HÀNH VI THÚC ĐẨY GÂY TỔN HẠI NĂNG LƯỢNG TIỀN BẠC

MARIA NEMETH

Trích: Năng Lượng Của Tiền; Thảo Hà dịch; NXB Dân Trí, cty sách 1980 Books

Bạn đã có Chuẩn mực đạo đức, Dự định Cuộc sống, và vài mục tiêu để chứng minh trong thực tế. Giờ thì sao?

Giờ phút bạn hiểu rõ về nơi mình đang hướng đến, bạn có thế sẽ nhận ra bản thân đã chậm lại vào lúc nào trong quá khứ. Ba chương tiếp theo là về việc xác định từng viên gạch tâm hồn để tiến bộ. Bạn sẽ học được cách đối phó với những chướng ngại vật để rồi tiếp tục tiến lên phía trước. Bạn làm gì khi bước ra khỏi con đường phía trước và nhìn vào cách mà bản thân đã xử lý trước đây? Làm cách nào để bạn vượt ra khỏi khuôn mẫu có sẵn? Liệu bạn có lại dành thật nhiều năng lượng vào nó dưới hình thái vật lý như thời gian và tiền bạc?

Hãy để ý nếu bạn có cảm thấy lo lắng hay mất kiên nhẫn khi đọc những dòng này. Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc chỉ “đi cho có” và cố gắng hết sức mình để gắn chặt vào con đường phía trước. Nếu điều gì đó không hiệu quả, chúng ta thậm chí có thể cố gắng làm nhiều hơn bất cứ điều gì chúng ta đang làm – chỉ cần chăm chỉ hơn một chút. Bạn có thể muốn chạy hết tốc lực trên con đường anh hùng của mình, đó không phải lúc nào cũng là cách hành động tốt nhất tiếp theo của bạn. Bây giờ bạn có thể giải phóng nhiều năng lượng hơn, bạn cần biết cách sử dụng nó một cách khôn ngoan.

Trong vài chương tiếp theo, tôi chỉ yêu cầu bạn quan sát hành vi của mình. Hãy dành một chút thời gian để tự hỏi bản thân xem liệu những gì bạn đang làm có phù hợp với Chuẩn mực đạo đức, Dự định Cuộc sống của bạn hay không. Tất cả chúng ta đều gắn kết với hành vi thúc đẩy và những rào cản tinh thần khác để tiến bộ.

Bạn hiểu xu hướng riêng biệt của bản thân. Điều bạn cần làm với hành vi thúc đẩy chính là chú ý khi bạn bị thu hút bởi chúng. Thừa nhận sự thật, và cố gắng tập trung vào Chuẩn mực đạo đức, Dự định Cuộc sống, để đạt được mục tiêu của cuộc đời. Điều đó sẽ giúp bạn bước tiếp trên con đường anh hùng và ngăn chặn tình trạng Tâm Viên Ý Mã.

ĐỐI MẶT VỚI NỖI SỢ

Sợ hãi là phản ứng tự nhiên của con người khi nhìn vào tương lai. Đôi khi chính Tâm Viên Ý Mã của chúng ta vẽ nên một viễn cảnh chết chóc về những điều có thể xảy ra, và cách chúng ta phản ứng như thể bức tranh này chắc chắn sẽ xảy ra.

Một lần tôi nghe người ta nói rằng, nỗi sợ (FEAR) là viết tắt của Sự kiện không có thật nhưng lại có vẻ đúng (False Evidence Appearing Real). Điều này nhắc tôi nhớ đến một câu nói của Mark Twain, “Tôi là một ông già đã trải qua rất nhiều rắc rối, nhưng phần lớn trong số chúng chưa bao giờ thật sự xảy ra.”

Nếu mục tiêu của bạn là cố gắng thoát khỏi nỗi sợ, bạn đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng để đi đến một điều mà bạn không thật sự muốn. Bạn phung phí nỗ lực của mình để cố gắng xử lý sự lo lắng. Cố gắng loại bỏ nỗi sợ hoàn toàn khác với việc cố gắng vì điều mà bạn yêu thích. Bạn sử dụng năng lượng theo cái cách mà cuối cùng sẽ vắt kiệt bạn. Không hề có sự thỏa mãn, dù có thì cũng chỉ trong vài khoảnh khắc trước khi cơn sóng lo lắng lại tiếp tục ập đến.

Nếu bạn không thể xác định được điều mà tôi đang miêu tả, thì tôi hiểu rằng bạn đang rất mệt mỏi vì làm mọi việc theo thời quen trước đây. Thay vào đó, bạn nên sử dụng năng lượng để hoàn thành những mục tiêu có thể hỗ trợ bản thân và những người mà bạn yêu thương. Đó chính là mục đích của con đường anh hùng.

Chương sách này sẽ giúp bạn hiểu lúc nào nên thoát khỏi nỗi sợ hãi và bằng cách nào, để từ đó bạn có thể chuyển dịch nguồn năng lượng tiền bạc đến điều bạn muốn. Vì lý do đó, mỗi phần sẽ bao gồm một bộ câu hỏi mà khi bạn trả lời, bạn sẽ hiểu rõ hơn điều gì thật sự có giá trị với bạn.

Hãy luôn đem theo chuẩn mực đạo đức và dự định cuộc sống bên cạnh khi bạn đọc chương này. Nếu bạn vẫn chưa định vị được chúng, vui lòng quay lại Quy tắc 2 và hoàn thành bài tập ở đó. Bạn sẽ dùng chúng như một cách nhắc nhở về bản thân mình thật sự là ai.

Đôi khi chúng ta sẽ bất chấp mọi giá để thoát khỏi cảm giác sợ hãi. Đầu tiên chính là hành vi thúc đẩy.

HÀNH VI THÚC ĐẨY: ĐỪNG CỨ LÀM ĐI!

Có thể bạn không nhận ra điều này, nhưng “Cứ làm đi” (Just Do It) là câu khẩu hiệu chào bạn mỗi sáng khi bạn giành giật mười phút mỗi sáng để đọc báo cùng cốc cà phê đầu tiên trong ngày. Gần như mọi ô quảng cáo bạn lướt qua đều chứa câu khẩu hiệu này hay kể cả trong những đoạn quảng cáo trên đài bạn nghe trên đường đi làm. Nó đồng hành với bạn khi bạn loại bỏ từng mục một trong “to do list” của bản thân, và kể cả khi bạn kết tấm thân mệt mỏi với tinh thần rệu rã đến hiệu sách để mua cuốn sách mới nhất đang bán chạy, nó chờ đợi bạn. Và câu khẩu hiệu thường gặp này lúc nào cũng kết thúc với một dấu chấm than: Cứ làm đi! (Just Do It!)

Thử nghĩ về điều đó mà xem: Với đa phần mọi người, cuộc đời toàn là những “màn trình diễn đỉnh cao”, làm nhiều hơn, tốt hơn và nhanh hơn. Một tấm biển quảng cáo gần đây về câu lạc bộ sức khoẻ là hình ảnh một người phụ nữ đấm vào một túi cát bên cạnh dòng chữ cao 1m, “Bạn có thể nghỉ ngơi khi từ biệt dương gian.” Chúng ta đều có những danh sách, mục tiêu và kế hoạch – và để đồng hành với chúng là hàng loạt các hoạt động. Chúng ta ngày một thiếu ngủ, mệt mỏi, bận rộn hơn những thế hệ trước, dù vậy ước mơ vẫn có vẻ nằm ngoài tầm với.

Đó là bởi chúng ta không thể đạt được mơ ước chỉ bằng bất kỳ hình thức hoạt động nào. Rất nhiều người trong chúng ta đang điên cuồng trong vòng xoáy của hành vi thúc đẩy: hành động trong đời sống thực tế nhưng lại không gắn liền với những Dự định Cuộc sống trong tâm trí của chúng ta. Hành vi thúc đẩy giống như những con ruồi vo ve xung quanh trong những ngày nóng nực: nó tạo ra rất nhiều nhiễu loạn và các loại hành vi nhưng lại không hề có chất lượng thực tế. Không hề có sự kết nối đến mục đích, phương hướng hay ước mơ của chủ thể – và cho dù gộp toàn bộ những hành vi thúc đẩy trên thế giới lại cũng không thể đưa ta đến gần chúng.

Hành vi thúc đẩy lôi kéo sự chú ý của chúng ta, bởi chúng luôn có vẻ cực kỳ gấp gáp. Thực tế mỗi khi chúng ta mắc kẹt trong nó, một cảm giác sống sẽ đeo đuổi chúng ta từng giờ từng phút, đến mức chúng ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là tiếp tục di chuyển, hoặc chết. Loại hành vi này chủ yếu dùng để cố gắng thoát khỏi nỗi sợ, cho dù nỗi sợ đó có là không đủ tiền hay thời gian, không đủ hiểu biết, hoặc không đủ tài năng.

Chạy trốn khỏi nỗi sợ khiến chúng ta hành động theo một khuôn mẫu hành vi ít khi được suy xét. Chúng ta chịu đựng quá nhiều áp lực để ngăn chặn những việc ta đang làm và đặt câu hỏi liệu điều này có hiệu quả hay liệu đây có phải điều ta thật sự muốn. Chúng ta cho rằng bản thân không có đủ thời gian để làm mọi thứ cùng một lúc và thay đổi. Những suy nghĩ không ngừng nghỉ trong đầu khiến ta không nhận ra điều gì thật sự có ý nghĩa, điều gì không. Thay vào đó, ta lại bị sao lãng bởi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày để tồn tại. Ta hay tự nhủ rằng “Mình sẽ nghỉ ngơi rồi tìm ra điều mà mình thật sự muốn làm trong tương lai, ngay khi bản thân vượt khỏi cơn khủng hoảng này.” Kiên trì lên nào, ta thường nói. “Bạn có thể nghỉ ngơi sau khi chết.”

Trong sách Tạng Thư Sinh Tử, Sogyal Rinpoche đã mô tả hành vi thúc đẩy là một loại chủ động lười biếng “bao gồm việc nhồi nhét cuộc sống của chúng ta bằng một loạt hoạt động cưỡng ép, từ đó khiến ta không có đủ thời gian để xem xét vấn đề thật sự. Cuộc sống có vẻ như đang sống hộ ta, sở hữu động lực kỳ lạ của riêng chúng, đẩy ta đi lúc nào không hay. Để đến cuối cùng ta lại thấy bản thân không hề có quyền kiểm soát hay lựa chọn trong cuộc sống”.

– Cái giá của việc sống một cuộc đời chứa đầy những hành vi thúc đẩy là rất cao:

– Chúng ta phải gồng gánh quá nhiều loại chi phí – văn phòng lớn, thư ký riêng, hỗ trợ nhân lực, điện thoại – bởi ta cần một vẻ ngoài thành công. Và rồi ta lại phải dành phần lớn thời gian cùng năng lượng để lo lắng tìm cách giữ cho doanh nghiệp tồn tại.

– Chúng ta đồng ý với quá nhiều công việc kinh doanh bởi ta sợ phải từ chối, rồi chật vật để giữ lời hứa với khách hàng.

– Chúng ta khiến cho bản thân quá mệt mỏi để rồi mắc phải những sai lầm với cái giá đắt đỏ.

– Chúng ta cố gắng làm qua loa, bỏ qua các luật lệ để tìm vài giây phút nghỉ ngơi, để rồi chất lượng công việc bị ảnh hưởng.

– Chúng ta chấp nhận rủi ro không cần thiết hoặc không khôn ngoan với hy vọng sinh lời nhanh chóng.

– Chúng ta đảm nhận quá nhiều công việc nhưng từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ, dù bản thân có đủ khả năng để chi trả.

Tất cả chúng ta đều trở thành con mồi của hành vi thúc đẩy vào lúc này hay lúc khác. Đó là hệ quả tự nhiên của việc lắng nghe những lời xúi giục của Tâm Viên Ý Mã. Vì vậy với hầu hết chúng ta, câu hỏi không phải là liệu chúng ta có bị thúc đẩy hay không, mà là những lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi đang lôi kéo ta theo những cách nào. Như nhà tư vấn tâm lý và tâm linh kiêm giáo viên thiền Sylvia Boorstein từng nói trong tiêu đề một trong những cuốn sách của mình, “Đừng chỉ lo làm, ngồi đó đi!” (Don’t just do something, sit there!)

Mục tiêu của chúng ta là khám phá ra nơi mà hành vi thúc đẩy đã khiến bạn không thể tập trung năng lượng một cách hiệu quả. Chúng ta muốn tìm hiểu nơi mà hành vi kiểu này đã tiêu hao năng lượng và thậm chí có thể khiến bản thân suy kiệt. Điều này càng rõ ràng bạn càng có thể nhanh chóng đưa ra những lựa chọn đích thực – những lựa chọn đã ăn sâu vào ý định và ước mơ của bạn. Lựa chọn đích thực mang lại kết quả. Trải nghiệm của bạn về một cuộc sống phong phú là tổng các lựa chọn đích thực của bạn trừ đi tổng các hành vi thúc đẩy.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG CỦA TIỀN – THỰC TẠI SIÊU HÌNH VÀ HỮU HÌNH

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH