MỘT CUỘC GẶP GỠ
Trích “Sống Chết Mỗi Ngày” – Tác giả: Yongey Mingyur Rinpoche & Helen Tworkov
Việt dịch: Sen Xanh – NXB Hà Nội, 2021
Ảnh: nguồn Internet

—🌿🌺🌿—
Việc anh này hứng thú sử dụng thiền để thăng tiến trong sự nghiệp làm tôi nhớ lại một cuộc trao đổi diễn ra ở Đài Loan giữa một giáo sư kinh tế Trung Quốc và một người bạn tu sĩ của tôi được đào tạo theo chương trình truyền thống dành cho học giả Phật giáo Tây Tạng. Vị giáo sư đã hỏi: Phật giáo có tính hiệu quả hay sáng tạo? Câu hỏi này khiến bạn tôi chết lặng. Anh ấy hầu như không hiểu hết được ý nghĩa hai từ này và cũng chưa bao giờ liên hệ chúng với Pháp. Mặc dù vậy, anh ấy lại muốn thể hiện rằng truyền thống của mình là rất tốt. Vì vậy, anh ấy cuối cùng đã đưa ra kết luận rằng Phật giáo có tính hiệu quả.
Vị giáo sư nói: Thực ra, hiệu quả cũng sẽ chẳng giúp ích được gì cho ai cả. Nếu người ta gắn những nỗ lực của mình vì một mục tiêu hiệu quả, họ sẽ mắc kẹt ở đó. Điều kiện sẽ luôn thay đổi. Đó là điều chắc chắn. Nếu chúng ta bám chấp vào các mục tiêu cố định về tính hiệu quả, chúng ta không thể cởi mở và linh hoạt. Chúng ta không thể thích nghi và đổi mới. Khi sự cứng nhắc bắt đầu lập trình, chúng ta sẽ không thể di chuyển các cột mục tiêu, ngay cả khi chúng không còn phục vụ mục đích của chúng ta nữa. Không sớm thì muộn, những sáng kiến mới về phương pháp, sản phẩm, chiến lược sẽ ra đời khiến cách thức hoạt động của chúng ta trở nên lỗi thời và không hiệu quả. Khi nhận ra rằng mình đang thụt lùi thì cũng đã muộn.
Người bạn của tôi đã rất khó ngủ vào đêm hôm đó. Anh tiếp tục suy nghĩ về cuộc thảo luận và vài ngày sau anh ấy đề nghị được gặp lại giáo sư một lần nữa. Lần này anh nói với giáo sư rằng: Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi đã trả lời sai. Phật giáo quan tâm đến sự sáng tạo nhiều hơn. Anh ấy giải thích rằng bản thân đã đi đến kết luận này bằng cách suy ngẫm về sự không chắc chắn. Bạn không bao giờ có thể chắc chắn về bất cứ điều gì. Vạn vật vô thường, cái chết đến mà không báo trước… Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào và mặc dù rất khó chịu khi nghĩ đến sự thật đó, nhưng ta vẫn không bao giờ thoát được viễn cảnh này, cho dù có cố gắng đến đấu. Vô thường là cầu nối giữa sinh và tử, khiến mỗi bước chúng ta đi đều không thể chắc chắn. Chúng ta phải linh hoạt để luôn cởi mở và đưa ra những phản hồi cần thiết. Sự linh hoạt đó chính là sáng tạo, người bạn tu sĩ của tôi giải thích cho giáo sư. Cho dù có thừa nhận hay không, chúng ta luôn có cơ hội, chính xác là bởi vì không có gì là chắc chắn. Chấp nhận vô thường và sự không chắc chắn cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận thất bại. Quá bận tâm về sự chắc chắn đồng nghĩa với việc bạn có cái nhìn cứng nhắc về sự thành công. Sáng tạo có nghĩa là luôn cởi mở với mọi thay đổi và sẵn sàng chấp nhận thất bại.
Tôi chia sẻ với anh bạn người Á: Đừng lo lắng về thành công hay thất bại. Bạn không biết tâm mình rộng lớn bao nhiêu, thế nên bạn không thể đo lường sự tiến bộ của nó. Không quá bận tâm tới mục tiêu không có nghĩa là bỏ cuộc. Nó có nghĩa là biết lắng nghe hiện tại, là biết phản ứng linh hoạt với những gì đang diễn ra và thoải mái đón nhận sáng kiến mới, thay vì lặp lại cái tôi cũ rích của bạn. Tất nhiên tâm thức của bạn sẽ có lúc đi lạc, có lúc bị mắc kẹt. Bạn sẽ bị phân tâm bởi các hình ảnh và âm thanh, sự điềm tĩnh của tâm có thể bị sụp đổ rồi lấy lại cân bằng. Đó là cách thức hoạt động của nó. Nếu bạn có thể chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra, dù là tốt, xấu hoặc không tốt không xấu, thì đó chính là cách thực hành tốt nhất.
Chúng ta cần phải bồi đắp sự tự tin nhất định để hiểu rằng bỏ đi lớp mặt nạ bên ngoài không phải là một hành động tự sát điên cuồng mà là để đổi mới. Tôi đã từng xem một video về những đứa trẻ làm mặt nạ thạch cao cho khuôn mặt của chúng từ các dải giấy báo nhúng trong bột và nước. Khi mặt nạ khô, bọn nhỏ tháo chúng ra, sơn đủ màu, sau đó buộc dây đeo lên mặt. Niềm vui của bọn trẻ rất dễ lan truyền. Tôi nhớ lại chuyện đó và nghĩ: Chỉ cần nhớ tháo bỏ mặt nạ ra. Khi bạn đã thêm chúng, bạn cũng có thể bớt chúng. Đừng quên điều đó.
Điều này cũng đúng với tất cả chúng ta. Một số nhà tâm lý học đã từng nói với tôi rằng những đặc điểm cá tính của trẻ nhỏ từ ba đến sáu tuổi sẽ phát triển thành các mẫu tính cách suốt đời. Những mẫu tính cách đó sau này càng được in dấu ấn khi tương tác với những môi trường phản ánh và củng cố những đặc điểm cá tính này. Hoặc chúng ta có thể nói: Bạn làm một chiếc mặt nạ và sau đó bạn trở thành chiếc mặt nạ đó. Trong mười đến mười lăm năm nữa, bạn hoàn toàn sống trong lớp mặt nạ này. Với sự cộng hưởng từ bạn bè và gia đình bạn, nó trở thành con người thật của bạn. Nhưng không hoàn toàn là như vậy. Bằng trực giác, vượt ngoài tâm vọng niệm, chúng ta biết có nhiều thứ tồn tại hơn là những chiếc mặt nạ đang che giấu con người thật của chúng ta. Trong đêm, một sự ưu phiền day dứt nghi ngờ sự chân thực của chính mình sẽ gặm nhấm chúng ta, nhưng thường chúng ta không biết phải làm gì, và cuối cùng cũng chả làm gì cả.
Quá trình luyện tâm sẽ lột bỏ những chiếc mặt nạ đó. Chúng ta không phải những con rô-bốt được lập trình để bắt chước chính mình, nhưng chúng ta đang không biết làm thế nào để sử dụng nguồn sáng tạo có sẵn để buông bỏ các hành vi học vẹt, ngay cả khi những hành vi đó khiến bản thân phát điên. Phòng thủ, cứng nhắc, lười biếng, cáu kỉnh hoặc ngượng ngùng – những hành vi này không có trong DNA của chúng ta và ta không cần phải tiếp tục chịu những ảnh hưởng phá hoại từ chúng. Chúng có thể chết trước chúng ta. Chúng ta sẽ vẫn sống sau cái chết của những danh tính đang mạo nhận chính mình và cái chết của những chiếc mặt nạ. Chúng ta sẽ không chỉ sống sót mà còn phát triển rực rỡ.
Anh bạn người Á ngồi yên lặng, gật đầu. Anh nhìn chăm chú, đầy cảm kích, rồi dần chuyển sang trạng thái buồn. Có lẽ anh ấy đã manh nha thấy được việc sẽ sớm phải nói lời từ biệt với những hành vi mình đã từng nâng niu. Anh cảm ơn tôi và chúng tôi chia tay nhau, mỗi người trở về chỗ của mình để thiền.
Hai ngày tiếp sau, anh bạn tiếp tục tiếp cận tôi. Anh hỏi tôi đã học thiền ở đâu. Tôi kể rằng cha tôi là một bậc thầy Phật giáo và tôi đã được đào tạo tại tu viện truyền thống. Tôi không hỏi anh câu nào vì muốn giữ ranh giới của một cuộc nhập thất lang bạt đơn độc. Mặc dù tôi muốn giúp anh trong việc thực hành, nhưng cũng không định bắt đầu một tình bạn. Nhưng anh có vẻ thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng và hỏi liệu tôi có thể giới thiệu cho anh ấy một bài thực hành theo truyền thống không.
Dường như vấn đề lớn của người đàn ông này vẫn là cố gắng kiểm soát suy nghĩ. Và anh ấy bị mắc kẹt với ý tưởng rằng thiền là để đạt được hỷ lạc và sáng tỏ thông qua việc “không suy nghĩ, một hiểu biết sai lầm phổ biến. Tinh túy của thiền là tỉnh giác. Hỷ lạc, sáng tỏ, bình an nội tâm là những sản phẩm phụ, chúng không phải là tinh túy của thiền. Chúng ta càng nỗ lực để đạt được những điều này bao nhiêu thì tâm càng bị bó hẹp bởi những suy nghĩ về điều gì cần phải xảy ra. Ý tưởng về những điều cần phải xảy ra làm suy giảm khả năng nhận ra tính biết của chính mình.
Tôi quyết định giới thiệu anh ấy với thiền ý niệm. Tôi để nghị anh ấy bắt đầu bài thiền này với các hướng dẫn tương tự như thiền chánh niệm hơi thở. Giống như cách bạn đặt tâm vào hơi thở, bây giờ hãy đặt tâm vào ý nghĩ của bạn. Bất cứ điều gì xảy ra chỉ cần quán sát. Hãy sử dụng ý nghĩ làm đối tượng hỗ trợ cho thiền giống như cách mà bạn sử dụng hơi thở. Hơi thở không bao giờ đứng yên dù chỉ một giây, nhưng nó có thể là điểm neo ổn định. Vì vậy, hãy cố gắng thực hành theo cách này, chỉ cần nhận biết ý nghĩ của bạn mà không chạy theo chúng.
Ý nghĩ đến rồi đi. Không sao cả. Ghi nhận được âm thanh hay cảm giác, cũng không có vấn đề gì. Ghi nhận những cảm giác khó chịu trong cơ thể bạn, sự kích động, bồn chồn. Cũng tốt thôi. Hãy an trú trong sự sáng tỏ của tâm, của cái biết đơn thuần. Hãy nhận biết mà không khái niệm hóa. Nhận biết mà không để bản ngã câu thúc bám chấp, hãy nhận biết mà không chấp thủ. Điều này kết nối bạn với thực tại bên trong, với trí tuệ nội tại của bạn.
Tôi đề nghị anh thử cách này rồi sau đó quay lại cho tôi biết kết quả. Anh ta rời đi để thiền riêng ở một chỗ khác của công viên. Khoảng một giờ sau anh quay lại và nói với tôi: Khi tôi cố gắng nhìn vào những ý nghĩ, tôi không thể tìm thấy chúng. Đầu óc tôi trở nên trống trơn.
Đó chính là bí mật của thiền ý niệm, tôi trả lời. Những gì bạn gọi là trống trơn chính là tính biết mở rộng. Ở đây, tính biết không trụ lên một đối tượng nào, như hơi thở hoặc suy nghĩ Cái biết tự nhận biết chính nó. Nó nhận ra phẩm tính thấy biết, tìm rỗng rang vẫn luôn hiện diện của tâm. Khi một người truy một ý nghĩ và đột nhiên không thể tìm ra được ý nghĩ nào, trong khoảnh khắc đó không có đối tượng mà chỉ có cái biết, đó chính là cơ hội hoàn hảo để nhận ra tính biết mà không bị mắc kẹt bởi một đối tượng. Nhưng bạn không quen với việc nhận ra điều đó. nên bạn nghĩ rằng nó là trống trơn hoặc không có gì.
Sau đó, tôi chỉ ra rằng sau trải nghiệm trống trơn, anh ấy đã nhận ra bản thân không thể tìm thấy suy nghĩ của mình. Tôi giải thích: Trải nghiệm này vẫn chưa phải là cái biết rỗng rang thực sự, nhưng nó rộng lớn hơn một chút so với những dòng thác ý niệm. Đây là cái biết không còn quá nhiều tạp niệm. Nếu chúng ta gạt bỏ trải nghiệm trống trơn này vì cho rằng nó không liên quan hoặc không quan trọng thì cũng là một thiếu sót. “Sự trống trơn” tồn tại trong cái biết, nhưng ngay cả khi chúng ta không nhận ra nó thì ta cũng cảm thấy có ít suy nghĩ hơn, tâm bớt quay cuồng hơn. Nếu có thể tự nhận ra rằng sự trống trơn có ít suy nghĩ hơn thì bạn đang kết nối với phẩm tính của tâm rỗng rang, và trong khoảnh khắc đó bắt đầu có sự sáng tỏ và thấu suốt. Tâm sáng tỏ này là gì? Đó là tâm thấy các suy nghĩ khởi lên trong tính biết.
Nói cách khác, khi bạn nhận ra tính biết thì trải nghiệm về sự trống trơn – hay khoảng trống – trở thành một cảm giác rỗng rang. Anh bạn người Á thấy được khoảng trống đó. Đối với một số người, khi quan sát suy nghĩ, họ có thể nhìn thấy suy nghĩ.
—🌿🌺🌿—