LUẬT NHÂN QUẢ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Trí Tuệ Tinh Hoa; Việt dịch: Lê Tuyên; NXB Đồng Nai

TRÍ TUỆ TINH HOA – DALAI LAMA 14

—🌼🌸🌼—

🍁 Các phạm trù của nghiệp chướng hành vi.

Luật Nhân quả là gì? Từ quan điểm Phật giáo thì đây là quy luật tự nhiên về mối quan hệ nhân quả. Luật Nhân quả là một trong những ví dụ điển hình về các quy luật tự nhiên bao trùm vũ trụ. Theo quan điểm Phật giáo thì vũ trụ là nơi mà mọi sự vật hiện tượng xuất hiện là kết quả của một số nguyên nhân và điều kiện nào đó. Phật giáo còn gọi luật Nhân quả là nghiệp chướng.

Trong phạm vi nghiệp chướng hành vi, chúng ta có thể nói đến ba loại hành vi khác nhau có thể đem lại những hậu quả tương ứng. Những hành vi tạo ra đau đớn và đau khổ thường được xem là những hành vi trái đạo đức.

Những hành vi dẫn đến những kết quả tích cực, chẳng hạn đem đến niềm hạnh phúc và sự hài lòng, được xem là những hành vi hợp đạo đức. Phạm trù thứ ba gồm có những hành vi có thể đem lại sự trầm tĩnh và bình yên, những hành vị này được xem là những hành vi trung tính, không trái đạo đức.
Nghiệp chướng hành vi cũng được chia làm hai loại: hành vi suy nghĩ – hành vi không được thể hiện qua thể chất – và hành vi thể chất, gồm cả những hành vi về lời nói. Thế nên ở đây chúng ta có thể phân loại thành hành vi suy nghĩ, hành vi thể xác và hành vi lời nói.

Nếu chúng ta phân tích một hành vi nào đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng có nhiều giai đoạn phát triển của hành vi này. Giai đoạn bắt đầu (ở giai đoạn này động cơ thúc đẩy và ý định hình thành); giai đoạn đỉnh điểm của hành động và sau đó là giai đoạn kết thúc hành động. Theo các bài Kinh, mức độ khắc nghiệt của các hành vi này tùy thuộc vào cách thức thực hiện từng giai đoạn.

Tại giai đoạn hình thành động cơ thúc đẩy, người ta có những cảm xúc rất tiêu cực chẳng hạn như tức giận, sau đó họ thực hiện hành động, nhưng rồi lập tức họ cảm thấy hối tiếc sâu sắc về hành vi vừa rồi của mình. Cũng có trường hợp người ta không cảm thấy tức giận lắm, nhưng vì hoàn cảnh thúc đẩy nên họ mới thực hiện hành động. Trong trường hợp này, dù hành động tiêu cực đã xảy ra nhưng động cơ thúc đẩy yếu. Thế nên, sức mạnh của nghiệp chướng hành vi tùy thuộc vào độ khắc nghiệt của từng giai đoạn của hành vi.

Khi bạn đã thấu hiểu được tất cả những điều này, mỗi khi bạn có cơ hội tham gia thực hiện một hành vi tích cực trong vai trò là một người rèn luyện Phật pháp, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo rằng bạn phải có được một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ. Sau đó, trong khi thực hiện hành động, bạn cần đảm bảo rằng bạn đã hành động hết sức mình và bạn cần dành mọi nỗ lực để giúp hành vi được thành công. Khi bạn thực hiện hành vi, bạn cần đảm bảo rằng bạn đang thực hiện nghiệp chướng hành vi tích cực vì ích lợi của mọi người và vì sự giác ngộ của bản thân. Nếu bạn có thể kết hợp việc này với sự thấu hiểu về bản chất của thực tại, thì hành vi của bạn sẽ thêm phần mạnh mẽ.

Tín đồ Phật giáo phải làm thế nào để sống một đời sống hợp đạo đức? Khát vọng cuối cùng của con người là thoát ra khỏi kiếp sống luân hồi, là đạt được sự giác ngộ. Thế nên nhiệm vụ quan trọng là chúng ta cần phải chiến thắng được những tình cảm và suy nghĩ tiêu cực. Bước đầu tiên là chúng ta cần tránh xa những hành vi tiêu cực qua suy nghĩ, lời nói và hành động.

Một khi chúng ta đã đạt được giai đoạn này, chúng ta có thể tiếp tục với giai đoạn thứ hai và giải quyết căn nguyên của tất cả những tình cảm và suy nghĩ tiêu cực này. Rồi thì ở giai đoạn thứ ba chúng ta gỡ bỏ mọi vết hằn mà những tình cảm và suy nghĩ tiêu cực đã tạo ra trong tâm hồn.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải biết rằng tình cảm tiêu cực là kẻ thù lớn nhất và là nguyên nhân tạo ra đau khổ của chúng ta. Một khi đã phát triển trong tâm hồn, lập tức nó sẽ phá hủy sự bình yên trong tâm hồn và cuối cùng sẽ hủy diệt sức khỏe thậm chí hủy diệt luôn tình bạn giữa chúng ta và mọi người. Mọi hành vi tiêu cực chẳng hạn giết chóc, hà hiếp, lợi dụng, lừa lọc v.v… đều bắt nguồn từ tình cảm tiêu cực. Thế nên, đây thực sự là kẻ thù của chúng ta.

Kẻ thù bên ngoài có thể gây hại cho bạn ngay ngày hôm nay, nhưng ngày mai kẻ thù có thể trở thành bạn bè, trong khi đó kẻ thù trong tâm hồn luôn ở bên bạn và đó là loại kẻ thù cực kỳ nguy hại. Thế nên, đây là điểm chính chúng ta cần ghi nhớ: kẻ hủy diệt niềm hạnh phúc của chúng ta luôn tồn tại trong chính chúng ta.

Thế thì chúng ta cần phải làm gì? Nếu chúng ta không có khả năng đẩy lùi được kẻ thù này, thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên quên đi mọi triết lý tâm linh và hãy tìm thú vui ở bia rượu hoặc tình dục! Tuy nhiên, nếu chúng ta có khả năng đẩy lùi được kẻ thù này, tôi nghĩ rằng chúng ta nên nắm bắt ngay cơ hội này, chúng ta cần vận dụng thể xác và tâm hồn của mình để chủ động đẩy lùi hoàn toàn kẻ thù này. Đây là lý do tại sao quan điểm Phật giáo lại xem con người là rất quý báu, vì chỉ có con người mới có thể rèn luyện và chuyển hóa tâm hồn.

Khi nào kẻ thù này còn tồn tại trong chính chúng ta, khi nào chúng ta còn chịu sự tác hại của nó, khi đó niềm hạnh phúc trường tồn là điều không thể. Chỉ khi chúng ta thấu hiểu được sự cấp thiết của vấn đề này chúng ta mới phát huy được khao khát mãnh liệt muốn tìm kiếm sự tự do thoát ra khỏi mọi ảo tưởng.

—🌼🌸🌼—

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT
  3. TÌM NƠI NƯƠNG TỰA BÊN TRONG

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  3. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN