HỌC PHẬT ĐẠO LÀ HỌC CHÍNH MÌNH

HAKUUN YASUTANI

Trích: Hoa Rơi - Một Bình Giảng về Hiện Thành Công Án của Thiền Sư Đạo Nguyên; Paul Jaffe chuyển ngữ Tiếng Anh, Thông Quang dịch Việt; NXB Thiện Tri Thức năm 2024.

Học Phật đạo là học chính mình. Học chính mình là quên chính mình. Quên chính mình là được giác ngộ bởi vạn pháp. Được giác ngộ bởi vạn pháp là đem lại sự buông bỏ thân tâm mình và người. Những dấu vết của sự giác ngộ chấm dứt, và sự giác ngộ không dấu vết này được tiếp tục vô tận.

TRONG phần này Ngài Đạo Nguyên cẩn thận trình bày thứ tự tuần tự trong việc chứng đạo. Bước đầu tiên trong đó là “Học Phật đạo là học chính mình”. Như tôi thường nói, Phật đạo không có nghĩa là nhìn ra thế giới hiện tượng và lý luận rằng: “Đó là Phật tánh”, “Đó là pháp thân”, “Đó là sự biểu lộ của chân lý”. Và gọi đó là học chính mình! “Khuôn mặt nguyên sơ của bạn là gì?” “Bản thân bạn là gì trước khi cha mẹ bạn sinh ra?” Thực hành hướng sự soi sáng của mình vào bên trong theo cách này là Phật đạo. Nhận diện được tự ngã nguyên sơ là Phật đạo.

“Học Phật đạo là học chính mình”. Để học chính mình người ta phải nỗ lực làm gì? Điều cần thiết là vứt bỏ những quan điểm và chính mình. Vứt bỏ mọi giả tạo đã mắc phải, vốn là kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy từ khi sinh ra, để trở thành một tờ giấy trắng tinh khiết, và tuân theo lời dạy của chư Phật và chư tổ – đó là điều quan trọng. Khi mang theo những thứ như “tư tưởng của tôi” và “quan điểm của tôi”, người ta tuyệt đối không thể đạt được Phật đạo. Phật đạo là con đường trở về với bản tánh nội tại của mình; làm sao người ta có thể thức tỉnh được bản tánh nội tại của mình khi người ta mê lầm bởi những giả tạo đã mắc phải? “Quên chính mình” không phải là nạn nhân của chứng mất trí nhớ. Đó là vứt bỏ mọi kiến thức và quan điểm trước đây và trở thành một tờ giấy trắng tinh khiết. Đó là “quên chính mình”. Đạo Nguyên đang đề cập đến trạng thái này trong đó người ta đã quên mất chính mình khi ngài nói, “Quên chính mình là được giác ngộ bởi vạn pháp”.

“Vạn pháp” có nghĩa là tất cả các pháp. Tất cả các pháp là mọi sự. Mọi sự là Phật đạo. Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Chúng là bản tánh nội tại của mình. Hoàn toàn loại bỏ những quan điểm và chính mình, và sau đó, được thúc đẩy bởi chính bản tánh nội tại của mình, hành xử các sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày như bản tánh nội tại của mình – đi ra ngoài và trở về nhà, mặc quần áo, ăn uống, đại tiện và tiểu tiện – đó là “được giác ngộ bởi vạn pháp”. Đó là sự hiện thành của giác ngộ, sự biểu lộ trọn vẹn của giác ngộ nguyên sơ, sự biểu lộ trọn vẹn của bản tánh tuyệt đối. Đó là viên ngọc mani của sự giác ngộ nguyên sơ. Viên ngọc mani là viên ngọc như ý. Dù người ta có nhận ra nó hay không thì nó vẫn như vậy.

“Kho tàng tự nhiên mở ra và người tự do thọ nhận và sử dụng”. Đây là hình thức sống động của việc “chỉ ngồi”. Nói cách khác, chỉ sống, sống như một tờ giấy trắng tinh khiết. Đây là ý nghĩa của việc “là một mảnh duy nhất trong suốt hai mươi bốn giờ trong ngày”. Đây là duy trì chánh niệm. Nó biểu hiện Phật ấn trong ba hoạt động. Dù ngồi trong định, đi trong định, hay thực hiện công việc trong định, toàn bộ thế giới hiện tượng đều trở thành Phật ấn. Tất cả không gian không trừ thứ gì trở thành giác ngộ. Thực ra, không có trở thành hay không trở thành. Luôn luôn là như vậy. Nhưng người chưa giác ngộ không thể quên chính mình. Nói cách khác, vì họ không thể trở thành một tờ giấy trắng tinh khiết, Thiền sư Đạo Nguyên nhấn mạnh việc chỉ ngồi, nói trong Biện đạo thoại (Bendowa), “Nếu một người dù chỉ trong một khoảnh khắc biểu lộ Phật ấn trong ba hoạt động, khi ngồi đúng trong định, toàn bộ thế giới hiện tượng trở thành Phật ấn, mọi không gian không trừ thứ gì đều trở thành giác ngộ”. Đây là ý nghĩa của việc “tu tập với tâm của người mới bắt đầu là toàn bộ thân giác ngộ nguyên sơ”. Đó cũng là ý nghĩa của “vì nó là sự giác ngộ của thực hành, sự giác ngộ là vô tận; bởi vì đó là sự thực hành của giác ngộ, nên sự thực hành là vô thủy”. Nó còn được gọi là “thực hành và giác ngộ là một” và “sự giác ngộ nguyên sơ và sự thực hành vi diệu”. Ở đây cũng ẩn chứa tinh thần thực sự của tâm niềm tin kiên định của một người được Đức Phật A Di Đà hộ trì.

Câu tiếp theo là sự diễn đạt sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, chính xác hơn của Ngài Đạo Nguyên về hình thức sống động của việc được giác ngộ bởi vạn pháp. “Được giác ngộ bởi vạn pháp là đưa đến sự xả bỏ thân tâm của mình và người”. “Xả bỏ thân tâm” là một thành ngữ có nguồn gốc và lịch sử đáng tôn kính. Đó là từ lúc Đạo Nguyên đạt đến điểm phá vỡ đáy thùng vô minh cuối cùng và thốt lên: “Việc lớn của cả cuộc đời tìm kiếm chấm dứt tại đây”. Ở đây Ngài không dùng từ giác ngộ, nhưng đó là bởi vì cụm từ “xả bỏ thân tâm” là đủ. Cũng dễ dàng nhận ra ý nghĩa bởi vì cụm từ “dấu vết giác ngộ” xuất hiện ngay sau đó. Nội dung của thứ gọi là giác ngộ, điều mà các tu sĩ Tào Động ghét, hay đúng hơn là sợ, đã xuất hiện mà không dùng từ giác ngộ.

Những câu nói của Ngài Đạo Nguyên ngắn gọn và đi vào trọng tâm, văn phong cũng cao siêu, nên trừ khi người có con mắt pháp rõ ràng bổ sung chúng một cách thích hợp, hạ thấp văn phong và diễn đạt lại như cách đút thìa, nếu không thì những người mới bắt đầu sẽ không hiểu được chúng. Đọc và nghiền ngẫm những bản văn gốc như chúng vốn có là tốt nhất, nhưng như một chỗ đứng tạm thời, tôi sẽ thêm vào một chút phần đệm.

Bây giờ, vứt bỏ hoàn toàn mọi kiến thức và quan điểm trước đây của mình, trở thành một tờ giấy trắng tinh khiết và sống đời sống với bản tánh nội tại của mình – và ngay cả khi người ta không hiểu nó, tin rằng đây là toàn bộ sự giác ngộ nguyên sơ, sự hiện thành của giác ngộ—chừng nào người ta nhất tâm và thoát khỏi mê mờ, tiếp tục sống, sống đơn giản, một đời sống của định (samadhi), tức là hoàn toàn xả bỏ thân tâm. Khi nhìn từ quan điểm của chư Phật và chư tổ, cuộc đời của người đó không khác một chút nào với chư Phật và chư tổ, những người đã hoàn toàn giác ngộ. Do đó, khi tiếp xúc với một nguyên nhân nào đó, người ta đột nhiên đại ngộ với ý nghĩ, “Bây giờ tôi thấy rồi, tôi vẫn ổn như trước đây”. Đó là “được giác ngộ bởi vạn pháp”. Điều đó đúng với người xưa và cũng đúng với người thời nay. Trong Đạo không có quá khứ hay hiện tại. Đây là “nghe một âm thanh và ngộ Đạo, thấy một sắc tướng và chỉ sáng tâm”, “kiến tánh và đạt đến Phật quả”, v.v.

Khi một người đã đạt đến sự tự thức tỉnh vĩ đại, thì đâu là những thứ như thân tâm của ta và thân tâm của người khác? Không có một chút mây nào che khuất tầm mắt. Người ta nhận biết rõ ràng rằng ta và người khác là những giấc mộng của một người chưa giác ngộ, chủ thể và đối tượng chỉ là những thí dụ của mê lầm. Điều đó được diễn đạt như sau: “Được giác ngộ bởi vạn pháp là đưa đến sự xả bỏ thân tâm của mình và người”. Đây là “đại giác ngộ hoàn toàn”. Và bước cuối cùng là quét dọn sau khi giác ngộ. Bất kỳ sự đánh thức giác ngộ nào phải được thực hiện chỉ sau khi người ta đã đến được nơi này. Vì nhiều thiền sư đánh thức giác ngộ một cách bừa bãi ngay từ đầu, nên các tu sĩ mới khá vui vẻ tránh né sự tinh tấn và vất vả đi tìm giác ngộ và con đường cơ bản của thực hành toàn diện. Khi đó những người có tâm tốt chỉ trở thành học giả, và về mặt ý nghĩa thì môn phái sẽ bị hủy hoại. Khi đó những gì còn lại trong môn phái chỉ là cái vỏ rỗng tuếch của trí thức và nghệ thuật thuyết giảng. Cuối cùng nó dẫn đến quan niệm sai lầm rằng Phật pháp của Đạo Nguyên Hi Huyền và Phật pháp của Lâm Tế là khác nhau. Họ đọc câu nói của Ngài Đạo Nguyên “Dù năm nhà khác nhau, thì chúng chỉ là một ấn của tâm Phật”. như thế nào? Lâm Tế và Tào Động chỉ khác nhau về phương tiện và phương pháp giảng dạy, trong đó mỗi phái đều có những đặc điểm riêng.

Hãy nhìn chư Phật và chư tổ từ quá khứ. Chẳng phải tất cả họ đều tìm kiếm sự giác ngộ và nỗ lực thực hành sao? Chẳng phải Đạo Nguyên đã liều mạng và chịu đựng gian khổ khi du hành đến Trung Hoa để tìm kiếm sự giác ngộ sao? Sau đó ngài đã đạt được giác ngộ sáng tỏ và trở về nhà. Nội dung của sự giác ngộ đó là “không có một sợi tóc Phật pháp nào”, “mắt ngang, mũi dọc”. Đó là trở về trạng thái nguyên sơ. Đó là bản tánh nội tại của mình. Ngài Đạo Nguyên tuyệt đối không trở về nhà như một người chưa giác ngộ, mà đúng hơn, đã hoàn toàn vứt bỏ lớp vỏ tư tưởng, khái niệm, nhận thức và niềm tin, và trở thành không gì khác ngoài một thực tại duy nhất.

Bây giờ, vì mọi người đều đang thấy những giấc mộng của những người chưa giác ngộ, nên mỗi người bằng cách nào đó phải chợt ngộ (đốn ngộ), đại ngộ ít nhất một lần. Từ xa xưa chỉ có một số ít người đại ngộ hoàn toàn chỉ trong một kinh nghiệm. Thông thường người ta chỉ đạt đến đại giải thoát sau khi đạt được giác ngộ này đến giác ngộ khác nhiều lần. Nhưng! Khi một người đã đạt đến giác ngộ, trừ khi dấu vết giác ngộ được xóa bỏ thì đó không phải là giác ngộ thực sự. Kẻ lười biếng lau chùi thì dùng nước bẩn, nên dấu vết của khăn lau vẫn còn đọng lại. Chúng là những dấu vết của việc lau chùi. Với những dấu vết còn sót lại, nó sẽ rất khó coi, người ta không thể cho khách vào.

Đưa ra một ví dụ khác: Để tẩy sạch nhơ bẩn của mê lầm, cần phải sử dụng xà phòng giác ngộ. Tuy nhiên, khi vết bẩn đã được loại bỏ sau khi người ta giặt quần áo và trừ khi khử hết mùi xà phòng thì không thể mặc được. Mùi nhơ bẩn có thể khó chịu nhưng mùi xà phòng cũng vậy. Vì vậy, dấu vết của sự giác ngộ chấm dứt trở thành một điều cần thiết tuyệt đối. Ngài Đạo Nguyên diễn đạt điều này là “dấu vết giác ngộ chấm dứt”.

Ngài ngụ ý gì khi nói “sự giác ngộ không dấu vết này được tiếp tục vô tận”? Nếu sau khi đạt đến đại ngộ, rồi chấm dứt dấu vết của giác ngộ, loại bỏ hoàn toàn mùi hôi, trở về tự ngã nguyên sơ, như vậy đã đủ chưa? Không chút nào! Điều quan trọng là những gì người ta làm từ đó. Lý do là vì người ta phải nỗ lực rất nhiều để trở thành vị Phật nguyên thủy, từ đây công việc của Phật bắt đầu. Đã thành Phật mà không làm gì cả thì đó là Phật pháp chết. Đó là một vị Phật giả. Người ta phải đạt được giác ngộ hơn nữa sau khi giác ngộ. Người ta phải trở thành một người mê trong mê. Ngay cả sau khi đã đạt được Phật quả, thông thường người ta vẫn tiến xa hơn nữa. Trên con đường của Phật không có ngõ cụt. Đó là sự thực hành của giác ngộ.

Thực hành và giác ngộ không có giới hạn. Đó là cuộc đời của Phật. Ngài Đạo Nguyên thể hiện tinh thần cao quý, sâu sắc này như “sự giác ngộ không dấu vết được tiếp tục vô tận”.

Bình luận


Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ