KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN THỨC, CHỈ CÓ HÀNH VI NHẬN THỨC

Ramesh S. Balsekar

Trích: “Chân Lý – Là” Pointers from Nisargadatta Maharaj to the Eternal Truth That IS Tác giả: Ramesh S. Balsekar Người dịch: Vũ Toàn Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2009 Ảnh: Nguồn internet

Sáng hôm ấy, khi một người khách vừa bắt đầu câu hỏi bằng những chữ quen thuộc: “Tôi muốn biết…,” Maharaj không chờ câu nói được dịch sang tiếng Marathi đã phát lên cười thật to, và cắt ngang bằng một phản vấn bằng tiếng Anh: “Tôi – nào?” Sau khi thưởng thức điều khôi hài một cách thích thú, ông trở lại với bản ngữ Marathi và bảo: Cái mà Ta tìm cách truyền đạt cho ông thật đơn giản. Ông cũng có thể nhận ra nó, nếu ông có thể đặt cái tôi sang một bên trong khi lắng nghe! Nếu ông có thể nhớ được rằng: bao giờ còn có một thực thể được cho là độc lập, chủ định tìm cách hiểu những gì Ta đang nói, thì cái hiểu đích thực không thể xảy ra. Nhận thức về mặc khải siêu hình bao hàm một cái tâm tìm hiểu, rộng mở, và rỗng rang, có như thế thì nhận thức mới có thể bước vào. Mọi thực thể ‘độc lập’ đều biểu thị một cái tâm bị điều kiện hóa, đầy những khái niệm, và cưỡng lại sự tiếp thu những gì Ta muốn truyền đạt. Không biết Ta diễn đạt có rõ ràng, Ta tự hỏi!

Dù Ta dùng ngôn từ, và ông cũng nghe ngôn từ, nhưng sự truyền đạt chỉ có thể xảy ra khi chủ thể và khách thể cùng hội nhập vào hành vi nghe ngôn từ. Khởi sự từ đầu và xét xem liệu có bất cứ ai nói hay nghe, hay đơn thuần chỉ là chức năng – nói, nghe, hiểu, và kinh nghiệm.

Khi nghĩ một cái gì đó ‘tồn tại’, ông chỉ nghĩ theo cách nó là khách thể có một hình tướng. Ông chỉ quan tâm với hiện tượng khách thể, trong khi Ta thấy tất cả đều là khách thể, kể cả ông, không gì khác hơn những xuất hiện trong ý thức, và do đó như không tồn tại. Và, tính cách chủ thể theo đúng nghĩa của nó, không có bất cứ đặc tính khách quan nào, rõ ràng là không thể tồn tại. Vậy thì, cái gì tồn tại? Không thể nào có cái như tồn tại hay phi tồn tại!

Hãy trở lại với người khách muốn hỏi lúc nãy. Ông ta đến được đây, có lẽ là đã trải qua những phiền toái nhất định và không phải là không tốn kém, để tìm cái biết có thể giúp ông ta biến mình thành một cá nhân ưu việt hơn” – một thánh nhân, một bậc giác ngộ. Bây giờ, các ông có hiểu vì sao Ta đã không thể nhịn cười – không phải Ta cười vị khách, mà Ta cười về những mánh khóe Maya sử dụng trong trò huyễn thuật của nó.

Thử nghĩ xem: Ai là người nghĩ về sự chuyển hóa, thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, về sự hoàn thiện chính mình? Rõ ràng, kẻ đó không gì khác hơn là một sự xuất hiện trong ý thức, một nhân vật trong phim, một cá nhân trong chiêm bao – một thực thể hư giả trong chiêm bao cho rằng chính nó nhận chịu các tác động của nghiệp. Làm sao một nhân vật trong chiêm bao như thế có thể hoàn thiện chính nó để trở thành cái gì đó khác với cái ta được chiêm bao của nó? Làm sao cái bóng có thể tự hoàn thiện thành thực thể của nó? Làm sao có thể có sự tỉnh thức nào khỏi giấc chiêm bao, nếu người chiêm bao không giải đáp được diện mạo đích thực của nguồn gốc giấc chiêm bao, tức sự thị hiện?

Và tỉnh thức là ở chỗ hiểu rằng (i) không hề có con người cá nhân nhận thức thế giới hiện tượng, mà thực chất và kết quả của tất cả hiện tượng chỉ là sự nhận thức về hiện tượng, có nghĩa là chức năng trong cái-này-ở-đây-bây-giờ; và (ii) mọi sinh vật có tri giác – đều là Ta, nguồn gốc tiềm tàng của tất cả kinh nghiệm – kinh nghiệm vũ trụ biểu kiến như khách thể thông qua cơ cấu thân tâm. Ngay bước đầu tiên để hiểu những điều này là từ bỏ quan niệm về một cái ta có ý chí, chủ động, như một thực thể riêng biệt, và chấp nhận vai trò thụ động của hành vi nhận thức và chức năng như một diễn tiến.

Để chiều lòng các ông, Ta sẽ cho các ông một vài ‘gợi ý’. Mặc cho những gì Ta đã nói, Ta biết các ông vẫn tiếp tục con đường ‘toàn thiện chính mình’, và vẫn tìm kiếm những chỉ giáo. Vậy hãy mở tập ra và ghi chép:

a) Tạo thói quen suy nghĩ và nói theo thể thụ động. Thay vì nói ‘Tôi thấy cái gì đó’ hay ‘Tôi nghe cái gì đó’, thì tại sao không nghĩ theo cách thụ động: ‘có cái gì đó được thấy?’, hay ‘có cái gì đó được nghe?’ Nhận thức lúc đó không dựa vào hành vi của một thực thể hiện tượng, mà trên cơ sở một sự kiện hay sự xảy ra. Vào đúng lúc, cái thực thể hư giả ‘tôi’ sẽ lùi dần vào hậu cảnh.

b) Trước khi đi ngủ mỗi đêm, dành ra khoảng mười phút ngồi một cách thanh thản cả về thể xác lẫn tâm thức, và khẳng định rằng: ‘ngươi’ không phải là cơ cấu thân-tâm mà là ý thức sinh động – như thế ý niệm này sẽ thẩm nhập hiện hữu của ông trong suốt thời gian ngủ.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRƯỚC KHI ĐƯỢC SINH RA CẬU LÀ CÁI GÌ?

Bài viết mới

  1. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH