HỢP TÁC VÀ PHỐI KẾT TƯ DUY CHIẾN LƯỢC (LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI THỰC HÀNH)


AVINASH K. DIXIT & BARY J.NALEBUFF

“Không phải nhờ có lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia hay người nướng bánh để chúng ta có được bữa ăn ngon mà đó chính là từ sự quan tâm của họ đến những lợi ích cá nhân của chính mình… (Mỗi một cá nhân) chỉ nhắm đến sự an toàn của chính bản thân mình, lợi nhuận của chính bản thân mình mà thôi. Và trong chính điều đó, anh ta bị dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình đến một kết cục không nằm trong ý định của anh ta. Bằng việc theo đuổi những lợi ích riêng cho mình, anh ta luôn luôn thúc đẩy cái thuộc về xã hội một cách có hiệu quả hơn là khi anh ta thực sự nhắm đến điều đó”.

Adam Smith đã viết những dòng trên trong cuốn sách Của cải của các dân tộc năm 1776. Kể từ đó, những dòng này trở thành âm nhạc đối với đôi tai của những người cổ súy cho thị trường tự do. Tính hiệu quả của kinh tế thị trường ở đây được diễn giải theo cách khuyến cáo chính phủ không nên can thiệp vào những nổ lực ích kỷ của từng cá nhân nhằm tối đa hóa lợi ích của mình. Một số người ủng hộ thị trường tự do còn muốn đưa điều này ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế, giống như Dr. Pangloss trong cuốn sách Candide đã khẳng định rằng “tất cả mọi thứ là đều nhắm đến cái tốt nhất trong đó, cái tốt nhất trong mọi thế giới có thể”.

Một thực tế đáng buồn là tầm với của bàn tay vô hình của Adam Smith lại không thật xa lắm. Không thể có một giả định chung nào rằng khi mỗi cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của mình, kết cục sẽ là tốt nhất cho mọi thế giới có thể. Ngay cả trong lĩnh vực hẹp hơn của các hoạt động kinh tế thì cũng có những cảnh báo và ngoại lệ cho nguyên tắc bàn tay vô hình.

Lý thuyết trò chơi đưa ra một phương pháp tự nhiên để tư duy về tương tác xã hội giữa các cá nhân. Mỗi người đều có những mục đích và chiến lược riêng của mình; chúng tôi sẽ đặt chúng lại gần nhau và xem xét điểm cân bằng của trò chơi mà trong đó các chiến lược này tương tác lẫn nhau. Hãy nhớ rằng không có giả định nào nói rằng một điểm cân bằng phải là kết cục tốt; chúng ta cần phải tìm ra trong mỗi tình huống xem liệu kết cục có phải là một cuộc chiến với mỗi người chống lại tất cả, hay là kết cục tối ưu cho mọi thế giới có thể, hoặc cũng có thể một cái gì đó nằm giữa hai thái cực trên.

Vì sao Adam Smith lại nghĩ rằng bàn tay vô hình sẽ tạo ra những kết quả kinh tế tối ưu cho xã hội? Nói một cách tóm tắt thì lập luận của ông là như sau: Khi tôi mua một ổ bánh mỳ, tôi sử dụng một số nguồn lực có giá trị cho xã hội – như lúa mì, năng lượng, lò nướng, sức lao động, v.v … – tất cả những gì cần để làm ra một ổ bánh mỳ. Cái ngăn tôi không sử dụng quá mức các nguồn lực đó chính là giá của bánh mỳ. Tôi sẽ chỉ mua bánh mỳ chừng nào giá trị của nó đổi với tôi vượt quá mức giá mà tôi phải trả. Trong một thị trường vận hành tốt, giá hàng hóa sẽ đúng bằng chi phí của tất cả các nguồn lực này – người làm bánh sẽ không bán bánh mỳ cho tôi trừ khi mức giá tôi trả có thể bù đắp hết các chi phí của anh ta và cạnh tranh sẽ ngăn không cho anh ta lấy của tôi mức giá cao hơn thế. Như vậy là tôi sẽ chỉ mua bánh mỳ nếu giá trị của nó đối với tôi vượt quá chi phí của các nguồn lực đối với phần còn lại của xã hội. Cơ chế thị trường do vậy sẽ kiểm soát mong muốn mua nhiều bánh mỳ hơn của tôi đến một mức độ phù hợp nào đó mà thôi. Mức giá tôi trả có thể coi như mức phạt để bù đắp cho phần còn lại của xã hội do đã sử dụng các nguồn lực của nó. Ở mặt kia của bức tranh, người bán bánh, đại diện cho phần còn lại của xã hội, được bù đắp cho những chi phí của anh ta để cung cấp bánh mỳ mà tôi coi trọng và do vậy có một động cơ vừa đủ để sản xuất ra chúng.

Sự giản dị, rõ ràng, thậm chí chúng tôi dám nói rằng cả vẻ đẹp của lập luận này đã giải thích sự lôi cuốn của nó. Thực tế sự rõ ràng ở đây còn mang theo nó một thông điệp cũng rõ ràng không kém về những hạn chế của nó. Bàn tay vô hình chỉ áp dụng tốt nhất trong các tình huống trong đó mọi thứ đều có giá. Trong nhiều trường hợp bên ngoài lĩnh vực kinh tế và ngay cả nhiều trường hợp trong đó, người ta không phải trả tiền phạt cho việc làm hại đến phần còn lại của xã hội và cũng không được thưởng nếu làm điều gì đó tốt cho người khác. Chẳng hạn các nhà sản xuất rất hiếm khi phải trả một khoản tiền tương xứng với việc họ sử dụng bầu không khí sạch, cũng như không được bù đắp cho việc đào tạo một công nhân, người có thể sau đó sẽ bỏ doanh nghiệp và tìm việc làm ở nơi khác. Ở đây, sự ô nhiểm là một hàng hóa không có giá (điều này thực sự không hay chút nào) và vấn đề ở đây là không có một động cơ kinh tế nào kiềm chế lợi ích ích kỷ của doanh nghiệp khi thải ra một lượng lớn chất thải ô nhiễm. Khi một công ty đào tạo người lao động, sản phẩm này không được mua bán trên thị trường, do đó không có mức giá nào để chỉ dẫn hành động của công ty; công ty phải tự cân đối chi phí với lợi ích của chính mình và không thể bắt những người khác trả tiền cho dịch vụ này. Trong nghịch cảnh người tù, khi một người tù thú tội, anh ta đã làm hại những người đồng sự của mình mà không bị phạt về điều đó. Bởi vì có nhiều hoạt động không có giá hoặc không được thương mại hóa nhưng lại rất quan trọng nên không gì là lạ khi các cá nhân hành động một cách ích kỷ thường làm hại những người khác rất nhiều trong khi làm lợi thì rất ít.

Trong khuôn khổ đề tài rất rộng này, thất bại của bàn tay vô hình có thể xảy ra theo nhiều cách. Mỗi người có thể làm điều tốt nhất cho cá nhân mình nhưng kết quả lại là xấu trên quan điểm tập thể giống như trong nghịch cảnh người tù. Quá nhiều người có thể làm điều sai, hoặc mỗi người có thể làm qua nhiều điều sai. Một số trong các vấn đề này có thể sửa chữa bằng các chính sách xã hội; một số vấn đề khác khó khăn hơn. Các phần nhỏ trong chương này thảo luận lần lượt những kiểu thất bại khác nhau. Đối với mỗi kiểu chúng tôi phát triển một ví dụ chính và sau đó chỉ cho bạn thấy vấn đề như vậy nảy sinh rộng rãi như thế nào, đồng thời đề xuất cách giải quyết chúng.

? CON ĐƯỜNG ÍT NGƯỜI QUA LẠI

Có hai con đường chính nối Berkeley với San Fransisco. Một đường bộ đi cầu qua Vịnh còn đường kia là đi bằng phương tiện công cộng – tàu nhanh quá cảnh khu vực cảng (tàu BART). Đường bộ qua cầu là con đường ngắn nhất và nếu đường không đông lắm thì đi xe hơi có thể chỉ mất 20 phút. Nhưng rất hiếm khi bạn có thể đi được như vậy. Chiếc cầu chỉ có bốn làn đường và rất dễ bị tắt nghẽn. Chúng tôi giả sử cứ thêm 2.000 xe (một giờ) sẽ gây ra chậm trễ thêm 10 phút cho tất cả mọi người trên đường. Chẳng hạng với 2.000 xe, thời gian đi lại sẽ tăng lên 30 phút; còn nếu là 4.000 xe thì sẻ phải mất đến 40 phút.

Tàu BART có một vài điểm đổ và người ta đi bộ đếm ga để chờ tàu. Công bằng mà nói đi tàu sẽ mất đến 40 phút, tuy nhiên đã đi tàu thì không bao giờ phải lo tắc đường. Khi có nhiều người đi tàu, người ta nối thêm các toa tàu vào và thời gian đi lại gần như không thay đổi.

Nếu trong giờ cao điểm có đến 10.000 người muốn qua cầu, những người này sẽ chia nhau đi như thế nào giữa hai con đường, Mỗi một người tham gia giao thông sẽ hành động một cách ích kỷ và chọn con đường có thời gian đi lại tối thiểu với họ. Nếu để mặc họ tự xoay sở lấy, 40% sẽ lái xe còn lại 60% sẽ đi tàu. Thời gian sẽ là 40 phút đối với tất cả mọi người. Kết quả này chính là điểm cân bằng của trò chơi.

Chúng ta có thể kiểm tra kết quả này bằng cách đặt câu hỏi nếu như tỷ lệ phân chia khác đi thì sao. Giả sử chỉ có 2.000 người chọn con đường lái xe qua cầu Vịnh. Với mức độ tắc đường được giảm bớt, chuyến đi sẽ mất ít thời gian hơn (30 phút). Khi đó, một số người đi tàu BART sẽ nhận thấy họ có thể tiết kiệm thời gian nếu chuyển sang đi theo cách kia và họ đã làm như vậy. Ngược lại, giả sử có đến 8.000 người đi theo đường cầu Vịnh thì mỗi người sẽ mất 60 phút để đến nơi, một số người trong họ sẽ quyết định chuyển sang đi tàu cho nhanh hơn. Nhưng một khi có đúng 4.000 người lái xe qua cầu Vịnh và 6.000 người đi tàu thì không ai cong được lợi hơn nếu chuyển sang đi hướng khác: những người tham gia giao thông như vậy là đã đạt đến điểm cân bằng.

Chúng ta có thể chỉ ra điểm cân bằng này bằng cách sử dụng một đồ thị đơn giản gần giống như trong Chương 4 khi chúng ta mô tả cuộc thử nghiệm trong lớp học với nghịch lý người tù. Đường thẳng AB biểu diễn 10.000 người đi lại, với số người đi qua cầu Vịnh được tính từ điểm A và số người đi tàu tính từ điểm B. Chiều thẳng đứng biểu thị thời gian đi lại. Đường thẳng dốc lên DEF cho thấy thời gian cho chuyến đi qua cầu Vịnh sẽ tăng lên khi số người lái xe tăng lên. Đường thẳng nằm ngang biểu diễn thời gian không đổi 40 phút của tàu. Các đường thẳng này cắt nhau tại điểm E, cho thấy thời gian của các chuyến đi sẽ bằng nhau khi số người lái xe qua cầu Vịnh, được biểu diễn bởi đoạn thẳng AC với 4.000. Sự mô tả điểm cân bằng bằng đồ thị là một công cụ rất hữu ích, chúng ta sẽ sử dụng nó khá thường xuyên trong chương này.

Liệu điểm cân bằng này có phải là tốt cho toàn bộ tất cả những người đi lại hay không? Không hẳn vậy. Rất dễ tìm ra một mô hình tốt hơn nó. Giả sử chỉ có 2.000 người đi đường cầu Vịnh. Mỗi người trong số họ tiết kiệm được 10 phút. 2.000 người chuyển sang đi tàu vẫn mất đúng số thời gian như trước là 40 phút. Cũng như vậy với 6.000 người đi tàu. Chúng ta sẽ tiết kiệm được một lượng thời gian là 20.000 người-phút (hay khoản 2 tuần) trong tổng số thời gian tham giao thông.

Vì sao có thể có sự tiết kiệm như vậy? Hay nói cách khác, vì sao những người tham gia giao thông lại tự xoay sở lấy mà không để bàn tay vô hình dẫn dắt họ đến một tỷ lệ tối ưu giữa các con đường? Câu trả lời nằm ở chi phí mỗi người sử dụng cầu Vịnh bắt người khác phải gánh chịu. Khi có thêm một người nữa lái xe qua cầu Vịnh, thời gian của người khác cũng sử dụng con đường này sẽ tăng lên một chút ít. Tuy nhiên người mới đến không bị buộc phải trả một cái giá để phản ánh chi phí này. Anh ta chỉ quan tâm đến thời gian đi lại của chính anh ta mà thôi.

Mô hình giao thông nào là tối ưu cho toàn bộ nhóm những người lái xe? Trên thực tế mô hình mà chúng tôi xây dựng với 2.000 xe hơi qua cầu Vịnh và tổng thời gian tiết kiệm được 20.000 người-phút chính là tối ưu. Để kiểm chứng điều đó, hãy thử một vài trường hợp khác. Nếu có tới 3.000 xe qua cầu Vịnh thì thời gian đi sẽ là 35 phút, mỗi người tiết kiệm 5 phút, hay tổng số là 15.000 phút. Nếu chỉ có 1.000 xe qua cầu Vịnh, thời gian tiết kiệm được vẫn chỉ là 15.000 phút. Điểm giữa của hai trường hợp trên với 2.000 xe qua cầu, mỗi người tiết kiệm 10 phút sẽ là mô hình tối ưu.

Mô hình tối ưu được đạt đến như thế nào? Những người ủng hộ kiểu kế hoạch tập trung sẽ nghĩ rằng cần phát hành 2.000 giấy phép sử dụng cầu Vịnh. Nếu họ lo ngại về sự thiếu công bằng khi cho những người có giấy phép đi mất 30 phút trong khi 8.000 người khác phải đi tàu mất 40 phút, họ sẽ sáng chế ra một hệ thống thông minh để cấp luân phiên các giấy phép giữa các công dân của mình hàng tháng.

Một giải pháp dựa trên thị trường sẽ lấy phí của mọi người theo mức độ tổn hại mà họ gây ra cho những người khác. Giả sử rằng mỗi người đều cho rằng giá trị một giờ đồng hồ tương đương 12 đô la, có nghĩa là mọi người sẵn sàng trả 12 đô la để tiết kiệm được 1 giờ. Khi đó hãy thu phí của những người lái xe qua cầu Vịnh và đặt mức phí này cao hơn 2 đô la so với giá vé tàu BART. Mỗi người đi qua cầu chỉ mất 30 phút cộng thêm 2 đô la; mỗi người đi tàu mất 40 phút. Tổng chi phí thực tế là như nhau và không ai muốn chuyển từ đường này sang đường khác nữa. Trong quá trình trên, chúng ta thu về 4.000 đô la tiền phí qua cầu (cộng thêm 2.000 chiếc vé tàu BART nữa), số tiền này có thể được chuyển vào ngân sách của địa phương và do vậy có thể làm lợi cho tất cả mọi người bởi vì họ có thể được giảm thuế nhờ có thêm nguồn thu bổ sung này.

Một giải pháp còn gần với tinh thần của kinh doanh tự do hơn nữa là cho phép sở hữu tư nhân đối với cầu Vịnh. Người chủ cầu nhận thấy rằng người dân sẵn sàng trả tiền để có được lợi thế đi nhanh hơn trên con đường vắng hơn. Do vậy, anh ta sẽ thu phí đắc lợi. Làm thế nào anh ta có thể tối đa hóa lợi nhuận của mình? Tất nhiên là bằng việc tối đa hóa tổng giá trị của số thời gian tiết kiệm được.

Bàn tay vô hình có thể dẫn dắt mọi người đến với một mô hình giao thông tối ưu chỉ khi hàng hóa – “thời gian giao thông” được đặt giá. Với việc thu phí trên cầu để tối đa hóa lợi nhuận, thời gian thực sự là vàng bạc. Những người đi tàu BART đang bán thời gian cho những người sử dụng cầu.

Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy rằng chi phí để thu phí đôi khi vượt quá lợi ích thu được nhờ tiết kiệm thời gian. Tạo ra một thị trường không phải là bữa trưa miễn phí. Chính những trạm thu phí đôi khi là nguyên nhân số 1 gây ra ùn tắc. Nếu đúng như vậy, có lẽ tốt nhất là đành chịu đựng các lựa chọn đi lại không mấy hiệu quả ban đầu.

*************

Trích “Tư Duy Chiến Lược” Vũ Khí Sắc Bén Trong Thương Trường, Chính Trường Và Cuộc Sống
Nguyễn Tiến Dũng Và Lê Ngọc Liên dịch, NXB Tri Thức,2006.

Bình luận


Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI