LUÔN LÀM CÁC ĐIỀU LÀNH

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp; Tác giả: Josheph Goldstein; Dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB: Hà Nội - Thái Hà Books

Đừng xem nhẹ những điều lành nhỏ

Với niềm tin chúng chẳng ích gì

Vì tường giọt từng giọt nước thôi

Đủ thời gian sẽ đầy chậu lớn.

PATRUL RINPOCHE

 

CHÚNG TA CHUYỂN TỪ BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA TẤT CẢ CHƯ PHẬT, không làm những điều ác, sang bài học thứ hai: Luôn làm các điều lành. Nguyên tắc này của Một Pháp phổ biến trong tất cả các truyền thống, đề cao những hành động tích cực mà chúng ta thực hiện cả vì lợi ích của mình và người khác. Thiện hạnh (những hành động thiện lành) tích tụ cái được gọi là “thiện đức” – một trong những khái niệm thường bị hiểu lầm nhất trong Phật giáo.

“Thiện đức” là cách dịch thông thường của từ punna trong tiếng Pali, có nghĩa đen là “phẩm tính tốt đẹp”, hay cái thanh tẩy và làm trong sạch dòng chảy của đời sống, mang lại kết quả tốt lành. Những thiện hạnh nắm giữ chìa khóa hạnh phúc trong đời sống của chúng ta. Chúng là những hạt giống hạnh phúc của mọi loại, cả những thành tựu thế gian tạm thời và cả những thành tựu tâm linh. Chính việc tích lũy thiện đức làm cho những thành tựu này trở thành có thể. Nhưng chúng ta đã nhầm lẫn ý nghĩa của thiện đức khi sử dụng khái niệm này để củng cố một số ý thức về tự ngã, về một người nào đó đứng sau tất cả các hành động, đạt được sao vàng cho các hành vi tốt. Đúng hơn, khái niệm thiện đức xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về sự tương thuộc lẫn nhau, sự hiểu biết rằng mọi thứ đều phát sinh từ các nguyên nhân. Những thiện hạnh chỉ đơn giản là những hành động có khả năng mang lại hạnh phúc và phước lành trong cuộc sống của chúng ta.

Vào đêm thành đạo, Bồ Tát với cái thấy thanh tịnh đã thấy những chúng sinh sinh ra và chết đi, hết lần này đến lần khác, bị thúc đẩy bởi những luồng gió nghiệp của họ, Ngài đã hiểu rõ các loại hành động khác nhau đều mang lại những kết quả tương ứng. Từ góc độ này, chúng ta hãy xem xét những hành động và động cơ nào là nguyên nhân và điều kiện cho hạnh phúc chân chính. Chúng ta cần khám phá tâm thức và cuộc sống của mình để tự nhìn nhận chính bản thân mình.

Robert Thurman, một hành giả và học giả về Tây Tạng, đưa ra một ví dụ điển hình về cách mà hạnh phúc của chúng ta gắn bó chặt chẽ với mọi người khác. Ông yêu cầu chúng ta hình dung đang ở trên một toa tàu điện ngầm đông đúc suốt thời gian đi qua các trạm nghỉ! Một số người trên toa khá mãn nguyên khi ở đó, đọc báo hoặc ăn trưa. Những người khác bị kích động, khó chịu hoặc tức giận vì lý do này hay lý do khác, tạo ra rất nhiều căng thẳng trong toa. Biết rằng đây là những người đồng hành mãi với mình, thay vì chỉ đến điểm dừng kế tiếp, cách hành động khôn ngoan nhất là gì? Điều gì sẽ mang lại hạnh phúc lớn nhất? Rõ ràng rằng nếu bằng cách nào đó chúng ta có thể giảm bớt khổ đau của những người đồng hành với mình thì mọi người đều được hưởng sự an bình và hòa hợp lớn hơn. Một cách rốt ráo, hạnh phúc của riêng chúng ta phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác. Chúng ta chỉ thường quên rằng tất cả đều đang cùng nhau tham gia cuộc hành trình.

Như đã làm với rất nhiều điều chúng ta gặp trên con đường tu tập, Đức Phật đưa ra những hướng dẫn cho cuộc khảo sát rất quan trọng về việc “luôn làm các điều lành”. Cách hiểu điều này như sự từ bỏ, hay không hành động, trong mười hành động bất thiện đã được thảo luận trong chương trước. Một cách khác thể hiện điều này theo những nghĩa tích cực, chẳng hạn như coi trọng sự sống, rộng lượng, từ ái, v.v… Đó là một hệ thống quy chiếu khác nói về việc trau dồi sáu hành động thiện lành cụ thể, bắt đầu với cách chúng ta sống trong thế giới này và đạt đến đỉnh cao là trí tuệ của thiền.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC HÀNH TÂM BỒ ĐỀ
  2. KINH NGHIỆM ĐẦU TIÊN CỦA TÔI VỀ NIỀM TIN
  3. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ