DAISAKU IKEDA
Trích “Đức Phật Trong Ba Lô”; Nguyễn Thanh Huyền dịch; Nxb Thái Hà – Nxb Phương Đông
Làm thế nào cháu có thể thích thú với việc đọc sách? Bước đầu tiên là tạo ra thói quen đọc sách. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm một cuốn sách với bất kỳ chủ đề nào mà bạn thích. Một tiểu thuyết trinh thám là một cách tốt để duy trì việc đọc sách của bạn – các thư viện và hiệu sách chất đầy những quyển sách mà cốt truyện của nó, khi được khám phá, tự nhiên thôi thúc bạn tìm hiểu điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Sau khi quyết định, hãy dành thời gian rảnh rỗi để đọc hàng ngày, có thể là khi bạn đang đi xe buýt đến trường hoặc trước khi đi ngủ. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự tiến bộ nhanh chóng của mình.
Về cơ bản đọc sách là để suy ngẫm. Thậm chí có thể nói rằng, đọc sách là một biểu hiện cho tính nhân văn của loài người chúng ta. Chúng ta đừng nên giới hạn cuộc sống của mình vào một lĩnh vực mà loại bỏ tất cả các lĩnh vực khác. Bất kể người ta có địa vị xã hội cao đến đâu, nếu họ chưa từng đọc các tiểu thuyết nổi tiếng của những nhà văn danh tiếng trên thế giới, họ không thể hy vọng trở thành những nhà lãnh đạo xuất chúng. Để tạo nên xã hội nhân văn, nơi con người sống cần lòng nhân đạo, các nhà lãnh đạo cần phải biết đến những tác phẩm văn học lớn. Đây là điều cực kỳ quan trọng.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỊCH SỬ
Tại sao chúng ta phải học lịch sử? Các tiết học lịch sử thật tẻ nhạt với một danh sách dài các sự việc và ngày tháng phải nhớ.
Lịch sử quan trọng bởi nó mang lại cho chúng ta một tầm nhìn rộng hơn.
Hãy xem xét điều này: Nếu luôn nhìn xuống đất khi đi trên đường, chúng ta sẽ bị lạc. Bằng cách nhìn về phía trước và lựa chọn những dấu mốc nhất định để định hướng bản thân, chúng ta có thể chắc chắn mình đang tiến đúng đường. Hoặc hãy hình dung bạn đang nhìn xuống từ một ngọn núi cao. Từ vị trí thuận lợi ở trên cao, thật dễ dàng để chọn ra con đường mà bạn cần đi.
Điều tương tự cũng đúng với cuộc đời. Nếu bạn luôn có một tầm nhìn hạn chế và chỉ chú ý đến những chi tiết vặt vãnh, chắc chắn bạn sẽ sa vào những lo âu tầm thường và không bao giờ tiến bộ. Ngay cả những khó khăn nhỏ dường như sẽ không thể vượt qua được. Nhưng nếu bạn có một tầm nhìn rộng về cuộc sống, tự nhiên bạn sẽ tìm ra được giải pháp cho những vấn đề dù chúng là những vấn đề của cá nhân, xã hội hay thậm chí là những vấn đề của toàn thế giới.
Bạn càng gặp nhiều vấn đề, bạn càng nên đọc lịch sử nhiều hơn. Học lịch sử đưa bạn trở lại các sự kiện và cuộc sống của những con người có thể chiếu rọi cho cuộc sống của chính bạn. Bạn gặp những nhà cách mạng đầy nhiệt huyết và những kẻ phản bội đê hèn, những bạo chúa kiêu ngạo và những anh hùng có số phận bi thương. Bạn đọc để biết những người theo đuổi cuộc sống hòa bình nhưng bị ép buộc phải lang thang ở những nơi hoang vắng. Bạn trải qua những khoảnh khắc ngắn ngủi của hòa bình, giống như bóng râm dịu mát giữa ánh mặt trời thiêu đốt, giữa những khoảng thời gian kéo dài dường như vô tận của chiến tranh.
Qua việc học lịch sử, bạn sẽ thấy được rằng, rất nhiều người đã hy sinh vì những điều mà bây giờ chúng ta biết chỉ là những dị đoan ngu ngốc, cũng như những con người vì lý tưởng đã cống hiến cuộc đời họ với tình yêu dành cho những người cùng thời. Bạn gặp những con người vĩ đại, những người đã vươn lên từ những vực thẳm khổ đau để biến điều không thể thành có thể. Bạn có thể xem tấn kịch này từ xa hay nhìn nhận nó như thể bạn đang tham gia vào đó. Quan sát những hình ảnh đó dần hiện ra trong tâm trí, bạn sẽ học được cách quan sát cuộc sống từ một tầm nhìn rộng hơn một cách rất tự nhiên. Bạn có thể thấy mình đang cưỡi lên đỉnh cao của dòng sông lịch sử hùng tráng. Chúng ta nhìn thấy được chúng ta tới từ đâu, đang ở đâu và đang đi tới đâu.
Hiểu lịch sử là hiểu được con người ai đó. Chúng ta càng biết rõ về bản thân và bản chất con người, bức tranh về lịch sử mà chúng ta có được càng chính xác. Từ quan điểm Đạo Phật, lịch sử là một bản ghi chép những khuynh hướng của nhân loại, của luật nhân quả. Đó là khoa học về hoạt động của loài người, là những thống kê về loài người.
Ví dụ, dù không thể dự đoán được thời tiết một cách hoàn toàn chính xác, chúng ta có thể dự báo các xu hướng dựa trên khả năng và các số liệu thống kê. Trái tim con người luôn luôn khó đoán định, nhưng lịch sử cho phép chúng ta nhận ra các xu hướng và các thống kê giúp chúng ta thấu hiểu được tương lai.
Do vậy, học lịch sử cũng là học về bản chất của con người. Lịch sử là một tấm gương hướng dẫn chúng ta định hình tương lai. Thanh niên là những người đảm nhiệm chính, người sẽ viết nên những trang sử tươi mới của ngày mai. Bạn cần một tấm gương để soi gương mặt của chính mình. Tương tự như vậy, được trang bị tấm gương lịch sử, bạn có thể thấy điều cần phải thực hiện cho thế giới xung quanh mình.
Thầy của tôi – Josei Toda – dạy rằng, lịch sử là một tấm biển chỉ đường giúp chúng ta dấn bước tự tin hơn nhiều từ quá khứ tới hiện tại, từ hiện tại tới tương lai, về phía những mục đích vì hòa bình và chung sống hòa thuận của toàn thể loài người.
Vì có rất nhiều sự kiện lịch sử được ghi lại, một người không thể mong lĩnh hội được tất cả. Cơ bản là phải có được quan điểm lịch sử vững chắc, sự hiểu biết về những nguyên tắc lịch sử. Nếu chúng ta có thể học, qua việc nghiên cứu lịch sử, về những xu hướng tiêu cực của loài người, chúng ta có thể cảnh giác chúng và tránh đi vào vết xe đổ của quá khứ đen tối, hủy hoại của chính mình. Lập lại những méo mó của lịch sử nghĩa là chúng ta đã thất bại trong việc rút ra bài học của lịch sử. Như triết gia George Santayana nói: “Những người không thể ghi nhớ quá khứ sẽ bị xô đẩy đến chỗ lặp lại nó.