FRITJOF CAPRA
Trích: Tấm Lưới Sự Sống; Một Cách Hiểu Khoa Học Mới Về Những Hệ Sống - T.S Fritjof Capra; Nguyễn Nguyên Hy dịch; NXB Tri Thức, 1996
Khi các nhà điều khiển học mô tả các kiểu thức liên tục và kiểm soát, yêu cầu tìm hiểu “logic của tư duy” (the logic of the mind) và nỗ lực biểu thị nó bằng ngôn ngữ toán học luôn luôn là trọng tâm của mọi cuộc thảo luận của họ. Vậy là suốt hơn mười năm các ý tưởng then chốt của điều khiển học đã được phát triển nhờ có sự tương tác rất thú vị giữa các nhà sinh học, toán học, và kĩ sư. Các nghiên cứu tỉ mỉ về hệ thần kinh con người đã dẫn đến mô hình của não bộ như là một mạch logic với các nơ-ron thần kinh đóng vai trò những yếu tố cơ bản của nó. Quan điểm này rất trọng đối với việc sáng tạo các máy tính số, và đột phá công nghệ ấy đến lượt mình lại đã cung cấp cơ sở khái niệm cho cách tiếp cận mới tới các nghiên cứu khoa học về tư duy. Sáng chế máy tính của John von Neumann và sự tương tự giữa máy tính và chức năng não quấn bện chặt chẽ với nhau đến nỗi khó mà biết được cái nào có trước.
Mô hình máy tính của sự hoạt động trí não trở thành tầm nhìn thịnh hành của khoa học nhận thức và thống trị ngành nghiên cứu não bộ 30 năm kế tiếp. Ý tưởng cơ bản là trí tuệ con người giống với trí tuệ máy tính đến nỗi nhận thức – quá trình hiểu biết – có thể định nghĩa như việc xử lí thông tin – nói cách khác, như việc truyền dữ kiện các kí hiệu dựa trên một bộ quy tắc nhất định.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã phát triển như một hệ quả trực tiếp của quan điểm ấy, và rất nhanh chóng sách báo đã tràn ngập những đòi hỏi ác ý về “trí tuệ” máy tính (computer “intelligence”). Chẳng hạn như Herbert Simon và Allen Newell đã viết ngay từ năm 1958:
“Ngày nay trên thế giới, các máy biết suy nghĩ, biết học hỏi, và biết sáng tạo. Hơn nữa, khả năng làm ra những thứ ấy sắp tăng rất nhanh cho tới khi – một tương lai thấy được – phạm vi các bài toán mà chúng có thể điều khiển sẽ mở rộng song song với phạm vi nào còn cần đến trí óc con người”.
Lời tiên đoán ấy cho đến ngày nay cũng vẫn lố bịch như 38 năm trước, dù cho nó vẫn được tin tưởng rộng rãi: sự hăng hái của các nhà khoa học và quảng đại công chúng về thứ máy tính ấy như một ẩn dụ đối với não người đã có một sự song song thú vị với lòng hăng hái của Descartes và những người đồng thời của ông đối với thứ đồng hồ làm ẩn dụ cho cơ thể vậy. Với Descartes đồng hồ là một chiếc máy duy nhất có chức năng tự động hóa, tự chạy một khi đã được lên dây cót. Đây là thời kì của Baroque Pháp khi các cơ chế đồng hồ đã được dùng rộng rãi để lắp những máy móc “giống như sống” (life-like) tinh khôn, làm công chúng say mê với ma thuật tự phát vận hành của chúng. Giống những người cùng thời của mình, Descartes rất say mê máy tự động, và đương nhiên ông so sánh việc chức năng của chúng với sự tự động của các cơ thể sống:
“Chúng ta nhìn các đồng hồ, các vòi phun nước nhân tạo, máy xay bột mì, và những cái máy tương tự khác, dù chỉ là do con người làm ra, mà lại có sức tự chuyển động theo các cách khác nhau… Tôi không nhận thấy có gì khác biệt giữa máy móc do người thợ khéo làm ra và những cơ thể khác nhau mà một mình tự nhiên sáng tác ra”.
Máy tự động của thế kỉ 17 là những máy tự động sớm nhất, và suốt 300 năm vẫn là duy nhất trong các máy móc cùng loại – cho tới khi sáng tạo ra máy tính. Máy tính lại là cái máy mới và duy nhất. Nó không chỉ vận hành tự động mỗi khi đã nạp chương trình và bật điện, nó còn làm được điều hoàn toàn mới: nó xử lý thông tin. Và vì von Neumann và những nhà điều khiển học thuở đều tin tưởng rằng não người, cũng thế, cũng xử lí thông tin, nên đương nhiên họ sử dụng máy tính làm ẩn dụ cho não bộ, thậm chí cho tư duy, y như Descartes sử dụng đồng hồ làm ẩn dụ cho cơ thể vậy.
Giống như mô hình Descarts xem cơ thể như cái máy tự động, mô hình xem não bộ như một cái máy tính ban đầu cũng rất hữu ích, cung cấp một khuôn khổ hấp dẫn cho cách hiểu khoa học mới mẻ về nhận thức và mở ra nhiều con đường tìm tòi tươi mới. Vào giữa những năm 1960, tuy nhiên, mô hình ban đầu, vốn đã cổ vũ mở rộng mọi miền biên cương của nó và khảo sát các phương án thay thế, đã khô cứng lại thành một thứ giáo điều, như vẫn thường xảy ra trong khoa học. Trải qua thập kỉ kế tiếp hầu như toàn bộ sinh học – thần kinh đã bị tầm nhìn xử lí – thông tin thống trị, mà gốc gác và các giả thiết nền móng của nó khó mà bị nghi vấn được nữa.
Các nhà khoa học máy tính đã đóng góp to lớn và việc củng cố vững chắc giáo điều xử lí – thông tin, bằng cách sử dụng các biểu trưng như “trí tuệ”, “trí nhớ”, và “ngôn ngữ” để mô tả máy tính, khiến cho đại đa số nhân dân – kể cả bản thân các nhà khoa học – tưởng rằng các thuật ngữ ấy hướng đến thực tại con người quen biết. Tuy nhiên, đây là một hiểu lầm nghiêm trọng, tiếp tay làm cho hình tượng kiểu Descartes, xem tồn tại người như các cỗ máy, sống dai thêm, thậm chí còn được củng cố vững thêm nữa.
Sự phát triển gần đây trong khoa học nhận thức đã vạch rõ rằng trí tuệ con người tuyệt đối khác với “trí khôn máy tính” hay “trí khôn nhân tạo”. Hệ thống thần kinh con người không xử lí thông tin nào hết (theo nghĩa là các yếu tố rời rạc làm – sẵn trong thế giới bên ngoài, phải được một hệ thống nhận thức nhặt nhạnh – khôi phục (pick-up)), mà nó tương tác với môi trường bằng cách liên tục điều chỉnh cấu trúc của nó. Hơn nữa, các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện bằng chứng mạnh mẽ rằng trí tuệ con người, trí nhớ con người, và các quyết định của con người không phải hoàn toàn lí trí, mà luôn nhuộm màu sắc cảm xúc, như tất thảy chúng ta đều biết rõ từ trải nghiệm bản thân. Suy nghĩ của chúng ta luôn luôn gắn bó với cảm xúc và quá trình cơ thể. Dù thường có có xu hướng đè nén chúng, chúng ta vẫn luôn luôn suy nghĩ cùng với cơ thể mình. Và vì cái máy tính không có một cơ thể như vậy, các vấn đề thực sự con người luôn luôn xa lạ đối với trí khôn của chúng.
Các khảo sát ấy hàm ý rằng có những trách nhiệm nhất định sẽ không bao giờ có thể giao cho máy tính, như Josseph Weizenbaum tuyên bố hùng hồn trong cuốn sách kinh điển Năng suất máy tính và Lí trí con người (Computer Power and Human Reason) của mình. Các trách nhiệm ấy bao gồm tất cả những gì cần đến phẩm chất con người thật sự, như trí thông minh (wisdom), lòng trắc ẩn (compassion), lòng kính trọng (respect), am hiểu – cảm thông (understanding), hoặc tình yêu (love). Các quyết định và liên lạc tin tức nào đòi hỏi các phẩm chất như thế sẽ làm mất nhân tính chúng ta nếu do máy tính thực hiện. Xin trích dẫn Weizenbaum:
“Đường ranh giới ngăn chia giữa trí tuệ người và trí tuệ máy cần phải vạch rõ. Nếu không có đường ranh giới ấy, thì các biện sĩ bênh vực liệu pháp tâm lí bằng máy tính có lẽ chính là “đấng rao giảng” một thời đại mà chung quy con người bị coi không hơn gì một cái máy… Ngay chính câu hỏi “Một vị thẩm phán (hay nhà tâm thần học) sẽ làm gì đây khi biết rằng chúng ta không thể truy tố một cái máy tính?” nghe đã ghê tởm quá dị rồi.”