LÀM SUY YẾU TÊN TRÙM PHÁN XÉT
Trích: Trí Thông Minh Tích Cực; Việt dịch: Hà Minh; NXB Công thương; Công ty CP sách Alpha, 2024

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN
Điều đầu tiên kẻ Phán xét làm là khiến chúng ta phán xét chính bản thân. Như tất cả mọi người, Phán xét bắt đầu kiểm soát tâm trí tôi từ thời thơ ấu. Khi tôi trưởng thành, nó đã gắn bó với từng suy nghĩ của tôi đến mức tôi không bao giờ tự hỏi xem giọng nói đó là của chính tôi hay của ai khác. Tôi xem trọng những gì Phán xét nói về mình, dù đó là những lời lẽ không hay ho. Dù liên tục xếp hạng cao trong lớp, đạt được nhiều bằng cấp ở trường đại học uy tín và giữ những vị trí đáng kể trong các tổ chức tầm cỡ quốc tế, tôi vẫn nghe thấy một giọng nói vang lên trong đầu rằng tôi lúc nào cũng thiếu một tiêu chuẩn tưởng tượng nào đó. Sự phán xét này có khi rất cao thượng nhưng có khi lố bịch, từ chê trách và xấu hổ về bản thân vì đã không thể thay đổi được thế giới đến tự hỏi làm sao tôi có thể hẹn hò khi tóc tôi ngày càng rụng nhiều ghê gớm.
Trải nghiệm mạnh mẽ trong lớp MBA đã giúp tôi thức tỉnh về những đánh giá của mình dành cho người khác, kẻ Phán xét vẫn trốn rất kỹ trong chính những tổn thương nó gây ra cho tôi. Lần đầu tiên, tôi thật sự nhìn thẳng vào sự chi phối và phá hoại mà Kẻ phán xét đã gây ra là khi tôi học năm nhất trường kinh doanh. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bị 320 người có những thành tích tương đương như mình vây quanh. Niềm hân hoan khi được nhận vào một trường kinh doanh hàng đầu thế giới biến mất, giờ đây, tôi cho rằng mình là sai lầm duy nhất của phòng tuyển sinh. Nhìn vào ai tôi cũng bị ấn tượng bởi những thành tích và khả năng của họ và ngậm ngùi về mình. Tôi chú tâm tìm các khiếm khuyết của mình và ra sức tạo một bộ mặt thân mật và tự tin.
Trong nhiều tháng, tôi dần phát hiện những dấu hiệu lo lắng tương tự ở những người bạn học khác. Bắt đầu năm hai, những quan sát này cho phép tôi thả lỏng việc xét nét bản thân hơn. Tồi bắt đầu tự vấn về cái giá đắt tôi phải trả cho những dằn vặt và chịu đựng không đáng có hồi năm nhất. Khi nhìn vào những khuôn mặt non nớt, hoảng hốt và bất an của những sinh viên năm nhất, tôi bắt đầu hiểu ra đó là một hiện tượng lặp đi lặp lại. Tôi quyết định nắm bắt cơ hội và chia sẻ một số cảm giác của bản thân về sự tự phán xét và lo lắng, với hy vọng sẽ đưa ra một góc nhìn nào đó về hiện tượng phổ biến này. Tôi viết một lá thư dài năm trang về cách làm sao để có góc nhìn tốt hơn. Tôi sao lá thư ra 320 bản và để trong hòm thư của tất cả học sinh năm nhất vào một ngày cuối tuần của tháng Mười.
Suốt tối Chủ nhật, tôi không ngừng nghĩ về phản ứng của mọi người vào sáng hôm sau. Vì tôi có để tên mình trên thư, nên nếu giả thiết của tôi sai, thì việc này không khác gì việc tôi tự nói cho mọi người biết rằng mình là kẻ cả nghĩ nhất trường và uy tín của tôi sẽ giảm sút đáng kể trong cộng đồng quan trọng này. Phản ứng của mọi người còn vượt xa những hy vọng lạc quan nhất mà tôi mong đợi. Lá thư đã đánh trúng tim đen của nhiều người đến nỗi hộp thư của tôi bị quá tải bởi những lá thư cảm ơn, họ cảm thấy nhẹ nhõm khi biết những đau khổ và tự phán xét của mình không hề chính đáng cũng như không chỉ mình họ phải chịu điều này.
Một năm sau, lớp năm hai lặp lại điều tôi đã làm, để bản sao lá thư của tôi trong các hộp thư của các sinh viên năm nhất chuẩn bị nhập học. Khi dự buổi tiệc 20 năm hội ngộ, một bạn học cùng khóa đã nói với tôi rằng trong suốt 20 năm sau đó, lá thư của tôi đã trở thành một món quà truyền thống mà các sinh viên năm hai dành tặng cho các lớp năm nhất — năm của sự nghi ngờ và tự phán xét bản thân. Đây là lần đầu tiên tôi thật sự nhìn thẳng vào thực tế rằng sức mạnh hủy hoại của kẻ Phán xét trong chúng ta là một hiện tượng khá phổ biến, vậy mà hầu như ai cũng phải chịu đựng nó một mình.
Sự tỉnh ngộ này đã trở nên sâu sắc hơn qua nhiều năm dẫn dắt các chương trình điều trị và hướng dẫn người khác. Một lần, tôi dẫn dắt một đợt huấn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo kéo dài hai ngày dành cho khoảng 100 vị CEO và chủ tịch các công ty. Trong lúc tập huấn, tôi đưa cho mỗi người một tờ giấy nhỏ và yêu cầu họ viết một điều quan trọng về bản thân mà họ chưa bao giờ nói với người khác vì sợ bị mất tín nhiệm, sợ không được chấp nhận, hoặc sợ không được tôn trọng, đồng thời không ghi tên lên đó. Sau khi xốc tập giấy, tôi bắt đầu đọc to nội dung trong giấy. Đó toàn là những lời thú nhận về cảm giác không xứng đáng và tội lỗi vì đã xem thường những người khác như lãnh đạo, cha mẹ, vợ chồng; sợ rằng mình chỉ gặp may chứ không có năng lực; sợ bản thân thiếu sót những điều căn bản; và sợ mọi thứ một ngày nào đó sẽ sụp đổ. Sau khi tôi đọc to tất cả những tờ giấy, mọi người sững sờ im lặng. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy gánh nặng to lớn trên vai họ đã được trút bỏ, vì lần đầu tiên trong đời, họ nhận ra sự dằn vặt trong lòng họ đang được chia sẻ.
Đa số người thành công và thành đạt đều bí mật tra tấn bản thân mình bởi kẻ Phán xét. Hiếm khi những người xung quanh họ nhìn thấy rõ ràng điều này. Bề ngoài, tất cả chúng ta đều thể hiện mình là người hạnh phúc và tràn đầy tự tin.
Sự nhìn nhận này có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy hoàn toàn “bình thường” – Tôi nhận ra ai cũng có kẻ Phán xét và mang trong mình những cảm giác bất an do Phán xét tạo ra, Hiện tại, khi tương tác với mọi người, tôi đã không còn tự hỏi liệu có một kẻ Phán xét ác hiểm nào bên trong họ không, mà thay vào đó, tôi hỏi kẻ đó đang trốn và đang phá hoại người đó bằng cách nào.
Tôi nhận ra cách mỗi chúng ta giải quyết cảm giác bất an của Phán xét rất khác nhau. Đó là bởi những kẻ Phán xét của mỗi người kích hoạt và tạo ra những đồng bọn khác nhau. Larry, trưởng khâu sản xuất tại Midwest, đã vùi mình trong công việc để tránh không nghe thấy giọng nói đó và không dằn vặt bởi nó nữa. Anh ta hoảng hốt khi không có gì khiến mình bận rộn. Mary, trưởng phòng dịch vụ marketing của một tổ chức, thì lại giấu nhẹm những bất an của mình và tỏ vẻ ngạo mạn, tỏ ra mình đứng trên người khác và vờ như không ai có thể công kích cô được. Cô làm những điều này chỉ để che giấu sự bất an của mình. Peter, chủ một công ty viễn thông rất thành công, có thói quen vùi mình vào những phán xét bản thân, tự tra tấn mình trong khi bên ngoài lại tỏ ra tự tin. Cuộc sống hai mặt như vậy khiến chúng ta rất căng thẳng, dẫn đến thể chất bị suy nhược. Catherine, phó giám đốc điều hành một công ty phần mềm toàn cầu, đã cố chôn giấu sự tự ti sâu trong một căn phòng kín, sợ hãi một ngày nào đó sẽ phải đối mặt với chính mình và bị mọi người coi là một người không hoàn hảo; chỉ cần gặp phải dấu hiệu phê bình nào, cô sẽ phản ứng lại một cách dữ dội. Cách mỗi chúng ta giải quyết kẻ Phán xét này khác nhau và có thể không rõ ràng như những ví dụ trên đây. Tuy nhiên, kẻ Phán xét vẫn ở đó, tiếp tục công việc hủy hoại của hắn.
ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC
Cách thứ hai mà kẻ Phán xét dùng để hủy hoại chúng ta chính là phán xét người khác. Kẻ Phán xét đóng vai trò trung tâm trong các mâu thuẫn của nhóm, mâu thuẫn công việc và mâu thuẫn cá nhân.
Rất dễ minh họa hiện tượng này bằng ví dụ về một mối quan hệ cá nhân, rồi sau đó áp dụng vào bối cảnh công việc. Tôi sẽ lấy ví dụ trường hợp của John, một nhà điều hành mà tôi từng đào tạo, và Melody vợ anh ta. Ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, giai đoạn lãng mạn, họ hòa mình vào vũ điệu của những năng lượng phấn khích mà Trí tuệ mang đến trong khi bọn Phá hoại bị đẩy ra bên lề. Nhiều phẩm chất tốt đẹp của Trí tuệ hiện ra rõ ràng. Họ tò mò về nhau, cởi mở để thử nghiệm những cách sống mới, quan tâm đến cảm nhận và trải nghiệm của đối phương. Đó là khoảnh khắc rực rỡ khi Trí tuệ trong John nhìn thấy Trí tuệ trong Melody, và ngược lại. Năng lượng Trí tuệ trong một người sẽ khuyến khích và làm gia tăng năng lượng Trí tuệ của đối phương. Trong vòng quay củng cố những điều tích cực đó, họ khiến người kia trở nên tốt đẹp bằng chính sự tốt đẹp của họ. Mọi thứ đều rất tuyệt.
Nhưng rồi John bắt đầu đánh giá và khó chịu vì hành vi kiểm soát do sợ hãi trong Melody (kẻ Kiểm soát của cô ấy). Đầu tiên, anh phản ứng một cách nhẹ nhàng và rồi sự cáu giận tăng dần lên. Điều này là chất xúc tác cho sức mạnh của một kẻ Phá hoại khác (Nạn nhân) trỗi dậy khi anh thường xuyên tự thán cho điều mà anh ta phải chung sống. Phản ứng với Nạn nhân trong John, kẻ Phán xét của Melody thể hiện hết khả năng của mình ra, tự hỏi liệu cô có thể tôn trọng con người mới ở John không. Cô chọn cách giải quyết dễ thở nhất cho mình, tránh né cảm xúc khó khăn bằng cách ăn uống vô độ và bận tối tăm mặt mũi (kẻ Hiếu động).
Lúc này, những kẻ Phán xét trong cả hai người đã hình thành và trở thành những kẻ cầm đầu, phản ứng lại với những kẻ Phá hoại của người kia và phủ nhận rằng chính mình đã khiến người kia trở nên như vậy, Một vòng luẩn quẩn đầy tiêu cực và mệt mỏi. Mỗi người bắt đầu tự hỏi bằng cách nào hồi mới yêu họ lại bị người kia thu hút. Việc yêu cái xấu trong người kia là điều không thể và mỗi người đều tự hỏi liệu đối phương có thay đổi không.
Sự thật là không ai cần phải thay đổi. Trong John vẫn là một sự đan xen (pha trộn của Phá hoại và Trí tuệ), anh sẽ luôn là như vậy, cho dù theo thời gian anh có học được cách để kiểm soát kẻ Phá hoại của mình tốt hơn không. Melody cũng vậy. Tôi, bạn và tất cả mọi người cũng đều như vậy. Những rắc rối của kẻ Phán xét xuất hiện khi bạn chỉ tập trung một cách thiển cận vào những mặt xấu của người khác. Sự tập trung này chính là những tiên đoán tự biến thành hiện thực khi kẻ Phán Xét trong bạn tăng sức mạnh phá hoại cho đối phương. Trong thực tế, chúng ta phải cùng chịu trách nhiệm về con người mà người kia sẽ bộc lộ trong quá trình hai người tương tác với nhau.
Các mối quan hệ luôn trải qua những thăng trầm, những lúc vui vẻ và những lúc khó khăn. Quy tắc chung là, nếu bạn thấy mình đang phải đấu tranh một cách mệt mỏi, dằng dai với đồng nghiệp, đối tác, vợ chồng hay con cái, thì khả năng lớn là kẻ Phán xét trong bạn đang bận rộn với việc đánh giá người kia, và ngược lại. Quy tắc đó đặc biệt đúng trong các trường hợp bạn chắc chắn rằng mình hoàn toàn đúng và lỗi toàn bộ là ở người kia.
Trong khi tác hại của kẻ Phán xét đã rất rõ ràng và hiển nhiên trong các mối quan hệ cá nhân, nó cũng là trung tâm gây ra những căng thẳng và mâu thuẫn trong công việc. Hiếm khi nào tôi có dịp huấn luyện một nhóm không bị phá hoại bởi sự phán xét lẫn nhau giữa các thành viên. Trong một số nhóm, sự phá hoại này diễn ra công khai và đầy tính chống đối. Ở các nhóm khác, nó lại thể hiện một cách gián tiếp và ngấm ngầm hơn. Trong cả hai trường hợp, trừ phi các thành viên biết cách kiểm soát kẻ Phán xét của mình, việc tập hợp những kẻ Phán xét ở cùng một nơi sẽ gây ra nhiều xích mích, làm giảm lòng tin, lãng phí năng lượng, gia tăng căng thẳng và giảm năng suất. Cái giá phải trả cho những thiệt hại mà sự Phán xét của người khác gây ra cho bạn trong mối quan hệ cá nhân cũng như công việc là bao nhiêu?
ĐÁNH GIÁ TÌNH HUỐNG
Cách cuối cùng mà kẻ Phán xét dùng để phá hoại chúng ta là đánh giá những tình huống và sự kiện trong cuộc đời của chúng ta, cũng như tìm kiếm mặt tiêu cực của tình huống đó. Điều này sẽ dẫn đến một trong những lời nói dối khủng khiếp nhất và mang tính hủy hoại nhất của kẻ Phán xét: “Bạn sẽ hạnh phúc khi…”.
Nhiều vị CEO mà tôi huấn luyện nằm trong độ tuổi 45-55. Họ đều có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên nào đó. Trớ trêu thay, chính những người đạt được nhiều mục tiêu mà họ đã đặt ra lại phải trải qua những khủng hoảng sâu sắc nhất. Những mục tiêu này thường là thành đạt về mặt tài chính và đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Khủng hoảng xảy ra khi họ đã đạt được mục tiêu nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc – điều mà họ nghĩ rằng họ sẽ có sau khi đạt được những thành tựu đó. Mấu chốt của khủng hoảng trung niên là câu hỏi: “Điều gì thật sự mang lại cho tôi cảm giác bình yên và hạnh phúc mà tôi đã theo đuổi bao năm qua?” Dĩ nhiên, cuộc rượt đuổi hạnh phúc đó do kẻ Phán xét dàn xếp với lời nói dối: “Bạn sẽ hạnh phúc khi… ”.
Khi chiêm nghiệm lời nói dối này kỹ hơn, bạn sẽ thấy thật ra có đến hai sự dối trá được lồng ghép vào đó. Đầu tiên là bạn sẽ không thể hạnh phúc với cái mình đang có. Hầu hết nguồn cơn sự buồn khổ đến từ điều này. Nó đặt điều kiện “khi nào” cho hạnh phúc của bạn; nó có thể là khi bạn kiếm được 1 triệu đô-la đầu tiên, khi bạn được thăng chức, khi bạn có công ty riêng, khi bạn nuôi con và nhìn chúng vào đại học, khi bạn đã có một số tiền đủ để trang trải cho cuộc sống hưu trí, v.v…
Sự dối trá thứ hai chính là “khi nào”, một mục tiêu không cố định, thay vì một lời hứa. Khi bạn kiếm được khoản tiền đầu tiên, kẻ Phán xét sẽ chỉ để bạn ăn mừng với thành thích đó trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó, nó sẽ thuyết phục bạn rằng bạn sẽ không thể thật sự hạnh phúc cho tới khi bạn cũng có kỳ nghỉ thứ hai để về thăm nhà như người bạn thân đại học. Dù sao thì bạn cũng thông minh giống cô ấy mà, đúng không? Vậy thì bạn cũng phải được như cô ấy mới công bằng chứ? Vậy là cái “khi nào” đó được thương lượng lại vào khoảnh khắc bạn sắp đạt đến nó. Hàng triệu người chết mỗi năm khi vẫn đang đợi để đạt được cái “khi nào” đó. Mục tiêu luôn biến đổi này là một ảo tưởng và nó là kỹ thuật chủ chốt mà kẻ Phán xét dùng để bảo đảm bạn không bao giờ đạt được hạnh phúc.
Điều hấp dẫn là mỗi cái “khi nào” lại không được lựa chọn dựa theo mục tiêu mà dựa trên những sự so sánh trừu tượng. Có lần, tôi trực tiếp chứng kiến sự vô lý của hiện tượng này khi sống ở San Francisco những năm cuối thập niên 1990, tâm chấn của cơn sốt công nghệ mang tên dot-com. Tôi đã nhìn thấy những người có trình độ học vấn cao và rất thành công nhưng hoàn toàn mất phương hướng và họ để kẻ Phán xét trong mình có quyền thỏa thuận lại những mục tiêu “khi nào”, khiến những mục tiêu đó trở nên vô lý.
Peter, một doanh nhân tuyên bố sẽ vui vẻ nghỉ hưu khi kiếm được 10 triệu đô-la, đã từ chối đề nghị bán công ty của ông với giá 125 triệu đô-la. Đó là vì bạn học đại học của ông ta đã bán công ty của người đó với giá 330 triệu đô-la và giờ người đó đang đi lại bằng phi cơ riêng. Sau khi tính toán các con số, Peter cho rằng lối sống mà ông vẽ ra cho mình – bao gồm một phi cơ riêng và những biệt thự nghỉ mát ở nhiều nơi trên thế giới – sẽ cần đến một con số cao hơn 125 triệu đô-la, và vì vậy ông không hài lòng với đề nghị đó. Rốt cuộc, trong vòng một năm, những tính toán của ông hoàn toàn bị sụp đổ, và cuối cùng công ty phá sản. Cái mốc “khi nào” của ông lại được kẻ Phán xét đàm phán lại. Giờ đây, ông sẽ có thể sống vui vẻ sau khi trả hết nợ, có 10 triệu đô-Ìa trong tài khoản và lấy lại chút uy tín của mình trên thương trường. Gần đây, tôi gặp lại Peter trong một hội thảo và nhận thấy ông vẫn đang theo đuổi mục tiêu “khi nào” trị giá 10 triệu đô-la của mình. Nhiều năm sau, sự nuối tiếc của kẻ Phán xét vẫn còn được thể hiện khá rõ khi ông nói về cuộc đời mình. Ông hoàn toàn không để ý đến một thực tế rằng ngay lúc này, ông vẫn đang kiếm được kha khá và đang có một cuộc sống thượng lưu. Kẻ Phán Xét trong Peter vẫn đang nắm quyền, vẫn đang theo đuổi một cái “khi nào” mới.
Tôi gặp rất nhiều trường hợp như Peter: Jackson, một người đàn ông 45 tuổi trước kia từng đặt mục tiêu về hưu ở tuổi 60, nhưng lại cảm thấy mình là kẻ thất bại bởi ông vẫn đang phải làm việc trong khi hàng xóm đã kiếm được một khoản kếch xù trong thời kỳ bùng nổ dot-com và nghỉ hưu ở tuổi 42; Alison, một phó giám đốc tiếp thị từng rất hài lòng khi được thăng tiến trong công ty trọng đãi cô, nhưng cô đột nhiên cảm thấy mình như kẻ thất bại khi không có được bước nhảy vọt như cấp dưới của mình, người đã giàu lên nhanh chóng nhờ một công ty khởi nghiệp. Đó là mánh khóe mà kẻ Phán xét đã dùng trong khi thương lượng lại mục tiêu hạnh phúc của chúng ta.
Trong Chương 5, chúng ta sẽ bàn về thời điểm “khi nào” thì chúng ta sẽ bình yên và hạnh phúc: đó chính là thời điểm hiện tại, bất chấp bạn đang ở trong hoàn cảnh nào trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân. Bất cứ thời điểm “khi nào cũng đều là lời dối trá của kẻ Phán xét. Trí tuệ sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên và vui vẻ bất chấp chuyện gì đang xảy ra, trong khi kẻ Phá hoại khiến bạn không bao giờ thấy đủ. Vấn đề không nằm ở hoàn cảnh hay “khi nào”. Vấn đề là ai đang thì thầm hoặc gào thét vào tai bạn trong khi bạn đang diễn giải hoàn cảnh cho mình.
Hãy nghĩ về từng cái “khi nào” bạn đã đặt ra cho mình trong quá khứ và đã đạt được. Hạnh phúc của bạn kéo dài được bao lâu trước khi bạn (hay đúng hơn là kẻ Phán xét của bạn) thỏa thuận lại một cột mốc hạnh phúc mới? Bạn đang theo đuổi cái mốc “khi nào” nào lúc này làm điều kiện để được hạnh phúc và bình yên? Bạn có sẵn lòng xem xét lại và từ bỏ mục tiêu đó không, thay vào đó tin rằng bạn có thể có được sự bình yên và hạnh phúc tuyệt diệu trong công việc cũng như cuộc sống ngay lúc này?
SỰ KHÁC NHAU GIỮA ĐÁNH GIÁ VÀ NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ
Tôi thường nghe mọi người nói rằng nếu thiếu việc đánh giá, họ sẽ không thể tránh khỏi những sai lầm, không đưa ra được những phản hồi để sửa sai một cách cứng rắn, không thể sa thải những người cần bị sa thải, không thể từ chối khi họ cần phải nói không, không thể hành động đúng đắn đúng lúc. Những tuyên bố như vậy khiến bạn nhầm lẫn giữa nhìn nhận vấn đề với phán xét.
Nếu một người liên tục trình dự án trễ năm lần, thì sự nhìn nhận sẽ chỉ đơn giản nói rằng anh ta nộp trễ năm lần và khả năng lần tới anh ta sẽ lại tái diễn, trừ phi có gì đó thay đổi. Đó chính là nhìn nhận; bạn để ý đến việc diễn ra như nó vốn thế. Khi quan sát mọi việc như vậy, bạn sẽ có thể kích hoạt Trí tuệ để tìm hiểu phải làm gì với điều đó. Bạn có thể ngồi lại với người đó và tìm hiểu những lý do khiến anh ta chậm trễ và xem liệu bạn có giúp được gì hay không. Bạn có thể có những sự trù bị để việc chậm trễ của anh ta không gián tiếp ảnh hưởng đến bạn. Bạn có thể chọn cách sa thải người đó nếu tất cả nỗ lực nhằm cải thiện bị thất bại và anh ta không sẵn sàng thay đổi. Trí tuệ sẽ giúp bạn làm bất cứ điều gì mà không cảm thấy tức giận, đáng trách, đáng khinh, thất vọng hay bị phụ lòng tin.
Sự hiện diện những cảm xúc tiêu cực đó cho thấy kẻ Phán xét đang nắm quyền kiểm soát và rằng bạn đang phán xét thay vì nhìn nhận. Hãy chú ý đến những cảm xúc liên quan. Nếu bình tĩnh để ý xem cái gì không hiệu quả hoặc sai ở đâu để đánh giá mình cần làm gì, bạn đang nhìn nhận. Nếu cảm thấy bực bội, thất vọng, sốt ruột hoặc không hài lòng, có nghĩa là bạn đang phán xét. Đó thực sự là cách kẻ Phán xét khiến bạn khổ sở trong mọi tình huống. Sự khổ sở đó không phải bởi những điều đã xảy ra; mà do phản ứng của kẻ Phán xét tạo ra.
LÀM KẺ PHÁN XÉT SUY YẾU
Vậy chúng ta phải làm gì với kẻ thù nội tại của mình, một kẻ xảo quyệt, có mặt khắp mọi nơi, ngụy trang rất khéo và đang tàn phá chúng ta? Như với bất kỳ kẻ Phá hoại nào khác, công việc chính của bạn là quan sát và gọi tên những suy nghĩ cũng như cảm xúc của kẻ Phán xét bất cứ khi nào thấy chúng.
Căn cứ vào ba khía cạnh mà kẻ Phán xét hủy hoại bạn – phán xét bạn, những người xung quanh bạn và hoàn cảnh của bạn – bạn sẽ phải nhắc nhở mình về dạng thức hành động của Phán xét ở ba khía cạnh này. Bạn cũng có thể muốn gọi tên cho kẻ Phá hoại trong suy nghĩ của mình. Như tôi gọi kẻ Phán xét của tôi là “ao phủ” vì lập trường tàn bạo của hắn – không khoan nhượng. Những người khác gọi kẻ Phán xét của họ là “kẻ Hủy diệt”, “kẻ Tham lam”, “kẻ Tàn bạo”, “kẻ Biết tuốt”, “kẻ Gắt gỏng”. Tên mà bạn đặt sẽ phản ánh bản chất thật của nó. Nếu bạn không nghĩ ra cái tên nào tốt hơn để đặt, hãy cứ gọi chúng là “kẻ Phán xét”.
Chỉ riêng hành động quan sát và gọi tên kẻ Phán xét trong bạn đã là động thái có tác động rất lớn đến cuộc đời bạn rồi. Hãy để ý sự khác nhau giữa việc nói: “Tôi không làm được” với câu nói: “Kẻ Phán xét nói rằng tôi không làm được”. Hoặc nói “Bạn cố ý làm tôi trông xấu xa” và “Kẻ Phán xét nói rằng bạn cố ý khiến tôi trông có vẻ xấu xa”. Hoặc “Tình huống này tệ quá”; “Kẻ Phán xét nói rằng đây là một tình huống rất tệ”. Bạn có để ý sự khác nhau giữa tác động của hai kiểu câu này không? Kẻ Phán xét sẽ mất sự tín nhiệm của bạn và mất quyền lực đối với bạn khi bạn cách ly nó, khiến nó trở thành khách không mời mà đến. Trong quá khứ, nó được đối đãi như ông hoàng, như một kim chỉ nam đạo đức, như trung tâm của hiểu biết, sự nhận định, hoài bão, hoặc là một xu thế – nhưng giờ đã khác. Quan sát kẻ Phán xét và đơn giản gọi tên theo việc nó làm.
Đây là khởi đầu cho sự kết thúc của chướng ngại lớn nhất trong bạn để có được thành công và hạnh phúc. Bạn sẽ ngạc nhiên với điều mà mình khám phá ra khi bạn bắt đầu quan sát kẻ Phán xét.