MỨC NĂNG LƯỢNG KIÊU HÃNH (175) VÀ CAN ĐẢM (200) TRONG THỂ THAO

DAVID R. HAWKINS

Trích: Power vs Force, Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần, Sức Khỏe Con Người; Việt dịch: Quế Chi – Hoàng Lan; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Phẩm chất đặc trưng của sự vĩ đại chân chính trong thành tích thể thao là luôn luôn khiêm tốn (như Pablo Morales sau khi nhận Huy chương Vàng trong Thế vận hội Olympics Mùa hè năm 1992). Các vận động viên vĩ đại chân chính đã thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng sâu xa và một nhận thức rằng thành tích của họ không chỉ là kết quả nỗ lực cá nhân – nỗ lực tối đa của cá nhân đã đưa họ tới điểm bứt phá mà ở đó họ được một năng lượng lớn hơn năng lượng của bản thân nâng đẩy. Điều này thường được diễn tả như một sự khám phá ra một khía cạnh nào đó của Bản thể lớn hơn mà trước nay chưa từng được biết đến, hoặc chưa từng được trải nghiệm trong dạng thức thuần khiết của nó.

Thông qua vận động học, chúng tôi có thể chứng minh rằng nếu một người được thúc đẩy bởi bất cứ trường năng lượng nào dưới mức Can đảm, thì người đó sẽ yếu đi. Gót chân Achilles khét tiếng, thứ không chỉ kéo tụt các vận động viên mà còn cả tiềm năng vĩ đại trong thành tích của con người ở tất cả các lĩnh vực, chính là Lòng kiêu hãnh. Kiêu hãnh, có điểm hiệu chỉnh 175, không chỉ khiến người ta suy yếu mà còn không thể cung cấp được năng lượng thúc đẩy của tình yêu, danh dự hoặc lòng quyết tâm vươn tới một nguyên tắc cao hơn (hoặc thậm chí tới sự ưu tú của bản thân). Nếu chúng ta yêu cầu một vận động viên tràn đầy năng lượng nghĩ về việc đánh bại đối thủ, hoặc trở thành một ngôi sao, hoặc kiếm được nhiều tiền, hoặc trở nên nổi tiếng, thì anh ta sẽ thử yếu và chúng ta có thể ấn cánh tay cơ bắp lão luyện của anh ta xuống mà không cần tốn nhiều lực. Cũng chính vận động viên ấy nếu nghĩ tới danh dự cho tổ quốc hoặc cho môn thể thao anh đang chơi, về lòng nhiệt huyết đối với việc trình diễn cho người anh ta yêu thương, hoặc thậm chí là niềm vui tột độ có được khi nỗ lực tột bực để đạt tới sự ưu tú, thì anh ta sẽ thử mạnh và chúng ta không thể ấn cánh tay anh ta xuống dù có cố thế nào.

Do đó, người thi đấu nào mà có động cơ là lòng kiêu hãnh hoặc lòng tham, hoặc chỉ quan tâm đến chuyện đánh bại đối thủ, thì sẽ suy yếu ngay khi tiếng súng bắt đầu vang lên và không thể liên tục phát huy hết khả năng, một việc cần thiết để đạt được thành tích xuất sắc. Nhiều khi, chúng ta thấy một vận động viên bắt đầu rất tệ vì những lý do này, nhưng khi anh ta quên đi những mục tiêu vị kỷ và sự hơn thua, chúng ta thấy anh ta tiến bộ rõ rệt. Chúng ta cũng nhận thấy chuyện ngược lại xảy ra khi một vận động viên lúc đầu thể hiện khá tốt bởi anh ta thi đấu vì danh dự quốc gia, vì tập thể của mình hoặc vì danh dự của chính môn thể thao đó, nhưng rồi lại xuống dốc khi gần tới đích vì những kỳ vọng vào vinh quang hoặc chiến thắng cá nhân, những bon chen hơn thua với đối thủ đã khiến anh mất đi sức mạnh và phong độ.

Một chuỗi ý thức không thích hợp nảy ra trong đầu vận động viên khi anh ta lập một kỷ lục mới trong những lần thi thử, dấy lên trong anh những tham vọng cá nhân mới, và rồi trong cuộc thi cuối cùng, anh ta xáo động trước sự cuồng nhiệt của khán giả. Nếu các vận động viên hàng đầu thấm thía được rằng sự ưu tú của họ không phải là thành tựu cá nhân, mà là món quà thuộc về cả nhân loại như một biểu hiện cho tiềm năng của con người thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ và duy trì được sức mạnh đó trong suốt cuộc thi.

Ở một khía cạnh nào đó, tầm vóc của ý thức có thể được xem như là tầm vóc của cái tôi, mà mức điểm hiệu chỉnh 200 chính là bản lề nơi vị kỷ bắt đầu chuyển sang vị tha. Trong một chốn năng lượng loãng như thế vận hội Olympics, những hệ quả khủng khiếp, cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống tập thể, của những động cơ xuất phát từ những cấp độ dưới 200 đều được minh họa quá rõ qua những vụ bê bối. Quá mong mỏi giành được huy chương Olympics và đánh bại đối thủ bằng bất cứ giá nào, các vận động viên có thể bỏ bê sức mạnh của nguyên tắc đạo đức và tụt dốc tới cấp độ khủng khiếp nhất của lực. Khó có ví dụ nào rõ ràng hơn việc một trường điểm hút tiêu cực có thể khiến cho một sự nghiệp thể thao đầy hứa hẹn sụp đổ nhanh chóng dễ dàng đến mức ấy.

Ở nơi những động cơ cao thượng hướng tới sự ưu tú, sự xuất sắc mở lối vào địa hạt của ơn phước và sức mạnh, thì những động cơ lấy bản thân làm trung tâm, nhắm tới mục tiêu cá nhân sẽ như một thỏi nam châm cuốn con người ta vào địa hạt của lực. Sự công nhận – thậm chí chỉ dưới dạng biểu tượng là một tấm huy chương, chứ chưa nói đến phần thưởng tài chính có thể đi kèm – chẳng liên quan gì đến sự vĩ đại chân chính của vận động viên, sự vĩ đại đó xuất phát từ việc đạt được tầm vóc về tinh thần; chính vì nó mà chúng ta ca ngợi nhà vô địch. Cho dù vận động viên không đầu hàng trước những cám dỗ của quyền lực và danh tiếng, thì động cơ làm bá chủ trong môn thể thao đó, chứ không phải chỉ đơn thuần đẩy xa giới hạn khả năng con người, vẫn có tác động hủy hoại, ích kỉ – ào ào cuốn qua với các lực tiêu cực gắn với cấp độ Kiêu hãnh.

Về bản chất, ít nhiều biểu hiện của lòng kiêu hãnh chẳng có gì là sai. Tất cả chúng ta đều có thể rất tự hào khi giành được cúp quốc gia hoặc khi các vận động viên của chúng ta đạt huy chương Olympics, nhưng đó là một kiểu tự hào khác. Đó là một kiểu vinh danh thành tích của con người. vượt lên trên lòng kiêu hãnh cá nhân. Chúng ta vinh danh nỗ lực, chứ không phải thành tựu, đó chỉ là tình huống cụ thể và là biểu hiện của cái gì đó lớn lao hơn, phổ quát và tự tính trong trái tim con người. Olympics, một trong những sân chơi kịch tính nhất để con người nỗ lực, và một nơi có thể thu hút được toàn bộ sự chú ý của mọi người, đã cung cấp một bối cảnh có thể làm trung hòa lòng kiêu hãnh cá nhân. Toàn bộ hoàn cảnh này khuyến khích vận động viên thi đấu vươn lên thoát khỏi lòng kiêu hãnh cá nhân để đạt được một sự tự tôn vốn là biểu hiện của tình yêu vô điều kiện, và vinh danh cả các đối thủ vì sự hiến dâng của họ cho chính những nguyên tắc cao thượng này.

Truyền thông có xu hướng khơi gợi mặt trái của thể thao và hủy hoại vận động viên, vì sự nổi tiếng vô tình hay hữu ý đã khơi ra xu hướng chỉ nghĩ đến cái tôi. Những vận động viên vĩ đại cần gột sạch nguồn ô nhiễm này. Lòng khiêm tốn và biết ơn dường như là những tấm khiên duy nhất có hiệu quả đối với những cuộc tấn công, khai thác của truyền thông. Vận động viên các môn võ truyền thống đã áp dụng nhiều bài tập để vượt qua bất cứ khuynh hướng nào ngả về phía cái tôi. Sự tận hiến kỹ năng, màn trình diễn, hoặc cả sự nghiệp cho một nguyên tắc cao cả chính là tấm khiên vững chắc tuyệt đối và duy nhất.

Sức mạnh thể thao chân chính được đặc trưng bởi tình thần cao thượng, sự nhạy cảm, tĩnh lặng nội tại và ngược đời thay, sự dịu dàng tử tế trong cuộc sống phi cạnh tranh của những vận động viên thi đấu thậm chí là dũng mãnh nhất. Chúng ta chúc mừng nhà vô địch vì công nhận rằng anh ta đã vượt qua được tham vọng cá nhân thông qua sự hi sinh và lòng tận hiến cho một nguyên tắc cao cả. Người vĩ đại trở thành huyền thoại khi họ làm gương cho chúng ta chứ không phải lớn tiếng rao giảng. Vấn đề không phải ở việc họ có gì, hay họ làm gì, mà ở chỗ họ đã trở thành cái gì, quá trình đó đã truyền cảm hứng cho nhân loại như thế nào, và chúng ta vinh danh, ca ngợi họ vì điều đó. Chúng ta nên tìm cách bảo vệ sự khiêm nhường của họ trước những thế lực chuyên lợi dụng, khai thác họ bằng những lời tán dương trong thế giới thường nhật. Chúng ta cần giáo dục công chúng rằng tài năng và màn trình diễn tuyệt vời của những vận động viên này chính là món quà đối với nhân loại, chúng cần được tôn trọng và bảo vệ khỏi sự lạm dụng của truyền thông và thế giới thương mại.

Tinh thần thể thao Olympics trú ngụ trong trái tim của mỗi con người, bất kể giới tính. Các vận động viên vĩ đại có thể làm gương để đánh thức ý niệm về các nguyên tắc này trong bất cứ ai. Những anh hùng này và các phát ngôn viên của họ mang trong mình một sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại, nói không ngoa, đó chính là sức mạnh nâng cả thế gian trên đôi vai của họ. Việc bồi dưỡng và trau dồi sự ưu tú và nhận thức về giá trị của nó là trách nhiệm của tất cả mọi người, vì chính yêu cầu về sự xuất sắc trong mọi lĩnh vực của con người đã khích lệ tất cả chúng ta đi theo xu hướng hiện thực hóa sự vĩ đại tiềm tàng của bản thân dưới mọi dạng thức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HÌNH THÀNH TÍNH CÁCH VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TÍNH CÁCH TÍCH CỰC THEO ĐỊNH CHUẨN CỦA Bs.Ts. DAVID R. HAWKINS
  2. NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN MANG TÍNH SIÊU VƯỢT
  3. CHỨNG KIẾN VÀ QUAN SÁT KHÔNG DÍNH MẮC

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH