KHỐI KHỔ ĐAU SÂU NẶNG

ECKHART TOLLE

Trích: Thức Tỉnh Mục Đích Sống; Đỗ Tâm Tuy – Diện mục Nguyễn Văn Hạnh dịch; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thói quen suy nghĩ miên man của con người hầu hết đều có tính tự động, thiếu tự chủ và lặp đi lặp lại. Thói quen này không khác gì một loại nhiễu sóng của trí năng, và nó không giúp ích gì cho mục đích thật sự của đời bạn. Chính xác mà nói, không phải là bạn suy nghĩ mà suy nghĩ là cái xảy ra ở trong bạn. Câu nói “Tôi nghĩ” hàm ý như thể bạn muốn có động thái suy tư xảy ra. Mệnh đề này cũng ngụ ý rằng bạn có quyền chủ động trong chuyện “suy nghĩ”, rằng bạn có chọn lựa. Tuy nhiên, điều này chưa hề xảy ra đối với hầu hết mọi người. Câu nói “Tôi nghĩ” cũng mang tính sai lầm như câu “Tôi có thể làm cho máu huyết ở trong người tôi lưu chuyển” hoặc “Tôi có thể ra lệnh cho thức ăn ở trong dạ dày của tôi phải tiêu hóa”. Tiêu hóa tự nó xảy ra, máu huyết tự lưu chuyển và suy nghĩ tự diễn ra ở trong bạn.

Tuy nhiên, tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn có một đời sống riêng của nó. Mọi người hầu hết đều nằm dưới quyền điều khiển của tiếng nói đó. Họ bị tiếng nói ấy chiếm hữu; họ bị suy tư ở trong họ chiếm hữu. Vì suy tư của bạn thường bị ám ảnh bởi quá khứ, do đó bạn buộc phải diễn đi diễn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Ở phương Đông gọi đó là nghiệp báo. Khi bạn nhầm lẫn tự cho rằng tiếng nói vang vang ở trong đầu bạn chính là bạn thì dĩ nhiên là bạn không biết được mình đang tự đồng nhất mình với tiếng nói đó. Khi bạn nhận ra tình trạng này thì bạn sẽ không còn bị chiếm hữu, vì bạn chỉ có thể bị chiếm hữu khi bạn nhầm lẫn cái thực thể chiếm hữu kia chính là bạn. Nói một cách khác, bạn đã vô thức trở thành thực thể đó.

Hàng ngàn năm qua, con người ngày càng bị thói quen suy nghĩ miên man ở trong họ điều khiển, vì họ không phân biệt được cái thực thể đang chiếm hữu mình đó không phải là mình. Vì bạn vô thức tự đồng nhất mình với suy tư nên cảm nhận sai lầm về chính mình đó, tức là bản ngã, mới có thể xuất hiện. Mức độ nặng nhẹ của bản ngã tùy thuộc vào mức độ tự đồng nhất giữa bạn (tức nhận thức) với suy tư. Suy nghĩ thực ra chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của nhận thức – tức bản chất chân thật của bạn.

Mức độ tự đồng nhất mình với suy tư ở trong mỗi người rất khác nhau. Nhiều người thích hưởng được những phút giây, dù ngắn ngủi, khi họ vượt thoát khỏi sự đồng nhất này, và cảm giác an bình, niềm vui, vẻ sống động mà họ có được trong giờ phút đó làm cho họ cảm thấy cuộc đời rất đáng sống. Những giây phút này cũng là lúc sức mạnh sáng tạo, tình yêu và lòng xót thương nảy sinh. Một số khác thì thường rơi vào những trạng huống đặt họ nằm dưới sự khống chế của bản ngã. Những lúc đó, họ cảm thấy rất xa lạ với chính họ, với những người chung quanh. Khi ta nhìn họ, ta có thể nhận ra vẻ căng thẳng thể hiện ở đôi lông mày nhíu lại, và đôi mắt thì đang lơ đãng hoặc nhìn chăm chăm vào một vật nào đó. Vì họ đang bị cuốn hút vào những suy tưởng miên man nên họ thực sự không nhìn thấy bạn và cũng không nghe được bạn nói gì. Họ không có mặt trong bất kỳ tình huống nào, vì họ chỉ chú tâm đến quá khứ hoặc tương lai, mà dĩ nhiên là quá khứ và tương lai chỉ hiện hữu ở trong đầu họ dưới dạng những ý nghĩ. Cũng có thể họ giao tiếp với bạn qua một vai diễn nào đó mà bạn biết đó thực sự không phải là con người chân thực của họ. Hầu hết con người đều cảm thấy xa lạ với bản chất chân thật của mình, nhưng ở một số người thì cảm giác xa lạ đó đã lên cao đến mức mọi người đều cho là cách cư xử và giao tiếp của họ là “giả dối”, ngoại trừ đối với những người cũng cư xử giả dối như thế, tức là những người cũng quá xa lạ với bản chất chân thật của chính họ.

Cảm giác xa lạ ở đây có nghĩa là bạn không còn cảm thấy dễ chịu trong bất kỳ tình huống nào, ở bất kỳ nơi nào, với bất kỳ một ai, ngay cả với chính mình. Bạn như thể đang cố gắng để trở về “nhà”, nhưng bạn lại không bao giờ cảm thấy mình đang ở “nhà”. Một số văn hào lớn của thế kỷ 20 như Franz Kafka, Albert Camus, T. S. Eliot, James Joyce,… là những người đã nhận ra được sự lạ lẫm này; đó chính là tình thế nan giải rất phổ quát đối với thân phận con người hiện nay. Họ cảm nhận điều đó trong chính mình một cách sâu sắc đến mức họ có thể chuyển tải nó một cách sống động qua các tác phẩm văn chương. Dù họ không đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào nhưng đóng góp của họ là phản ảnh được tình trạng nan giải của con người thời hiện đại, giúp vấn đề trở nên rõ ràng hơn, bởi ý thức về tình trạng ấy cũng chính là bước đầu tiên để vượt qua nó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI “TÔI” ĐƯỢC TẠO RA DO MÊ MỜ

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. CHUYỂN HÓA UNG THƯ
  2. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC PHẬT
  3. CÔNG THỨC CUỘC ĐỜI THỂ HIỆN TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁCH NGHĨ VÀ TRÁI TIM