INAMORI KAZUO
Trích: Cách Sống, Từ Bình Thường Trở Nên Phi Thường; Người dịch: Phạm Hữu Lợi; NXB Lao Động – Xã Hội, 2017
INAMORI KAZUO – CÁCH SỐNG TỪ BÌNH THƯỜNG TRỞ NÊN PHI THƯỜNG
—🌼🌸🌼—
Trong thời đại ngày nay, đằng sau sự sung túc giàu có về vật chất thì tâm hồn con người trở nên nghèo nàn, tinh thần trống rỗng. Nhất là “lòng biết ơn” – một trong sáu điều răn của Phật – ngày một phai nhạt. Tôi cho rằng chính trong thời đại vật chất đầy đủ, cuộc sống sung túc này, chúng ta cần xem lại vấn đề “tri túc” và tấm lòng biết ơn đối với sự sống. Thời tôi còn trẻ và xã hội vẫn còn nghèo khó thì tôi nghĩ rằng đức tính quan trọng nhất của con người là sự trung thực. Trung thực trong công việc, trung thực đối với cuộc đời trong khả năng của mình. Sống nghiêm túc, không buông thả. Làm việc hết mình, không xao nhãng. Cách sống và tinh thần làm việc như thế đã ngấm vào máu thịt nhiều người, không phải là điều kỳ lạ hay khác biệt mà là cách sống phổ biến của người Nhật trong thời kỳ nghèo khó. Và đó cũng là vẻ đẹp tinh thần được tất cả ngưỡng mộ và muốn noi theo.
Thế rồi Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, xã hội phồn thịnh thanh bình. Khi công việc kinh doanh của Công ty Kyocera đi vào quỹ đạo, mở rộng quy mô thì có một suy nghĩ chiếm vị trí quan trọng trong đầu óc tôi. Đó là “lòng biết ơn”. Suy nghĩ “biết ơn” đối với những ân huệ nhận được từ những nỗ lực trung thực dâng trào tự nhiên trong tôi. Qua quá trình lặp đi lặp lại những trải nghiệm như vậy. “lòng biết ơn” dần dần hình thành và trở nên một đức tính căn bản trong cuộc sống con người, giống như “trung – hiếu – nhân – nghĩa – lễ – trí – tín”.
Nhìn lại bản thân, tôi thấy lòng biết ơn như một mạch nước ngầm chảy trong cội nguồn quan niệm đạo đức của tôi. Trải nghiệm thời thơ ấu mà tôi kể dưới đây có tác dụng sâu sắc trong việc hình thành lòng biết ơn của tôi.
Nhà bố mẹ đẻ tôi ở Kagoshima. Hồi tôi mới lên bốn lên năm, có lần tôi được cha tôi dẫn đi tham dự buổi “niệm Phật bí mật”. “Niệm Phật bí mật” là một tập quán tín ngưỡng được những người sùng đạo bí mật duy trì hoạt động khi đạo Phật bị chính quyền Satsuma kỳ thị và đàn áp dưới thời Tokugawa. Khi tôi còn nhỏ, tập quán này đã có.
Một buổi tối, cha con tôi đi vào núi dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn lồng cùng với cha con những nhà khác. Tất cả đều âm thầm, lặng lẽ bước. Một nỗi sợ hãi huyền bí bao trùm lên tôi. Tôi chỉ biết mãi miết bám theo bước chân cha tôi. Leo được lên đến nơi, tôi thấy một căn nhà nhỏ và khi vào bên trong nhà thì thấy một bàn thờ Phật trang nghiêm vốn được giấu sau cánh tủ tường. Trước bàn thờ là một nhà sư mặc áo cà sa đang tụng kinh. Trong nhà rất tối vì chỉ có vài ngọn nến nhỏ. Hòa vào bóng tối, chúng tôi tìm chỗ ngồi. Trẻ con được ngồi thiền ngay sau lưng nhà sư, yên lặng nghe tiếng tụng kinh trầm bổng. Sau bài kinh tụng, từng người dâng hương lễ Phật và tôi cũng làm theo.
Khi đó, nhà sư gọi từng đứa trẻ lên và dặn dò. Trong số đó cũng có đứa bị nhắc là phải đến lần nữa. Riêng tôi, nhà sư bảo “Hôm nay con đến đây như thế là được”. Và ông dặn thêm, “Từ nay trở đi, ở nhà ngày nào con cũng phải đứng trước bàn thờ Phật và nói: “Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!”. Sau này, con cũng chỉ cần làm như vậy là đủ”. Rồi nhà sư quay về phía cha tôi nói, “Thằng bé này từ nay không cần phải đưa đến đây nữa”.
Như tất cả những đứa trẻ ngây thơ, tôi cảm thấy tự hào và vui sướng giống như đã vượt qua được một kỳ thi và được cấp bằng. Buổi tối hôm đó, có thể nói là một trải nghiệm tôn giáo đầu đời của tôi và là một ấn tượng sâu sắc. Tầm quan trọng của tấm lòng biết ơn mà nhà sư dạy tôi khi đó đã khắc sâu trong tâm trí, và cho đến tận bây giờ, mỗi lần được hưởng ân huệ thì cụm từ “Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!” luôn phát ra từ miệng tôi một cách tự nhiên và cũng luôn văng vẳng bên tai tôi.
Ngay cả khi đi thăm các thánh đường ở Châu Âu, trong không khí trang nghiêm, bất giác tôi lại tụng “Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!”. Có thể nói là lời nguyện cầu đã thấm vào trong máu tôi. Vượt qua mọi ranh giới của tôn giáo và tín ngưỡng, câu nói đã đóng đinh vào tiềm thức của tôi.
Bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói: “Xin cảm ơn!”
“Nam mô, nam mô, xin cảm ơn!” là câu nói thể hiện lòng biết ơn rất dễ nhớ ngay cả với một đứa trẻ. Đó là câu nói thể hiện sự kính tín và còn là câu nói nuôi dưỡng lòng biết ơn trong tôi.
Lúc nào tôi cũng lẩm bẩm câu này. Lòng biết ơn thấm vào tôi một cách tự nhiên, đối với bất cứ điều gì khi vui cũng như khi buồn. Tôi cố gắng sống đúng đắn với nỗ lực cao nhất.
Có câu ngạn ngữ: “Họa phúc giống như bện sợi dây thừng”. Cuộc đời là sự đan xen giữa việc tốt và việc xấu. Vì vậy tôi luôn mang tâm niệm cảm tạ để sống, bất kể ngày nắng ráo hay ngày u ám, việc tốt hay việc xấu. Tôi không chỉ cảm tạ khi có được niềm hạnh phúc mà ngay cả khi gặp hoạn nạn, tôi cũng vẫn cảm tạ. Bản thân tôi vốn dĩ đang sống và được sống nên tôi mang lòng biết ơn đối với điều đó. Thực hiện việc cảm tạ là bước đầu tiên để nâng cao tâm hồn, để mở ra tương lai tươi sáng cho chúng ta. Con tim mách bảo tôi như vậy.
Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Ngày nắng cũng như ngày mưa không được quên tâm niệm cảm tạ là một việc khó đối với mọi người. Chẳng hạn khi gặp hoạn nạn, nếu nghĩ rằng hoạn nạn là thử thách, chúng ta hãy cảm ơn hoạn nạn. Cho dù nghĩ như vậy nhưng thường thì chúng ta chẳng có tâm trí nào làm như vậy. Bản tính của con người là hay than thân trách phận, vì sao mình lại nên nông nỗi này và luôn mang ý nghĩ hận đời trong lòng.
Trường hợp mọi việc đều trôi chảy, vận may mỉm cười với ta thì sao? Tâm niệm cảm tạ lúc đó có tự nhiên sinh ra không? Không hẳn là như vậy. Chúng ta cho rằng công việc trôi chảy là do chúng ta cố gắng và chẳng cần phải cảm tạ ai cả. Chẳng những không cảm tạ mà lòng tham trong con người lại trỗi dậy mạnh hơn, đã được lại muốn được nhiều hơn nữa, đã may mắn lại muốn nhiều may mắn hơn nữa. Kết cục là chúng ta quên đi lòng biết ơn và tự mình làm mình rời xa nguồn phúc lạc. Vì lẽ đó, điều cần thiết là chúng ta phải luôn mang trong lòng tâm niệm cảm tạ trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Tấm lòng biết ơn có thể không dâng trào nhưng ít nhất chúng ta cũng phải luôn mang theo ý nghĩ biết ơn. Nói cách khác, lúc nào cũng phải sẵn sàng để nói lời cảm ơn. Khó khăn, cực nhọc mang lại cơ hội rèn giũa cho ta trưởng thành. Ta hãy cảm ơn nó. Gặp may mắn và hạnh phúc thì ta càng phải cảm ơn và mong muốn san sẻ. Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng một cách có ý thức tấm lòng biết ơn như vậy.
Không những thế, chúng ta còn phải nghĩ đến những điều tiếp theo. Phải chăng lòng biết ơn chỉ được sinh ra từ sự đầy đủ và thỏa mãn mà không thể sinh ra từ thiếu thốn, bất mãn. Thế nhưng, thế nào là đầy đủ? Thế nào là thiếu thốn? Thế nào là thỏa mãn? Thế nào là bất mãn? Có lẽ nào cứ nhận được nhiều thì được coi là thỏa mãn và đầy đủ, còn nhận được ít thì được coi là thiếu thốn và bất mãn. Về mặt vật chất có thể đúng như vậy. Tuy nhiên, cùng nhận được như nhau, có người cảm thấy chưa đủ thì cũng có người lại thấy là quá nhiều. Có người dù nhận được ít vẫn thấy đủ thì cũng có người được bao nhiêu vẫn thấy thiếu. Có người không ngớt bất mãn kêu ca thì cũng có người luôn cảm thấy thanh thản trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vì thế, vấn đề chính là ở tâm mình. Dù điều kiện vật chất như thế nào nhưng nếu có tấm lòng biết ơn cuộc đời thì vẫn có thể luôn cảm nhận được sự mãn nguyện.
—🌼🌸🌼—