KHOA HỌC NÃO BỘ VÀ THIỀN CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

QUÁN NHƯ PHẠM VĂN MINH

Trích “Khoa Học Não Bộ Và Thiền Chánh Niệm”, Quán Như Phạm Văn Minh,
NXB Văn Hóa – Văn Nghệ  TP.HCM, Năm 2015

Quán Như Phạm Văn Minh tác giả quyển sách “Khoa Học Não Bộ Và Thiền Chánh Niệm Tỉnh Giác” là một giám định viên Ngôn Ngữ cho Viện Ngôn Ngữ (Institute of Languages), Đại học NSW, Sydney Úc.

Nội dung quyển sách này chú trọng đến những khám phá mới về vận hành của não khi thực hành Chánh niệm qua ánh sáng khoa học.

???

Điều đáng ngạc nhiên và thú vị khi các nhà Khoa học Não Bộ dùng kiến thức để minh chứng cho những nguyên lý căn bản của Phật giáo từ Khổ, Vô thường, Vô ngã đến Giới, Định, Huệ, Tương tức Tương nhập… như một Phật tử, chứ không phải là những nhà khoa học! Vào cửa Thiền bằng cánh của Vô môn cũng tốt huống nữa là bằng triết lý hay nghệ thuật, nhưng nếu biết chúng ta có thể vào Thiền bằng cánh cửa khoa học lại càng tốt hơn.

Não bộ chỉ nặng khoảng một ký rưỡi, nhìn từ bên ngoài giống như một bông cải, các mô phần lớn sền sệt giống như đậu hủ, có chừng 1.1 ức (Trillion), trong đó có 100 tỷ tế bào não. Nhà tâm lý não bộ Canada Donald Hebb sau một thời gian nghiên cứu hoạt động của bộ não đã kết luận là “Neurons fire together, wire together” (những tế bào thần kinh nào dùng sóng điện liên lạc với nhau sẽ kết hợp và tăng cường cho nhau). Chúng ta dùng Não để thay đổi Tâm và dùng Tâm để thay đổi Não. Nếu chúng ta biết “cơ chế” hoạt động của Não, chúng ta có thể có một khung thực hành tích cực để thay đổi các tế bào não và làm “Tâm” tốt hơn. Khi Não hoạt động tích cực hơn, Tâm sẽ gạn lọc bớt phản ứng và làm giảm những tình cảm tiêu cực như thù hận, lo âu, trầm cảm… và đáp ứng hỗ trợ các tình cảm tích cực như vui vẻ, an lạc với kích thích bên ngoài.

Trong trạng thái tích cực và thành công, Não đối ứng với hoàn cảnh một cách có ý thức. Trong tình trạng tiêu cực và thất bại, Não chỉ phản ứng theo thói quen. Nếu lúc Não luôn luôn nghỉ ngơi ở các liên minh “tế bào tích cực”, chúng ta cảm thấy an lạc, hạnh phúc, biết ơn, tử tế với mọi người. Trái lại, nếu Não “nghỉ ngơi” ở các tế bào tiêu cực, Tâm chúng ta tràn đầy những tình cảm oán hận, lo âu, sầu não. Tâm buồn, lo âu, sân hận thì Não tiết ra các hóa chất độc hại và stress hormones giết dần các tế bào não. Trong hiệu ứng vòng tròn luẩn quẩn, stress ngày hôm qua làm Não nhạy cảm hơn khi gặp stress trong ngày mai và cứ thế mà tiếp tục…

Mặc dù lúc nào cũng bận tâm với sự sống còn và Tâm – thân lúc nào cũng bất ổn, nhưng theo nhà tâm lý não bộ Rick Hanson “quê nhà đích thực” của Tâm là nội tâm an tĩnh, vui vẻ tâm trạng mà Hanson gọi là an lạc, hài lòng, và yêu thương.

Thành ra “bản chất” của Tâm chính là các tế bào não an lạc, hài lòng và thương yêu, chuyển qua thuật ngữ của Phật giáo là an lạc, từ, bi, hỷ và xả. Giống như Tổ sư Thiền dạy “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đâu phải tình cờ mà các Tổ sư Thiền và các nhà khoa học não bộ sống ở hai thời đại khác nhau, trong hai nền văn hóa khác nhau, có nhận xét tương tự. Khi chúng ta không bị hoàn cảnh bên ngoài phá quấy hay đe dọa, Tâm của chúng ta trở về nghỉ ngơi trong hệ thống đối giao cảm, an tĩnh nội tâm, hỷ và xả, một Tâm không còn thù hận, tham lam hay vô minh.

Sự bất ổn của các tế bào não bộ là nguyên nhân tình trạng bất an của thân và Tâm. Và dựa trên giả định các hoạt động của Tâm tạo ra những cấu trúc não bộ của Donald Hebb, tình cảm có thể để lại dấu ấn và “nặn hình” tế bào não bộ. Do vậy, Não và Tâm hoạt động như một tổng thể duy nhất, như hai mặt của một đồng tiền: không có Não thì cũng không có Tâm, Tâm và Não không thể hiện hữu biệt lập mà là một khối liên hệ hữu cơ, “tương tức tương nhập”.

Nói một cách khác, “Tâm giác ngộ” hiện diện trong một “Não giác ngộ”. Thiền Chánh Niệm trở thành một phương pháp thông dụng dùng trong các hoạt động y khoa, danh từ Tỉnh Thức trở thành phổ biến trong những đối thoại đời thường. Một trong những hiệu năng của Chánh niệm là sinh sản các tế bào não mới.

Trong Tâm “tỉnh thức” thì Não bộ có những vận hành nào? Theo Rick Hanson, tín hiệu, ý tưởng rất ít khi xuất hiện, thông tin và nội dung cũng biến mất. Ý thức trở nên vi tế hơn, ý thức và đối tượng trở thành một trong giai đoạn nhất tâm, có thể các chất dopamine, opioids được tiết ra nhiều hơn, các phần kích thích báo động não, phần amygdala, cũng ít hoạt động lại. Đột nhiên ý thức chuyển hóa xuất hiện: hành giả nhìn gì cũng bằng cái nhìn “sơ tâm, trinh nguyên, như mới thấy lần đầu”. Dù vẫn còn trong “sắc giới” nhưng hành giả bắt đầu thấy giới thế “tỉnh thức” thấp thoáng đâu đó. Rick Hanson dùng một ẩn dụ cho chúng ta hiểu một hành giả sắp sửa “vào cửa Thiền” qua cửa ngõ thực nghiệm.

Một người sống quanh quẩn trong một thung lũng, đột nhiên một ngày đẹp trời nào đó ông ta vui chân lạc lối trên đỉnh núi. Nhìn xuống thung lũng, ông thấy mọi sự mọi vật đều xuất hiện hoàn toàn khác với những gì mà ông thấy trước đây. Viễn cảnh này ông giữ được suốt cả đời. Lời Thiền ngữ của Triệu Châu cũng nói lên sự tỉnh thức ấy: “Trước khi tu Thiền thấy núi là núi, sông là sông. Trong khi tu Thiền thấy núi không còn là núi và sông không còn là sông! Sau khi tu Thiền lại thấy núi lại là núi, sông lại là sông”.

Những nhà khoa học tiên phong khi khám phá ra những điều mới mẻ cũng như các hành giả sắp sửa “vào cửa Thiền”. Nhà vật lý học Einstein có thể mô phỏng câu nói của Thiền sư Triệu Châu: “Trước khi khám phá thuyết tương đối, tôi thấy không gian là không gian, thời gian là thời gian. Khi khám phá ra thuyết tương đối tôi thấy thời gian là không gian, vật thể là năng lượng”. Chỉ thiếu mệnh đề thứ ba như Thiền sư Triệu Châu. Một triết lý bí truyền và khoa học công truyền khác nhau chỗ đó.

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP