INAMORI KAZUO
Trích: Cách Sống-Từ bình thường trở nên phi thường/ Inamori Kazuo; Nguyễn Hữu Lợi dịch; tái bản lần 7; NXB Lao Động – Thaihabooks; 2017
—–❤❤❤—–
Có một kho tàng trí tuệ mang đến cái nhìn thấu suốt cho con người
Tôi cho rằng kết quả đó nếu không phải do ngẫu nhiên thì cũng không phải do tài năng của tôi.
Ở đâu đó trong thế gian này, trong vũ trụ này, tồn tại một “kho tàng trí tuệ”. Chẳng phải mỗi lần lấy ra được hoặc vớt lên được một “túi khôn” trong “kho tàng trí tuệ” đó thì trong óc ta lại nảy ra ý tưởng mới, sáng kiến mới hay khả năng sáng tạo mà bản thân ta hoàn toàn không ngờ tới đó sao?
“Kho tàng trí tuệ”, hay gọi cách khác là “Giếng trí khôn” đó không thuộc sở hữu của con người mà là con người được Trời Phật ban cho khả năng tư duy – lĩnh hội những chân lý phổ biến tích trữ trong kho tàng trí tuệ – nên tri thức mà loài người có được ngày một phong phú và nền văn minh nhân loại ngày càng phát triển.
Bản thân tôi cũng như có một điều gì đó thúc đẩy tôi miệt mài nghiên cứu. Có thể lúc ấy tôi đã may mắn tiếp xúc được với một phần của “kho tàng trí tuệ” nên mới phát huy được năng lực sáng tạo và gặt hái thành công.
Tôi sẽ trình bày điều này kỹ hơn ở chương sau.
Là người sáng lập giải thưởng Kyoto, tôi xin dành giải thưởng này cho các nhà nghiên cứu – những người thành công trong việc tìm ra những vùng đất mới trong các lĩnh vực công nghệ – mang lại lợi ích cho con người.
Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên – mỗi khi tiếp xúc với những người ấy – là họ đều giống nhau ở giây phút được tiếp nhận cảm hứng sáng tạo như được Trời ban cho.
Giây phút đó có khi chợt đến trong quá trình nỗ lực nghiên cứu, hoặc trong lúc nghỉ ngơi mà cũng có khi chợt đến trong giấc mơ.
Edison(*) có những phát minh mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực là kết quả của quá trình lao động miệt mài, chẳng phải là ông đã nhận được cảm hứng sáng tạo từ “kho tàng trí tuệ” của vũ trụ đó sao?
Mỗi khi nhớ tới thành tựu của các nhà phát minh tiền bối vĩ đại, tôi càng xác tin mạnh mẽ rằng: Loài người đã thủ đắc “trí khôn” kĩ thuật từ “kho tàng trí tuệ” vũ trụ, biến nó thành năng lực sáng tạo cá nhân, tạo ra vô vàn sản phẩm công nghệ, thúc đẩy nền văn minh.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận và mở được cánh cửa “kho tàng trí tuệ” của vũ trụ?
Để làm được điều đó, chỉ có một cách duy nhất là miệt mài lao động, suy nghĩ, nghiên cứu với nhiệt huyết cháy bỏng.
Trời Phật sẽ soi sáng, đưa đường chỉ lối và ban tặng một phần “kho tàng trí tuệ” cho những người luôn hướng thiện, ấp ủ điều thiện trong lòng và ngày đêm miệt mài lao động, nghiên cứu tìm tòi.
Nếu không suy nghĩ như vậy thì sẽ không giải thích được, vì sao một người tri thức còn non nớt, kỹ năng còn yếu kém, kinh nghiệm còn mỏng manh, không có trong tay những thiết bị tinh vi lại có thể có được phát minh độc đáo như vậy.
Thời đó, tôi đã vùi đầu vào nghiên cứu, ăn cùng công việc, ngủ cùng công việc. Tôi làm việc say mê đến mức mọi người đều nghĩ rằng tôi bị điên.
Bởi tôi ấp ủ khao khát làm được một điều gì đó nên đã lao động quên mình với toàn bộ sức lực. Và phần thưởng dành cho những tháng ngày miệt mài đó chẳng phải là tôi đã nhận được một phần nhỏ trong “kho tàng trí tuệ” của vũ trụ đó sao?
—–❤❤❤—–
Chú thích: Thomas Alva Edison (1847-1931) nhà phát minh người Mỹ đã phát minh ra điện thoại, bóng điện, thiết bị X-quang, máy chiếu phim. Cả cuộc đời ông có tới hơn 1300 phát minh nên đã được mệnh danh là “vua phát minh” (ND)