HÃY BIẾT CHÍNH MÌNH!
Trích: Hiểu Biết Chính Mình – Thiền Và Tây Phương; Chuyển ngữ: Hội Nguyên Yên Bình; NXB Thiện Tri Thức, 2025

Đạo Nguyên nói, “Thực hành Thiền là biết chính mình. Biết chính mình là quên đi chính mình.”
“Thực hành Thiền là biết chính mình” có nghĩa là gì?
Thường thì, chúng ta không biết chính mình; thay vào đó, chúng ta biết mọi thứ, suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm – nhưng không biết chính mình. Khi Gurdjieff nói rằng chúng ta không nhớ chính mình, ông ấy đang nói điều tương tự như Đạo Nguyên.
Nhưng vấn đề không phải là chúng ta quá đầy chính mình sao?
Đúng thế, nhưng chúng ta quên mất điều cốt yếu. Đạo Nguyên nói rằng biết chính mình là quên đi chính mình, nhưng trước khi có thể quên mình như thế, chúng ta phải biết mình. Chúng ta liên tục sử dụng từ “tôi.” Mọi cuộc trò chuyện của chúng ta, trong thực tế và tưởng tượng, đều xoay quanh “tôi.” Chúng ta nói, “Tôi” thích và “Tôi” không thích, “Tôi” muốn và “Tôi” không muốn. Chúng ta nhầm lẫn “Tôi” với bản thể; mặc dù chúng không thể tách rời, nhưng chúng không như nhau. Một thiền sư ni đã nói, “Tôi không thể nhổ cỏ dại vì nếu tôi làm vậy, tôi sẽ nhổ cả hoa.” Một thiền sư khác đã nói điều tương tự rằng, “Con trai-kẻ trộm của tôi!” Giống như một tấm gương và những hình ảnh phản chiếu của nó: chúng không phải là hai, nhưng chúng không như nhau. “Tôi” cũng là một hình ảnh phản chiếu, một hình ảnh mà chúng ta khá thích thú, gợi lên một vở kịch liên tục và không hồi kết của cảm xúc, nỗi sợ hãi và thất bại, thành công và niềm vui. Chúng ta lướt con sóng của cuộc đời trên tấm ván của “tôi,” vật lộn để đứng vững trên ngọn sóng nhưng mãi mãi lại lao vào những con sóng đau khổ. “Tôi” luôn là điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, điều gì đó để mong đợi, để đạt được, để có được, để chiến thắng. Từ đây xuất hiện động lực của cuộc lướt sóng.
Sự thỏa mãn của “cái tôi” là sự sùng bái của chúng ta; chúng ta uốn cong ý chí và ham muốn của mình vào đó. Cái tôi, giống như một vị vua đã chết, phải được nuôi dưỡng, thỏa mãn bằng mọi giá – đến nỗi chúng ta thường nhầm lẫn giữa sự thỏa mãn cái tôi với hạnh phúc, mặc dù chúng khác nhau nhiều như cát và gạo. Sự thỏa mãn mãnh liệt cái tôi thường có thể đi đôi với sự bất hạnh sâu sắc. Người ta chỉ cần nghĩ đến những ngôi sao nhạc rock đang căng mình bám chặt micrô trong sự mê hoặc của ánh sáng và ngây ngất đắm mình trong sự tâng bốc của những người lạ, hay những giám đốc điều hành bận rộn đang lê bước như những con lừa trên chiếc bánh xe sự hoan nghênh của công chúng, mệt mỏi vì những đêm dài, phòng khách sạn và sân bay, kiệt sức vì gánh nặng thành công của chính mình. Mặt khác, dù có lẽ hiếm hơn, hạnh phúc đến mà không cần bất kỳ sự thỏa mãn cái tôi nào. Các nhà sư, ẩn sĩ và nhà tu khổ hạnh đôi khi tìm thấy loại hạnh phúc này, nhưng những người đàn ông và phụ nữ chỉ đơn giản là hài lòng cũng vậy. Hài lòng với những gì họ có, bất kể là nhiều hay ít.
Sự thỏa mãn cái tôi là sự phản chiếu rõ ràng về bản ngã, hoặc nó sẽ rõ ràng tùy vào mức độ của trải nghiệm. Chúng ta luôn tìm kiếm nó, và khi tìm thấy nó, chúng ta trân trọng, bảo vệ và tìm cách duy trì nó, thậm chí ngay cả khi phải trả giá bằng sức khỏe, sự đúng mực và đôi khi là cả chính cuộc sống. Nó có nhiều mức độ và cấp độ. Ví dụ, cảm giác về cái tôi, điều cơ bản nhất trong tất cả các sự phản chiếu về cái tôi, mang lại sự thỏa mãn cơ bản nhất. Khi chúng ta không chắc chắn, không xác quyết, xấu hổ hoặc sợ hãi sân khấu, chúng ta mất đi cảm giác về cái tôi. Đôi khi chúng ta nói sau một khoảnh khắc xấu hổ, “Tôi hoàn toàn bối rối,” “Tôi bị lạc,” “Tôi mất trí rồi,” v..v. Nếu sự không chắc chắn quá lớn, thì những cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc hoảng loạn có thể tràn vào. Vì vậy, chúng ta phát triển các chiến lược để đối phó với sự lo lắng bằng cách khôi phục cảm giác về cái tôi. Đàn ông vuốt cằm của họ, sử dụng râu như một loại giấy nhám. Phụ nữ chạm vào tóc. Chúng ta chạm vào mũi, liếm môi, khoanh tay hoặc chân (hoặc cả hai). Tất cả để khôi phục cảm giác về cái tôi.
Tất cả những điều này đều rất vô hại. Nhưng một số người tự làm mình bị thương, thậm chí tự đâm chính mình để lấy lại cảm giác đã mất này. Tôi nhớ đã nhìn thấy một cô gái trẻ đi dọc theo một con phố, một tay bám lấy mẹ. Cánh tay kia của cô ấy quật lên xuống bên hông, hành hạ hông cô ấy. Quất, quất, quất, cánh tay không bao giờ dừng lại, trừ khi đường phố quá đông đúc khiến nó bị cản trở. Và rồi cô gái nhìn quanh như một người sắp chết đuối, hoảng loạn, cho đến khi cô ấy xoay xở để xuyên qua đám đông vào một khu vực trống trải ở phía bên kia, nơi cánh tay có thể tiếp tục công việc tàn bạo của nó.
Chúng ta còn có một chiến lược sâu sắc hơn, tinh vi hơn để có lại cảm giác về cái tôi. Đó là thông qua sự căng thẳng, căng thẳng về mặt thể chất. Hầu hết mọi người đều giống như những nhà thờ Gothic chứa đầy căng thẳng: mỗi sự căng thẳng giữ những sự căng thẳng khác, đến lượt những căng thẳng khác lại giữ những căng thẳng khác nữa ở đúng vị trí của chúng. Yếu tố đá tảng là “Tôi,” và giống như một cậu nhóc lao xuống dốc để giữ thăng bằng, tất cả chúng ta đều chạy theo yếu tố đá tảng vốn đang nắm giữ mái vòm của sự tồn tại của mình. Đôi khi, trong lúc thiền định, người ta buông được đá tảng này trong một khoảnh khắc – và toàn bộ cấu trúc chuyển động lắng xuống, trôi đi. Chuyển động này tạo ra nỗi sợ hãi và sự bất an lớn, đòi hỏi nhiều sự căng thẳng hơn, nghiến răng, siết chặt nắm đấm, giữ chặt cơ hoành, đè xuống gáy.
Ngoài chiến lược căng thẳng, còn có một chiến lược khác phụ thuộc vào cảm xúc theo thói quen, chẳng hạn như sự lo lắng buồn tẻ, sự chán nản mơ hồ, sự phẫn nộ âm ỉ. Chúng ta chọc vào ngọn lửa của sự tiêu cực bằng những ký ức: những thất bại, xung đột trong quá khứ, những sự phản bội và sỉ nhục trong quá khứ. Chúng ta liên tục chỉ trích, tìm cách hiểu bản thân trong sự tỏa chiếu và sức nóng của nỗi khổ đau. Gurdjieff nói rằng điều cuối cùng mà người ta từ bỏ là nỗi khổ đau của họ. Đối với nhiều người, mục tiêu của cuộc đời họ – chìa khóa cuối cùng – là giải thoát bản thân khỏi một loại lo lắng nhất định, một loại đau đớn nhất định; nhưng nếu họ làm như vậy, cuộc sống của họ sẽ mất đi ý nghĩa, và do đó vòng luẩn quẩn vẫn cứ tiếp diễn.
Sâu hơn nữa là độc thoại, cuộc thảo luận bất tận với Kẻ Khác ẩn trong sự mê muội của tâm trí chúng ta. Nịnh nọt, giải thích, lên lớp, tranh luận, cuộc thảo luận là vô tận, trung tâm của tất cả là hy vọng về sự đăng quang cuối cùng của cái “Tôi.” Nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè và kẻ thù chỉ đơn giản là sự tiếp nối của cuộc độc thoại này; rồi Kẻ Khác xuất hiện từ miền u ám và liền đứng trước chúng ta. Rồi khi cuộc trò chuyện kết thúc, ánh sáng tắt, nhưng cuộc độc thoại vẫn tiếp tục. Nó tiếp diễn ngay cả trong giấc ngủ, nơi nó trở nên đan xen chặt chẽ với hình ảnh và chui vào giấc mơ. Các kế hoạch, dự án và mục tiêu chiếm lĩnh năng lượng mà nếu không sẽ tiêu tan vào độc thoại, nhưng ngay cả như vậy, các kế hoạch, mục tiêu vẫn là một phần của vở kịch xà phòng lê thê này mà cái tôi là đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên chính và khán giả. Những người khác, kể cả bạn bè và kẻ thù, đều là diễn viên phụ và phải biết vai trò của mình, nói lời thoại của mình, vào và ra đúng lúc. Nếu họ bỏ lỡ lời thoại, thay đổi lời thoại, hành động không đúng với phân vai, chúng ta nói rằng cuộc sống đầy rẫy những tai nạn, bất công, thất bại và những người khác thì không thiện chí, vô trách nhiệm, vô cảm. Chúng ta phán xét bản thân và người khác, phân bổ sự đổ lỗi và lời khen ngợi, tất cả đều theo kịch bản của vở kịch cuộc đời chúng ta. Shakespeare không phải đã nói rằng toàn bộ thế giới là một sân khấu và tất cả đàn ông và đàn bà đều chỉ là những diễn viên hay sao?
Khi tôi được bảo rằng chúng ta phải biết chính mình, tôi nghĩ điều đó có nghĩa là biết về ngôi sao của vở kịch xà phòng, điều gì đã định hình nên anh ta, anh ta học vai diễn của mình ở đâu hay tại sao anh ta lại nói những câu này. Chúng ta nghĩ rằng biết có nghĩa là phân tích, tìm ra nguyên nhân và kết quả, nhìn thấy những hạt giống được gieo trồng và những vụ mùa được gặt hái – những hạt giống của sự cô đơn, tức giận, tàn ác, sợ hãi và lo lắng; những vụ thu hoạch của đau khổ, thất bại, tuyệt vọng. Chúng ta theo dõi sự phát triển của những hạt giống như cỏ dại và ngạc nhiên trước mặt trời và cơn mưa, những tình huống đã phải bón phân cho chúng, và do đó cố gắng tìm hiểu khu vườn này, nơi hoa, cây dại, cỏ và gai; tất cả đều ráng sức trong sự cộng sinh mà chúng ta gọi là tính cách.
Tuy nhiên, đây không phải là điều Đạo Nguyên muốn nói khi ông nói về việc biết chính mình, cũng không phải là điều Gurdjieff muốn nói khi ông nói đến “nhớ về bản thể.” Để biết chính mình, chúng ta cần phải thực hiện bước đầu tiên và xem vở kịch, bất kể nội dung, như một vở kịch, và biết rằng đó là sự phản chiếu. Rất ít người có thể thực hiện bước đầu tiên cần thiết này, bởi vì chúng ta quá tin rằng vở kịch là có thật, rằng đạo cụ và dàn diễn viên, các cảnh quay và lời thoại đều là có thật, có một cuộc sống độc lập với những gì chúng ta đưa vào. Ngày nay, niềm tin vào sự thật của vở kịch thậm chí đã đạt đến mức mà tất cả chúng ta đều là nạn nhân: phụ nữ là nạn nhân, công nhân là nạn nhân, bệnh nhân là nạn nhân, dân chúng là nạn nhân. Chúng ta phàn nàn, phản đối, kiện tụng, tất cả đều nằm trong niềm tin vững chắc rằng “họ” là nguyên nhân, rằng “đó” là vấn đề.
Chúng ta coi tất cả mọi thứ là điều hiển nhiên.
Khi tôi còn trẻ, ngành công nghiệp điện ảnh cũng còn non trẻ. Đó là thời kỳ phim Viễn Tây thịnh hành. Tôi nhớ có lần xem bộ phim về một cảnh sát trưởng đội mũ trắng, cưỡi ngựa trắng, với khẩu súng trong bao súng trắng, đang cưỡi ngựa vào thị trấn để đấu súng với một tên cướp, tất nhiên là đội mũ đen, cưỡi ngựa đen, có ria mép đen và súng đen. Cảnh sát trưởng cưỡi ngựa đầy oai nghi vào thị trấn để đối đầu với tên xấu xa đang đứng giữa đám đông điên loạn, chờ hắn xuống ngựa để bắt đầu cuộc đấu súng.
Cảnh sát trưởng chậm rãi đi xuống con đường rộng với hai bên là các quán rượu và cửa hàng. Con đường vắng tanh ngoại trừ tên cướp đơn độc, phía sau hắn, và trải dài đến tận xa, là sa mạc rộng lớn, hoang vắng, rải rác xương rồng và đá. Phía sau sa mạc nhấp nhô những ngọn núi phủ tuyết, xanh và tím.
Sự căng thẳng gia tăng khi viên cảnh sát tiến đến gần cuộc đọ súng. Anh ta ghìm cương ngựa, nhảy xuống, quay lưng lại với tên cướp mà không cần thận trọng, buộc ngựa vào một cái cột gần đó. Chẳng hề vội vã, anh ta quay lại và quan sát hiện trường. Sự căng thẳng tăng thêm một bậc nữa. Ai sẽ là người nổ súng trước? Mọi thứ dường như đóng băng trong cõi vĩnh hằng trong vài khoảnh khắc. Rồi những ngọn núi di chuyển! Không nhiều lắm, nhưng chúng đã di chuyển! Chúng không có thật; chúng chỉ đơn giản được vẽ trên một tấm vải bạt khổng lồ. Trong tích tắc, toàn bộ sự việc – những tay cao bồi, sa mạc, những con ngựa, quán rượu – trở thành trò hề. Bạn không thể coi nó là nghiêm trọng được nữa. Ai quan tâm ai bắn ai? Nó không còn là thật nữa mà chỉ là ảo ảnh tôi biến thành thật để tự tiêu khiển.
Để biết được chính mình, chúng ta phải làm cho những ngọn núi di chuyển. Tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một sự hiểu biết sâu sắc – không nhiều, chỉ là một tia sáng, một khoảnh khắc không có sự phản chiếu nào xảy ra.
Những khoảnh khắc này luôn diễn ra, và chúng ta luôn đóng mình lại trước chúng. Chúng ta đóng lại trước sự mất mát của cái tôi, chúng ta phản ứng, chúng ta siết chặt, chúng ta áp dụng một chiến lược này hay chiến lược khác. Sự kháng cự gần như là bản năng. Đây là lý do tại sao tất cả các tôn giáo đều bảo chúng ta phải cẩn trọng, phải cảnh giác và tỉnh táo, phải hiện diện để khi những khoảnh khắc này xảy ra, chúng ta có thể để chúng diễn ra mà không có sự kháng cự. Thật vậy, người ta không khỏi tự hỏi liệu đây có phải là điều Chúa Kitô ám chỉ trong dụ ngôn về những trinh nữ khôn ngoan và dại dột của Người hay không. Vào cuối dụ ngôn, chú rể đã đến, và những ai đã sẵn sàng đi cùng Người vào tiệc cưới, và cửa đã đóng lại. “Sau đó, những trinh nữ dại dột cũng đến và nói: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, xin mở cửa cho chúng tôi.’ Nhưng Người trả lời: ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi rằng Ta không biết các ngươi.’ Vậy hãy canh chừng, vì các ngươi không biết ngày nào và giờ nào.”
Khoảnh khắc không phản chiếu này hé lộ sự thức tỉnh trước khi thức tỉnh, khoảnh khắc khi tâm bồ đề sinh khởi. Một sự thức tỉnh ngược dòng của sự phản chiếu, ngược dòng của mọi xung đột trong khoảnh khắc có sự biết mà không có nội dung, không có bất kỳ nhận thức nào về sự biết. Người ta thậm chí không thể nói về “khoảnh khắc biết.” Cái biết tỏa sáng. Đạo Nguyên gọi cái biết này là “quên chính mình.” Bồ đề Đạt ma gọi nó là sự không biết khi trả lời câu hỏi mà Hoàng đế Lương Vũ Đế đặt ra cho ngài, “Ngài không phải là một thánh nhân sao?”
Song song với sự hiểu biết thuần túy là sự bình an hoặc thậm chí là phúc lạc, một sự bình an hay phúc lạc không phải là thứ mà người ta cảm thấy mà là thứ mà người ta biết; sự hiểu biết là phúc lạc. Nó cũng có thể là thứ mà Tân Ước gọi là sự bình an “siêu vượt hiểu biết.” Tuy nhiên, đối với những người đã quen với việc hiểu chính mình qua bức màn của khổ đau và xung đột, sự bình an này mở toang ra như một mối đe dọa, một vực thẳm, nguồn gốc gây ra sợ hãi. Chỉ những ai có thể hiện diện mới thấy đó là cơ hội để chuyển mình, đó cũng là pravritti trong tiếng Phạn. Với sự thay đổi này, ham muốn suy ngẫm, tìm kiếm để nắm bắt cái tuyệt đối trong trải nghiệm phù du, mất đi sức hấp dẫn. Người ta không còn trải nghiệm mọi thứ một cách khách quan và độc lập nữa, mà như những sự phản chiếu tồn tại trong cái biết. Trước mọi sự cần thiết phải tập trung chú ý, mọi xung đột trở thành một điệu nhảy, mọi sự đối lập tan biến khi “Tôi” và Kẻ khác được biết đến như hai mặt của một thực tại. Việc chuẩn bị cho cú lật ngược này thường mất nhiều thời gian; đó là tất cả những gì thực hành Thiền hướng đến.
Nhưng có người có thể phản đối, nói rằng tập trung sự chú ý, tập trung, cũng là tất cả những gì thực hành hướng đến. Đúng vậy, đôi khi thực hành đòi hỏi sự tập trung cao độ, nỗ lực cao độ, thậm chí là nỗ lực về thể chất. Điều này cho phép tâm trí thoát khỏi mọi tiêu điểm nhỏ nhặt cản trở nó. Nếu chúng ta tập trung tâm trí một cách cao độ, chúng ta có thể chặt đứt hàng ngàn sợi dây trói buộc chúng ta như những sợi dây của người tí hon trói buộc Gulliver. Nhưng sau đó chúng ta phải vượt qua nỗ lực đó. Mặc dù sự tập trung và sức mạnh của tâm trí có vị trí của nó, nhưng sự thực hành vượt xa nó trong sự chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm có nghĩa là “trở thành một với,” hoàn toàn mở trống. Có sự khác biệt lớn giữa thực hành với một công án và thực hành với một câu chú. Để thực hành với một công án, người ta phải giữ cho tâm trí mở trống. Các Thiền sư đã gọi đó là nghi tình. Mặt khác, câu chú có tác dụng đóng tâm trí lại, mang đến cho nó một sự tập trung vĩnh viễn. Cảm giác nghi ngờ, còn được gọi là cảm giác khao khát hoặc mong muốn, cho phép tâm trí trở nên ngày càng khuấy động mà không dừng lại ở bất cứ điều gì, đến mức nhận thức thuần túy không có nội dung, sự phản chiếu hoặc ham muốn có thể bùng nổ trong một luồng ánh sáng, trong một vụ nổ của bản thể thuần túy. Sự thay đổi phải là đột ngột; nó giống như thể một người thực hiện một bước nhảy vọt từ một cái gì đó đến hư không, hoặc tốt hơn nữa là từ một cái gì đó đến mọi thứ.
Hai cách thực hành
Cách duy nhất để biết chính mình là hãy là chính mình, nghĩa là quên đi tất cả những gì bạn nghĩ mình là. Đức Chúa đã nói ở đâu đó, “Hãy tĩnh lặng và biết rằng Ta là Thượng Đế.” Đây chính là ý nghĩa khi chúng ta đơn giản nói “là.” Câu nói của Ngài có thể được rút gọn một cách dễ dàng, mà không mất mát, thành “Hãy tĩnh lặng và biết” hay chỉ là “Hãy tĩnh lặng” hoặc, như chúng ta vừa nói, “Là.” Tồn tại chính là biết; biết là tĩnh lặng; và sự tĩnh lặng này, tức là sự tồn tại không giới hạn, được một số người gọi là Thượng Đế. Meister Eckehart, nhà huyền môn Cơ đốc giáo vĩ đại người Đức, nói rằng, “Thượng Đế khiến chúng ta biết Người, và sự biết của Người là sự tồn tại, và việc Người khiến tôi biết đến Người cũng chính là sự biết của tôi, vì vậy sự biết của Người là của tôi.” Nhưng để có thể bước vào sự tĩnh lặng vốn là bản chất thực sự của chính mình, người ta phải liên tục phá vỡ sự nghiện ngập và sự mê đắm với việc là một cái gì đó. Đây là lý do tại sao người ta nói rằng việc thực hành có hai hướng: một là hướng đến việc khuấy động tâm trí mà không trụ lại vào bất cứ điều gì, hướng còn lại là hướng đến việc làm tan rã mọi bám nắm mà chúng ta đã kết thành trong hàng thiên niên kỷ.
Chúng tôi sử dụng từ tan rã khá thận trọng vì bản thân nhận thức là một chất dung môi. Chỉ cần cho phép một suy nghĩ, ý tưởng, sự lo lắng hoặc sự ép buộc nghỉ ngơi trong phạm vi nhận thức sẽ làm tan rã suy nghĩ, ý tưởng đó, v.v. Theo một cách nào đó, hiệu quả của một số liệu pháp tâm lý phụ thuộc vào sức mạnh hòa tan của nhận thức. Cho phép mọi người nói về mối quan tâm của họ sẽ khuyến khích họ trải nghiệm những điều đó một cách trọn vẹn. Việc khiến ai đó xác định chính xác điều khiến họ lo lắng thường giải thoát họ khỏi điều đó. Tuy nhiên, không nên có sự can thiệp của bất kỳ sự phán xét nào. Theo quan điểm này, một liệu pháp tâm lý không có cấu trúc triết lý chặt chẽ làm nền tảng sẽ hiệu quả hơn một liệu pháp xuất phát từ một lý thuyết cụ thể về tâm trí. Trong trường hợp trước, nhà trị liệu dễ dàng chấp nhận mà không có bất kỳ sự phán xét nào về những gì thân chủ phải nói, trong khi nếu nhà trị liệu dựa vào một lý thuyết, ở một mức độ nào đó, sẽ tìm kiếm những gì thân chủ phải nói tương ứng với lý thuyết đó.
Hầu hết chúng ta thấy việc ngồi yên mà không phán xét, không muốn thay đổi trạng thái đau đớn, không cố gắng đạt đến trạng thái bình yên hoàn toàn, là rất khó, và chúng ta chỉ có thể làm như vậy sau khi thực hành, đôi khi là một quãng rất lâu. Khi một người ngồi theo cách này, nhiều loại trải nghiệm khác nhau dâng lên trong tâm trí: những suy nghĩ và ý tưởng kỳ lạ – đôi khi tàn nhẫn, bạo lực, dâm dục hoặc đáng xấu hổ. Một số khá vô văn hóa và sẽ không được người khác chấp nhận nếu có ai đó thảo luận về chúng. Nhưng ngay cả khi ấy, chúng ta phải cho phép chúng như vậy, phải để chúng trôi nổi trong nhận thức. Đôi khi chúng ta cảm thấy như thể một người chắc chắn đang tự tử về mặt tinh thần. Như thể tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống của một người đang bị xói mòn và mất đi. Nhưng hãy cứ tiếp tục. Đây là đức tin. Một vị Thượng Đế toàn năng không cần tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, cũng không cần một linh mục ban cho chúng ta sự tha thứ. Sự xưng tội thực sự chính xác là những gì tôi đang mô tả. Một người cha toàn năng, sự chuyển cầu của Đức Thánh Nữ Maria, sức mạnh tha thứ của một linh mục, tất cả đều tập trung vào sức mạnh chữa lành tự nhiên của nhận thức, khuynh hướng tự nhiên để cái toàn thể tái khám phá chính nó.
Tôi lớn lên ở một khu vực rất nghèo của London và có một thời gian, tôi rất thân với một bác sĩ và đôi khi đi cùng ông ấy trong các chuyến đi khám bệnh vì vào thời đó, các bác sĩ sẽ đến tận nhà để khám. Một ngày nọ, tôi hỏi ông ấy cách ông ấy điều trị cho những người có thể có vấn đề về tâm lý mà đã chuyển thành bệnh tật về thể chất. Những người này quá nghèo để trả tiền cho bất kỳ phương pháp điều trị kéo dài nào, hoặc thậm chí là tiền thuốc men. Ông ấy mỉm cười và nói rằng ông ấy luôn sử dụng loại thuốc kỳ diệu mới nhất. Tôi hỏi ông ấy có ý gì. Ông lấy ra một lọ thuốc viên nhiều màu. “Đây chỉ là những viên thuốc đường,” ông nói, “nhưng khi tôi thấy những người mà vấn đề của họ thuộc về tâm lý nhiều hơn là thể chất, tôi đưa cho họ một vài viên thuốc này. Tôi luôn nói với họ rằng họ rất may mắn vì nghiên cứu vừa đưa ra phương pháp điều trị chính xác cho vấn đề cụ thể của họ. Tôi nói rằng những viên thuốc này thực sự rất, rất đắt, nhưng tình cờ là tôi đã được đưa cho một số làm mẫu và do đó họ có thể dùng chúng mà không mất phí. Thật đáng kinh ngạc khi mọi người thường hồi phục, đôi khi từ những vấn đề có thể có các triệu chứng thể chất đáng báo động.”
Sự chữa lành luôn được thực hiện bởi tâm trí, vì nhận thức đóng vai trò như một dung môi. Khi chúng ta bị đứt tay, nó sẽ lành lại; nghĩa là, nó trở nên toàn vẹn trở lại. Khi tâm trí bị đứt gãy bởi sự chia tách, nó cũng có thể lành lại và do đó trở nên toàn vẹn. Thuốc giúp ích; đôi khi chúng là cần thiết. Nhưng tâm trí mới là thứ chữa lành.
Khi ngồi, người ta không nên làm một cuộc đi câu để cố gắng bắt tâm trí nôn ra những mảnh vụn của nó. Việc ngồi ngay cả khi căng thẳng phát sinh, ngay cả khi sự kích động và cảm giác khó chịu và bất an xâm nhập, mà không cố gắng thêm vào hoặc bớt đi bất cứ điều gì, cho phép tâm trí dần dần tự chữa lành, để trở lại là cái toàn thể.
Nhận thức thuần túy không có sự phản chiếu có thể được ví như một tờ giấy mịn. Nếu một người tạo một nếp gấp ở giữa, bề mặt của một phần có thể phản chiếu bề mặt của một phần khác. Tâm trí của một người trưởng thành giống như một quả bóng giấy đã bị vo tròn và trong đó tất cả các bề mặt khác nhau của tờ giấy phản chiếu tất cả các bề mặt khác, và từ tất cả những điều này phát sinh ra sự bất hòa, sự hỗn loạn, tất cả chỉ là tạp âm. Nhưng khi một người ngồi, người đó cho phép tờ giấy dần dần trở nên phẳng phiu trở lại. Khi ấy, các nếp nhăn biến mất, và dần dần, sự hòa hợp xuất hiện trở lại và cái toàn thể quay lại và tự biểu lộ.
Đằng sau mọi khổ đau của chúng ta là cái toàn thể. Thật vậy, chúng ta đau khổ vì chúng ta là cái toàn thể. Một khi chúng ta có thể thực sự thấy điều này, thì dấu vết của nỗi đau chính là dấu vết của cái toàn thể và điều đó có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với nỗi đau và cả công việc mà chúng ta làm với chính mình. Chúng ta không nên coi mình như bị phân mảnh và phải gom chính mình lại. Chúng ta là cái toàn thể, một tờ giấy, nhưng cái toàn thể bị che giấu và mất đi trong sự đan xen của trải nghiệm. Chúng ta phải cho phép cái toàn thể tự biểu lộ. Cái toàn thể cuối cùng sẽ tự khẳng định chính nó cho dù bạn có thực hành Thiền hay không. Cái toàn thể là thực tại căn bản và cuối cùng sẽ tự biểu lộ. Thật vậy, vì điều này, bởi vì cái toàn thể đang tự khẳng định mình, nên bạn đang làm việc với chính mình. Cái toàn thể tự khẳng định chính nó không phải là nguyên nhân trong khi sự làm việc với chính mình của bạn, tức là ngồi thiền, là hiệu quả. Cái toàn thể tự khẳng định chính nó là “làm việc với chính mình,” đó là “đang thực hành thiền.” Bởi vì điều này, vì cái toàn thể đang tự khẳng định chính nó, nên bạn đang làm việc với chính mình và tờ giấy đang phẳng ra. Bạn đang thực hành Thiền. Nhưng sau tất cả, bạn không đang thực hành Thiền; chỉ có cái toàn thể đang tự biểu lộ. Sự kháng cự với việc thực hành đến từ việc “tôi” đang thực hành, “tôi” đang cố gắng hướng việc thực hành sang việc làm cho “tôi” hạnh phúc, giải thoát “tôi” khỏi đau đớn, “tôi” muốn đạt đến sự giác ngộ, và vì vậy việc thực hành là cực khổ, khô khan và khó nhọc.
Chính bởi cái toàn thể tự biểu lộ sinh ra cơn đói và cơn khát chúng ta cảm thấy trong thực hành. Đây là lý do tại sao nhà huyền môn Cơ đốc giáo nói, “Đừng thỏa mãn cơn khát của bạn.” Đó cũng là lý do tại sao một thiền sư khi trả lời cho một tu sĩ khi vị ấy hỏi “Kho báu của tôi ở đâu?” đã nói, “Câu hỏi của ông là kho báu của ông.” Có một sự khác biệt lớn giữa cơn đói tự nhiên này và tham vọng đạt đến sự chứng ngộ. Cơn đói này không thể bị thoái chí; nó không hấp tấp. Nó không có những hình ảnh hay suy nghĩ nào để củng cố nó. Nó có sức mạnh to lớn nhưng không đòi hỏi nỗ lực về mặt thể chất. Thiếu kịch tính, nó thường đi kèm với cảm giác rằng chẳng có điều gì đang xảy ra. Thật vậy, ở cấp độ bề mặt, vì chúng ta quá quen với việc có một số ý tưởng rõ ràng về nơi chúng ta đang ở và nơi chúng ta muốn đến, nó cũng có thể khiến ta có cảm giác rằng mình đã lạc đường.
Khi cơn đói này tăng lên, nó làm suy yếu chính định hướng của chúng ta. Mọi thứ mà một người biết, mọi giá trị mà một người có, mọi ý nghĩa mà một người đã tìm thấy, tất cả những điều này chỉ là sự phản chiếu và phải được đặt câu hỏi. Khi ánh sáng thực sự bắt đầu tỏa sáng, tất cả đều bị mất hút giữa những cái bóng. Nhưng đừng sợ. Nếu bạn buông bỏ những cái bóng, ánh sáng sẽ tỏa rạng và không bị ngăn trở.
Nisargadatta đã từng nói, “Hãy xem bạn làm việc như thế nào. Hãy xem động cơ và kết quả của những hành động của bạn. Hãy nghiên cứu nhà tù mà bạn đã vô tình xây dựng xung quanh mình. Bằng cách biết mình không phải là gì, bạn sẽ biết được chính mình. Con đường trở về với chính mình là thông qua sự rõ biết.”
“Con đường trở về với chính mình là thông qua sự rõ biết.” Gurdjieff sử dụng thành ngữ “tách cái thô ra khỏi cái tinh,” đây là một cách hay và cụ thể để nói về sự rõ biết. Tất nhiên, bạn không thể tách mình khỏi tâm trí phản chiếu, cũng giống như bạn không thể tách một hình ảnh phản chiếu khỏi một tấm gương. Nhưng thông qua sự rõ biết, bạn có thể thấy rằng hình ảnh phản chiếu không phải là tấm gương, rằng bạn không phải là tâm trí phản chiếu. Khi bạn cho phép những xung đột, sự đối kháng và sự thất vọng của tâm trí phản chiếu và nội dung của nó tan biến trong nhận thức thuần túy, khi bạn cho phép chúng chỉ đơn giản là ở đó, thì khoảnh khắc sáng suốt của sự rõ biết thực sự sẽ xuất hiện. Tại khoảnh khắc rõ biết thực sự này, người ta biết được chính mình, nhưng người ta đã quên đi chính mình.
<><><><><><><><><><><><>
Ta nói sự thật với các ông, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh ra được những hạt khác. Ai yêu mạng sống của mình thì sẽ mất nó, và ai không bận tâm đến mạng sống của mình ở trên cõi đời này thì sẽ giữ được sự sống đời đời.
<><><><><><><><><><><><>
Kinh Thánh