GIÁ TRỊ CỦA MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG

JUSTIN BARISO

Trích: EQ - TRÍ THÔNG MINH XÚC CẢM TRONG CÔNG VIỆC; Lương Huỳnh Trọng Nghĩa dịch; NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân.

Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào các mối quan hệ với người khác. Từ khi được sinh ra, chúng ta đã phụ thuộc vào những người nuôi dưỡng, dạy bảo và chăm sóc mình. Bất kể chúng ta tự lập hay tự lực thế nào, chúng ta luôn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nếu có sự hỗ trợ của người khác.

Nhưng thành tựu chỉ là khởi đầu. Nghiên cứu chỉ ra rằng các mối quan hệ tốt cũng sẽ giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

Vậy làm thế nào để bạn có thể cải thiện mối quan hệ?

Vài năm trước, một nhóm nghiên cứu tại Google đã triển khai một dự án với tên gọi Aristotle nhằm nghiên cứu phương pháp xây dựng đội ngũ hiệu quả. Tên dự án được đặt như vậy nhằm bày tỏ sự tôn trọng với câu nói nổi tiếng của nhà triết học: “Tổng số toàn phần lớn hơn tổng số từng phần.”

Đội nghiên cứu phân tích hàng chục nhóm người và phỏng vấn hàng trăm giám đốc điều hành, trưởng nhóm và các thành viên. Họ nhận thấy rằng có nhiều yếu tố góp phần vào hiệu suất của một nhóm – nhưng yếu tố chiếm ưu thế nhất là khi các thành viên trong nhóm cảm thấy “an tâm”.

“Khi một nhóm có cảm giác cực kỳ an tâm, các thành viên sẽ thấy an toàn để chấp nhận rủi ro khi ở bên các cộng sự”, các nhà nghiên cứu viết. “Họ thấy tự tin khi biết không ai trong nhóm khiến thành viên nào đó phải xấu hổ hoặc bị trừng phạt vì thừa nhận mắc sai lầm, đặt câu hỏi hoặc đưa ra một ý tưởng mới.”

Nói đơn giản là một đội ngũ giỏi phát triển dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Đôi khi, chúng ta phó mặc niềm tin cho người lạ mà không cần đắn đo – như viên phi công có nhiệm vụ chở chúng ta về nhà hoặc người đầu bếp làm đồ ăn khi chúng ta đi ăn nhà hàng. Nhưng sự tin tưởng này chỉ mang tính hoàn cảnh, nó đến và đi tùy thuộc vào tình huống. Để xây dựng niềm tin cho các mối quan hệ sâu sắc, chúng ta phải đem lại lợi ích cho người khác trong thời gian dài hơn.

Có thể tưởng tượng mối quan hệ là một cây cầu được dựng lên giữa chúng ta và mọi người. Bất kỳ cây cầu vững chắc nào cũng phải có nền móng kiên cố – và đối với mối quan hệ, nền móng đó là sự tin tưởng. Nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ không có tình yêu, bạn bè, không có mối liên kết lâu dài nào giữa mọi người với nhau. Có niềm tin ắt có động lực. Nếu tin ai đó đang dành những lợi ích tốt nhất cho mình, chắc hẳn bạn cũng sẽ làm hết mọi điều người đó yêu cầu.

Trong chương này, tôi sẽ gợi ý cho bạn vài lời khuyên hữu ích để giành được lòng tin của người khác. Khi đọc, hãy suy ngẫm về những người xung quanh bạn. Những người mà bạn tin tưởng đã áp dụng các lời khuyên này như thế nào? Bạn có thể tự cải thiện mình ở những khía cạnh nào?

Giải đáp được những câu hỏi đó sẽ giúp bạn nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn.

GIAO TIẾP

Xây dựng lòng tin đòi hỏi quá trình giao tiếp hiệu quả và liên tục.

Liên tục giao tiếp giúp bạn duy trì được mối liên kết với các sự kiện của một người. Bạn nhanh chóng biết được suy nghĩ và tâm trạng của họ, cách họ giải quyết chúng. Hơn nữa, bạn nên chia sẻ rằng những điều quan trọng với họ cũng rất quan trọng với bạn.

Một loạt những nghiên cứu gần đây được tổ chức nghiên cứu Gallup tiến hành đã kết luận rằng những người quản lý giỏi nhất thường giao tiếp bằng cách kết hợp trao đổi trực tiếp, qua điện thoại và các thiết bị điện tử với nhân viên; và họ cũng sẽ hồi đáp điện thoại hoặc tin nhắn trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, Gallup còn nhận thấy rằng đa số nhân viên đều đánh giá cao khi trò chuyện với các quản lý về “chuyện ngoài lề công ty”. Điều này sẽ giúp quản lý hoặc trưởng nhóm trở nên gần gũi hơn trong mắt nhân viên.

Mỗi người có cách suy nghĩ và trò chuyện khác nhau, điều quan trọng là phải thể hiện được rõ ràng tâm trạng của bản thân. Hãy nhớ rằng không ai có thể đọc được suy nghĩ của bạn. Một số người sẽ cần biết nhiều dấu hiệu hơn so với người khác, nên hãy luyện tập cách thể hiện tâm trạng để người khác có thể hiểu được.

Thế còn ở nhà thì sao? Không dễ gì có thời gian để giao tiếp. Bố mẹ thì bận rộn làm việc. Bọn trẻ thì chơi với bạn ở trường rồi ở nhà thì dán mắt vào điện thoại hoặc máy tính. Làm thế nào bạn có thể trò chuyện thường xuyên hơn với người thân của mình?

CHÂN THẬT

Sự chân thật thúc đẩy lòng tin tưởng. Chúng ta thường bị thu hút bởi những ai chân thật và luôn là chính mình. Nhưng “chân thật” chính xác có nghĩa gì?

Người chân thật thường chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc thật của mình với người khác. Họ biết không phải ai cũng đồng tình với mình và họ thấy điều này hoàn toàn bình thường. Họ hiểu rằng mình không hoàn hảo nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ các khiếm khuyết vì mọi người khác cũng thế. Chấp nhận mọi người là chính mình thì chúng ta mới chân thành hơn với nhau.

Tất nhiên, nếu nói “hãy thành thật” thì rất dễ. Trên thực tế, nhiều yếu tố nhất định của Trí tuệ xúc cảm có thể ngáng đường bạn.

Ví dụ, nếu khả năng nhận thức xã hội cao, bạn sẽ “nhạy cảm” khi lời nói và hành động của mình gây tác động lên người khác. Tính nhạy cảm có thể giúp ích nếu nó giúp bạn khéo léo và bày tỏ sự tôn trọng. Nhưng nó cũng cản trở khả năng xây dựng lòng tin nếu bạn liên tục che giấu cảm xúc thật của mình và nói những điều không thật lòng.

Một trong những giám đốc của Apple, Angela Ahrendts đã bày tỏ ý kiến này trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Rebecca Jarvis. Khi được hỏi về lời khuyên sự nghiệp tệ hại nhất mình từng phải nhận, Ahrendts chia sẻ về thời gian cô làm việc tại một tập đoàn lớn. Quản lý nhân sự bảo rằng nếu cô muốn có những phẩm chất của một CEO tiềm năng, cô cần phải thay đổi cách nói chuyện “quá cảm tính”.

Vậy nên, Ahrendts đã đến Minneapolis theo lời giới thiệu của công ty để gặp huấn luyện viên sẽ giám sát và nhận xét cô. “Tôi nghĩ mình sẽ ở đó vài ngày nhưng thật ra chỉ có vài giờ”, Ahrendts cho biết. “Vào bữa trưa ngày đầu tiên tôi chỉ nhìn họ và bảo rằng, ‘Tôi phải đi. Tôi không muốn trở thành người mà tôi không thích. Tôi yêu bản thân và cho đến bây giờ tôi đã làm khá tốt khi là chính mình. Tôi lớn lên trong gia đình nhiều thế hệ. Và bạn biết đấy, mẹ thương tôi, bạn bè quý tôi… Tôi không quan tâm đến chức vụ hay địa vị. Bạn biết không, mỗi buổi sáng tôi vẫn thức dậy là tôi và tôi luôn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tôi không muốn trở thành bất kỳ người nào khác. Vậy nên, tôi thật sự xin lỗi nhưng tôi phải đi. Rồi tôi rời đi, và chính xác sau một tháng tôi nhận được cuộc gọi giúp tôi trở thành CEO của Burberry. Thế nên tôi nghĩ, hãy cứ là chính mình.”

Thành thật không có nghĩa là bạn phải chia sẻ mọi thứ về bản thân với mọi người, vào mọi lúc. Thành thật là nói đúng những gì bạn nghĩ, và kiên định với những giá trị và nguyên tắc của bản thân bạn.

Không phải ai cũng sẽ đánh giá cao bạn. Nhưng những ai thật sự quan trọng sẽ làm việc đó.

SẴN LÒNG GIÚP ĐỠ

Một trong những cách nhanh nhất để có được lòng tin của ai đó là giúp đỡ họ.

Hãy nghĩ về người sếp hoặc giáo viên bạn yêu mến. Họ tốt nghiệp trường nào, nhận bằng gì, thậm chí những thành tích trước đây của họ – tất cả đều không liên quan đến mối quan hệ của bạn với người đó. Nhưng còn thời gian họ sẵn lòng bỏ ra để lắng nghe hoặc giúp đỡ bạn dù có bận kín lịch thì sao? Họ có sẵn sàng ngồi lại và làm việc cùng bạn không?

Những hành động như vậy sẽ góp phần xây dựng niềm tin.

Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống gia đình. Đó thường là làm những điều nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng: giúp người thân pha một tách trà hoặc cà phê, phụ dọn đồ ăn hoặc làm việc lặt vặt khác, hay giúp xách đồ từ xe xuống.

Thực tế, tinh thần hay giúp đỡ chính là điều đã giúp tôi theo đuổi vợ mình. Chúng tôi có một năm làm bạn với nhau trước khi tôi đề nghị hẹn hò, nhưng cô ấy đã từ chối. Tôi thấy rất khó xử. Cô ấy bảo chúng tôi vẫn có thể là bạn – tôi không chắc mình có thể làm được điều này. Nhưng tôi biết cô ấy rất đặc biệt và vẫn chưa sẵn sàng để cô ấy rời khỏi cuộc đời mình nên tôi đã đồng ý.

Bằng một cách nào đó, chúng tôi vẫn là bạn bè. Một năm sau, tôi nhận ra được cảm giác của cô ấy dành cho tôi bắt đầu thay đổi… nên đã hỏi xem liệu cô ấy có cân nhắc lại không.

Năm 2018, chúng tôi kỷ niệm mười năm ngày cưới.

Khi đã ở bên nhau, tôi liền hỏi điều gì đã làm thay đổi suy nghĩ của cô ấy. “Anh không bao giờ ngừng tử tế và hay giúp đỡ em”, cô ấy chia sẻ. “Nếu em không đáp lại những người đàn ông khác một cách tình tứ, họ sẽ sớm trở nên ích kỷ, đổ lỗi, thậm chí biến thành một người hoàn toàn khác. Nhưng anh thì không. Anh đã giúp em vượt qua những lúc khó khăn, ngay cả khi em từ chối anh. Thời gian làm bạn với nhau lâu như thế đã buộc em phải suy nghĩ: Mình biết anh ấy sẽ trở thành người chồng tuyệt vời của ai đó. Tại sao ai đó không phải là mình?”

Hãy nhớ rằng, cho dù bạn đang nuôi dưỡng mối quan hệ với người bạn, người yêu hay đồng nghiệp thì sự tin tưởng vẫn là trò chơi thử thách tính kiên nhẫn. Hãy giúp họ tại bất cứ nơi nào, vào bất cứ khi nào có thể.

KHIÊM TỐN

Giúp đỡ người khác phải đi cùng với sự khiêm tốn. Khiêm tốn không có nghĩa là thiếu tự tin hay không bao giờ đứng lên bảo vệ ý kiến và nguyên tắc riêng của mình. Thay vì vậy, khiêm tốn là khi nhận ra rằng mình không biết tất cả mọi thứ – và sẵn sàng học hỏi từ những người khác.

Chẳng hạn, bạn còn trẻ và ít kinh nghiệm hơn đồng nghiệp, khách hàng, hãy thừa nhận và khắc ghi điều đó. Nếu có thái độ sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ thể hiện được tính khiêm tốn và nhận được sự tôn trọng từ người khác.

Ngược lại, bạn lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn, hãy tôn trọng người khác bằng cách đón nhận các ý tưởng, các kỹ thuật mới. Hơn hết, hãy tôn trọng ý kiến và quan điểm của đồng nghiệp, cũng như thật sự lắng nghe khi họ chia sẻ. Khi cả hai bên đều nhận ra đối phương đang dành lợi ích cho mình thì mọi việc sẽ tự tiến triển dựa trên bầu không khí hoà thuận.

Sự khiêm tốn cũng có nghĩa là sẵn lòng xin lỗi.

“Tôi xin lỗi” có thể là ba từ khó nói nhất, nhưng cũng là ba từ có sức nặng nhất. Khi sẵn sàng nhận lỗi, bạn sẽ khẳng định được rõ ràng cách bạn nhìn nhận vị trí của mình trong các mối quan hệ. Điều này sẽ tự nhiên khiến mọi người gần gũi, yêu mến bạn, đồng thời xây dựng được niềm tin và lòng trung thành.

“Xin lỗi” không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sai và người kia đúng. Xin lỗi là khi bạn coi trọng mối quan hệ nhiều hơn cái tôi của mình.

THÀNH THẬT

Hầu hết mọi người đều biết rằng sự thành thật và tin tưởng đi đôi với nhau. Nhưng giao tiếp một cách thành thật không chỉ đơn giản là nói những gì bạn thật sự tin. Thực chất, nó có nghĩa là tránh nói những điều chỉ mang tính “một nửa sự thật” và đảm bảo những gì bạn nói không bị hiểu nhầm. Tập trung vào tiểu tiết, những sơ hở và các hướng bao biện có thể giúp bạn thắng kiện tại tòa án, nhưng sẽ không giúp bạn giành được sự tin tưởng của người khác.

Những người dối gạt có thể thành công tạm thời, nhưng sự thật cũng sẽ bị hé lộ. Ngược lại, những người thành thật sẽ trở nên nổi bật. Họ là những nhân viên đáng quý ở công ty và là người khiến gia đình cảm thấy bình an. Họ cũng là những người bạn luôn đưa ra các ý kiến thật sự có ý nghĩa.

ĐÁNG TIN CẬY

Ngày nay mọi người thường “nói một đằng làm một nẻo” nếu họ nổi hứng. Cho dù là kế hoạch cuối tuần với bạn bè, một cái bắt tay thỏa thuận làm ăn, hay lời hứa với người yêu; nhiều người có thể rút lại lời nói dễ dàng nếu họ cảm thấy những bất tiện dù là nhỏ nhặt nhất.

Có rất nhiều lý do khiến mọi người không giữ lời, sự thật đơn giản là: chúng ta có xu hướng chỉ sống tại thời điểm. Nếu lợi ích ngay trước mắt thì nói “có”, còn khi bất tiện quá thì nói “không”, nên hầu hết mọi người đều dễ dàng hứa hẹn mà không cân nhắc kỹ liệu mình có thể làm được hay không.

Vậy chìa khóa để giữ chữ tín là gì?

Xây dựng khả năng tự nhận thức và tự kiểm soát có thể giúp bạn tránh “hứa hươu hứa vượn”. Chẳng hạn, cố gắng thể hiện thái độ quá tích cực và nhiệt tình tại nơi làm việc có thể khiến bạn trở thành người chuyên hứa hẹn…, nhưng một khi đối mặt với thực tế, bạn lại có xu hướng chối bay. Nhận ra được sự thật này để tập suy nghĩ cẩn thận trước khi quá-hứa-hẹn sẽ giúp bạn giữ cam kết và hoàn thành công việc đúng hạn.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng những người hay hứa hẹn thường giữ chữ tín tốt hơn nếu họ gắn nó với ý thức trách nhiệm đạo đức. Nói cách khác, họ sẽ thực hiện cam kết vì đó là “điều cần làm”, ngay cả khi gặp bất tiện, bất lợi nào đó.

Tất nhiên có nhiều mức độ cam kết khác nhau. Quên hẹn xem phim trên Netflix với bạn có thể sẽ ít gay go hơn khi thất hứa với con cái hoặc lỡ hạn công việc. Và đôi khi, những tình tiết tưởng như không quan trọng lại ảnh hưởng đến khả năng bạn thực hiện lời hứa.

Nhưng nếu bạn xây dựng được thói quen giữ lời hứa – dù việc lớn hay nhỏ – bạn cũng sẽ có được tiếng thơm không ngớt vì sự chắc chắn và đáng tin cậy của mình.

HÃY BÀY TỎ TÌNH CẢM

Cách đây nhiều năm tôi có điều hành một dự án và Jessica, thành viên có kinh nghiệm nhất trong nhóm đã từng rất chật vật. Vấn đề không nằm ở công việc vì cô ấy thể hiện rất tốt, chỉ là cô thấy kiệt sức. Khách hàng chúng tôi đang hợp tác không hề dễ tính, và Jessica đã thốt lên rằng: “Tôi không phải gà con mới lớn, anh biết đấy. Tôi không thể chịu đựng được nữa.”

Tôi trấn an bằng cách đánh giá cao công việc cô ấy đang làm và để cô ấy rời xa đống nhiệm vụ một thời gian. Những ngày còn lại chúng tôi làm việc mà không có Jessica, khi đó cô ấy chuyển sang dự án khác. Lúc kết thúc, chúng tôi nhận được đánh giá xuất sắc từ phía khách hàng và tôi biết mình nên gọi thông báo cho ai.

Sau khi hỏi thăm những ngày qua của Jessica ra sao, tôi liền kể tin tốt cho cô ấy. Tôi nói rằng đó là phản hồi ý nghĩa nhất mà chúng tôi từng nhận được từ bất kỳ khách hàng nào. Tôi đặc biệt cảm ơn cô ấy vì đã đóng góp cho dự án và chia sẻ rằng tôi biết mọi thứ sẽ không diễn ra tốt đẹp nếu không có cô ấy.

Bạn có thể “nghe thấy” nụ cười ở đầu dây bên kia. Cô ấy cảm ơn tôi (hai lần) vì đã gọi cho cô ấy. Cô ấy nói trước khi gác máy: “Anh không biết cuộc gọi này có ý nghĩa với tôi như thế nào đâu. Tôi rất sẵn lòng làm cho dự án tương tự như vậy vào lần tới.”

Một sự thay đổi tuyệt vời!

Câu chuyện đã cho thấy giá trị của lời khen chân thành và thành thật, không có chút nịnh bợ nào, qua đó giúp tôi tận dụng được tiềm năng của Jessica sau này, chỉ với ít phút dành ra để ghi nhận công lao của cô – một điều rất dễ bị lãng quên. Thực tế, một trong những lời than phiền thường thấy nhất trong bất kỳ mối quan hệ tệ hại nào chính là: “Tôi không cảm thấy được đánh giá cao.”

Mọi người đều rất cần khen ngợi và tán thưởng. Vấn đề ở chỗ không dễ để ai đó nói lời khích lệ và động viên người khác – bởi vì bản thân họ chưa từng nhận được nó. Nhưng ngay cả khi luôn bị chỉ trích nặng nề, bạn vẫn có thể thay đổi cách suy nghĩ nếu tập trung vào các điều sau:

  1. Hãy thành thật

Cố gắng nịnh hoặc khen qua loa sẽ gây phản tác dụng về lâu dài. Bạn cũng không nên coi lời khen như nhiệm vụ cần hoàn thành trong danh sách việc phải làm. Thay vào đó, hãy thành thật khen, vì đây là điều bạn chỉ có thể làm được khi chú tâm tìm kiếm những điểm tích cực ở người khác.

Nhưng nếu bạn phải vất vả tìm điều gì đó để khen một người thì sao? Bạn thầm nghĩ: Minh không thể thật tâm dành lời khen cho bất kỳ ai, đúng không?

Sai rồi.

Mọi người đều xứng đáng được khen vì điều gì đó. Học cách công nhận và khen ngợi năng lực sẽ giúp họ thể hiện mọi điều tốt nhất của mình.

Cách suy nghĩ này sẽ giúp bạn nhìn ra được những điều tốt đẹp ở người khác và được truyền cảm hứng để khen ngợi ai đó. Xét cho cùng, nếu bạn thấy nhân viên đang mắc kẹt với các cư xử sai lầm, bạn sẽ không thể bình tĩnh chờ họ tự điều chỉnh, đúng không? Nếu vậy, bạn nên tích cực giúp người đó trau dồi hành vi có ích và khuyến khích họ tiếp tục phát huy.

  1. Hãy rõ ràng

Bất kỳ khen ngợi nào cũng đều có giá trị, nhưng bạn càng rõ ràng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Hãy nói rõ bạn xem trọng họ vì điều gì và tại sao.

Dưới đây là cách diễn đạt bạn có thể thấy trong công ty:

“Chào anh cho tôi một phút được không? Tôi muốn nói với anh điều này. Tôi biết sẽ không thể tóm được hết ý, nhưng tôi thật sự đánh giá cao những điều anh làm ở đây. Cách anh chia sẻ về những hành động cụ thể liên quan đến dự án, khách hàng hay vấn đề rất tuyệt vời. Tôi thật sự thấy chia sẻ về một giá trị cụ thể trong hành động của anh và điều đó giúp ích cho công ty rất nhiều. Hãy cứ phát huy tiếp nhé.”

Những lời nói đó sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào?

Tất nhiên, bạn nên thật sự muốn trao cho ai đó lời động viên. Như thế, người khác sẽ cảm nhận được sự chân thành và thêm yêu quý bạn.

Bạn cũng nên cẩn trọng: Trong bất kỳ việc gì, cân bằng vẫn là cần thiết. Cứ khen qua loa nỗ lực của người khác thì bạn cũng sẽ nhận lại như vậy. Ngoài ra, nếu khen thái quá thì mọi người cũng sẽ không nghiêm túc với bạn.

Tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra, và thực tế là nhiều người cảm thấy những nỗ lực của mình bị đánh giá thấp hoặc không được ghi nhận. Đây chính là điều khiến lời khen có sức ảnh hưởng rất lớn: nếu bạn có thói quen thể hiện sự cảm kích với người khác, họ cũng sẽ làm điều tương tự với bạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SUY NGHĨ VÀ THÓI QUEN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO?
  2. HÃY TÌM VIÊN KIM CƯƠNG CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG
  2. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  3. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU