KARMA CHAGME RINPOCHE

KARMA CHAGME RINPOCHE

Trích: Những Hướng Dẫn Thực Hành Về Sự Hợp Nhất Của Đại Ấn Và Đại Toàn Thiện – Một Con Đường Thêng Thang Tới Tự Do; NXB Thiện Tri Thức.

Karma Chagme Rinpoche chào đời ở vùng Nyomto thuộc Zalmo Gang nằm trong khu vực Do-Kham của vùng đất tuyết Tây Tạng. Chính xác như lời tiên tri của bậc thầy Kim Cương Thừa lừng danh – Guru Padmasambhava – Đức Liên Hoa sanh, Ngài xuất hiện như một Nirmanakaya – Hóa Thân – trên thế giới này vào năm 1613. Cha của Ngài là Đại Thành tựu giả Padma Wangdrak nổi tiếng, và mẹ của Ngài là một Dakini với trí huệ hiển lộ – Chokyong Kyi. Một điều đủ khiến chúng ta tò mò là tại thời điểm mà Ngài chào đời, cha Ngài đã trao truyền cho Ngài quán đảnh trường thọ từ các terma – Tàng kinh của Đức Terton (Người Khám Phá các Tàng Kinh) Ratna Lingpa. Cha Ngài cũng ban cho Ngài cái tên đầu tiên, Wangdrak Sung. Cha Ngài đồng thời cũng là thầy dạy chính cho đến khi Ngài lên mười một tuổi. Trong thời gian đó, Wangdrak Sung trẻ tuổi đã được học đọc và viết, thực hiện các nghi lễ tâm linh, ghi nhớ các văn bản, và ngồi thiền tĩnh lặng hàng giờ liền.

Ngài vốn là một học trò thông minh và nhanh chóng thành thạo mọi thứ được chỉ dạy. Đến năm 11 tuổi, Ngài đã gặp một trong những vị thầy quan trọng của mình từ tiền kiếp, Đức Prawashara – vị ẩn sĩ của thời đại. Sau khi nhận được rất nhiều các quán đảnh, trao truyền, chỉ dẫn trực tâm quan trọng từ thầy, Wangdrak Sung đã đi lang thang trong vùng đất thiêng liêng và những nơi nhiều năng lượng để thực hành và hoàn thành nội quán. Cuối cùng Ngài hoà nhập thành vị bổn tôn quán đảnh và đạt được những dấu ấn xác thực của sự chứng ngộ. Sau đó, Wangdrak Sung đã nhận được trao truyền quan trọng về Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và dòng truyền thừa Đại Ấn từ Kun-ga Namgyal của Drungpa Tserlung.

Ở tuổi 19, Wangdrak Sung quyết tâm từ bỏ lối sống của một người chủ gia đình và đi đến chỗ Đức Karmapa, Tu viện Tsurphu, để thọ giữ giới xuất gia. Tại đây, Ngài đã nhận những giới luật của việc quy y Tam Bảo, của Sa di, và của Tỳ kheo. Sau khi trở thành một tu sĩ, Ngài gia nhập vào Tu viện Nyingling Thuoten theo truyền thống Zurmang. Lúc này Wangdrak Sung được biết đến với pháp danh của mình, Karma Chagme. Ngài phục vụ tu viện với lòng kính ngưỡng chân thành và cùng tánh siêng năng của mình, Ngài dần thông thạo tất cả các bản luận ngắn và dài.

Trong năm con rồng, Đức Karmapa và 2 người con tâm linh của mình đã đến Tu viện Zurmang. Trong thời gian các vị ở tại đây, Karma Chagme đã nhận được nhiều quán đảnh, trao truyền, và chỉ dẫn trực tâm quan trọng. Trong đó có những lời chỉ dạy về Đại Ấn, hay còn gọi là Đại Ấn đồng biểu hiện. Sau đó, Karma Chagme đi theo Đức Karmapa trong suốt một năm rưỡi và theo Ngài nhập thất. Karma Chagme nhận được nhiều hướng dẫn thêm, và trở nên nổi tiếng khắp Tây Tạng. Vào năm 21 tuổi, theo yêu cầu, Ngài tham dự một buổi khảo thí chung tại Đại lễ Cầu nguyện của dòng truyền thừa Karma Kagyu trước sự tập hợp của 12.000 tu sĩ. Sau đó, danh tiếng của Ngài tăng lên khi Ngài dùng 2 ngón tay của mình làm đèn bơ cúng dường. Hành động kỳ lạ này diễn ra lần đầu tiên tại buổi tịch diệt của Đức Karmapa và sau đó là trước hình ảnh của Đức Jowo Rinpoche trong điện thờ trung tâm ở Lhasa khi Ngài thọ giữ Bồ Tát Giới.

Sau khi thực hiện nhiều hành động kỳ diệu, Karma Chagme tan biến và hóa hiện thành hình tướng Đức Gyalwa Gyatso (một hiện thân của Đức Quan Thế Âm), vị bổn tôn chính của Ngài. Ngài nhập thất miên mật trong 13 năm liền, trong khoảng thời gian này, Ngài đã viết nhiều bài bình luận quan trọng. Khi thời hạn nhập thất gần kết thúc, Karma Chagme công nhận và tôn phong vị Terton trẻ Min-Gyur Dorje. Cùng lúc đó, Ngài trao nhiều quán đảnh và trao truyền cốt lõi cho các vị khám phá tàng kinh. Những trao truyền này đánh thức nhận thức an trụ bên trong, và qua đó, phước lành bắt đầu biểu lộ như một kho tàng tiền kiếp từ thời Ngài còn sống với Đức Guru Padmasambhava vĩ đại. Khi được gợi nhớ lại trong vô lượng kiếp quá khứ, vị Terton trẻ Min-Gyur Dorje bắt đầu có những thị kiến về vô số các vị bổn tôn. Từ đó giải phóng một kho tàng của những trao truyền quý báu. Karma Chagme được xem như là một vị nắm giữ các tàng kinh, hay nói cách khác Ngài là một người sao chép và lưu giữ những trao truyền của các tàng kinh ấy.

Sau khi hoàn tất khoá nhập thất, Karma Chagme tiếp tục hướng dẫn nhiều nghi lễ thành tựu to lớn và quan trọng, và ban phước cho tâm của tất cả những ai có mặt. Thêm vào đó, Ngài đã ban quán đảnh Namcho – Tàng kinh dấu trong hư không, Pháp do terton Min-Gyur Dorje khám phá, và những Tàng kinh của vị vua của các terton vĩ đại, Ratna Lingpa. Ngài đã viết một bài luận quan trọng, Phật quả trong lòng bàn tay, kết hợp hai dòng truyền thừa kho tàng vĩ đại này, làm sáng tỏ các đối tượng khai mở bên ngoài và bên trong, các nguồn năng lượng quan trọng, các kinh mạch và dịch lỏng, nội nhiệt thần bí, tánh Không nhiều phước đức, cắt đứt phiền não để trở về tình trạng bản nhiên thanh tịnh, và vượt thoát để đến với thực tại tự phát. Bên cạnh đó, Ngài đã viết một văn bản kết hợp các hướng dẫn thực hành mà Ngài đã nhận được về Đại Ấn và Đại Toàn Thiện. (Một phần văn bản này được dịch trong quyển sách này). Người sáng lập truyền thống Payul của dòng truyền thừa Nyingma – Cổ Mật, Vidyadhara Kunzang Sherap, nhận được tất cả những trao truyền quan trọng trực tiếp từ Karma Chagme. Một cách đáng chú ý, dòng truyền thừa này đã trở thành trung tâm của truyền thống Payul và đã được thực hành liên tục cho đến thời điểm hiện tại.

Đại Thành tựu giả Karma Chagme Rinpoche, chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm trong thế giới của những ảo mộng này, và Ngài đã nhập tịch vào năm 1678 sau khi công bố cho hàng ngàn học trò của mình rằng đã đến lúc Ngài thay đổi các cõi sống. Cùng với những dấu hiệu tâm linh đặc biệt, Ngài hoà tan tâm mình vào tâm của Đức Phật A Di Đà. Trong suốt mười bảy ngày liên tục, các nghi lễ sau khi chết đã được thực hiện bởi nhiều Lạt ma và tu sĩ tụ hội lại để tôn vinh người thầy cao quý của họ. Trong vô vàn những dấu hiệu kỳ diệu xảy ra trước, trong và sau khi hỏa táng, rất nhiều hình ảnh của Đức Quán Thế Âm Gyalwa Gyatso đã được tìm thấy nổi trên xương của vị hành giả vĩ đại này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIỂU SỬ PATRUL RINPOCHE
  2. TIỂU SỬ TÔN GIẢ TỊCH THIÊN (SHANTIDEVA)

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG