HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Con phải luyện tâm cũng giống như luyện cơ bắp vậy. Nếu muốn rèn luyện thân thể thì con phải luyện tập đều đặn. Cũng giống như thế, nếu muốn luyện tâm con phải hành thiền hằng ngày. Con sẽ không thể vác nặng nếu cơ bắp yếu. Luyện tập là một quá trình tuần tự. Con phải tinh tấn và thường xuyên luyện tâm nếu con muốn khắc phục khó khăn và trở nên hằng ngày mạnh mẽ hơn. Mỗi khi con nhận biết ra một tư tưởng nào thì chánh niệm của con cũng trở nên mạnh mẽ như vậy. Từ từ rồi con sẽ xây dựng được nội lực.
Thoạt đầu, khắc chế các cảm xúc mãnh liệt không phải là điều dễ dàng. Nếu các cảm xúc quá dữ dội và con không thể dùng chánh niệm để khắc chế chúng thì con phải dùng một phương pháp khác. Lúc đó, con phải lập tức nghĩ đến một vị Bổn tôn, như Tara chẳng hạn, mà không để bị đắm chìm trong cảm thọ tiêu cực. Lúc đầu, con nhận biết rõ các cảm xúc nhưng chúng vẫn sẽ không biến mất. Đó là vì chánh niệm của con chưa đủ mạnh. Do đó, con phải luyện tâm trong tất cả các tình huống, chứ không chỉ khi con gặp phải rắc rối. Trước hết, con nên luyện tâm bằng cách nhận biết các tư tưởng nhẹ nhàng. Và nếu con tinh tấn và kiên trì luyện tâm thì cuối cùng con sẽ có thể đối trị các tư tưởng mãnh liệt. Và sau đó, không tư tưởng hay cảm xúc nào có thể quấy nhiễu con được nữa. Mọi thứ sẽ trở nên giống nhau. Và ngay khi thân xác vẫn còn trong luân hồi [nhưng] tâm thức sẽ được giải thoát. Con cần phải cố gắng giải thoát tâm thức hơn là giải thoát thân xác. “Tâm thức, khách trọ trong căn nhà thân xác, rồi sẽ phải ra đi” (Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo). Khi sự bám chấp giảm thiểu, con sẽ thấy được rằng mọi thứ đều phù phiếm ra sao và không thực sự tồn tại. Cuộc đời này giống như một giấc mơ vậy. Chẳng có cái gì là trường tồn, khổ đau và hạnh phúc đến rồi lại đi. Con phải buông bỏ được sự bám chấp vào những thứ không thể tồn tại dài lâu. Các tư tưởng tham muốn và bám chấp là vọng niệm của một tâm thức mê lầm. Chẳng cần thứ gì hết là tốt nhất.