HỌC THUYẾT TÁI SINH TRONG KITÔ GIÁO NGUYÊN THỦY

ANNA MARIANIS

Trích: Nhà Tiên Tri Vanga và Vũ Trụ Huyền Bí; Việt dịch: Thanh Thúy; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà, 2019

KÝ ỨC VỀ KIẾP TRƯỚC

Mặc dù trên thực tế, ký ức về kiếp trước của phần lớn mọi người đã bị quên lãng, song đôi lúc ở nhiều nước khác nhau trên thế giới vẫn xuất hiện những người mà do những nguyên nhân nào đó có thể nhớ được các sự kiện trong kiếp trước của mình. Thông thường, tác động chính khơi lại những ký ức này là do trải qua một lần đau ốm nghiêm trọng hoặc chịu một cú sốc mạnh. Sau cú sốc về thể chất và tinh thần, trong siêu thức của một người dường như có một số rào cản đã bị phá vỡ, và người đó nhận được các thông tin về kiếp trước của mình cùng với những thói quen đặc trưng vốn có trong kiếp trước, ví dụ như kiến thức về ngôn ngữ của đất nước mà người đó đã từng sống.

Những trường hợp thú vị về việc đánh thức ký ức của kiếp trước được E.I. Roerich mô tả trong những lá thư gửi các cộng sự của bà.

Các tờ báo địa phương của chúng ta có hàng loạt bài viết về một trường hợp rõ ràng khẳng định thuyết tái sinh. Đó là chuyện một bé gái tám tuổi sống ở Dehli đã nhớ lại tiền kiếp của mình. Ngôi nhà của cha cô, một thương gia, hiện đã trở thành nơi người ta sùng bái. Mọi người ở trên khắp Ấn Độ đều đổ dồn tới xem cô bé này, người mà trong mắt họ là hiện thân của nữ thần Devi, bởi vì liệu có ai ngoài thần Devi có thể nhớ được tiền kiếp của mình? Ngay từ khi bốn tuổi, cô đã kể về cuộc sống quá khứ của mình, nhưng người thân của cô không chú ý đến điều này cho đến khi hiệu trưởng cũ của trường học tại địa phương biết chuyện. Ông rất quan tâm đến những thông tin bất thường mà cô bé đưa ra và quyết định kiểm tra. Cô bé Shanti đã cho ông biết tên của chồng và những người thân cũ của mình cũng như tên thành phố nơi cô đã sống, miêu tả các địa danh cùng với rất nhiều chi tiết về cuộc sống của mình trước đây, như việc cô bị chết sau khi sinh con trai được mười ngày. Thầy hiệu trưởng đã ghi chép lại tất cả rồi gửi các thông tin đó tới địa chỉ được cô bé cung cấp và vô cùng ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời từ người chồng cũ, và sau đó chính anh ta cùng với cậu con trai giờ đã 11 tuổi đến gặp người vợ cũ. Cô bé ngay lập tức nhận ra họ và khóc rất lâu khi nhìn cậu con trai. Cô nhắc một vài câu chuyện khi họ sống cùng nhau và được người chồng xác nhận. Cô cũng nói với anh rằng ở một góc nhà anh ở Muttra, cô đã chôn 100 rupee để dành dâng cúng nữ thần cầu phúc cho con trai cô, đứa trẻ mà cô sinh ra trước khi chết. Vì cô bé khăng khăng yêu cầu được đến thành phố nơi cô đã từng sống, đến căn nhà cũ để gặp cha mẹ mình trước đây, nên người ta quyết định thực hiện mong ước đó. Nhưng tất cả đều thống nhất không báo với cô khi tàu đến ga của thành phố này. Cùng đi với cô bé là một nhóm những người quan tâm tới hiện tượng đặc biệt này. Ngay khi đoàn tàu vào ga Muttra, cô bé đã sung sướng nhận ra và mừng quýnh lên. Sau đó, họ thuê một chiếc xe ngựa kéo và người đánh xe được yêu cầu phải làm theo hướng dẫn của cô. Những người đi cùng muốn xem cô bé có thể nhớ được những gì về vùng này. Không chút do dự, cô chỉ hướng đi và tất cả các khúc ngoặt, đồng thời cô còn nhận xét cả những thay đổi đã diễn ra trong 11 năm qua kể từ khi cô qua đời. Tất cả đều tỏ ra khá chính xác. Đến đường cụt, cô bé nói rằng cần phải xuống xe và đi theo con hẻm nhỏ dẫn đến ngôi nhà của mình. Giữa đám đông những người đến xem, cô ngay lập tức nhận ra tất cả người thân cũ, gọi chính xác tên họ. Đến nhà, cô liền đi vào phòng nơi cô đã chôn tiền, và tìm thấy ngay chỗ đó. Báo chí còn dẫn nhiều chi tiết được cô bé kể lại, và tất cả đều được xác minh là đúng. Cô bé cũng kể rằng trước khi được sinh ra ở Dehli, cô đã ra đời ở một nơi khác, nhưng đã mất khi được hai tuổi rưỡi.

Báo chí cũng ghi nhận một trường hợp đáng chú ý khác là cô gái nông dân ở Áo. Sau một cơn sốt cao, khi khỏe tại cô bắt đầu khẳng định cô là người Tây Ban Nha, trước đây sống ở Madrid và bán rau trong chợ thành phố. Nhưng điều thú vị nhất là cô nhớ được tiếng Tây Ban Nha đồng thời cũng không quên tiếng Đức và biết rõ về việc tái sinh thật sự của mình. Sự kết nối giữa các thế giới diễn ra ngay trước mắt chúng ta và nhiều đứa trẻ mang ký ức về những cuộc sống quá khứ sẽ đến Trái Đất.

Ở chỗ chúng tôi cũng có một gia đình có cậu con trai năm tuổi luôn nói rằng bố mẹ hiện tại không phải là bố mẹ thực sự của cậu và rằng trước đó cậu là một lạt ma1 sống trong tu viện. Cậu bé thường trốn ra khỏi nhà để tìm kiếm các tu viện và người ta thường tìm thấy cậu vai đeo một chiếc túi nhỏ nhằm thẳng hướng Tây Tạng mà tiến. Trong túi cậu chỉ mang những cuốn sách quý. Trường hợp trước được đề cập đến trong tờ báo tiếng Anh Báo Dân Sự và Quân Sự của Ấn Độ ngày 29/10/1935.

E.I. Roerich

Trích thư ngày 12/12/1935

HỌC THUYẾT TÁI SINH TRONG KITO GIÁO NGUYÊN THỦY

Nhiều tôn giáo khẳng định rằng con người sống trên thế giới này không chỉ một lần, mà đến Trái Đất theo định kỳ. Điều này cũng được đề cập đến trong giáo lý Kitô giáo nguyên thủy. Học thuyết về tái sinh đã bị xóa bỏ khỏi các điều khoản căn bản (tín điều) của Kitô giáo chính thống theo ý chỉ của các đại diện nhà thờ. Học thuyết này đã gây ra cho các linh mục trở ngại nào thì chỉ có thể phỏng đoán. Nhưng trước năm 553 C.N, kiến thức về tái sinh đã có trong Kitô giáo, và tất cả các tín đồ Kitô giáo thời đó đều biết rằng họ đã từng sống ở thế giới này và sau khi chết họ sẽ lại được tái sinh trên Trái Đất.

E.I. Roerich đã viết về việc loại bỏ học thuyết tái sinh trong Kitô giáo như sau:

…Học thuyết về tái sinh được bãi bỏ vào năm 553 C.N tại Nhà thờ Constantinople II. Do đó, học thuyết về sự tồn tại của linh hồn và những tác động liên tục của nó đối với Trái Đất đã trở thành “dị giáo” trong Kitô giáo chính thống ngay từ thế kỷ thứ VI sau Công nguyên; trước thời điểm đó, nó đã được những giáo sĩ thiên về Thuyết ngộ đạo2 tiếp nhận.

E.I. Roerich

Trích thư ngày 08/10/1935

…Trong sách Phúc Âm có biết bao nhiêu khẳng định về tái sinh: chính xác là ngay trong lời của Chúa Kitô. Các cha xứ đã phạm tội lớn khi xóa bỏ điều luật này của Công lý Tối thượng ra khỏi nhận thức của các con chiên.

E.I. Roerich

Trích thư ngày 17/10/1935

E.I. Roerich đã đề cập đến những lời nào của Chúa Kitô chứng minh rằng Ngài đã chia sẻ học thuyết cổ xưa về tái sinh? Về điều này bà đã viết trong một bức thư khác của mình:

Bạn viết rằng: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Kitô không thấy cần thiết phải truyền đạt trực tiếp và công khai chân lý này [luật luân hồi] tới trí tuệ của con người khi mà họ chưa sẵn sàng.” Nhưng tôi nghĩ, sẽ đúng hơn nếu nói rằng mặc dù luật luân hồi là nền tảng của mọi tôn giáo cổ xưa ở phương Đông và dĩ nhiên, tôn giáo của người Do Thái cũng không phải là một ngoại lệ, nhưng vào thời của Chúa Giêsu, luật này đã bị bóp méo bởi sự can thiệp của các giáo hoàng và chỉ được lưu giữ nguyên vẹn như ban đầu trong các giáo phái riêng lẻ.

Trong sách Phúc Âm, theo lời của chính Chúa Kitô, chúng ta có đủ bằng chứng về kiến thức của người Do Thái về luật này. Như trong Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 17 câu 10-13: “Các môn đồ hỏi Ngài: Vậy tại sao các thầy kinh luật nói rằng Ê-li-gia phải đến trước? Ngài đáp: chắc chắn là Ê-li-gia sẽ đến trước và phục hồi mọi sự, nhưng tôi nói với anh em, Ê-li-gia đã đến rồi mà họ không nhận ra người và còn đối xử với người theo ý họ. Con người cũng sẽ chịu đau đớn dưới tay họ như vậy.” Lúc đó, các môn đồ mới hiểu Ngài muốn nói về Giăng Báp-tít.

Phúc Âm Giăng, chương 9, câu 1-3: “Khi đang đi, Chúa thấy một người đàn ông bị mù bẩm sinh. Các môn đồ hỏi Ngài: ‘Thưa Thầy! Ai là người phạm tội, anh ta hay cha mẹ, mà từ khi sinh ra anh ta đã bị mù?’ Chúa Giêsu trả lời: ‘Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội, nhưng qua trường hợp này người ta mới thấy công việc của Đức Chúa Trời.” Thật vậy, làm sao mà người khiếm thị có thể bị trừng phạt vì tội lỗi của họ ngay từ khi sinh ra, nếu không có luật luân hồi? Vẫn còn nhiều chỗ nói rõ về luân hồi, nhưng bạn sẽ muốn được tự tìm ra chúng.

E.I. Roerich

Trích thư ngày 08/02/1934

Trong các thư của E.I. Roerich và học thuyết Agni Yoga, hiện tượng tái sinh được xem xét ở mọi khía cạnh. Trong các nguồn này ta có thể tìm được tất cả các câu trả lời thú vị và dễ hiểu cho những câu hỏi liên quan đến thuyết luân hồi.

Chúng tôi chỉ dẫn ra một số trong đó.

TẠI SAO CẦN TÁI SINH Ở TRẦN THẾ?

Có thể đặt câu hỏi: nếu linh hồn có thể tồn tại có ý thức trong cõi Tâm linh sau khi cơ thể vật chất chết đi, thì vì sao con người cần tái sinh ở trần thế? Vì sao linh hồn lại không hoàn thiện bản chất của mình trong các cõi cao hơn?

Nhưng học thuyết Đạo đức Sống nói rằng chính trần thế mới là nơi tốt nhất để con người phát triển tất cả những phẩm chất của linh hồn mình. Trần thế với những điều kiện khắc nghiệt, những xung đột cường độ mạnh trong cuộc sống, những ranh giới rõ ràng giữa không gian và thời gian, sự khác biệt rõ rệt giữa Thiện và Ác, chính là đấu trường tốt nhất để bộc lộ tất cả những đặc tính nhân cách còn ẩn giấu.

Vẫn có sự khác biệt quan trọng giữa việc sống ở cõi vật chất với việc tồn tại không thể xác trong phạm vi một thế giới khác. Trong thế giới tâm linh, con người có thể áp dụng thành công tất cả những gì mà mình đã học được nơi trần thế, nhưng ở đây, để người đó bắt đầu một điều gì mới mẻ khi chưa đạt được một mức độ phát triển tâm linh cao thì trên thực tế lại là điều bất khả thi. Chỉ có ở Trái Đất, con người mới có thể tiếp nhận được những điều mới hoặc cải thiện triệt để những tập quán đạo đức cũ; còn ở thế giới bên kia, con người chỉ đi theo lối mòn đã được định hình trong quá trình sống nơi trần thế. Như E.I. Roerich viết:

Ở đó, mọi người có thể áp dụng những điều mình đã tích lũy được nơi trần thế, nhưng để thu nhận được tri thức mới là gần như không thể nếu họ không muốn điều này khi còn sống ở Trái Đất. Nhưng trên Trái Đất, như trong lò luyện, các năng lượng đa dạng nhất va chạm, hút nhau, qua thanh lọc và chuyển hóa tạo thành những năng lượng hoàn hảo hơn, tinh tế hơn do tác động của ngọn lửa tinh thần được đánh thức. Từ những va chạm và kết nối bất ngờ của các nguồn năng lượng khác nhau, năng lượng mới được sinh ra, mang lại sự sáng tạo mới, những khả năng mới. Trần thế là nơi thử nghiệm, chuộc tội và sáng tạo tuyệt vời; là nơi phán xử cuối cùng, vì ở đây con người được thực hiện một sự lựa chọn vĩ đại. Hãy nhớ rằng… chỉ ở cõi Trần chúng ta mới có thể tiếp thu và đồng hóa các năng lượng mới hoặc đổi mới thành phần năng lượng của mình, hay như cách nói của các Phật tử – các pháp của mình. Do đó, cần phải chào đón mỗi lần tái sinh thay vì né tránh.

Giá như mọi người biết được các Vĩ nhân đã lao động như thế nào, chấp nhận những lần tái sinh khó khăn nhất, nặng nhọc nhất dù không nhất thiết phải làm như vậy, để cứu con người khỏi bị hủy diệt, hay bị quỷ Sa tăng bắt giữ. Vì rõ ràng đó là điều cần thiết cho con người nơi trần thế!

E.I. Roerich

Trích thư ngày 28/06/1948

Chú thích

1 Lạt ma – cao tăng thuộc Phật giáo Tây Tạng (chú thích của biên tập viên)

2 Thuyết ngộ đạo là học thuyết triết học tôn giáo chia sẻ nhiều tín điều của Kitô giáo.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGUỒN GỐC TIẾN HÓA – LUÂN HỒI VÀ TÁI SANH
  2. TÁI SINH – LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG