ĐƯA CHUẨN MỰC LÊN TẦM CAO MỚI

JIM COLLINS

Trích: Từ Tốt Đến Vĩ Đại; Nguyên tác: Good To Great; Nhà Xuất Bản Trẻ

Xuyên suốt cuộc nghiên cứu, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy một số cứ liên tục được lặp đi lặp lại: có kỷ luật, nghiêm khắc, kiên trì, quyết tâm, cần mẫn, chính xác, khó tính, có hệ thống, có phương pháp, thiết thực, đòi hỏi, nhất quán, tập trung, chịu trách nhiệm. Những từ này liên tục xuất hiện trên các bài báo, các cuộc phỏng vấn, và các tư liệu nguồn về các công ty nhảy vọt, và đặc biệt ít xuất hiện trong các tài liệu về công ty đối trọng. Những người làm việc trong công ty nhảy vọt có vẻ như trở nên thái quá trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình, một số trường hợp đã bước gần đến mức cuồng tín.

Chúng tôi đặt yếu tố này là “đưa tiêu chuẩn lên tầm cao mới”. Sự so sánh này dựa theo một vận động viên đẳng cấp thế giới có kỷ luật cao tên là Dave Scott. Dave đã sáu lần thắng cuộc thi ba môn phối hợp Người đàn ông thép tại Hawaii. Mỗi ngày, trung bình anh sẽ luyện tập chạy xe đạp 75 dặm, bơi 20.000 mét, và chạy bộ 17 dặm. Dave Scott không hề bị dư cân! Nhưng anh tin rằng một chế độ ăn uống ít chất béo, giàu chất bột sẽ đem lại cho anh lợi thế. Như vậy là Dave Scott, mỗi ngày đốt cháy ít nhất 5.000 calori thông qua luyện tập, vẫn đơn giản muốn đưa tiêu chuẩn cao hơn để giảm bớt chất béo dư thừa. Thật ra không có bằng chứng nào cho thấy anh phải tập nặng như vậy để thắng giải Người đàn ông thép; đó cũng không phải là dụng ý của câu chuyện. Vấn đề ở đây là việc đưa tiêu chuẩn lên tầm cao mới chỉ đơn giản là thêm một bước nhỏ mà anh nghĩ sẽ giúp anh khoẻ hơn, một bước nhỏ cộng thêm vào những bước nhỏ khác để tạo thành một siêu kỷ luật nhất quán. Tôi luôn nghĩ về Dave Scott đang chạy bộ trong cuộc thi marathon 42,2km – cố gắng hết sức dưới cái nắng 37,7oC trên những cánh đồng nóng bỏng dung nham ở bờ biển Kona sau khi đã bơi 3,86 km trên biển và đạp xe 180km ngược gió – và tự nghĩ: “Nếu so sánh với quá trình tập luyện hàng ngày, thì thế này là không có gì ghê gớm.”

Tôi biết đây là một sự so sánh kỳ quặc. Nhưng ở một góc độ nào đó, các công ty nhảy vọt cũng giống Dave Scott. Hầu hết các câu trả lời cho câu hỏi làm sao từ tốt lên vĩ đại đều nằm trong sự kỷ luật nhất quyết làm bất cứ điều gì cần thiết để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đã được chọn lựa kỹ càng, rồi từ đó luôn tìm cách nâng cao. Thật sự đơn giản thế thôi. Và cũng thật sự chỉ khó đến thế thôi.

Mọi người ai cũng muốn mình giỏi nhất, nhưng hầu hết các tổ chức không đủ kỷ luật để tìm hiểu một cách rõ ràng, không bị cái tôi che khuất, về điều gì họ có thể giỏi nhất, và quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết để biến tiềm năng thành thực tế. Họ thiếu kỷ luật để nâng tiêu chuẩn lên tầm cao mới.

Hãy so sánh Wells Fargo với Bank of America. Carl Reichardt chưa bao giờ nghi ngờ rằng Wells Fargo sẽ vượt qua việc xoá bỏ bảo hộ, trở thành một công ty mạnh hơn, chứ không hề yếu đi. Ông nhận thấy chìa khoá của việc đi lên thành một công ty vĩ đại không phải ở các chiến lược hoàn hảo mà là quyết tâm cao độ vứt bỏ những quan niệm truyền thống hàng trăm năm về ngành ngân hàng ra khỏi hệ thống. Reichardt nói: “Trong ngành ngân hàng có quá nhiều sự phí phạm. Loại bỏ chúng đòi hỏi sự kiên trì, không cần sự lỗi lạc.”

Reichardt đề ra một thái độ rõ ràng trong ban lãnh đạo: Chúng ta sẽ không bắt ai khác phải chịu khổ trong khi chúng ta vẫn sung sướng. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc chịu vất vả ngay tại đây trong phòng họp của ban lãnh đạo. Ông giữ lại lương của các nhà điều hành trong hai năm (mặc dù Wells Fargo đang trải qua những năm lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của nó). Ông cho đóng cửa phòng ăn của lãnh đạo và thay vào đó bằng một dịch vụ nấu ăn cho ký túc xá. Ông cho đóng cửa thang máy dành riêng cho lãnh đạo, bán đi các máy bay riêng của công ty, và cấm trồng cây xanh trong phòng hợp ban lãnh đạo vì nó tốn quá nhiều công chăm sóc. Ông cũng không phục vụ cà phê miễn phí trong phòng họp. Ông loại bỏ việc cung cấp cây Giáng sinh cho các giám đốc. Ông ném trả báo cáo lại cho người nộp nếu nó được đóng gáy đẹp đẽ, kèm theo lời khiển trách: “Tại sao anh lại phí tiền thế này? Thêm một cái bìa thì được gì?”. Reichardt tham gia cuộc họp với các nhà điều hành khác trên một cái ghế cũ kỹ, các phần nệm bên trong đã bong cả ra ngoài. Nhiều khi ông cứ ngồi đó rứt các chỗ nệm bị bong ra và lắng nghe các lời đề nghị chi tiền; một bài báo đã viết: “và thế là rất nhiều dự án phải làm đã bị cho qua”.

Đối diện bên kia đường là Bank of America, nơi các nhà điều hành cũng phải đối mặt với vấn đề xoá bỏ bảo hộ và nhận thấy nhu cầu phải loại bỏ các phí phạm. Tuy nhiên, không như Wells Fargo, các nhà điều hành Bank of America không có được kỷ luật để nâng các tiêu chuẩn. Họ vẫn giữ lại vương quốc cao sang dành cho lãnh đạo trong toà tháp đồ sộ tại trung tâm thành phố San Francisco. Phòng tổng giám đốc được quyển sách Breaking the Bank miêu tả là: “một phòng lớn ngay góc hướng đông bắc ăn thông với một phòng hội nghị, trải thảm phương đông, các cửa sổ cao từ sàn lên trần cho phép nhìn toàn cảnh vịnh San Francisco từ cầu Golden Gate đến cầu Bay Bridge. (Chúng tôi cũng không thấy dữ liệu nào nhắc đến những chiếc ghế bị bong nệm). Thang máy chạy thẳng đến tầng lầu của các nhà điều hành, đi xuống nhẹ nhàng đến tầng trệt, không bị làm phiền bởi sự xâm nhập của những cá thể thấp kém hơn. Không gian rộng thênh thang trong phòng điều hành làm cho cửa sổ trông có vẻ cao hơn, tạo cảm giác đang bay trên đám mây trong một thành phố trên cao dành cho những kẻ thượng lưu đang thống trị thế giới bên dưới. Việc gì phải tự hành hạ mình khi cuộc sống quá tốt như thế ?

Sau khi thua lỗ 1,8 tỉ đô trong ba năm liên tục giữa thập niên 1980, Bank of America buộc lòng phải thực hiện những thay đổi cần thiết để thích ứng với việc xoá bỏ bảo hộ (chủ yếu là nhờ tuyển dụng những nào lãnh đạo bên Wells Fargo). Nhưng ngay cả trong những ngày đen tối nhất, Bank of America cũng không thể buộc mình từ bỏ những đặc quyền đã ngăn cản các nhà điều hành của họ rời khỏi thế giới thực. Tại một cuộc họp Hội đồng quản trị giữa lúc khủng hoảng đang xảy ra cho Bank of America, một thành viên đã đưa ra đề nghị hợp lý là “Hãy bán chiếc phi cơ riêng của công ty”. Những giám đốc khác lắng nghe lời đề nghị này, rồi cho qua luôn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRUYỀN CHO NGƯỜI KẾ NHIỆM CƠ HỘI THÀNH CÔNG
  2. KHIÊM NHƯỜNG VÀ Ý CHÍ
  3. TỰ DO TRONG KHUÔN KHỔ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH