GREGG BRADEN
Ngoài việc vừa giúp bọn nhóc của chúng ta đến nơi tập bóng trong khi các thành viên còn lại của đội vẫn đang ở trên sân vừa đảm bảo rằng chúng ta có mặt đúng giờ ở sân bay để kịp chuyến bay khởi hành, thì thời gian thật sự là gì? Có phải những giây đồng hồ giữa các phút tạo nên một ngày của chúng ta là tất cả những gì ngăn không cho mọi thứ cùng xảy ra cùng một lúc như câu trích dẫn của John Wheeler ở đầu chương này hay không? Liệu thời gian có tồn tại nếu không một ai nhận biết về nó hay không?
Có lẽ một câu hỏi sâu sắc hơn chính là liệu những thứ xảy ra trong thời gian đều là “không thể thay đổi” hay không. Có phải những sự kiện của vũ trụ đều đã được khắc sẵn vào một dòng thời gian vốn chỉ đơn giản là đang diễn ra như cuộc sống của chúng ta hay không? Hoặc thời gian có phải là thứ có thể bẻ cong bằng cách nào đó hay không? Và nếu vậy, những sự kiện bên trong thời gian có thể thay đổi được hay không?
Tư duy theo lẽ thường gợi ý rằng thời gian chỉ chuyển dịch theo một hướng – tiến lên phía trước – và trên thực tế việc gì đã xảy ra đều được lưu giữ trong khung thời gian và không gian. Tuy nhiên những bằng chứng thí nghiệm chỉ ra rằng các ý tưởng về quá khứ và hiện tại của chúng ta có thể không gọn gàng và ngăn nắp đến vậy. Thời gian dường như không chỉ di chuyển theo hai hướng như Einstein đã chỉ ra mà nó còn có vẻ cho thấy như thể là những lựa chọn của ngày hôm nay có thể thực sự thay đổi những gì đã diễn ra ở ngày hôm qua. Vào năm 1983, một thí nghiệm được thiết kế để kiểm nghiệm những khả năng như vậy. Kết quả diễn ra hoàn toàn trái ngược với lối tư duy thông thường về thời gian mà chúng ta lâu nay vẫn tuân theo và những gợi ý rút ra từ những kết quả này thật đáng kinh ngạc.
Với cuộc điều tra này, nhà vật lý John Wheeler đã đề xuất sử dụng một biến thể của thí nghiệm khe đôi nổi tiếng để kiểm tra hiệu ứng của hiện tại vào quá khứ. Đây là bản tóm tắt ngắn gọn về thí nghiệm gốc được mô tả trong Chương 2. Một hạt lượng tử (một hạt photon) được bắn vào một mục tiêu có thể xác định cách hạt đó đi đến đích như thế nào – ở dạng hạt vật chất hay dạng sóng năng lượng. Tuy nhiên, trước khi hạt đó chạm đến mục tiêu, nó phải vượt qua một lỗ hổng trên một lớp rào chắn. Điều bí ẩn là hạt photon dường như bằng cách nào đó “đã biết” khi nào thì rào chắn có một lỗ hổng và khi nào thì có hai lỗ hổng. Khi rào chắn có duy nhất một lổ hổng, hạt di chuyển và đến đích theo đúng cách thức mà nó đã khởi hành chuyến đi: ở dạng hạt. Tuy nhiên khi có sự hiện diện của hai lỗ hổng, mặc dù khởi đầu thí nghiệm ở dạng hạt, nó di chuyển như một sóng năng lượng đi qua cả hai lỗ hổng cùng lúc và hành xử như một sóng năng lượng khi tới đích.
Kết quả: Người ta xác định rằng do các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm là những người duy nhất biết về các lỗ hổng trong lớp rào cản, cái họ biết phần nào ảnh hưởng đến cách hành xử của hạt photon.
Biển thể thí nghiệm này của Wheeler có thêm một điểm khác biệt mấu chốt được thiết kế để kiểm tra các ý tưởng của ông về quá khứ và hiện tại. Ông đã thay đổi thí nghiệm để người ta chỉ quan sát được hạt photon sau khi nó đã đi qua rào cản nhưng vẫn trước khi nó chạm đích. Nói theo cách khác, hạt photon vốn đã ở trên đường đến mục tiêu khi quyết định (của người quan sát) được đưa ra.
Ông đã thiết kế hai phương thức rất khác nhau để biết rằng hạt photon đã đến đích: Một cách sử dụng một thấu kính để “quan sát” hạt photon bằng hình ảnh dưới dạng hạt trong khi cách còn lại sử dụng một màn để cảm nhận hạt photon dưới dạng sóng. Điều này rất quan trọng do các thí nghiệm trước đã cho thấy rằng các hạt photon hoạt động theo cách mà chúng đã được kỳ vọng tùy theo cách mà người ta quan sát chúng – nghĩa là, chúng ở dạng các hạt khi được đo lường theo dạng các hạt và ở dạng sóng khi chúng được đo lường theo dạng sóng.
Do vậy trong thí nghiệm này, nếu người quan sát chọn quan sát hạt photon dưới dạng hạt, thấu kính sẽ chờ sẵn ở đó và hạt photon sẽ chỉ đi qua duy nhất một khe. Nếu người quan sát chọn nhìn nó theo dạng sóng, tấm màn sẽ ở sẵn đó và hạt photon sẽ đi qua cả hai khe dưới dạng sóng. Đây là lý lẽ không thể chối cãi: Quyết định được đưa ra sau khi thí nghiệm đã bắt đầu và đang diễn ra (hiện tại), tuy nhiên nó lại quyết định cách hành xử của hạt photon khi mà thí nghiệm vốn đã bắt đầu (quá khứ). Wheeler đặt tên cho bài kiểm tra này là thí nghiệm lựa chọn trễ.
Dựa trên phương thức điều tra này, dường như thời gian mà chúng ta biết đến trong thế giới của chúng ta (cấp độ vật lý) không có ảnh hưởng gì đối với thế giới lượng tử (cấp độ năng lượng). Nếu một lựa chọn trễ quyết định cách thứ gì đó đã xảy ra trước đấy trong quá khứ thì Wheeler đề xuất rằng ông sau đấy “có thể chọn biết về một đặc tính sau khi sự kiện đáng lý đã xảy ra. Những ẩn ý trong điều mà ông nói mở ra cánh cửa cho một khả năng đầy sức mạnh về mối quan hệ của chúng ta với thời gian. Wheeler đang gợi ý rằng những lựa chọn mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay trên thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến những thứ vốn đã xảy ra trong quá khứ. Và nếu đúng là như vậy thì điều này có thể thay đổi tất cả mọi thứ!
Vậy thì điều đó có đúng không? Quyết định mà chúng ta thực hiện ngay lúc này có chi phối hay thậm chí định đoạt những gì vốn đã xảy ra hay không? Mặc dù chúng ta đều nghe các bậc thánh nhân dạy rằng chúng ta có sức mạnh để vượt lên những nỗi đau sâu sắc nhất, vậy năng lực đó có thể viết lại các sự kiện trong quá khứ là nguồn cơn dẫn đến những nỗi đau đó hay không? Khi chúng ta thậm chí đặt ra một câu hỏi như vậy, thật khó lòng cưỡng lại ý nghĩ về việc mọi thứ sẽ trở nên rối tinh rối mù như thế nào khi nhân vật chính trong phim Back to the Future, Marty McFly (do Michael J. Fox thủ vai) có cơ hội để làm vậy. Tuy nhiên, hãy hình dung về các khả năng, lấy ví dụ, giả như chúng ta có thể học hỏi từ nỗi đau của các cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ trước hay cuộc ly hôn đau đớn mà chúng ta vừa trải qua và đưa ra những lựa chọn của ngày hôm nay sẽ ngăn không cho những bi kịch đó xảy ra. Nếu chúng ta có thể, khả năng đó sẽ tương đương với một cục tẩy lượng tử cho phép chúng ta thay đổi tiến trình của các sự kiện đã gây ra nỗi đau cho chúng ta.
Đây chính xác là câu hỏi này đã dẫn tới một biến thể thí nghiệm khe đôi khác. Thật thú vị là biến thể này thực sự có tên gọi là thí nghiệm “tẩy xóa lượng tử”. Mặc dù tên thí nghiệm nghe có vẻ phức tạp nhưng nó rất dễ giải thích và ý nghĩa của thí nghiệm này mang lại là rất lớn.
Điểm mấu chốt của những gì mà thí nghiệm này chứng minh là hành vi của các hạt khi thí nghiệm bắt đầu dường như được xác định hoàn toàn bởi những thứ thậm chí còn chưa xảy ra cho đến khi thí nghiệm kết thúc. Nói cách khác, hiện tại có sức mạnh thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và đây chính là thứ được gọi là hiệu ứng tẩy xóa lượng tử: Những thứ xảy ra sau sự kiện có thể thay đổi (“tẩy xóa”) phương thức các hạt hoạt động ở một thời điểm trước đó.
Câu hỏi ở đây thật hiển nhiên: Hiệu ứng này chỉ áp dụng với các hạt lượng tử hay nó cũng đúng luôn với cả chúng ta?
Ngay cả khi chúng ta được cấu thành từ các hạt này, có lẽ ý thức của chúng ta chính là chất keo kết nối chúng ta với các sự kiện – chiến tranh, nỗi đau khổ, ly hôn, nghèo đói và bệnh tật – mà chúng ta coi là thực tại. Hay có lẽ thứ gì đó khác đang diễn ra: đó có thể là chúng ta vốn đã thay đổi quá khứ của mình khi chúng ta học hỏi được từ những lỗi lầm của bản thân và chúng ta từ trước tới nay vẫn luôn làm vậy. Những lựa chọn của chúng ta phản ánh ngược trở lại theo thời gian là việc thông thường đến nỗi nó diễn ra mà chúng ta không hay biết hay thậm chí không mảy may nghi ngờ gì về nó.
Có lẽ thế giới mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay, dẫu đôi lúc dường như vô cùng khắc nghiệt, chính là thành quả của những gì mà chúng ta vốn đã lĩnh hội khi được phản chiếu ngược thời gian. Đó chắc chắn là điều cần phải suy nghĩ và vào thời điểm hiện tại có vẻ như các nghiên cứu ủng hộ khả năng này. Nếu điều này là đúng và thế giới của chúng ta trên thực tế hành động như một vòng lặp phản hồi vũ trụ – với các bài học của hiện tại làm thay đổi quá khứ – thì hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa gì! Ít nhất, nó ám chỉ rằng thế giới mà chúng ta thấy ngày nay là kết quả của cái mà chúng ta vốn đã học được. Và nếu không có những bài học của chúng ta, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, phải không nào?
Bất kể liệu chúng ta có chi phối quá khứ hay không, điều rõ ràng là những lựa chọn mà chúng ta đưa ra giờ đây quyết định hiện tại và tương lai. Và tất cả ba thời điểm – quá khứ, hiện tại và tương lai – tồn tại bên trong Ma Trận Thần Thánh. Vì đã trở thành một phần của Ma trận, chúng ta có thể giao tiếp với nó theo cách có ý nghĩa và hữu dụng cho đời sống của chúng ta. Và theo như các thí nghiệm khoa học cũng như những truyền thống tâm linh đáng quý mà chúng ta tôn vinh nhất, chúng ta thực sự giao tiếp với Ma trận. Mẫu số chung của những cuộc nghiên cứu trong các chương trước được nhân lên gấp đôi:
- Chúng cho chúng ta thấy chúng ta là một phần của Ma Trận Thần Thánh.
- Chúng chứng minh rằng cảm xúc con người (niềm tin, kỳ vọng và cảm xúc) là ngôn ngữ mà Ma Trận Thần Thánh nhận ra.
Thật thú vị là, mặc dù có lẽ là trùng hợp, đây chính là những trải nghiệm được trích dẫn lại từ các văn bản kinh thánh của Cơ đốc giáo và đã không được văn hóa phương Tây khích lệ. Tuy nhiên, ngày nay, tất cả những điều đó đều đang thay đổi. Đàn ông đang được khuyến khích tôn vinh cảm xúc của họ và phụ nữ đang khám phá những phương thức mới để thể hiện sức mạnh vốn là một phần bản chất tồn tại của họ. Thật rõ ràng rằng cảm xúc, cảm nhận và đức tin là ngôn ngữ của Ma Trận Thần Thánh và có một đặc tính cảm xúc cho phép chúng ta trải nghiệm trường năng lượng kết nối vũ trụ theo những cách thức mạnh mẽ, chữa lành và tự nhiên.
Câu hỏi hiện giờ là: “Nếu chúng ta trò chuyện với Ma Trận Thần Thánh, chúng ta làm thế nào để biết khi nào thì Ma Trận đáp lời chúng ta?” Nếu những cảm xúc, xúc cảm, đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta đang cung cấp bản thiết kế chi tiết cho chất liệu lượng tử của vũ trụ thì cơ thể, cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta đang nói cho chúng ta biết gì về vai trò của của chúng ta trong cuộc trò chuyện này? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhận ra nửa sau của cuộc đối thoại của chúng ta với vũ trụ. Vậy, chúng ta có hiểu những thông điệp từ Ma Trận Thần Thánh không?