JIM ROHN
Đây là hai câu tôi muốn bạn xem xét: Thứ nhất: “Cuộc sống và thương mại giống như các mùa.” Thứ hai: “Bạn không thể thay đổi các mùa nhưng bạn có thể thay đổi chính mình.”
Bây giờ, với sự dẫn đường của hai câu nói trên, chúng ta hãy xem xét về các mùa của cuộc sống và cách mà bạn có thể kiểm soát chúng tốt nhất:
Đông: Thời để tăng trưởng mạnh
Đầu tiên và trước hết, hãy học cách để kiểm soát mùa đông. Có đủ mọi loại mùa đông. Có mùa đông kinh tế khi những con sói tài chính ở trước cửa; có mùa đông thể chất, khi sức khỏe của chúng ta tồi tệ; có mùa đông cá nhân, khi trái tim chúng ta tan nát. Ngày đông tháng giá. Những thất vọng. Cô đơn. Đó là cách mà những bản nhạc buồn được viết ra.
Thế thì câu hỏi lớn là làm thế nào chúng ta kiểm soát được mùa đông. Một vài người đến bên tờ lịch và xé đi tháng Giêng rồi giả như nó không tồn tại. Nhưng đó là cách làm trẻ con. Nó không giải quyết được điều gì.
Để tôi nói cho bạn biết cách mà người trưởng thành làm: Họ trở nên mạnh mẽ hơn. Họ trở nên khôn ngoan hơn. Họ trở nên tốt hơn.
Đó không phải là một ý tưởng tồi – dùng mùa đông để phát triển cá nhân.
Trước khi hiểu được điều này, tôi thường dành những mùa đông của tôi để mong chờ mùa hạ. Tôi đã không hiểu.
Thế rồi, cuối cùng, khi tôi vừa trải qua một mùa bán hàng tồi tệ, Shoaff bảo: “Đừng mong nó sẽ dễ dàng hơn, cậu hãy mong mình tốt hơn. Đừng mong sẽ có ít trục trặc hơn, hãy mong có nhiều kỹ năng hơn. Đừng mong có ít thử thách hơn, hãy mong được khôn ngoan hơn.” Vì thế tôi không thể thực tâm nói với bạn rằng tôi đã hoan nghênh mùa đông nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tôi đã sử dụng chúng để tăng tốc cho mùa xuân, luôn đến sau mùa đông.
Xuân: Thời để tận dụng
Hãy học cách tận dụng mùa xuân. Hãy là chốn tuyệt vời cho mùa xuân hiển hiện, ngay sau mùa đông. Cơ hội theo sau khó khăn. Sự phát triển theo sau thoái trào – giống như một guồng máy. Thượng đế là một thiên tài.
Mùa xuân là thời gian để tận dụng các cơ hội. Hãy ghi chú hai từ này: TẬN DỤNG. Đừng để thời tiết dễ chịu đánh lừa bạn. Nếu bạn muốn tốt đẹp vào mùa thu thì đây là lúc để gieo hạt. Thực tế, tất cả chúng ta đều phải xuất sắc ở một trong hai việc. Hoặc là trở nên giỏi trồng trọt trong mùa đông hoặc là phải học cách ăn xin trong mùa thu.
Vì thế hãy bận rộn trong mùa xuân. Chỉ có một số mùa xuân cho mỗi người. Ban nhạc The Beatles’ từng viết, “cuộc đời quá ngắn”. Và với John Lennon vào lúc ở trên đường phố New York thì cuộc đời là cực ngắn.
Hạ: Thời để chăm sóc
Hãy học cách chăm bón và bảo vệ mùa màng của bạn suốt mùa hè. Bạn cần hiểu rằng ngay khi bạn gieo trồng, côn trùng và cỏ dại sẽ cố tìm cách hủy hoại mùa màng của bạn. Và chúng sẽ thành công nếu bạn không ngăn cản chúng.
Một phần của thành công là học được cách bảo vệ những gì bạn đã tạo ra. Và đó là bài học lớn nhất của mùa hè.
Đây là hai sự thật mà bạn sẽ học trong suốt mùa hạ của mình:
Thứ nhất, bạn sẽ học được rằng mọi điều tốt đẹp đều sẽ bị tấn công. Đừng ép tôi đưa ra lý do. Tôi không biết tại sao. Nhưng tôi thực sự biết rằng đó là sự thật. Tất cả mọi khu vườn sẽ bị xâm lấn. Nếu không hiểu được điều này thì bạn quá ngây thơ.
Thứ hai, bạn sẽ học được rằng mọi giá trị phải được bảo vệ. Mọi giá trị – xã hội, chính trị, hôn nhân, thương mại – phải được bảo vệ. Mỗi khu vườn phải được chăm sóc trong suốt mùa hè. Trừ phi bạn bảo vệ những gì mình tin, nếu không khi mùa thu đến bạn chẳng còn lại gì.
Thu: Thời để nhận trách nhiệm
Mùa thu là mùa chúng ta thu hoạch thành quả từ mùa xuân và mùa hạ của mình. Sự trưởng thành có thể được định nghĩa bằng khả năng chịu trách nhiệm về những mùa vụ mà chúng ta đã chăm sóc, dù bội thu hay yếu kém.
Chịu hoàn toàn trách nhiệm là một trong những hình thức cao nhất xác định mức độ trưởng thành của mỗi con người và cũng là một trong những điều khó nhất. Đó là ngày bạn bước qua tuổi thơ để thành người lớn.
Hãy học cách chào đón mùa thu mà không hề phải hối lỗi hay than vãn – không hối lỗi nếu bạn đã làm tốt và không than vãn nếu bạn đã không làm tốt. Điều đó không dễ nhưng nếu bạn đủ trưởng thành bạn sẽ làm được.
Khi còn trẻ, tôi đã từng gặp rất nhiều vấn đề với chuyện này. Phòng trường hợp có ai hỏi, tôi thường mang theo bên mình danh sách những lý do khiến tôi không làm tốt. Danh sách mà tôi gọi bằng cái tên đơn giản “những lý do không làm tốt” với rất nhiều “chứng cớ ngoại phạm”.
Tôi đổ lỗi cho chính phủ. Chính phủ nằm ở đầu danh sách của tôi.
Tôi đổ lỗi cho thuế. “Nhìn xem bạn còn lại gì sau khi họ đã lấy mọi thứ.”
Tôi đổ lỗi cho giá cả. “Bạn vào một siêu thị với 20 đôla và bước ra với nửa túi thực phẩm.”
Tôi đổ lỗi cho thời tiết.
Tôi đổ lỗi cho giao thông.
Tôi đổ lỗi cho chiếc xe của mình và nhà sản xuất xe hơi.
Tôi đổ lỗi cho những mối quan hệ tiêu cực: “Họ luôn phán xét tôi.”
Tôi đổ lỗi cho những người hàng xóm yếm thế của mình.
Tôi đổ lỗi cho cộng đồng.
Thấy chưa, tôi có rất nhiều lý do thuyết phục cho việc không làm tốt. Ít ra tôi đã nghĩ vậy.
Shoaff rất tốt bụng nhưng ông ấy cũng thẳng tính. Một ngày nọ ông ấy nhìn tôi với nét mặt hơi lạ lùng và hỏi: “Jim, chỉ là vì tò mò, cậu cho tôi biết tại sao đến giờ cậu đã không làm tốt mọi thứ?” Câu hỏi xuất sắc, đúng không?
Hừm, để chứng tỏ mình không đến nỗi tệ, tôi quyết định nêu hết mọi lý do trong danh sách của mình. Tôi đã lấy hết can đảm để làm điều đó.
Tôi nêu hết danh sách lê thê này – chính phủ, thuế má giá cả – mọi thứ. Ông ấy kiên nhẫn lắng nghe tôi nêu mọi lý do. Khi tôi nói xong ông ấy săm soi danh sách của tôi trong vài giây. Cuối cùng, lắc đầu, ông ấy nói: “Chỉ có một điểm sai trong danh sách của cậu… Cậu không có trong đó.”
Sau đó, tôi nhanh chóng xé danh sách “những lý do không làm tốt” của mình. Rồi tôi lấy một tờ giấy mới và viết vào đó một chữ “Tôi”.
Tôi thường đổ lỗi cho mọi thứ bên ngoài về sự thiếu tiến bộ của mình cho đến khi tôi phát hiện rằng vấn đề của mình là từ chính mình.
Không phải những gì xảy ra quyết định kết quả. Những gì xảy ra thì đã xảy ra. Và nó xảy ra với tất cả mọi người.
Mọi người đều có câu chuyện của mình. Một vài người nói, “Vâng, nhưng ông không hiểu nỗi thất vọng tôi từng trải qua.” Thôi nào! Mọi người đều có những nỗi thất vọng. Thất vọng không phải là quà tặng đặc biệt chỉ dành cho bạn. Câu hỏi là, bạn sẽ làm gì với chúng?