ANTHONY ROBBINS
Trích: Đánh Thức Nguồn Lực Vô Hạn; NXB Tự Điển Bách Khoa
“Chính suy nghĩ quyết định tốt xấu. Chính nó quyết định cảm giác vui hoặc buồn, trạng thái giàu hoặc nghèo”.
_Edmund Spenser
Có bao giờ bạn thấy mọi chuyện đều “thuận buồm xuôi gió”. Có khi nào bạn thấy cuộc sống chẳng có gì đáng phàn nàn? Có thể đó là một cuộc thi đấu quần vợt mà mỗi lần vung cây vợt tennis lên, bạn đều ghi được điểm. Một buổi họp kinh doanh có bạn trả lời xuất sắc mọi câu hỏi và có giải pháp cho một vấn đề đang khúc mắc. Hoặc là lúc bạn ngạc nhiên về chính mình vì đã làm được một điều gì rất đáng nể, rất anh hùng mà trước đây không bao giờ bạn nghĩ mình có thể làm được. Hoặc có thể bạn có những trải nghiệm ngược lại. Một ngày dường như bị “sao quả tạ” chiếu mạng! Bạn có thể sẽ nhớ những lần bạn làm cho mọi việc rối tinh lên. Một ngày hình như bạn đã “bước chân trái ra khỏi cửa” để rồi cả ngày chẳng làm được việc gì tới nơi tới chốn. Cửa đóng im ỉm ở những nơi bạn muốn tìm sự giúp đỡ. Mọi thứ đối với bạn tựa như địa ngục.
Vậy điều khác biệt là gì? Con người của bạn vẫn thế. Bạn có thể sắp đặt mọi nguồn nội lực để khi cần là có ngay, giúp bạn luôn trong tâm trạng hưng phấn. Tại sao lúc thì có trạng thái tuyệt vời, nhưng ngay sau đó lại là buồn nản? Tại sao ngay cả một vận động viên giỏi nhất cũng có khi cảm giác mọi việc đều tốt đẹp, họ ở trên đỉnh vinh quang. Nhưng sau đó, họ không thể mua nổi một quả bóng rổ hay một cây vợt bóng chày?
Sự khác biệt chính là trạng thái thần kinh và sinh lý của con người. Có những trạng thái cho ta cảm giác ta có thể làm bất cứ việc gì. Đó là khi ta thấy tự tin tràn đầy yêu thương, sinh lực tràn trề, niềm vui ngập tràn, cảm giác phấn kích dâng tràn và tin tưởng vững chắc. Những cảm giác ấy đã khơi nguồn dòng suối của năng lực cá nhân. Nhưng cũng có khi ta cảm giác không muốn nhúc nhích chân tay. Đó là những khi ta tức giận, chán nản, sợ hãi, lo lắng, buồn bã và nổi cơn thịnh nộ. Những cảm giác ấy khiến ta bất lực. Ai cũng từng trải qua nhiều lúc tâm trạng tốt và lắm khi có tâm trạng không tốt. Có bao giờ, vừa vào một nhà hàng, cô hầu bàn cáu kỉnh hỏi bạn: “Ông muốn gì?”. Liệu bạn có nghĩ người đó luôn giao tiếp với thái độ ấy không? Phải chăng cô ta đang trong cuộc sống khó khăn đến độ không thể vui lên được. Nhưng cũng rất có thể, cô ấy gặp một ngày xui xẻo, phải làm việc cực nhọc, phục vụ quá nhiều khách hàng và bị vài người khách đối xử khắc nghiệt với mình. Cô ta không phải người xấu. Chỉ có điều cô ấy đang trong trạng thái chán nản mà thôi. Nếu thay đổi trạng thái tinh thần của cô ta, bạn có thể thay đổi cả hành vi và thái độ của cô ta nữa.
Hiểu trạng thái của con người là chìa khóa giúp bạn sáng suốt thay đổi, đạt được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống và ứng xử. Hành vi là kết quả của trạng thái con người. Ai cũng nỗ lực bằng những nguồn lực có sẵn trong bản thân mình. Nhưng đôi khi, ta thấy mình trong trạng thái không muốn làm gì cả. Có nhiều khi, vì trong tâm trạng không tốt, tôi nói hoặc hành động để sau phải hối tiếc hoặc xấu hổ. Rất có thể bạn cũng vậy. Quan trọng là phải nhớ: khi ai đó đối xử không tốt với mình, hãy động lòng trắc ẩn thay vì tức giận. Hãy nhớ cô hầu bàn đã kể ở trên. Nhiều người có bản chất không giống cách hành xử của họ. Chìa khóa chính là làm chủ trạng thái.
Trạng thái được định nghĩa là tổng của hàng triệu tiến trình xử lý thông tin của hệ thần kinh diễn ra trong cơ thể con người. Nói cách khác, đó là tổng hợp của mọi kinh nghiệm ở mọi thời điểm của cuộc sống. Hầu hết trạng thái xuất hiện vô thức. Ta quan sát một sự vật hiện tượng và phản ứng bằng cách sa vào một trạng thái nhất định. Nó có thể là một trạng thái phấn khởi, một trạng thái có ích cho ta. Hoặc cũng có thể là một trạng thái chán nản, hạn chế các khả năng của ta. Nhưng đa phần con người ít có khả năng kiểm soát trạng thái tinh thần của mình. Sự khác biệt giữa người không đạt tới mục tiêu cuộc sống của mình với người thành đạt chính là họ biết đặt bản thân vào trạng thái hữu ích. Họ khác hẳn với những người liên tục đặt bản thân vào trạng thái hỗ trợ cho hành động, giúp họ đạt được thành tựu như mong muốn.
Hầu như ai cũng muốn có trạng thái có thể làm bất cứ điều gì. Hãy lập danh sách những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Bạn có muốn được yêu thương không? Đúng, yêu thương là một trạng thái, một cảm xúc hay một cảm giác ta truyền tín hiệu đến não bộ. Cảm giác yêu thương sẽ tràn ngập trong ta nếu có các kích thích nhất định từ môi trường. Trạng thái tự tin ư? Trạng thái được tôn trọng ư? Ta hoàn toàn có thể tạo ra chúng. Ta tạo ra trạng thái ấy trong ta. Có thể bạn muốn tiền. Thực ra, bạn chẳng màng tới mấy tờ giấy xanh xanh có in hình khuôn mặt vài người quá cố từ rất lâu đời. Bạn muốn thứ tiền là đại diện: tình yêu, sự tự tin, tự do, hoặc bất cứ trạng thái nào bạn nghĩ tiền có thể giúp bạn có được. Thế nên chìa khóa của tình yêu thương, niềm vui, năng lực định hướng cuộc sống của chính mình, chính là khả năng định hướng và kiểm soát được trạng thái của bản thân.
Chìa khóa đầu tiên đến với trạng thái giúp tạo thành quả như mong muốn là học cách điều khiển não bộ thật hữu hiệu. Muốn vậy, ta cần hiểu một chút về hoạt động của não bộ. Ta cần biết trước hết, cái gì đã tạo ra trạng thái. Trong nhiều thế kỷ, con người quan tâm sâu sắc tới các phương pháp chuyển đổi trạng thái tinh thần của mình, và như vậy chuyển đổi kinh nghiệm cuộc sống của chính mình. Thời xưa, họ ăn chay, dùng chất kích thích, thờ cúng, âm nhạc, tình dục, thức ăn, thôi miên và cầu kinh. Những việc làm ấy đều có phần hữu dụng và phần hạn chế. Tuy nhiên giờ đây trước mắt bạn là những phương pháp giản đơn hơn rất nhiều nhưng cũng hiệu nghiệm không kém trong rất nhiều trường hợp. Đồng thời nó có tác dụng nhanh hơn và chính xác hơn.
Nếu mọi hành vi là kết quả của trạng thái, ta có thể giao tiếp khác đi, có thái độ khác đi để có trạng thái tràn đầy sức sống, thay cho trạng thái chán nản. Nhưng điều gì tạo ra trạng thái con người? Có hai thành tố cơ bản của trạng thái. Thứ nhất đó là hình ảnh tưởng tượng của ta. Thứ hai là điều kiện và cách sử dụng bộ máy sinh lý học của cơ thể. Cách thức và nguyên nhân khiến ta hình dung về sự vật, hiện tượng. Khi đối mặt với một tình huống nhất định, bạn tự nhủ điều gì. Trạng thái và thái độ hành vi bạn dự định sẽ sử dụng để đối phó với hoàn cảnh. Ví dụ bạn đối xử với người phối ngẫu hoặc người yêu của mình như thế nào khi người ấy về nhà trễ hơn lời hứa? Hành vi của bạn phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái khi người yêu trở về nhà. Trạng thái tùy thuộc phần lớn vào việc bạn hình dung điều gì khi tìm lý do về muộn. Nếu trong suốt nhiều giờ, bạn hình dung người yêu gặp tai nạn, toàn thân đẫm máu, tắt thở hoặc đang nằm viện, khi người ấy bước qua ngưỡng cửa, bạn sẽ chào đón với nước mắt mừng vui hoặc tiếng thở phào nhẹ nhõm. Hoặc một cái ôm hôn thật nồng thắm và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Những hành vi ấy tạo trạng thái quan tâm. Tuy nhiên ngược lại, nếu hình dung người yêu có một mối tình vụng trộm, hoặc bạn tự nhủ nhiều lần rằng người ấy về trễ chỉ vì không quan tâm đến thời gian bạn phải chờ đợi hoặc cảm xúc của bạn, khi người yêu trở về nhà, bạn sẽ cho người ấy một cảm nhận vô cùng khác biệt với thái độ bình thường bởi đó là kết quả của trạng thái tinh thần bất an của bạn. Từ cảm giác tức giận hoặc cho rằng mình bị lợi dụng, bạn sẽ có rất nhiều loại hành vi và thái độ khác hẳn ngày thường. Vậy điều gì khiến người này hình dung sự việc để tạo trạng thái quan tâm, còn người khác lại hình dung cách khác khiến bản thân phải mang trạng thái nghi ngờ hoặc tức giận? Thực ra, có nhiều nếp suy nghĩ. Có thể ta bắt chước phản ứng của cha mẹ mình hoặc những người khác có trải nghiệm giống ta. Ví dụ, nếu khi còn nhỏ, mẹ ta luôn lo lắng khi cha về trễ, ta cũng có thể nghĩ ra đủ thứ chuyện gây lo lắng. Nếu mẹ luôn nói bà không tin tưởng cha, rất có thể bạn cũng bắt chước. Như vậy niềm tin giá trị thái độ và cách trải nghiệm quá khứ của ta với một người đặc biệt hoàn toàn ảnh hưởng tới hình ảnh tưởng tượng sẽ tạo khuôn mẫu cho hành vi của ta.
Có một thành tố thậm chí còn quan trọng và hữu dụng hơn trong cách chúng ta cảm nhận và hình dung về thế giới: đó là điều kiện và khuôn mẫu ta sử dụng dựa vào tình trạng sinh lý học của chính ta. Những thành tố như căng thẳng cơ bắp, thức ăn, cách hít thở, tư thế, chức năng hoạt động sinh hóa của chúng ta … đều tác động mạnh mẽ đến trạng thái của ta. Những hình ảnh trong tâm tưởng và cơ chế sinh lý học cùng kết hợp với nhau trong vòng luân chuyển điều khiển học của cơ thể. Bất cứ điều gì ảnh hưởng tới một mặt cũng đồng thời ảnh hưởng đến các mặt kia. Thế nên, trạng thái thay đổi đòi hỏi hình ảnh tưởng tượng và cơ chế sinh lý học cùng thay đổi. Nếu vào lúc đáng lẽ con cái, vợ chồng hoặc người yêu của bạn phải có mặt ở nhà, cơ thể bạn đang trong trạng thái tràn đầy sức sống, có thể bạn sẽ nghĩ người ấy đang bị kẹt xe trên đường trở về nhà hoặc đang trên đường về. Tuy nhiên, nếu vì nhiều lý do, trạng thái sinh lý học của bạn bao gồm các cơ căng thẳng, hoặc hoàn toàn mệt mỏi, hoặc đang bị đau hay bị hạ đường huyết, bạn sẽ có xu hướng tưởng tượng sự việc theo cách cường điệu những cảm xúc tiêu cực. Hãy suy nghĩ một chút khi về mặt thể chất, bạn tràn đầy sức sống và hoàn toàn phấn khởi, phải chăng nhận thức của bạn về thế giới khác hẳn với trạng thái mệt mỏi hoặc ốm đau? Những điều kiện của trạng thái sinh lý học thực sự thay đổi cách bạn suy tưởng. Phải chăng nếu cảm tưởng về thế giới vào lúc thấy mọi việc đều gây khó chịu hoặc tức tối, có phải cơ thể bạn cũng thích ứng và trở nên căng thẳng? Thế nên hai thành tố, hình ảnh tưởng tượng và cơ chế sinh lý học liên tục tương tác với nhau để tạo ra trạng thái của con người chúng ta. Trạng thái, đến lượt nó sẽ quyết định hành vi thuộc loại gì. Thế nên, để làm chủ và định hướng cho hành vi, ta nhất định phải làm chủ và định hướng trạng thái của bản thân. Để kiểm soát trạng thái, ta nhất định phải kiểm soát và định hướng một cách có ý thức những hình ảnh trong tâm tưởng và cơ chế sinh lý học của cơ thể. Nếu bất cứ lúc nào bạn cũng làm chủ được trạng thái của mình một cách tuyệt đối thì sẽ tuyệt biết mấy, phải không?