HÓA THÂN VÔ SỐ CỦA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM AVALOKITESHVARA

GYALWANG DRUKPA XII

Trích “Sức mạnh tình yêu thương”
Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Biên dịch: Drukpa Việt Nam
NXB Tôn Giáo, 2015
Ảnh: nguồn internet

Có thể nói Đức Quan Âm chính là cha mẹ của hết thảy chư Thượng sư và các đại thành tựu giả. Dù ở Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, phần lớn các bậc Thầy đều là hóa thân chân thật của Đức Quan Âm. Không chỉ riêng Đức Pháp Vương Pema Karpo hay các hóa thân chuyển thế khác của Pháp vương Gyalwang Drukpa được ấn chứng là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, mà rất nhiều bậc Thượng sư giác ngộ của các truyền thống Phật giáo khác nhau đều là những hóa thân trực tiếp hay gián tiếp của Bồ tát Quán Thế Âm.

Điều này không chỉ đúng với các truyền thống Phật giáo mà có thể mở rộng ra với các truyền thống khác. Ví dụ như các vị thần Mahadeva hay thần Silva của đạo Hin – đu đều là những hóa thân trực tiếp của Đức Quan Âm. Chư hộ pháp Mahakala được tôn kính cả trong Phật giáo cũng như Hinđu giáo cũng là một hóa thân của Đức Quan Âm. Thực tế, phần lớn tất cả các bậc Thánh nhân và bậc Thượng sư giác ngộ đều là những hóa hiện của Đức Quan Âm.
Trong truyền thống Hin – đu, ví dụ như thần Ganesh mà bạn vẫn thường nhìn thấy với hình ảnh đầu voi rất đặc trưng, cũng là một hóa thân của Đức Quan Âm, hay thần Tara Devi và rất nhiều vị thần khác, các bậc Thầy nhân loại, các vị thánh hay nữ thần. Bất cứ ai, dù trong hình tướng hay phi nhân, với công hạnh vì lợi ích chúng sinh đều là hóa thân của Đức Quan Âm. Đức Avalokiteshvara theo tiếng Phạn, Chenrezig theo tiếng Tạng, Kuanyin (Quan Âm) theo tiếng Trung, là Bậc vĩ đại tối tôn quý.
Khi đỉnh lễ Đức Pháp vương Pema Karpo, thực chất là chúng ta đang đỉnh lễ Đức Quán Âm, bậc vĩ đại thượng thừa, tối tôn quý, giống như một người cha đang làm những công hạnh vì lợi ích hết thảy hữu tình, cả loài người và muôn loài khác nữa.Thực tế, Đức Quan Âm là hiện thân của lòng Đại Bi, ngài không chỉ là một bậc thánh hay nữ thần như cách người đời thường nhìn nhận.
Ở Trung Quốc, nhắc tới Bồ tát Quán Thế Âm, người ta thường tôn xưng Ngài là “Phật Mẫu Đại Từ” và được tôn kính trong hình tướng nữ. Danh hiệu “Phật Mẫu” dẫn tới sự hiểu nhầm vì khiến người ta tưởng Ngài mang thân tướng nữ, nghĩ về Ngài như một nữ thần tôn quý. Ngược lại, ở vùng núi tuyết Himalaya, người ta thường tôn vinh Ngài là “Đấng Quan Âm Đại Bi Chủ” và điều này cũng gây nhầm lẫn không kém. Đức Quan Âm không phân biệt giới tính nam hay nữ. Chúng ta cần hiểu Ngài chính là hiện thân của lòng đại bi. Tâm đại từ, đại bi, khoan dung vô lượng: đó mới đích thực là Đức Quan Âm.
Như vậy, chúng ta không cần làm rõ Ngài là Thánh, Nữ Thần hay Chúa tể… không nên y cứ vào những tên gọi này. Dùng từ không đúng sẽ khiến bạn bị sai lạc: có thể ta sẽ tin Đức Quan Âm là một vị Thánh hay một Nữ Thần, Ngài là người Ấn Độ, người Trung Quốc, Việt Nam… Như thế, chúng ta đang còn mắc kẹt trong danh ngôn khái niệm, quẩn quanh trong góc hẹp của những diễn giải ngôn từ.
?Đức Quan Âm là Tâm Đại Bi
Đức Quân Âm chính là tâm đại bi mà bất cứ chúng sinh nào cũng đều sẵn đủ. Chẳng hạn, nếu tôi có tâm đại bi thì tôi là Quan Âm và bạn có tâm đại bi, bạn cũng chính là Quan Âm. Vì Đức Quan Âm chính là tâm đại bi nên Ngài có thể thị hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau: các bậc Thầy, vị thánh, nữ thần, các loài chim, chó, lừa, ngựa, voi… thậm chí cả các loài sâu bọ. Bất cứ hình tướng nào có thể dùng để cứu giúp chúng sinh, Đức Quan Âm đều không ngần ngại hóa thân. Ngài không hề bị bó buộc hay ngăn ngại bởi hình tướng bên ngoài.
Chính chúng ta mới thường xuyên chấp trước và bị bó buộc bởi định kiến. “Đức Quan Âm nhất thiết phải thị hiện trong hình tướng bậc Thầy. Ngài chắc chắn không thể mang hình hài một chú chó. Không bao giờ!” Tâm khái niệm của bạn luôn nói “có”, “không”, “có” và vây hãm bạn trong đó. Quan kiến thiển cận này là sản phẩm của tâm nhị nguyên, không tương ứng với tự tính Quan Âm.
Có nhiều người ở vùng núi tuyết Himalaya còn khẳng định rằng Đức Quan Âm không thể thị hiện trong thân tướng nữ. Đối với họ, đàn bà là hạ nhân, bất tịnh, Đức Quan Âm không đời nào thị hiện trong hình tướng như vậy. Tất cả các bậc Thầy đều phải là nam nhân. Thật quá sai lệch! Sự chấp trước của chúng ta trở nên quá mức kiên cố. Đức Quan Âm có thể thị hiện dưới bất kỳ hình tướng nào: lừa, ngựa, chim, côn trùng, và dĩ nhiên cả trong hình tướng nữ giới hay nam giới, một người hay nhiều người đều không có vấn đề gì cả. Chúng ta cần phá bỏ những định kiến hạn hẹp và mở rộng trái tim để thấy được các công hạnh vĩ đại của chư Bồ tát như Đức Quan Âm.
?Nền tảng của sự hòa hợp
Như Kinh điển đã ghi, chúng ta có thể tán thán Đức Quan Âm là “kho tàng vô lượng từ bi”.
Khi nói về lòng từ bi, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tình yêu thương, nhân hậu và mọi phẩm hạnh vị tha. Cụ thể hơn, lòng từ bi chính là trí tuệ bản lai để từ đó phát khởi tình yêu thương, nhân hậu cùng mọi công hạnh lợi tha khác.
Theo quan kiến cá nhân tôi, lòng từ bi đơn giản là sự hiểu biết chân thực mà chúng ta có về nhau, là sự hiểu biết về vũ trụ: Vũ trụ hay cuộc sống này vận hành như thế nào? Tất cả mọi người, bạn bè tôi và chính cả bản thân tôi đang suy nghĩ và hành động ra sao? Việc thấu hiểu mọi khía cạnh này chính là lòng từ bi. Bạn có thể không đồng ý hoàn toàn, nhưng theo kinh nghiệm và quan điểm của tôi, như thế chính là tâm từ bi.
Giả sử bạn cùng chung sống với một người. Để sống hòa hợp với người này, bạn không những cần hiểu mà còn phải biết thích ứng, chia sẻ, cảm thông với người đó. Nếu không, chúng ta sẽ không thể ứng xử đúng đắn, cuộc sống chung khó được dễ chịu thoải mái và giữa hai người sẽ không bao giờ tạo dựng được tình yêu thương chân thành. Bạn không hiểu người ấy và người ấy cũng không hiểu bạn, vậy là hai bên trở nên bất đồng. Sự bất cảm thông không thể dẫn đến cuộc sống hòa thuận. Trong điều kiện này, làm sao có thể sẻ chia tình yêu thương và lòng nhân ái?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thấy mình không thể đối xử tốt với một ai đó, hoặc có những đối tượng mà ngay cả khi ta có thiện ý họ cũng không cảm nhận được tấm chân tình. Họ sẽ đón nhận “lòng tốt” của chúng ta với sự khó chịu và tâm nghi ngại. Điều này nằm ở phương cách chúng ta đối xử với người đó. Chẳng hạn bạn quan tâm đến sức khỏe của một người bạn nhưng thay vì hỏi thăm nhau lúc ban ngày, bạn lại dựng người đó dậy giữa đêm khuya chỉ để hỏi: “A-lô, cậu có khỏe không?”. Nếu không có chuyện gì quan trọng đáng kể thì hiển nhiên người đấy sẽ nghĩ: “Thật vớ vẩn, gã này quả là phiền toái!”. Với chút tế nhị, lẽ ra bạn phải hiểu rằng mình không nên làm phiền người ta vào giờ này. Đúng là bạn có thiện ý nhưng người ấy lại không thấy như vậy. Bạn không nên làm phiền khi người khác ngon giấc chỉ để thăm hỏi vu vơ.
Đây là một ví dụ về lòng tốt nhưng thiếu hiểu biết khiến chúng ta cư xử kém. Để chung sống, chúng ta rất cần sự hiểu biết đồng cảm hay còn gọi là lòng từ bi đối với nhau. Trên nền tảng này chúng ta mới có thể phát triển tình yêu thương và các thiện hạnh khác. Tóm lại, nói “kho tàng vô lượng từ bi” cũng đồng nghĩa với giá trị của trí tuệ hiểu biết.
?Hiểu biết thế giới để hòa nhập
Đức Quan Âm là hiện thân sự hiểu biết toàn diện về vũ trụ, về vạn pháp, về bạn, về tôi cùng mọi chúng sinh, giống như khi soi gương chúng ta thấy rõ ràng mọi thứ, không thể che giấu điều gì. Trong tấm gương Từ bi, chúng ta thấy chính mình và mọi loài hữu tình một cách đầy đủ, trong suốt, rõ ràng. Nhờ không còn gì bí ẩn che chướng, ta sẽ thực sự thấu hiểu mọi đối tượng và vạn pháp bên ngoài.
Khi bắt đầu hiểu nhau và dần hiểu thêm về thế giới bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra dường như sự vận hành của thế giới này có liên hệ với tính không, với những tính chất vô thường, huyễn như ảo ảnh. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu ý thức được đặc tính chân thực của vạn pháp. Bạn biết rằng mình cần hiểu tự tính của vạn pháp để có thể sống tương thích nếu không muốn mãi chịu cảnh đau khổ vô minh.
Tương tự như việc bạn sẽ gặp khó khăn trong mối quan hệ với một người bạn khi không thực sự hiểu rõ về họ. Bạn cần hiểu bạn mình là ai, người ấy thích gì, đặc điểm tính tình như thế nào. Cũng như vậy, chúng ta cần hiểu rõ thế giới quanh mình để tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp, hài hòa với nó. Trí huệ này chính là nền tảng của tâm từ bi.
?Hiểu biết toàn vẹn
Tâm từ bi không chỉ tồn tại trong mối tương quan với con người hay các chúng sinh khác mà còn hướng về toàn thể vũ trụ, nghĩa là chúng ta phải hiểu rõ về toàn bộ thế giới chứ không phải hiểu từng phần hay đôi chút.
Đức Phật Thích Ca từng giảng rằng việc tích lũy hiểu biết tương đối về mọi điều trên thế giới này là không thể. Chỉ tính riêng ngôn ngữ, chúng ta đã không thể học hết các thứ tiếng. Điều chúng ta cần là hiểu biết tuyệt đối, trí tuệ giác ngộ về tự tính của vũ trụ, hiểu rằng vũ trụ vốn là tính không, huyễn ảo, vô thường giả tạm. Nếu hiểu được những đặc tính chung đó, bạn có thể dung hòa và sống hạnh phúc theo chân lý vũ trụ. Khi bắt đầu xoay tâm theo hướng này, bạn đã bước vào con đường của chư Bồ tát, các bậc có trí tuệ để sống thuận theo tự tính của vạn pháp. Đây là điều mà Đức Phật Thích Ca muốn chỉ ra trong lời khai thị được nhiều người biết đến: “Tất cả các điền chủ có thể chống lại tôi nhưng tôi sẽ không bao giờ đối nghịch với họ.” Qua đó, Ngài muốn dạy rằng thay vì đối nghịch, Ngài đã thuận theo quy luật tự nhiên.
Để trở thành Bồ tát, bạn trước hết cần phải hiểu về vũ trụ, sau đó phải thuận theo nhịp quay tự nhiên của nó một cách an nhiên tỉnh thức. Cuốn kinh “37 Phẩm Bồ tát hạnh” chỉ ra cách hành xử cần thiết để có thể sống thuận theo nhịp điệu tự nhiên này.
???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  3. QUÁN SÁT TÂM MÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ