LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”

GIẢN TƯ TRUNG

Trích: Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021

Vậy, làm thế nào để có được “năng lực làm người”, hay nói cách khác, là lấp đầy cái “túi văn hóa” của mình?

Rất nhiều nhà tư tưởng đã đồng tình rằng, biết tự vấn và hoài nghi không ngừng nghỉ về sự hiểu biết của mình có thể giúp con người khai phóng bản thân. Chẳng hạn như Karl Marx, khi được con gái hỏi câu châm ngôn ưa thích nhất của ông là gì, đã trả lời: “Hãy biết hoài nghi về mọi thứ!.

Bởi vì nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay “phản tư bản thân” thì nhiều người trong chúng ta – kể cả những người được cho là có tri thức hay có ảnh hưởng nhất định trong xã hội – cũng sẽ dễ trở thành người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), mà nói nôm na bằng ngôn ngữ bình dân là: dốt mà không hề biết là mình dốt.

Có thể tạm chia những người có ảnh hưởng trong xã hội ngày nay thành năm nhóm sau đây: có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ.

Một biểu hiện của bệnh ấu trĩ ở những người có quyền là việc họ thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi nhưng bản thân họ lại không nhận ra được điều đó. Một nhà lãnh đạo giỏi có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ, giỏi tất cả mọi việc, nhưng sẽ biết ai là người mình nên lắng nghe và biết cái gì là thứ mà mình nên theo đuổi, sẽ có khả năng minh định được đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài và đâu là ngụy tài. Nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có khả năng này, bởi họ đã mất đi khả năng minh định ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai.

Những người có tiền lại ảnh hưởng đến xã hội thông qua cách họ kiếm tiền và xài tiền. Lâu nay, xã hội vẫn thường hay lên án đồng tiền, điều này không ổn. Bởi lẽ, đồng tiền là vật trung tính, nó không tốt, cũng chẳng xấu, mà xấu hay tốt là do cách người ta kiếm tiền và xài tiền. Kiếm tiền bằng cách này là tốt, còn kiếm tiền bằng cách kia là xấu; xài tiền vào việc này là tốt, còn xài tiền vào việc kia là xấu.

Người có tiền ấu trĩ thường là những người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng nhưng lại rất tự hào về điều đó, / hoặc dùng tiền họ kiếm được để cổ xúy cho những cái không hay ho gì nhưng lại rất kiêu hãnh về nó.

Tương tự như vậy, những người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng), và mình sẽ dùng nó như thế nào. Nên mới có chuyện một cô người mẫu rất tự hào vì mình đã trở nên nổi tiếng nhờ việc khoe thân khắp các trang mạng, hay rất nhiều người mang danh là “nghệ sĩ” nhưng công chúng hiếm khi thấy họ khoe những tác phẩm nghệ thuật hay sáng tạo nghệ thuật mà chủ yếu là khoe nhà, khoe xe, khoe áo quần. Thực ra khoe không phải là xấu, nếu mình thích khoe thì cứ tự do khoe thôi. Nhưng một người mang danh “nghệ sĩ” mà lại toàn khoe những thứ phi nghệ thuật hay ít văn hóa thì liệu có phải là “nghệ sĩ” không? Hay có những người tối ngày khoe sản phẩm, tác phẩm “nghệ thuật” nhưng hầu như những thứ đó lại không có nghệ thuật gì mấy, do bởi cũng chưa hiểu thực sự thế nào lànghệ thuật.

Những người có bằng thường cũng được cộng đồng vị nể và những hành xử của họ thường được xem là chuẩn mực để người khác hướng theo. Thế cho nên, cái tai hại mà sự ấu trĩ của họ gây ra là nó khiến cho những người xung quanh họ mất đi niềm tin vào những giá trị chuẩn mực, nhất là chuẩn mực nghề nghiệp. (Theo kiểu “Ôi trời, đến tiến sĩ mà còn hành xử như thế thì mình làm vậy cũng có gì đâu mà ngại!).

Có một nghịch lý là sự ấu trĩ của một người có thể gia tăng tỷ lệ thuận với số bằng cấp mà họ sở hữu, nhất là khi cái bằng đó không phải là kết quả của một quá trình học tập để có cái “túi văn hóa” (đầu sáng + tim nóng) và “túi chuyên môn” (đầu chuyên gia + tim yêu nghề) mà chỉ là một vật trang sức để làm bản thân họ thêm lấp lánh. Bởi lẽ, cái bằng đó có thể khiến cho họ ngộ nhận rằng mình cũng hơn người hoặc cũng chẳng kém ai mà quên đi rằng vẫn còn quá nhiều điều cần phải học hỏi để nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình.

Những người có chữ (hay còn gọi là “tinh hoa”) là một trường hợp đặc biệt. Bởi họ luôn được xem là “đôi mắt” hay “tầm nhìn” của xã hội, cho dù họ có thể không có quyền hay có tiềnLà “tinh hoa”, “trí thức” nên tất nhiên họ sẽ không có những cái ấu trĩ bình thường của những người bình thường.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có “điểm mù”. Liệu họ có thực hiện được trách nhiệm xã hội của người hiểu biết là chia sẻ “cái đúng” và giúp cho mọi người nhận ra “cái đúng”, nhất là cái đúng trong ngành nghề, lĩnh vực của mình? Liệu họ có thoát ra được những giới hạn của thời đại mình đang sống để có được một viễn kiến xa hơn, rộng hơn, vượt ra khỏi thời đại của mình? Liệu họ có hướng xã hội của mình đi vào một thời đại mới tốt đẹp hơn bằng chính tầm nhìn, trí tuệ đó của mình, hay vẫn chỉ loay hoay với những thị phi trong chính thời đại của mình?

Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ. Bởi như Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Và ông còn nói thêm rằng: “về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm”. Chính vì vậy, việc giữ cho mình một tâm thế luôn hoài nghi về sự hiểu biết của bản thân, luôn phản tư và phản tỉnh chính mình (như triết gia Socrates từng nói là “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả” hay như cổ nhân nói Tôi biết rõ là tôi không biết cái gì” – như thế mới thực sự là người hiểu biết) sẽ giúp chúng ta không bị lún sâu vào cái dốt mênh mông ấy.

Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng có được sự thông thái về bản thân đó như các bậc hiền triết. Vì vậy, trong tiến trình khai minh của xã hội thường có sự hiện diện của những nhà văn hóa lớn ở vai trò người dẫn dắt. Nhưng không ít người, dù ngậm ngùi, cũng phải đồng tình với nhận xét của nhà giáo Trần Hữu Dũng (Hoa Kỳ) trong một bài viết trên số báo Xuân 2011 của Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng Việt Nam đang ở trong “Thời vắng những nhà văn hóa lớn”:

“Một nhà văn hóa lớn cống hiến cho xã hội một hệ tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, có khả năng khuấy động những trao đổi, đóng góp của những người khác trong lĩnh vực đó, và qua đó, làm giàu cho sinh hoạt tư tưởng của xã hội

Có người sẽ hỏi: Tại sao chúng ta cần những nhà văn hóa lớn? Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước (và chúng ta không bao giờ thiếu những nhà thơ, nhà văn!).

Như vậy không đủ sao? Tôi nghĩ là không đủ. Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hóa không đến nỗi nghèo nànNhưng chúng ta cũng cần những tinh hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hóa của xã hội ấy.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ vô vọng nếu ta không may sinh ra trong một thời đại, một xã hội thiếu vắng sự dẫn đường. Trái lại, nếu mọi thứ càng tệ hại, càng đi xuống thì càng có nhiều thứ cần làm và mỗi người càng phải dấn thân, càng phải làm điều gì đó. Vì nếu cá nhân nào cũng trông mong có ai khác sẽ làm điều đó thay mình thì rốt cuộc sẽ chẳng có “ai” xuất hiện cả. Nhưng hành động của một người, dù nhỏ nhoi, có thể sẽ là nguồn cảm hứng để một người khác hành động và cứ như thế, sẽ tiếp nối nhau tạo ra những thay đổi lớn dần.

Có một lần tôi đi xem kịch, màn 1 kết thúc, cô MC nói xin quý vị khán giả một tràng pháo tay. Cả khán phòng đầy ắp khán giả nhưng chỉ lác đác, lẹt đẹt có mấy cái vỗ tay. Tôi hỏi anh bạn ngồi bên cạnh, kịch có hay không anh?

Anh trả lời một hơi: Hay quá, không ngờ kịch lại hay như vậy. Nhiều năm nay tôi không đi xem kịch, bữa nay vì người ta tặng vé nên đi thử, không ngờ kịch hay như thế. Lần sau, nếu không ai tặng vé thì cũng sẽ mua vé để đi coi.

Nhưng lúc nãy tôi thấy anh không vỗ tay, tôi hỏi. Và anh ấy trả lời một cách rất tự nhiên rằng, đã có người khác vỗ rồi, nên mình không vỗ cũng được.

Vậy là rõ rồi, anh ấy và hầu hết mọi người trong khán phòng đều không vỗ tay, không hẳn vì họ không thích vở kịch. Họ không vỗ tay là vì ai cũng nghĩ rằng, “đã có người khác vỗ rồi, nên mình không vỗ cũng được”. Và vì ai cũng nghĩ như vậy nên rốt cuộc chẳng mấy ai vỗ tay.

Có mấy điều suy nghĩ từ câu chuyện này:

Một là, về khán giả của vở kịch. Chuyện gì sẽ đến khi mà hầu hết khán giả tiết kiệm một tràng vỗ tay để cổ vũ và tán thưởng, dù các nghệ sĩ rất xứng đáng được như vậy? Điều đó có thể khiến cho người nghệ sĩ biểu diễn mất d ần cảm hứng, và những tiết mục càng về sau của họ sẽ không còn xuất sắc như lúc đầu nữa. Và người thiệt thòi chính là khán giả chứ không phải ai khác. Trái lại, nếu mỗi người đều có ý thức vỗ tay thì sẽ tạo nên những tràng pháo tay vang dội, khiến cho người nghệ sĩ cảm thấy mình được trân trọng, phần biểu diễn của họ sẽ càng trở nên thăng hoa hơn và khán giả sẽ được thưởng thức nghệ thuật đích thực.

Hai là, về phương diện xã hội, nếu như ai cũng thoái thác trách nhiệm của mình, ai cũng ỷ lại người khác như vậy thì xã hội sẽ ra sao?

Ba là, về phương diện cá nhân, nếu mình thấy vở kịch hay thì cứ vỗ tay, còn ai có vỗ tay hay không là chuyện của họ, mình không bận tâm lắm, đó mới là cách nghĩ và cách hành xử của con người tự do và tự trị. Nói cách khác, con người tự do/ tự trị sẽ hành động theo “tiếng gọi bên trong” của mình, họ sẽ không hành xử theo kiểu bầy đàn (mọi người sao thì mình vậy, luôn giống mọi người), họ sẽ không hành động theo kiểu khuôn mẫu (hồi trước sao thì bây giờ sẽ như vậy), họ sẽ không hành xử theo kiểu luôn khác (tôi phải luôn khác biệt với mọi người), và họ cũng không ỷ lại cho người khác (nếu đó là trách nhiệm cá nhân của mình thì mình sẽ làm, không cần biết là người khác có làm hay không).

Tôi cho rằng, mỗi người chỉ có một cuộc đời, do đó phải biết rõ là ta sẽ dùng đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng không. Khi mọi thứ hỗn loạn mà ta có thể minh định mọi chuyện và dùng cuộc đời vào những việc mà mình tin là đúng và tốt thì điều đó lại càng có nghĩa hơn. Người ta chỉ vô vọng khi chẳng biết làm gì cả hay khi đặt ra cho mình quá nhiều điều to tát nhưng lại không làm được. Cho dù không thể tạo ra ngay những thay đổi lớn, nhưng nếu có thể học tập mẹ Teresa “Nếu không làm được việc lớn thì sẽ làm việc nhỏ với tình yêu lớn, làm những việc tầm thường với tấm lòng phi thường” thì ai cũng có thế tạo ra những bước tiến nhất định cho bản thân mình và cho xã hội.

Hãy để tôi kết lại phần này bằng một câu chuyện có tên là “Những con sao biển”. Chuyện kể như sau:

Một sớm tinh mơ, một người đàn ông chạy bộ dọc bãi biển. Ở phía xa, ông thấy một cậu bé có vẻ bận rộn. Cậu chạy lăng xăng, cúi nhặt những vật gì đó rồi quăng nó xuống biển. Thoạt đầu, ông tưởng cậu đang chơi trò chơi ném đá. Nhưng khi tiến lại gần, ông nhận ra những”viên đá” đó thì ra là những con sao biển bị mắc cạn trên bãi. Và vị cứu tinh nhỏ này đang cố gắng đưa chúng trở lại với biển, chạy đua với mặt trời mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ trở nên gay gắt và không tài nào chịu đựng nổi. Vừa thả những con sao biển xuống nước, cậu vừa nói: “về nhà ngay nhé, bố mẹ mày đang đợi đấy!

Người đàn ông thầm nghĩ: những cố gắng của cậu bé rồi sẽ chỉ là công cốc thôi. Làm sao có thể đưa hàng vạn con sao biển về nhà của chúng được? Ông gọi to: “Này nhóc, làm thế làm gì? Làm sao em cứu được tất cả những con sao biển?

Cậu bé lại cúi xuống, nhặt một con sao biển và hét trả lời: “Nhưng cháu có thể cứu được con này mà. Nó sẽ được về nhà!” Cậu bé vung tay quăng con vật bé nhỏ xuống biển. Rồi lại lập tức cúi xuống với một con khác

Câu trả lời của cậu bé khiến ông như bừng tỉnh! Rõ ràng cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy những sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Người đàn ông thầm nghĩ: Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Còn ông thì chỉ nhìn thấy một con số quá khổng lồ đến mức vô vọng.

Thế là ông cúi xuống nhặt một con sao biển lên và đưa nó về nhà. Và khi thấy hai chú cháu làm như vậy, rất nhiều người khác trên bãi biển cũng nhặt những con sao biển để đưa chúng “về nhà”. Chẳng bao lâu sau, hàng vạn con sao biển trên bãi biển hôm đó đã được “về nhà”

Một câu chuyện giản dị nhưng thông điệp của nó không hề đơn giản. Đôi khi nhìn vào xã hội rộng lớn, chúng ta cũng có cảm giác tuyệt vọng giống như người đàn ông trên bãi biển. Có quá nhiều vấn đề, làm sao giải quyết được hết? Làm sao có thể cứu giúp tất cả những người đói nghèo trên thế giới? Làm sao để xã hội không còn những điều bất công? Làm sao để giải quyết được sự hủ bại về văn hóa của cả xã hộiCâu hỏi nào cũng quá lớn lao mà chúng ta thì nhỏ bé. Nhưng hãy nhớ đến câu nói của cậu bé nhặt sao biển: “Nhưng cháu có thể cứu được con này mà!.

Hành động nào cũng có giá trị của riêng nó. Và nhiều hành động nhỏ sẽ làm nên hành động lớn. Một con én thì không làm nên mùa xuân, nhưng lại có thể báo hiệu mùa xuân đến. Khi có nhiều con én như thế, đó là lúc mùa xuân đang đến thật gần!

Đó là chưa kể đến một cách hiểu rất hay nữa mà Giáo sư Cao Huy Thuần từng chia sẻ: “việc của én là đưa thoi, còn mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề”. Đối với một con người tự do và tự trị thì tự họ họ luôn hành động theo lương tri và phẩm giá của họ, họ cảm thấy nên làm, cần làm và phải làm thì họ sẽ làm thôi (tất nhiên là làm trong khả năng của họ), và khi họ hành động như một con người tự do thì khi đó họ cũng thật sự là một công dân có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội của mình. Vì thế, ta hãy bắt đầu từ chính mình và bắt đầu với những con “sao biển” ở quanh ta. Hãy nghĩ rằng: Thay đổi đến từ TÔI!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI TÂM: ĐỂ CÓ TRÁI TIM NÓNG
  2. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”
  3. LÒNG TỰ TRỌNG

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY