GIỎI VẬN DỤNG NGÔN TỪ SẼ ĐEM ĐẾN THÀNH CÔNG

ANTHONY ROBBINS

Trích: Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

“Một từ dùng đúng có tác dụng mãnh liệt. Mỗi khi chúng ta gặp một từ đúng và mạnh…nó mang lại hiệu quả nhanh như chớp, về vật chất và tinh thần”.

-MARK TWAIN

Các từ được nói ra…Chúng làm chúng ta cười và làm chúng ta khóc. Chúng có thể gây chấn thương hay chữa lành. Chúng cho ta hy vọng hay làm ta tuyệt vọng. Với những từ, chúng ta có thể diễn tả những ý định thanh tao nhất và ước muốn thầm kín nhất của mình.

Trong suốt lịch sử loài người, các bậc lãnh tụ và các nhà tư tưởng lớn đã sử dụng sức mạnh của ngôn từ để thay đổi những cảm xúc của chúng ta, lôi kéo chúng ta đi theo đường lối của họ và hình thành dòng định mệnh. Ngôn từ không chỉ tạo nên những cảm xúc mà còn tạo nên hành động. Và từ những hành động, chúng ta có những kết quả trong cuộc đời. Khi Patrick Henry đứng trước các đồng nghiệp và tuyên bố, “Tôi không biết những người khác chọn con đường nào; nhưng riêng tôi, hãy cho tôi tự do, hay cho tôi cái chết!” Những lời của ông đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh bừng bừng nơi những người công dân Mỹ xưa kia để thiêu hủy nền độc tài đã từng áp bức họ quá lâu.

Trong thế chiến II, khi sự sống còn của nước Anh gặp nguy hiểm, những lời nói của một người đã động viên ý chí của cả dân tộc Anh. Người ta nói rằng Winston Churchill đã có cái thiên tài đưa ngôn ngữ Anh vào chiến trận. Lời kêu gọi lừng danh của ông tới mọi công dân Anh đã làm cho giờ phút đó trở thành “giờ phút thiêng liêng nhất” của họ đã nung nấu chí dũng cảm vô bờ của họ và đã làm tiêu tan ảo tưởng của Hitler về bộ máy chiến tranh bất khả chiến bại của ông ta.

Hầu hết các niềm tin của chúng ta được hình thành bằng các từ ngữ và cũng có thể được thay đổi bởi từ ngữ. Chúng ta không thể nào quên được lời kêu gọi cảm động của Martin Luther King khi ông chia sẻ viễn ảnh của ông về một đất nước không còn kỳ thị chủng tộc: “Tôi có một ước mơ là một ngày nào đó đất nước này sẽ vùng lên và sống ý nghĩa đích thực của niềm tin của mình…”.

Nhiều người chúng ta ý thức rất rõ về sức mạnh của những lời nói đã ảnh hưởng đến dòng chảy của lịch sử như thế nào. Sức mạnh mà những nhà hùng biện vĩ đại đã dùng để kích thích chúng ta, nhưng ít người ý thức rằng mình cũng có thể dùng sức mạnh lời nói của chính mình để lay động những cảm xúc của mình, để thách đố, kiên cường tinh thần của mình, để trở nên gan dạ, tiến thẳng tới hành động và tìm kiếm sự phong phú mà đời sống mang lại cho chúng ta.

Biết chọn lựa hiệu quả các từ để diễn tả kinh nghiệm sống của mình có thể thăng hoa những cảm xúc tích cực của mình. Chọn lựa kém các từ có thể làm suy yếu và hủy diệt chúng ta. Ngay lúc này, bạn hãy ý thức rõ về sức mạnh của những từ mà bạn dùng, chỉ cần bạn biết chọn lựa chúng một cách khôn ngoan. Chỉ cần thay đổi vốn từ vựng quen thuộc của bạn để diễn tả cảm xúc của mình, bạn có thể lập tức thay đổi cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và sống.

“Các từ làm nên sợi chỉ để chúng ta ràng buộc các kinh nghiệm sống của mình”.

-ALDOUS HUXLEY

Khi tôi tìm hiểu sức mạnh của từ ngữ, tôi vẫn còn nghi ngờ làm sao một chuyện đơn giản như thay đổi từ ngữ lại có thể tạo một sự khác biệt cơ bản trong kinh nghiệm sống của mình. Nhưng khi tôi đào sâu về ngôn ngữ, tôi đã gặp những sự kiện bất ngờ để từ đó tôi bắt đầu xác tín rằng quả thực các từ thấm vào và biến đổi kinh nghiệm của chúng ta. Theo Từ Điển Bách Khoa Compton, tiếng Anh có ít nhất là 500,000 từ và có những tài liệu khác lại cho rằng tiếng Anh có thể có đến 750,000 từ! Chắc chắn tiếng Anh có số lượng từ nhiều nhất trên thế giới, kế đến là tiếng Đức, với con số xấp xỉ một nữa của tiếng Anh.

Điều lạ là đang khi số từ có sẳn nhiều bao la như thế, mà số từ chúng ta thường sử dụng lại vô cùng giới hạn. Nhiều nhà ngôn ngữ học cho tôi biết vốn từ vựng mà một người trung bình sử dụng là khoảng 2,000 đến 10,000 từ. Tính theo tỉ lệ, số người ta sử dụng trong thực tế chỉ bằng 0.5% đến 2% số từ có trong ngôn ngữ!

Trước đây khá lâu, tôi có đọc về một cuộc nghiên cứu thực hiện trong một nhà tù. Theo nghiên cứu này, khi các phạm nhân cảm thấy đau khổ, họ có rất ít cách để diễn tả đau khổ đó ngoài những hành động cụ thể – Vốn từ vựng quá nghèo nàn của họ đã hạn chế tầm mức cảm xúc của họ, khiến khi chỉ có những khó chịu nho nhỏ, họ cũng có thể bộc lộ bằng những hành vi giận dữ tột độ. Nếu chúng ta muốn thay đổi đời sống và điều khiển định mệnh của mình, chúng ta cần ý thức chọn lựa những từ mà chúng ta sử dụng và cần liên tục cố gắng để mở rộng mức độ chọn lựa từ của chúng ta.

Những từ bạn thường xuyên chọn lựa sẽ hình thành định mệnh của bạn

Trên kia tôi đã nói, chúng ta hình dung sự vật trong tâm trí chúng ta thế nào, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm nó trong đời sống như vậy. Tương tự, nếu bạn không có cách hình dung điều gì, bạn cũng không thể cảm nghiệm được nó. Tuy rằng chúng ta có thể hình dung sự vật mà không cần ngôn ngữ nào cả, nhưng chắc chắn là nếu chúng ta có thể dùng ngôn từ để diễn tả điều gì, chúng ta sẽ tăng thêm cho nó chất liệu và chiều kích, nhờ đó chúng ta có cảm giác về thực tại. Ngôn từ là những dụng cụ cơ bản để biểu trưng sự vật và nếu không có ngôn từ, chúng ta không thể nào nghĩ về kinh nghiệm. Ví dụ, một số ngôn ngữ thổ dân Mỹ không có từ “nói dối” – họ không hề có khái niệm gì về nói dối trong ngôn ngữ của họ cũng như trong suy nghĩ và cung cách ứng xử của họ. Không có từ để diễn tả thì cũng không có khái niệm. Cũng vậy, người ta kể rằng bộ lạc Tasaday ở Philippin không có những từ như “ghét” hay “chiến tranh”.

Tới đây, bạn có thể bảo, “Toàn là chuyện chữ nghĩa thôi, có gì khác biệt đâu nào?”. Tôi xin thưa với bạn rằng, nếu chỉ thay đổi ngôn từ suông thôi, thì kinh nghiệm chẳng thay đổi gì cả. Nhưng nếu việc thay đổi ngôn từ làm bạn cắt đứt kiểu mẫu cảm xúc thông thường của bạn, thì mọi sự thay đổi đấy.

Một ví dụ cho thấy hiệu quả to lớn của việc thay đổi ngôn từ. Chuyện xảy ra đã lâu ở PIE, một công ty dịch vụ vận tải cấp quốc gia. Ban giám đốc phát hiện ra rằng 60 phần trăm các hợp đồng vận chuyển của họ có sai lầm, dẫn tới sự thiệt hại xấp xỉ 300,000 đôla mỗi năm. Họ thuê tiến sĩ W. Edwards Deming tìm hiểu nguyên nhân. Ông đã nghiên cứu sâu rộng vấn đề và khám phá thấy 56 phần trăm những sai sót là do chính các nhân công của hãng định sai nội dung của các conteno hàng. Nghe lời khuyên của tiến sĩ Deming, ban giám đốc PIE quyết định phải tìm ra cách để thay đổi thái độ của công ty về mặt chất lượng và cách tốt nhất là thay đổi quan niệm của các công nhân về bản thân họ. Thay vì coi mình là những công nhân hay nhân viên vận tải, họ bắt đầu coi mình là những thợ chuyên nghiệp.

Lúc đầu ai cũng cho là kỳ quặc: thay đổi danh xưng thì có thay đổi được cái gì? Quả thực, họ chẳng thay đổi gì cả. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, do quen sử dụng tên gọi mới. Các công nhân bắt đầu cảm thấy mình là những “thợ chuyên nghiệp” và chỉ không đầy một tháng sau, PIE đã cắt giảm số lần vận chuyển sai lầm của mình từ 56 phần trăm xuống còn dưới 10 phần trăm, tiết kiệm được cho công ty mỗi năm 250,000 đôla.

Câu chuyện trên đây cho thấy rõ một sự thật cơ bản: Các từ mà chúng ta sử dụng trong tập thể và cá nhân có một hiệu quả sâu đậm đối với kinh nghiệm thực tại của chúng ta.

Dùng ngôn từ nhẹ nhàng trong giao tiếp

Ngôn từ chúng ta sử dụng trong giao tiếp với người khác có một tác dụng vô cùng to lớn. Chúng ta cần biết sử dụng những từ xoa dịu và những từ đánh động để diễn tả được một cách chính xác tối đa những cảm nghĩ của chúng ta trong giao tiếp, dù là giao tiếp tình cảm, xã hội, hay giao dịch kinh doanh. Trước đây khá lâu, mỗi khi tôi gặp trục trặc gì trong việc làm ăn, tôi thường gọi người có trách nhiệm đến và nói: “Tôi thực sự khó chịu”, hay “Tôi lo lắng về chuyện này”. Bạn có biết kết quả thế nào không? Ngôn từ của tôi tự động gây phản ứng nơi người nghe, dù tôi không có ý đó. Thường thì những người này tìm cách chữa lỗi, chống chế và vì thế cả hai phía không có cơ hội để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Từ đó tôi đã rút ra được kinh nghiệm trong lời nói của mình. Cả khi bị kích động mạnh, tôi cũng chỉ nói, “Tôi lo ngại đôi chút về chuyện này. Anh có thể giúp tôi được không?”. Trước hết, nói vậy sẽ làm dịu bớt cảm xúc căng thẳng của mình. Điều này ích lợi cho cả tôi lẫn người nghe. Kế đến, thêm từ “đôi chút” vào làm cho câu nói dịu hẳn đi. Nhờ vậy, tôi làm cho người nghe mạnh dạn và cởi mở đối thoại với mình.

Điều cơ bản trong mọi tình huống là chúng ta phải có khả năng cắt đứt khuôn mẫu tiêu cực của mình, nếu không, chúng ta có thể nói ra những lời mà sau này chúng ta phải hối hận. Nhiều mối quan hệ bị tan vỡ cũng chỉ vì chuyện này. Trong một lúc bực tức, chúng ta có thể nói những lời làm tổn thương tình cảm của người khác và thúc đẩy họ tìm cách trả đũa, hoặc khiến họ vì quá bị tổn thương mà không còn muốn cởi mở với chúng ta nữa. Thế nên chúng ta phải nhận ra sức mạnh của lời nói: nó có thể xây dựng, nó cũng có thể phá hoại.

“Dân tộc Đức không phải một dân tộc hiếu chiến. Họ là một dân tộc dũng cảm, nghĩa là họ không muốn chiến tranh, nhưng cũng không sợ chiến tranh. Họ yêu chuộng hòa bình nhưng họ cũng yêu chuộng tự do và danh dự”.

-ADOLF HITLER

Ngôn từ đã bị những con người mị dân của mọi thời đại sử dụng để tàn sát và bắt người ta chịu khuất phục, như Hitler đã biến đổi những nỗi thất vọng của một quốc gia thành mối hận thù đối với một thiểu số và lòng tham chinh phục đất đai đã thuyết phục dân Đức gây chiến.

Ở mức độ nhẹ hơn, chúng ta có thể thấy trong lịch sử hiện đại đầy dẫy những ví dụ về việc sử dụng ngôn từ một cách tinh vi để thay đổi bộ mặt thật của kinh nghiệm. Trong cuộc chiến Vùng Vịnh, các biệt ngữ quân sự thì phức tạp không thể tưởng tượng nổi, nhưng chúng được dùng để làm dịu hình ảnh của sự tàn phá ghê gớm mà cuộc chiến gây nên. Trong thời chính phủ Reagan, tên lửa MX được đổi tên là “Người Bảo Vệ Hòa Bình”. Chính quyền Eisenhower thì luôn luôn gọi cuộc chiến tranh Triều Tiên là “Hành động giám sát”.

Chúng ta cần hết sức xác đáng trong các ngôn từ chúng ta sử dụng. vì chúng không chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta mà còn đối với người khác nữa. Hãy biết chọn lựa ngôn từ một cách cẩn thận vì nó ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống chúng ta.

Bạn hãy coi chừng những cái nhãn làm cho kinh nghiệm của bạn bị hạn chế. Như tôi đã kể ở chương một, tôi đã có dịp làm việc với một cậu bé có một thời bị đánh giá là “bị khuyết năng học tập”, nhưng về sau được phát hiện là một thiên tài! bạn có thể tưởng tượng nổi một sự thay đổi về từ ngữ đã làm thay đổi tận căn quan niệm của cậu bé về bản thân mình như thế nào và cậu bé ngày hôm nay đã khơi nguồn tài năng của mình đến mức nào không?

Chúng ta phải rất thận trọng việc chấp nhận cái nhãn dán trên người khác, bởi khi chúng ta đã dán nhãn vào một cái gì, chúng ta sẽ tạo ra một cảm xúc tương ứng. Điều này thấy rõ nhất là trong lĩnh vực bệnh lý học. Tất cả những nghiên cứu của tôi trong khoa tâm thần miễn nhiễm học củng cố cái ý tưởng là ngôn từ mà chúng ta sử dụng tạo ra những hiệu quả sinh hóa rất mạnh. Trong một cuộc phỏng vấn với Norman Cousins, ông kể cho tôi về công việc ông đã thực hiện trong 12 năm qua với trên 2,000 bệnh nhân. Lần này qua lần khác, ông đều nhận thấy rằng ngay lúc một bệnh nhân được chuẩn đoán – nghĩa là lúc họ được dán nhãn cho các triệu chứng của họ – thì bệnh của họ lập tức trở nên tệ hơn. các nhãn như “ung thư”, “xơ vữa động mạch”, “đau tim” có thể làm bệnh nhân hoảng hồn dẫn tới thất vọng và suy sụp tinh thần và do đó tác hại đến khả năng của hệ miễn nhiễm của cơ thể.

Ngược lại, các nghiên cứu cũng chứng minh rằng nếu bệnh nhân được giải thoát khỏi sự suy sụp tinh thần bằng những nhãn nào đó, thì tự động hệ miễn nhiễm của họ bắt đầu hoạt động. “Ngôn từ có thể gây bệnh; ngôn từ có thể giết chết người ta”. Cousins bảo tôi thế. “Vì vậy các bác sĩ khôn ngoan thường rất thận trọng khi thông báo tình trạng bệnh lý cho người bệnh”.

Mới đây, tại một khóa học Hẹn hò định mệnh, chúng tôi đã chứng kiến một trường hợp hiển nhiên cho thấy sức mạnh của ngôn từ làm thay đổi tức khắc trạng thái của một con người. Một phụ nữ tham dự khóa học vừa ăn tối về, nét mặt rạng rỡ. chị kể cho chúng tôi rằng, ngay trước lúc ăn tối, chị có một tâm trạng buồn đến muốn khóc và chị đã ra khỏi phòng trong tâm trạng đó. Chị nói: “Lúc ấy tâm trí tôi ngổn ngang đủ chuyện. Tôi nghĩ rằng tôi sắp sửa khóc òa. Tôi nghĩ tôi sắp bị suy sụp. Nhưng rồi tôi tự nhủ, không đâu, không đâu, mình đang phất lên đấy chứ! Câu nói này làm tôi phì cười. rồi tôi nghĩ bụng, “không – mình đang đột phá mà!”. Chỉ thay đổi một từ, nhưng ý thức được ý nghĩa của nó, chị đã thay đổi được tâm trạng của mình và thay đổi được cảm nghĩ của mình về kinh nghiệm đó.

Bây giờ đến phiên bạn. Hãy thử vận may của bạn. Hãy để ý những từ bạn thường dùng, rồi thay thế bằng những từ có khả năng tạo sức mạnh cho bạn, nâng cao hay hạ thấp cường độ cảm xúc của bạn tùy theo thế nào là thích hợp. Bạn hãy bắt đầu ngay hôm nay. Hãy khởi động hiệu quả này. Hãy viết ra những từ của bạn, quyết tâm và kiên trì cho tới cùng, rồi bạn sẽ thấy sức mạnh của dụng cụ đơn sơ này!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA TÂM TRẠNG
  2. LÀM THẾ NÀO TẠO ĐƯỢC NHỮNG THAY ĐỔI LÂU BỀN
  3. SỨC LỰC CON NGƯỜI CÓ THỂ ĐI ĐẾN ĐÂU

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN