TAITETSU UNNO
Giáo sư Taitetsu Unno – một trong những người có thẩm quyền nhất về Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản.
______________
Điều gì xảy ra khi một người chết? Ông hay bà ấy đi đâu? Có cái gì sống mãi hay không? Có cái gì là ý nghĩa cho sự việc chết? Những câu hỏi này thường được nhiều người hỏi, dù có tôn giáo hay không. Những người Phật giáo xem những câu hỏi này là nghiêm trọng, bởi vì những câu trả lời liên quan đến việc chúng ta sống ở cuộc đời không thể lập lại này như thế nào.
Phật giáo khuyến khích người ta đối diện với cái chết một cách thẳng thắn để thức dậy với một thực tại còn nguyên sơ, căn bản hơn đời sống và cái chết. Hơn là ám ảnh bởi cái chết, nó cung cấp cho một sự mở ra để cảm kích và tôn vinh đời sống chân thật và thực sự. Như thế, những lễ tang và lễ giỗ được tuân thủ vì sự sống cũng nhiều như cho người chết. Nó cung cấp cơ hội khác cho sự lắng nghe sâu xa Phật Pháp. Vấn đề cái chết cần thiết đi vào toàn thể hiện thể của chúng ta với ý nghĩa của đời sống.
Một vài năm trước một thảm cảnh khủng khiếp xảy ra trong thành phố của tôi. Một bà mẹ trẻ và đứa con trai nhỏ bị giết một cách tàn nhẫn bởi cha của đứa bé. Điều này tàn phá gia đình và chấn động cộng đồng. Bà của đứa bé cực kỳ đau đớn và sau đó bà hỏi tôi cái gì xảy ra khi người ta chết. Câu hỏi của bà không phải từ tôn giáo, nên tôi cố gắng hết sức để có một sự trả lời bà có thể hiểu nhưng còn thúc đẩy bà đi đến một sự tìm kiếm tôn giáo.
Tôi sống trong rừng ngoại ô thành phố, thỉnh thoảng chúng tôi thấy những con chuột đi vào căn gác xép của chúng tôi. Đôi khi tôi ngồi yên lặng, tôi có thể nghe những con chuột “chơi đá bóng” trên trần nhà. Tôi ngồi đó tự hỏi điều gì xảy ra trên đó, nhưng tôi không thể thấy qua trần nhà để biết. Tôi ăn ba bữa mỗi ngày, nhưng tôi không biết điều gì xảy ra trong bao tử, ruột gan tôi. Tôi lái xe đi làm mỗi ngày, nhưng tôi thực sự không biết cái gì diễn ra dưới sàn xe. Tôi sống trong một căn nhà tiện nghi, nhưng mới đây cúp điện tôi không biết phải làm gì. Mẹ tôi tám mươi tám tuổi, rất lanh lợi với một tâm thức sôi nổi, nhưng tôi không dò được những ý nghĩ hay cảm giác của bà.
Sự bất lực này trải dài đến những chân lý siêu hình học : trong một thí dụ nổi tiếng của Phật giáo nguyên thủy về mũi tên tẩm độc, một nhà sư trẻ, Malunkyaputta, không vui bởi vì đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi siêu hình học. Chúng gồm mười bốn câu hỏi không được trả lời, như vũ trụ có cùng tận hay không cùng tận, thế giới vĩnh cửu hay không, một vị thánh có sống sau khi chết hay không v.v…
Đức Phật nói với nhà sư rằng lời dạy của ngài không phải để trả lời những câu hỏi siêu hình học, bởi vì con đường Trung Đạo của ngài là con đường thực hành nhằm giải quyết những vấn nạn trực tiếp của cuộc sống. Rồi ngài cho một thí dụ. Đức Phật hỏi, nếu anh đang đi trong rừng và bị một mũi tên độc bắn trúng, anh làm gì? Anh sẽ nhổ mũi tên ra lập tức hay trước hết anh hỏi những câu hỏi về mũi tên và yêu cầu những câu trả lời trước khi làm bất cứ điều gì? Những câu hỏi không cùng có thể khởi lên – ai bắn tên, người ấy từ đâu đến, thuộc giai cấp nào, người ấy giống ai, ai làm ra thuốc độc?
Việc có ý nghĩa là tức khắc rút mũi tên độc ra và để cho tiến trình chữa lành bắt đầu. Giáo lý của đức Phật là để giáp mặt với những vấn nạn thực tiễn, hàng ngày và tìm thấy những giải pháp khả thi. Nó không quan tâm với những câu hỏi không thể chứng thực bằng kinh nghiệm. Câu hỏi về sự việc chết cũng được tiếp cận theo cách ấy.
Thứ nhất, sự bất lực của chúng ta không thể biết cái gì xảy ra cho một người sau khi chết là bằng cớ hiển nhiên của trí năng hạn hẹp của chúng ta. Điều này bắt chúng ta phải xem xét đời sống của chính mình. Khi làm thế, chúng ta đối diện với sự hữu hạn của chính chúng ta – rằng chúng ta không sống mãi mãi. Bấy giờ chúng ta bắt đầu hỏi những câu hỏi căn bản thường lãng quên trong đời sống hàng ngày: Tôi là ai, tôi sống vì mục đích gì, đời sống đến từ đâu, nó đi về đâu?
Thứ hai, khi nỗ lực để hiểu, chúng ta ý thức được rõ ràng rằng một số vấn đề trong cả đời sống và cái chết không có câu trả lời. Nếu là như vậy, công việc của chúng ta là yêu quý khoảnh khắc sống này, chăm sóc tốt cho thân thể, mở lòng và trí ra với những người khác, trân trọng những tình bạn, và sống trọn vẹn ở đây và bây giờ. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta đến chỗ thấy cái chết trong một ánh sáng khác. Cái chết không đe dọa chúng ta từ bên ngoài ; nó luôn luôn ở trong chúng ta từ khi sanh ra. Chúng ta sẽ thấy cả hai cái sống và chết là những biểu lộ của một tiến trình tự nhiên. Khi thức tỉnh với sự kiện này, những hiểu biết về sự việc chết dần dần biến đổi thành một sự cảm kích tri ân sâu xa đời sống này.
Thứ ba, bởi vì một sự cảm kích tri ân như thế vượt khỏi lý trí hay suy nghĩ lý luận quy ước, nó không thể hiểu bằng chỉ một mình cái ngã hẹp hòi. Nhưng khi chúng ta thức tỉnh, được Ánh Sáng của lòng bi chạm đến, chúng ta sẽ thấy nó rõ ràng. Đời sống dồi dào luôn luôn ở đây với chúng ta, nhưng hiếm khi chúng ta nhận ra nó vì sự chú ý của bị trệch hướng. Đời sống của chúng ta có thể được là nhờ những tặng phẩm không khí, ánh sáng mặt trời và nước, nhưng chúng ta không nghĩ đến chúng và thậm chí ít tỏ lộ sự biết ơn đối với chúng. Bây giờ, lòng bi vô biên thấm nhuần không chỉ đời sống mà còn cả cái chết của chúng ta ; nó thấm vào vũ trụ thấy được và không thấy được, nó xuyên qua sự sống và cái chết của chúng ta. Thiền sư Đạo Nguyên nói chính xác: “Đời sống là sự biểu lộ của công việc toàn khắp năng động; cái chết là sự biểu lộ của công việc toàn khắp năng động.”
Tất cả điều này chứa đựng trong Danh Hiệu kêu gọi, âm vang của “Nam mô A Di Đà Phật.” Bất kể ai, cái gì hay ở đâu, dù sống hay chết, mỗi chúng ta là nam mô, nối kết không tách lìa với đời sống năng động là A Di Đà Phật. Như thế, bất cứ nơi nào “Nam mô A Di Đà Phật” được trổi lên, tất cả chúng sanh trong đời sống và trong cái chết thực sự sống lần đầu. Sự phân chia giữa cái sống và chết được vượt qua bởi Danh Hiệu kêu gọi.
Câu hỏi cháy bỏng khi bạn tôi chấm dứt cuộc đời anh là, Bạn tôi có hạnh phúc bây giờ không ? Nhưng với năm tháng trôi qua tôi nhận ra rằng chúng sanh chúng ta, đang lang thang trong bóng tối của vô minh, chúng ta không bao giờ có thể biết cái gì vượt ngoài cuộc sống này. Thậm chí chúng ta không thể biết những sự vật rõ ràng nhất – tâm thức của người khác, cái gì xảy ra trong phòng trên trần, cái gì chờ đợi chúng ta ngay khoảnh khắc tiếp theo của đời sống. Sự không thể biết mọi sự là sự định nghĩa chính xác nhất của cái gọi là con người. Tuy nhiên, không thật sự biết chính mình như vậy, chúng ta không bao giờ có thể thỏa mãn với những thành công xã hội hay vật chất, và chúng ta không bao giờ có thể biết sự thành tựu hoàn mãn chân thật là gì.
Đã được soi sáng, thậm chí yếu ớt, với thực tại của sự tự mê lầm của tôi, tôi đến chỗ thấy chính mình là đối tượng của lòng bi vô biên. Nhưng tôi không thấy chỉ chính tôi – tôi còn thấy bạn Teruo của tôi là mối quan tâm tối hậu của đại bi. Nhưng năm tháng trôi qua, anh còn hơn là thế, vì tôi đến chỗ thấy anh càng ngày càng là một bồ tát đến từ cơn lốc của lòng bi vô biên để hướng dẫn tôi vào vũ trụ của đời sống chân thường.
Bất cứ lúc nào nghĩ về người bạn đã ra đi của tôi, tôi nhớ lại bài thơ được chuyền tay trong những tín đồ Phật giáo Chân tông. Trong sự nhớ thương những người thân yêu của chúng ta, chúng ta nghe lời kêu gọi thiết tha của họ :
Nếu bạn mất tôi,
Hãy niệm Nam Mô A Di Đà Phật
Cho tôi, vì tôi cũng sống
Trong sáu chữ này.
Niệm Phật không phải là một câu vô tình mà là một xác định vĩ đại đời sống trong đó chúng ta khám phá ra rằng cả sống và chết chứa đựng ý nghĩa không cùng tận. Trong một sự cảm kích tri ân như vậy chúng ta lấy lại sức mạnh và can đảm để sống mỗi khoảnh khắc một cách trọn vẹn và biết ơn, trải rộng lòng bi đến tất cả chúng sanh vô tận.
___***___
Nguồn: Sông Lửa Sông Nước – Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, Việt dịch: An Cư – Thiện Tri Thức, 2001