LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI

BHIKKHU BODHI

Nguồn: Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội hợp tuyển từ Kinh tạng Pali - The Buddha’s Teachings on Social and Communal Harmony, An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

Tác giả: BHIKKHU BODHI

Việt dịch: Nguyên Nhật Trần Như Mai

NXB. Hồng Đức

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC DALAI LAMA XIV

Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, đã sinh sống, chứng đắc giác ngộ, và giảng dạy ở Ấn Độ hơn 2500 năm về trước. Tuy nhiên, tôi tin rằng phần lớn những gì ngài dạy cách đây rất lâu vẫn còn giá trị và hữu ích cho đời sống con người ngày nay. Đức Phật thấy rằng con người có thể sống chung tự do như những cá nhân, trên nguyên tắc bình đẳng và vì vậy có trách nhiệm đối với nhau.

Ngài thấy rằng mục đích chính của đời sống là được hạnh phúc. Ngài nói đến đau khổ trong bối cảnh của những phương cách để vượt qua đau khổ. Ngài công nhận rằng trong lúc vô minh đã trói buộc chúng sinh trong nỗi khổ đau và phiền não triền miên vô tận, thì tu tập phát triển sự hiểu biết chơn chánh sẽ giải thoát con người khỏi đau khổĐức Phật thấy rằng mỗi thành viên của gia đình nhân loại, nam cũng như nữ, đều có quyền bình đẳng để được tự do, không chỉ về phương diện xã hội hoặc ngay cả tự do về mặt tâm linh, nhưng còn là một sự tự do cơ bản được thoát khỏi sợ hãi và thiếu thốn. Ngài công nhận rằng mỗi chúng ta chỉ là một con người như bao nhiêu người khác. Không những tất cả chúng ta đều ước muốn được hạnh phúc và tìm cách tránh đau khổ, mà chúng ta còn có quyền bình đẳng để theo đuổi những mục đích ấy.

Trong nội bộ cộng đồng tu sĩ mà Đức Phật đã thiết lập, mọi cá nhân đều bình đẳng, cho dù họ thuộc về tầng lớp nào trong xã hội hoặc có nguồn gốc nào từ hệ thống giai cấp. Tập quán đi khất thực nhằm mục đích củng cố nhận thức của tu sĩ về sự lệ thuộc của họ vào người khác. Bên trong cộng đồng tăng chúng, mọi quyết định đều là kết quả của bỏ phiếu và những khác biệt được giải quyết bằng sự đồng thuận chung.

Đức Phật đã dùng một phương pháp thực tiễn để kiến tạo ra một thế giới hòa bình và hạnh phúc hơn. Dĩ nhiên là ngài đã đặt nền tảng cho con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ mà Phật tử khắp thế giới vẫn tiếp tục đi theo cho đến ngày nay, nhưng ngài cũng luôn nhất quán trong việc đưa ra những lời khuyên mà bất cứ người nào cũng có thể quan tâm để sống hạnh phúc hơn ngay bây giờ và ở đây.

Các bài kinh được tuyển chọn từ những lời khuyên bảo và chỉ dạy của đức Phật trong tập sách này – về các đề tài liên quan đến tính thực tiễn, giữ đúng Giới luật và lời nói có cân nhắcnhẫn nhục hơn là tức giận, quan tâm đến điều tốt đẹp cho người khác – tất cả đều liên quan đến việc tạo lập tình bằng hữu và duy trì sự an vui trong cộng đồng.

Con người chúng ta là những sinh vật xã hội. Vì tương lai chúng ta tùy thuộc vào người khác nên chúng ta cần bạn bè để đáp ứng những lợi ích của chúng taChúng ta không kết bạn bằng cách gây gổghen ghét và tức giận, nhưng bằng cách thành thật trong mối quan tâm của chúng ta đối với người khác, bảo vệ đời sống của họ, và tôn trọng quyền lợi của họ. Kết bạn và thiết lập lòng tin là nền tảng để xây dựng xã hội vững vàng. Giống như những bậc thầy vĩ đại khác, Đức Phật ca ngợi lòng bao dung và tha thứ để lấy lại niềm tin và giải quyết những tranh chấp phát sinh, bởi vì khuynh hướng của chúng ta thường xem kẻ khác như là ‘chúng nó’ đối lập với ‘chúng ta’.

Trong quyển sách xuất sắc này, Bhikkhu Bodhi, là một nhà sư học giả Phật giáo đầy kinh nghiệm, đã trích dẫn từ kinh điển thuộc truyền thống Pāli, một trong những tài liệu cổ xưa nhất về những lời Phật dạy, còn được gìn giữ đến ngày nay, để chứng minh mối quan tâm của Đức Phật về việc duy trì sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội. Tôi chắc chắn rằng các Phật tử sẽ tìm thấy tuyển tập này rất giá trị, nhưng tôi hy vọng là một số độc giả khác rộng lớn hơn cũng thấy tuyển tập này rất hấp dẫn. Những tài liệu được sưu tập trong sách này chứng tỏ rõ ràng rằng mục đích tối hậu của Phật giáo là để phục vụ và làm lợi ích cho nhân loại. Bởi vì những gì làm tôi thích thú không phải là để cải đạo người khác theo đạo Phật, nhưng là làm thế nào để Phật tử chúng ta có thể đóng góp cho xã hội loài người bằng những tư tưởng Phật giáo của chính chúng ta. Tôi tin chắc rằng những độc giả quan tâm đến việc kiến tạo một thế giới hạnh phúc hơn, an bình hơn cũng tìm thấy sách này rất hấp dẫn.

Ngài Tenzin Gyatso

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma thứ 14

??

NGUỒN GỐC LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG XÃ HỘI

Xung đột và bạo động đã gây ra nhiều vấn nạn đau khổ cho con người kể từ thời xa xưa, và đã làm vấy máu các biên niên sử của nhân loại. Trong lúc lòng người luôn luôn thao thức với mong ước được sống trong an bìnhhòa hợp và thương yêu đồng loại, thì các phương tiện để thỏa mãn mong ước này đã từng chứng minh là xa vời khó đạt được. Trong các quan hệ quốc tế, chiến tranh lần lượt tiếp nối nhau như các màn diễn trong phim, chỉ có những khoảng tạm ngưng ngắn ngủi trong đó các thế lực hiếu chiến bắt đầu thành lập các liên minh mới và âm thầm chiếm đoạt lãnh thổ. Các hệ thống xã hội vẫn triền miên bị xâu xé bởi các cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó giai cấp thượng lưu tìm cách thâu tóm nhiều đặc quyền và giai cấp lệ thuộc đạt được nhiều quyền lợi và an ninh hơn. Dù đó là sự xung đột giữa chủ nhân và nô lệ, giữa các lãnh chúa phong kiến và các tá điền, giữa giai cấp quý tộc và thường dân, giữa tư bản và thợ thuyền, có vẻ như chỉ có các bộ mặt là thay đổi còn động lực bên dưới của cuộc tranh chấp quyền lực vẫn như cũ. Các cộng đồng cũng vậy, vẫn liên tục bị đe dọa bởi những xung đột nội bộ. Những cuộc tranh chấp quyền lực giữa các đối thủ, những ý kiến khác biệt, và những tranh giành quyền lợi giữa các thành viên có thể làm phân hóa họ, để cho ra đời những vòng đối nghịch mới. Khi mỗi cuộc chiến tranh, chia rẽ, hoặc tranh chấp đạt cao điểm, niềm hy vọng lại khởi lên rằng hòa giải sẽ theo sau, rằng hòa bình và đoàn kết cuối cùng sẽ thắng. Tuy nhiên, những hy vọng ấy đã nhanh chóng trở thành thất vọngsự kiện này vẫn lặp đi lặp lại như vậy.

Một đoạn kinh thật cảm động trong các kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy đã chứng minh cho sự khác biệt giữa nguyện vọng của con người mong muốn được hòa bình và thực tế ảm đạm của sự xung đột triền miên bất tận. Kinh kể rằng, có một thời Sakka Thiên chủ, vị vua cai trị cõi trời, đến thăm Đức Phật và hỏi Ngài câu hỏi nhức nhối: “Bạch Thế Tôn, tại sao trong lúc con người mong ước được sống trong hòa bình, không oán ghét hận thù, mà họ lại vướng vào vòng thù hận khắp mọi nơi?” (xem Kinh văn VIII,1). Câu hỏi đó vẫn vang vọng qua các thời đại, và chúng ta cũng có thể hỏi với sự cấp thiết như vậy về nhiều khu vực bất ổn trong thế giới ngày nay: Iraq và Syria, Dải Gaza, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, Miến Điện và Sri-Lanka, Charleston và Baltimore…

Vấn đề này ắt hẳn cũng đã làm nặng trĩu tâm tư của Đức Phật khi Ngài du hành qua bình nguyên sông Hằng để giáo hóa chúng sinhXã hội dưới thời Ngài đã phân chia thành nhiều giai cấp được phân biệt bởi những đặc quyền của giới thượng lưu và địa vị thấp hèn của những người ở dưới đáy xã hội. Những người sống bên ngoài hệ thống giai cấp, những kẻ bần cùng, thậm chí còn bị đối xử tệ hại hơn, họ là đối tượng của sự sỉ nhục mất nhân phẩm hèn hạ nhất. Khung cảnh chính trị thời đó cũng đang thay đổi, khi các vương triều do các vị vua đầy tham vọng vươn lên từ những đống tro tàn của các tiểu quốc kiểu bộ lạc cũ, nay lại bắt đầu những chiến dịch quân sự nhắm mục đích mở rộng bờ cõi của họ. Bên trong triều đình, những tranh chấp gay gắt giữa các đối thủ khao khát quyền lực. Ngay cả những cộng đồng tâm linh thời đó cũng không tránh khỏi các cuộc xung đột. Các triết gia và Sa-môn tự hào về những lý thuyết của họ đã đấu lý với nhau trong các cuộc tranh luận sôi nổi, mỗi bên tìm cách hạ đối thủ để thu nhận thêm tín đồ vào hàng ngũ của họ.

Trong một bài thi kệ thật cảm động trong Kinh Tập Nipata (kệ số 935-37), Đức Phật đã lên tiếng nói về cảm giác chóng mặt của Ngài trước những bạo lực đó, có lẽ ngay sau khi Ngài rời thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) và lần đầu tiên chứng kiến thế giới bên ngoài đất nước của Ngài:

Sợ hãi đã khởi sinh từ những kẻ dùng bạo lực:
Hãy nhìn những người đang dấn thân vào xung đột.
Ta sẽ nói cho các người biết về cảm giác cấp thiết của Ta,
Ta đã bị cảm giác cấp thiết khuấy động như thế nào.

Đã thấy những con người đang run rẩy
Như cá trong dòng suối cạn nước,
Khi Ta thấy họ xung đột với nhau
Tâm Ta đã khởi lên sự sợ hãi.

Thế giới quanh Ta không lớn lắm,
Mọi hướng đều đang biến động.
Mong muốn có một nơi an trú cho Ta,
Ta không thấy có chỗ nào không bị chiếm đóng.

Một khi bắt đầu giảng dạy, sứ mạng đầu tiên của Đức Phật là làm sáng tỏ con đường đưa đến đỉnh cao là an tịnh nội tâm, trong sự an ổn tuyệt đối của Niết-bàn, giải thoát khỏi vòng sanh, già và chết. Nhưng Đức Phật đã không quay lưng với thân phận con người để chỉ dành ưu tiên cho cuộc tìm cầu giải thoát hoàn toàn hướng đến nội tâm thanh tịnh của bậc tu hành khổ hạnh. Từ địa vị của Ngài là một bậc xuất gia đứng ngoài trật tự thông thường của xã hội, Ngài đã nhìn với lòng quan tâm sâu sắc đến nhân loại đang vật lộnvướng mắc trong vòng tranh chấp trong lúc vẫn khao khát hòa bình, và với tâm từ bi Ngài đã tìm cách đem sự hòa hợp đến những nơi đang có xung đột về quan hệ giữa con người, để cổ xúy cho một lối sống đặt nền tảng trên sự bao dung, hài hòa và tử tế.

Nhưng Ngài còn làm nhiều hơn thế nữa. Ngài đã thiết lập một cộng đồng có mục đích cổ vũ cho việc phát triển sự an bình nội tâm và ngoại cảnhNhiệm vụ này đã đặt vào tay Ngài ngay từ bước khởi đầu, vì Đức Phật không phải là một vị du tăng đơn độc, giảng dạy cho những ai tìm đến Ngài để xin hướng dẫn, rồi để mặc cho họ tự xoay xở. Ngài là người đã sáng lập một phong trào tâm linh mới mà ngay từ lúc đầu đã không tránh khỏi tính chất cộng đồngNgay sau khi Ngài kết thúc bài thuyết pháp đầu tiên, năm vị tu sĩ khổ hạnh đã được nghe Ngài giảng pháp liền xin được làm đệ tử của Ngài. Thời gian trôi qua, lời giảng dạy của Ngài đã thu hút ngày càng nhiều số thiện nam tín nữ xin được theo Ngài để sống cuộc đời không gia đình và nhận lãnh toàn bộ sự rèn luyện của Ngài. Như vậy, Giáo đoàn – là một cộng đồng Tăng ni sống theo từng nhóm, du hành theo từng nhóm, được rèn luyện theo từng nhóm, dần dần đã hình thành và phát triển chung quanh Ngài.

Tuy nhiên, thay đổi từ y phục đời thường thành y vàng nâu chưa phải là tấm thông hành tức khắc đưa đến thánh thiện. Mặc dù lối sống đã thay đổi, các Tăng ni gia nhập Giáo đoàn của Đức Phật vẫn còn mang theo họ những khuynh hướng bẩm sinh về sân hậnkiêu ngạotham vọngđố kỵ, tự tôn và bướng bỉnh. Như vậy, sẽ không tránh khỏi nảy sinh những căng thẳng trong nội bộ cộng đồng Tăng chúng, đôi lúc phát triển thành sự chống đối nhau trực tiếp, tạo ra phe nhóm, tranh chấp nhau và thậm chí xung đột gay gắt. Để Giáo đoàn được phát triển, quả thật Đức Phật phải trở thành “một nhà tổ chức”. Trong lúc Ngài có thể tuyên thuyết về những lý tưởng tâm linh cao thượng theo đó các đệ tử của Ngài có thể nỗ lực vươn tới, điều này không bảo đảm có được sự hòa hợp trong Giáo đoàn. Ngài cũng cần thiết lập một bộ quy luật chi tiết để vận hành đồng nhất những công việc trong cộng đồng Tăng chúng và ban hành những điều lệ để giới hạn nếu không phải là loại bỏ hoàn toàn các khuynh hướng chia rẽ nội bộ. Những điều lệ này đã trở thành Luật tạng (Vinaya), là bộ Giới luật của Tăng ni.

Đức Phật cũng đã dạy và hướng dẫn những người tại gia tuân theo giáo lý của Ngài, như là những cư sĩ, sống trong gia đình và làm việc bình thường theo nghề nghiệp của họ. Như vậy, Ngài phải đối diện thêm với nhiệm vụ đặt ra đường lối hướng dẫn cho xã hội nói chung. Ngoài một bộ Giới luật căn bản cho cư sĩ, Ngài phải đưa ra những nguyên tắc để bảo đảm rằng cha mẹ và con cái, vợ chồng, chủ nhân và công nhân, và những người có nhiều nguồn gốc và giai cấp xã hội rất khác nhau có thể sống chung hài hòa thân thiện. Đứng trước những thách thức đó, phạm vi của Giáo pháp được mở rộng. Từ đặc tính ban đầu là một con đường giải thoát tâm linhxoay quanh trọng tâm là những thực hành thiền định và quán chiếu triết lý, Giáo pháp ấy đã đưa đến những hướng dẫn đạo đức không những chỉ áp dụng cho cách hành xử cá nhân, mà còn cho những quan hệ giữa những người sống trong các hoàn cảnh khác nhau, dù là ở trong các tu viện hay tại gia, dù là người đang mưu sinh trong phố chợ, công xưởng hay trong dịch vụ hành chánh của đất nước họ. Trong tất cả mọi hoàn cảnh, đòi hỏi đạo đức chính yếu là tránh làm tổn hại người khác: Tổn hại do hành hungtổn hại do chà đạp quyền lợi của người khác, tổn hại do xung đột và bạo độngMục đích lý tưởng là để cổ xúy cho thiện chí và sự hài hòa trong hành động, lời nói và ý nghĩ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NÓI LỜI KHEN CHÊ
  2. LỤC HÒA

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ KIỆN NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO
  3. THANH LỌC TÂM

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH