LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ

SOKO MORINAGA

Trích: Từ Nụ Đến Hoa; Nguyên tác: From Novice To Master; Việt dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo; NXB. Thanh Niên, 2007

Vị lão sư bảy mươi tuổi của tôi đã học hành chuyên cần ở Trường Đại học Tokyo và đã tốt nghiệp thủ khoa trong khóa; ông đã thấu tỏ con đường Thiền đang đi và rồi đã là viện trưởng của hệ thống các thiền viện Đại Đức. Đó là tiểu sử thân thế của ông, trong khi tôi đây … tuổi xấp xỉ đôi mươi, chẳng có gì để phô trương ngoài học vấn trung học của thời xưa cũ, chẳng bao giờ lên đại học … tôi đã là đệ tử của ông. Với vị trí thấp kém của mình, tôi ngưỡng vọng lên Thầy như một người ở dưới ngước lên nhìn núi Hi Mã Lạp Sơn. 

Và thế là tôi, trong những ngày mới vào tu tập đó, chưa chi đã thấy tuyệt vọng khi nghĩ đến tương lai, cảm thấy như là chẳng có ích lợi gì để tiếp tục, và tự hành hạ mình với ý tưởng là không thể nào mình xứng đáng để có ngày bước thế vào bước chân của Thầy được. Thỉnh thoảng, khi tiếp được một vài sự ngợi khen của Thầy, tôi thấy mình như bay vút lên trên mây cao, nhưng rồi sau đó lại rơi ngay xuống vực sâu của tuyệt vọng. 

Sự khó khăn của tôi không phải là riêng biệt. Có lẽ gần như tất cả mọi người, từ thời xa xưa cho tới nay, khi bắt đầu học đạo đều phải trải qua những tình huống như vậy. Một thí dụ là Tử Lộ, học trò của Khổng Tử ở Trung Hoa ngày xưa. Tử Lộ đã sống một cuộc đời phóng đãng cho đến khi ông tình cờ đâm bổ vào một lớp học trong đó Đức Khổng Tử đang dạy Đạo cho đệ tử của ngài. Bị thu hút bởi cá tính của vị Thầy, Tử Lộ đã trở thành học trò của ngài. Tử Lộ vốn là một người rất tự tin nơi sức mạnh thể lực của mình, nhưng rồi ông sớm nhận ra rằng Khổng Tử không những là một người dạy Đạo bằng sự ôn hòa và đức hạnh của mình, mà còn có một sức mạnh mà Tử Lộ không thể nào sánh bằng. Khổng Tử thông hiểu sâu xa tâm lý của tầng lớp dân chúng hạ lưu, khiến Tử Lộ phải tự hỏi không biết trước đây Ngài đã có đời sống như thế nào. Kiến thức của Khổng Tử sâu rộng đến nỗi các đệ tử của Ngài đều không ai hiểu được ngài như thế nào cả. Tuy là một đệ tử rất chuyên cần, Tử Lộ cũng e ngại rằng mình sẽ không thể nào bắt kịp được Thầy. 

Trong một dịp, Đức Khổng Tử buông lời khen ngợi một trong những đệ tử của ngài là Nhan Hồi, nói rằng: “Hay thay Hồi sinh! Chỉ sống với một cái bát tre, một ngụm nước, ở trong một ngõ hẻm chật hẹp. Những người khác chắc sẽ thấy đời sống đó buồn chán không chịu nổi, nhưng Hồi lúc nào cũng vẫn lạc quan, vẫn giữ vững tinh thần như thường. Thật là đáng ca ngợi!” 

Ý của Khổng Tử muốn nói là: ”A, thằng đệ tử Hồi đó của ta, nó thật là một người phi thường. Nó ăn thức ăn tồi tàn nhất, uống nước lạnh không thôi” – ở bên Trung Hoa vì nước xấu, cho nên uống trà là một sự thường tình, mà nếu trong cuộc sống chỉ có uống nước lạnh không thì quả là một điều đáng chú ý! – “và ở trong một căn nhà lụp xụp. Hầu hết mọi người sẽ thấy đó là một điều khổ hạnh không chịu nổi và sẽ cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng Nhan Hồi thì không thế! Dù cho có cuộc sống như vậy, cũng không có gì ngăn cản được anh ta hoan hỉ đi theo con đường Đạo. Thật là một con người kỳ diệu thay!” 

Lúc đó, Jan Yu, một đệ tử đang có mặt, đã nêu lên rằng: “Không phải là con không tin vào Đạo mà thầy và các vị sư huynh tiền bối như Nhan Hồi đã thực hành. Nhưng có điều là có những người trong chúng con không đủ khả năng để làm được như vậy.” 

Khổng Tử khi ấy, thật khác với lúc thường, đã trách mắng Jan Yu một cách nặng nề về sự giải đãi này, “Thiếu khả năng là một cái cớ cho những người ít nhất đã từng thử một lần, đã đi được một phần nào đường. Nhưng ngươi! Ngay trước khi ngươi bắt đầu thử cái gì đã tự giới hạn khả năng của mình rồi!” 

Khổng Tử đã răn dạy cho Jan Yu một bài học đích đáng: 

Tất cả mọi người chúng ta đều có những lúc muốn thốt lên những lời như vậy, muốn trốn tránh trách nhiệm của mình. Ngay cả tôi, khi đang kể lại câu chuyện răn dạy Jan Yu này, cũng đã từng cảm thấy y như ông ta khi còn là một đệ tử. “Không thể nào được. Thầy làm được những điều ấy vì ngài thông hiểu Phật pháp, vì ngài là một con người vĩ đại. Nhưng tôi, tôi chỉ là một con người tầm thường …” đây không phải là sự khiêm nhường, mà là sự bào chữa vì đã tự nuông chiều mình! 

Và bây giờ, tôi nhận ra rằng các đệ tử của tôi sẽ có những hình ảnh thế nào về tôi. Có thể là họ không ngưỡng vọng tôi như tôi đã ngưỡng vọng Zuigan đại sư, nhưng họ dường như vẫn nghĩ rằng không thể nào họ có khả năng sánh bằng với tôi được. 

Nếu thực là như vậy, từ đó tới giờ tôi đã hoàn thành được những gì? Tôi không có hứng khởi muốn vào học trường Đại học Tokyo và tốt nghiệp ở đó ra như đại sư Zuigan. Tôi cũng không trở thành Viện trưởng một thiền viện nào. Điều tôi làm được chỉ là: khi đến lúc phải làm việc trong bếp, tôi đã dùng hết sức mình để làm việc trong bếp. 

Trên đời này bạn không thể nỗ lực làm gì mà không kể đến giá trị của chính sự nỗ lực đó. Trong mỗi thứ và trong tất cả đều thể hiện tâm của mình trong đó, đều là sự hiển lộ của Phật, sự biểu thị của Pháp. Khi tôi mới bắt đầu bước vào tu viện, đại sư Zuigan, đang đứng quét vườn bên cạnh tôi, đã chỉ ra cho tôi điều đó khi ngài nói rằng: “Sao, mi đã hiểu chưa? Từ nguyên thủy, dù ở người hay vật, cũng không có gì là rác cả.” Tuy vậy, tôi đã phải mất thời gian đi một đường vòng xa thực hành tu tập mới hiểu được điều này. 

“Khi cầm chổi lên, hãy trở thành cái chổi ; khi bưng bát cơm, hãy trở thành bát cơm.” Đó là những câu nói thông thường ở trong Thiền, nhưng vấn đề là: làm sao thực hành được trong đời sống hàng ngày đây? 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHỈ CÒN BIẾT LAU CHÙI
  2. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  3. KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH