thành một nhiệm vụ được giao, mà họ muốn tự mình là người giao nhiệm vụ cho bản thân – tự mình định hướng ý nghĩa cuộc đời mình.
Liệu pháp ý nghĩa không mang tính giáo điều, thuyết giảng. Nó cũng hiếm khi đề cập đến những lập luận logic bởi nó xuất phát từ sự thúc đẩy về tinh thần. Nói một cách bóng bẩy, chuyên gia liệu pháp ý nghĩa sẽ sử dụng cái nhìn của một nhà thẩm định hội hoạ chứ không phải cặp mắt của một hoạ sĩ. Hoạ sĩ sẽ cố gắng truyền tải đến người xem bức tranh của thế giới theo cách nhìn của mình; còn nhà thẩm định hội hoạ sẽ cố gắng để chúng ta nhìn thấy một thế giới chân thực. Vai trò của chuyên gia liệu pháp ý nghĩa bao gồm cả việc mở rộng tầm nhìn của bệnh nhân, khiến họ dễ dàng thấy rõ toàn bộ ánh hào quang rực rỡ của một cuộc sống giàu ý nghĩa.
Khi tuyên bố rằng con người phải hành động để hiện thực hóa ý nghĩa cuộc sống và có trách nhiệm về điều đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng ý nghĩa thực sự của cuộc sống sẽ được khám phá trong đời thực hơn là chỉ trong bản thân một con người hay trong phạm vi đời sống tinh thần của người đó, mặc dù hai phạm trù này có liên hệ mật thiết với nhau. Tôi gọi đặc tính cơ bản này là “sự vượt lên cái tôi hạn hẹp”. Nó chỉ rõ một thực tế là con người luôn luôn hướng, và được định hướng, tới một cái gì đó hoặc một ai đó khác hơn là chính mình – một điều cần phải hoàn thành hoặc một người nào đó cần phải gặp. Một người càng quên đi bản thân mình – bằng cách cho mình một lý do để phụng sự hoặc chọn cách sống vì một người mà mình thương yêu – thì người đó càng có nhiều nhân tính và càng phát triển bản thân hơn. Sự tự trưởng thành không phải là một mục tiêu có thể đạt được dễ dàng, bởi một lý do đơn giản là một người càng phấn đấu để đạt được điều gì đó thì người ấy càng bỏ mất nó. Nói cách khác, sự trưởng thành chỉ có thể là một sản phẩm được tạo ra từ việc vượt lên cái tôi cá nhân hạn hẹp.
Vì vậy, chúng tôi đã chứng minh rằng ý nghĩa cuộc sống luôn thay đổi, nhưng nó không bao giờ dừng lại. Theo liệu pháp ý nghĩa, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong cuộc sống theo ba cách khác nhau: (1) tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó; (2) trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó; và (3) bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ. Cách đầu tiên – nhằm đạt được thành công hoặc thành tựu nào đó – thì khá dễ hiểu. Cách thứ hai và thứ ba cần phải giải thích thêm.
Cách thứ hai là hãy trải nghiệm một việc gì đó – chẳng hạn như lòng tốt, chân lý và cái đẹp thông qua những trải nghiệm tự nhiên và văn hóa, và cuối cùng không kém phần quan trọng là cảm nhận vẻ độc đáo của một người khác bằng tình yêu thương dành cho người ấy.
——
Trích “Đi Tìm Lẽ Sống”
Thanh Thảo dịch
NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2019